Vào ngày 9/6, sự kiện Ồ Ạt đã chính thức khép lại sau một tuần lễ nghệ thuật sôi động được tổ chức cho đa dạng lĩnh vực nghệ thuật. Sau đây là những cảm nhận của chúng tôi với tư cách khán giả của sự kiện lần này.
Ồ ẠT | OH ART là một dự án nghệ thuật độc lập được khởi xướng bởi nghệ sĩ đa phương tiện Mzung Nguyễn, hướng đến sáng tạo những liên kết mới giữa nghệ sĩ với khán giả, giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ, nghệ sĩ với không gian và các nhà tổ chức. Các hoạt động nghệ thuật được tuyển chọn lần này có triển lãm tranh của các họa sĩ, chiếu phim ngắn, hài độc thoại, nghệ thuật trình diễn, múa đương đại, lưu trú sáng tác, âm nhạc,… và các buổi trò chuyện giao lưu với nghệ sĩ.
Trước thềm diễn ra tuần lễ chính, các nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật nói chung đã được cọ xát với nội dung chương trình thông qua các buổi đối thoại mang tính liên ngành đến từ các diễn giả – là nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật lâu năm trong ngành. Ban tổ chức đã khéo léo truyền tải các thông tin về chương trình và những giá trị mà khán giả sẽ nhận được trong suốt tuần lễ nghệ thuật.
Nhà sáng lập Mzung Nguyễn cũng mong muốn các nghệ sĩ có thể kết nối nhau và nhận diện được nhau trong cộng đồng, đặc biệt là phần lớn người tham gia lần này thường có thói quen “hướng nội” hoặc chưa bao giờ trưng bày tác phẩm trước đây. Với cơ duyên được tham gia hầu hết các sự kiện, tôi choáng ngợp khi ban tổ chức đã sắp xếp lịch trình kín mỗi ngày để mọi người lựa chọn chương trình họ muốn xem. Ba địa điểm trưng bày tranh của các nghệ sĩ, ban ngày xen kẽ các buổi trò chuyện, chiếu phim và buổi tối là các chương trình nghệ thuật trình diễn và ca nhạc.
Mượn hình ảnh con chim Đa Đa (tương đồng với phát âm chủ nghĩa Dada) – một loài chim không quá thu hút trong tự nhiên – để gợi về tính đa giới, đa chất liệu và đa ngành của một cá nhân làm nghệ thuật. Nhiều nghệ sĩ tham gia vào sự kiện xuất hiện trong nhiều hoạt động cùng lúc với vai trò khác nhau. Ví dụ, đạo diễn Lê Vĩnh Lộc đã tham gia buổi trò chuyện Tua Tua với tư cách là một nhà làm phim, nữ nhạc sĩ Tăng Ngọc Châu Nhi cũng thể hiện tài năng khác của mình bên nghệ thuật chuyển động, họa sĩ Đỗ Hữu Chí đưa mọi người đi thăm A21 studio ban ngày và buổi tối trở thành Tiếu Sĩ Ngu Ngu trình diễn hài độc thoại,… Rất nhiều cá nhân tham gia sự kiện lần này có cơ hội được thể hiện sự đa năng của họ trong nghệ thuật, không chấp nhận việc bị bó buộc trong một lĩnh vực nhất định.
Cũng cần nói thêm, trong lịch sử nghệ thuật, những nghệ sĩ tham gia đa lĩnh vực thường khó được phân loại, dẫn đến việc sự nghiệp nghệ thuật của họ ít được công nhận đúng mức. Mặt khác, một trong số những lĩnh vực trở nên nổi trội thì những lĩnh vực khác mà nghệ sĩ đó tham gia vào lại ít được nhìn nhận. Chúng ta có thể nói đến nhà văn Victor Hugo và những bức tranh ông minh họa cho chính tác phẩm của mình, hay nhà văn Jack London cũng là một nhiếp ảnh gia đường phố đằng sau những ngòi bút,… Thế nên một sự kiện như Ồ Ạt là điều cần thiết để mọi người nhận ra một nghệ sĩ tham gia nhiều lĩnh vực hơn mọi người thường thấy.
Trong khuôn khổ kết nối và khuyến khích tinh thần sáng tạo của các nghệ sĩ, tôi nghĩ rằng Ồ Ạt đã thành công trong việc thể hiện được sự đa ngành, đa giới, đa chất liệu của họ. Khán giả có thể thấy một cá nhân tham gia vào nhiều lĩnh vực trò chuyện khác nhau trong một tuần diễn ra của sự kiện. Điều này giúp thúc đẩy các nghệ sĩ bước ra bên ngoài những chất liệu sáng tác thông thường của họ để thử mình với những chất liệu và ý tưởng mới. Tôi nghĩ một thông điệp có thể nhận lại thông qua các buổi trò chuyện là nguồn cảm hứng nghệ thuật có thể đến từ nhiều lĩnh vực hơn là chỉ gói gọn trong những thứ liên quan. Mặt khác, sự kiện cũng đã tạo cầu nối để những lĩnh vực nghệ thuật có điểm giao và hứa hẹn cho một sự hợp tác trong tương lai.
“Kí ức của chúng ta” cũng là tiêu đề chính và được lặp lại nhiều lần trong buổi triển lãm tranh và các buổi chiếu phim ngắn. Tôi nghĩ rằng xuyên suốt chương trình, những nghệ sĩ đều chia sẻ một phần về kí ức của họ đã truyền tải vào trong tác phẩm. Như cuộc trao đổi với nghệ sĩ Nguyễn Linh Phương Thảo có nói về cái ôm của người mẹ, hay nghệ sĩ Phạm Huy Thông muốn tôn vinh hình ảnh của người phụ nữ Việt trong lịch sử. Tôi vẫn ấn tượng với bộ phim “Ký ức ký ức” của đạo diễn Đặng Thảo Nguyên khi nhắc về một địa điểm đã không còn và chỉ có bộ phim là ghi chép lại về nơi đó. Dường như mọi nghệ sĩ đều kể một câu chuyện cũ của họ để lưu lại trong bộ nhớ ký ức của Ồ Ạt năm nay.
Tôi nghĩ các thành viên của ban tổ chức Ồ Ạt, nhà sáng lập Mzung Nguyễn và nhà sản xuất Hà Minh Thư có thể tự hào vì đã tạo ra một sân chơi đúng nghĩa có thể kết hợp nhiều người thuộc đa lĩnh vực nghệ thuật lại với nhau. Mặc dù mùa đầu tiên diễn ra vẫn có một chút không suôn sẻ, nhưng chúng ta có thể kì vọng vào hạt mầm đã gieo cho các nghệ sĩ vào mùa sau. Có thể năm nay họ chỉ tham gia trong một lĩnh vực, nhưng nếu mùa sau, họ sẽ nộp tác phẩm ở nhiều lĩnh vực khác nhau thì sao?
Hi vọng rằng Ồ Ạt sẽ tiếp tục phát triển trong những kì tiếp theo và càng thu hút được nhiều nghệ sĩ đến với chương trình, cũng như góp phần thúc đẩy sự sáng tạo và phát hiện những nhân tố mới!
Một số hình ảnh khác trong sự kiện: