Ocean Vuong (Vương Quốc Vinh) sinh năm 1988, là một nhà văn người Mỹ gốc Việt. Năm hai tuổi, anh cùng người thân di cư sang Mỹ và định cư tại Hartford, Connecticut. Dù còn rất trẻ nhưng Ocean Vuong đã xuất bản ba cuốn sách và được giới văn học dòng chủ lưu ở Mỹ công nhận. Năm 2016, anh đoạt hai giải Whites và năm 2017, đoạt giải Eliot TS ở hạng mục thơ.
Trải qua tuổi thơ gian nan vì bất đồng ngôn ngữ nơi xứ người, phải chịu cảnh phân biệt chủng tộc, và là đứa trẻ lớn lên trong một gia đình người Việt đang gồng mình mưu sinh trên đất Mỹ, Ocean Vuong đã rút tỉa đau đớn thành kinh nghiệm, học cách “dịch để tồn tại” giữa hai nền văn hóa. Điều này thể hiện ở hầu hết các thực hành văn chương của Vuong.
Ngôn ngữ với lịch sử kí ứcVốn thuộc thế hệ nhà văn sinh ra và trưởng thành tại Mỹ (sau khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam kết thúc không lâu), tiếng mẹ đẻ đối với Ocean Vuong hiện hữu vừa như một sở thuộc, vừa như thứ tài sản của kẻ khác mà anh phải cố gắng thích nghi và sở hữu trong tình thế đứng giữa hai luồng văn hóa phương Tây – phương Đông, cộng đồng Mỹ và gia đình Việt của mình. Thế nhưng, tiếng Việt của Ocean Vuong không đơn giản chỉ là học cách phát âm, làm quen ngữ nghĩa của câu chữ, mà còn là cầu nối giúp anh tiếp cận quá khứ qua kí ức và chấn thương của bà và mẹ mình.
“Khi người ta hỏi
con đến từ đâu,
hãy cho họ biết tên con
được xẻ thịt từ cái miệng sún
của người đàn bà phôi thai từ chiến tranh.”
(đầu-đi-trước, Hoà Bình Lê dịch)
Chiến tranh rất hay xuất hiện trong các sáng tác của Vuong, và song hành với nó thường là hình ảnh người phụ nữ (cụ thể là mẹ hoặc bà, những người đã nuôi nấng anh). Vuong sáng tác bằng cảm thức tiếng Việt kế thừa không toàn vẹn từ gia đình, cùng với ngôn ngữ Anh mà mãi tới năm mười một anh mới có thể viết và nói một cách trôi chảy. Điều này thể hiện rất rõ từ Trời đêm những vết thương xuyên thấu đầy bạo lực, ám ảnh về căn cước và sự tồn vong, tới Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, vẫn nỗi băn khoăn về căn cước nhưng cụ thể hơn, xoáy sâu vào quá trình hoà nhập đầy gian nan của gia đình mang nặng mặc cảm chiến tranh trên đất Mỹ; rồi đến Thời gian là một người mẹ (Times is A Mother) – tập thơ mới nhất dành tặng người mẹ quá cố, người phụ nữ thường xuyên xuất hiện trên các trang viết của Vuong với những chấn thương dữ dội, nhưng luôn cố yêu thương anh theo cách của bà.
Tiếng mẹ đẻ, sự mồ côi và cuộc chơi của tiểu thuyết
Khi nói về tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt), Vuong đề cập đến cái lưỡi, và liên tưởng rằng tiếng mẹ đẻ của gia đình Chó Con là một ngôn ngữ cụt lủn – “Nhưng nếu tiếng mẹ đẻ ấy cụt lủn thì sao? Nếu thứ tiếng đó không chỉ là biểu tượng của khoảng không, mà bản thân nó là khoảng không, nếu cái lưỡi được mẹ đẻ ra đó bị cắt cụt?” và ở một đoạn khác, anh viết: “Tiếng Việt của mẹ con mình là một tráp kỷ vật, đánh dấu nơi sự học của mẹ kết thúc, hoá thành tro. Nên, mẹ à, nói tiếng mẹ đẻ đối với mình là nói thứ tiếng Việt dở dang, nhưng là nói tiếng chiến tranh hoàn thiện.” (Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian).
Với tiểu thuyết hư cấu mang hơi hướm tự sự này, Vuong cụ thể hoá những bạo lực từng đề cập trong thơ ca trước đó thành kí ức của hai người phụ nữ đã nuôi nấng nhân vật Chó Con. Một người bà bị còng lưng vĩnh viễn vì di chứng chiến tranh, hễ nghe tiếng pháo nổ là lập tức hoảng loạn vì bị kéo tuột trở lại quá khứ đầy rẫy đạn bom. Một người mẹ bật khóc trước trò hù dọa bắt chước tiếng bom “Bùm” bất ngờ của đứa con trai, mất bình tĩnh tới nỗi thở hổn hển.
Môi trường của tiếng Việt trong tiểu thuyết này nói chung và các thực hành văn chương khác của Vuong nói chung, rất hãn hữu, hầu như chỉ gói gọn trong không gian gia đình ba người (đôi khi bốn, gồm cả cha dượng nhân vật). Khi ở không gian công cộng, nó bị giản lược đi thành những từ rất ngắn. Hiện hữu khắp nơi trong cuộc chơi ngôn từ này là nỗi đớn đau vì sự bất lực của tiếng mẹ đẻ, vì trạng thái của cái lưỡi “bị cắt cụt”, không có chỗ đứng. Bấy giờ, tiếng Việt của gia đình Vuong là một “ngôn ngữ mồ côi”, còn tiếng Anh lại ngôn ngữ thống trị, xâm nhập vào cuộc sống của người nhập cư theo nhiều cách. Quyền năng của nó có khả năng khiến vai vế, căn cước của chủ thể đều bị “đảo ngược”.
Tiếng mẹ đẻ của chủ thể nhập cư tồn tại vừa như một cái sở thuộc, vừa như một thứ tài sản của kẻ khác mà họ phải cố gắng thích nghi trong môi trường Mỹ. Nó giúp họ lưu truyền kí ức của những người thuộc cộng đồng mình, song đồng thời cũng khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc hoà nhập với cộng đồng mới. Tuy nhiên, với tiểu thuyết này, Ocean Vuong đã tạo ra một cuộc chơi.
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là một thực hành văn chương đặc biệt. Ocean Vuong chọn hình thức bức thư người con trai gửi đến mẹ mình, bởi hình thức này cho phép anh linh hoạt trong việc điều chỉnh dòng thời gian, sự kiện, và nhất là nó mang đậm mang tính đối thoại giữa hai người. Nếu như một người da trắng muốn biết câu chuyện này, vậy họ phải lắng nghe cuộc đối thoại giữa hai người Việt Nam, mà chỉ được ngó vào chứ không được tham gia trực tiếp. Nghĩa là, họ cần chấp nhận nhìn vào một nền văn hoá khác để hiểu được cuộc trò chuyện của nhân vật trong tác phẩm. Đây không phải câu chuyện do truyền thông phương Tây dựng lên hay là một sản phẩm của ngành công nghiệp kí ức, mà là một nỗ lực định hình căn tính cá nhân bằng cách vượt khỏi các đường biên ngôn ngữ, quốc gia – dân tộc.
Không chỉ Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, mà Trời đêm những vết thương xuyên thấu cũng là nỗ lực của Vuong trong việc tái tạo ký ức, phản ánh cuộc sống của cộng đồng nhập cư. Hơn cả, là nỗ lực để sống. Dù Ocean Vuong sáng tác bằng tiếng Anh, song tiếng Việt không tách rời khỏi ngôn ngữ đặc biệt mà anh đã dày công rút tỉa qua kinh nghiệm và thời gian. Đi vào thế giới văn chương của Ocean Vuong là đi vào thế giới của hai ngôn ngữ, với sự những điêu tàn rực rỡ sắp sửa tái sinh.