Bảy năm trước là lần đầu tiên tôi bước chân vào Nanyang Technological University Centre for Contemporary Art (NTU CCA) tại Singapore, với vai trò khán giả để xem tác phẩm “Họ Việt Tên Nam” (1989) của Trịnh T. Minh-hà trong triển lãm nhóm “Thiên Đường Đánh Mất” (2014), cũng là sự kiện khai mạc cho trung tâm. Sự xuất hiện của NTU CCA lập tức thổi một luồng gió mới đến cho khu nghệ thuật Gilman Barracks tại phía Nam quốc đảo, lúc ấy vốn chỉ gồm một vài phòng tranh thương mại. Bảy năm sau, với tư cách là một nghiên cứu sinh tại đây, tôi tần ngần nhìn những con chữ gắn đèn cuối cùng trên tấm biển thân thuộc ngoài cổng triển lãm tại Block 43 bị gỡ xuống, sau khi sự kiện cuối cùng được bế mạc – lần này là triển lãm solo dành riêng cho Trịnh T. Minh-hà như một lời từ biệt trọn vẹn, vào cuối tháng 3 năm 2021.
Singapore đã có nhiều chiến lược sắc sảo trong ba thập niên vừa qua để định vị bản thân thành trung tâm nghệ thuật Đông Nam Á, thiết lập những thể chế và chương trình mang chuẩn quốc tế và tầm với toàn khu vực. Cũng với tầm nhìn ấy, năm 2013, NTU CCA được thành lập dưới Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), với sự đồng bảo trợ từ Cục Phát triển Kinh tế Singapore (EDB). Dưới sự dẫn dắt của giám đốc sáng lập Ute Meta Bauer, NTU CCA là trung tâm học thuật có quy mô hoạt động rộng nhất khu vực, chia làm ba nhánh: Triển lãm, Lưu trú và Nghiên cứu Giảng dạy.
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố danh tiếng của Singapore, NTU CCA cũng là một cửa ngõ giới thiệu rất nhiều nghệ sỹ khu vực ra thế giới. Trong bảy năm qua, trung tâm đã tổ chức 55 triển lãm, quy tụ 157 nghệ sỹ và 50 giám tuyển đến lưu trú, trong đó có rất nhiều nghệ sỹ và nghiên cứu sinh người Việt hoặc gốc Việt.
Ở nhánh Triển lãm, bên cạnh nhà làm phim Trịnh T. Minh-hà, một tên tuổi quen thuộc khác với NTU CCA là Nguyễn Trinh Thi. Năm 2017, trong triển lãm nhóm “Hồn Ma và Ám Ảnh – Những Chiếc Bóng Lịch Sử”, Trinh Thi mang tới hai phim “Ái Nam Ái Nữ” (2007) và “Thư từ Panduranga” (2015), làm lộ ra những khía cạnh văn hóa lịch sử Việt Nam ít được nhắc tới, thách thức động cơ cầm quyền và quy chuẩn xã hội. Năm 2019, chị quay lại trung tâm để trình chiếu hai phim, “Bộ Phim Việt Nam” (2015) và “Điện Ảnh Thứ Năm” (2018), song song với triển lãm sắp đặt ảnh “Loạt Phong Cảnh #1” (2013), khai vấn cảnh quan như những nhân chứng thầm lặng của lịch sử.
Nhiều triển lãm diễn ra tại NTU CCA đóng vai trò quan trọng trong khu vực. Năm 2014, giám tuyển June Yap mang triển lãm bản lề “Vô Quốc Gia: Nghệ Thuật Đương Đại cho Nam và Đông Nam Á” từ Bảo tàng Guggenheim về trung tâm, trong đó có video “Lập Lòe” (2012) của Trần Lương và điêu khắc “Kẻ thù của Kẻ thù: Tượng đài cho một Tượng đài” (2012) của Tuấn Andrew Nguyễn. Nằm trong đề tài “Khí hậu. Chốn ở. Môi trường” của NTU CCA, “Cây của Sự Sống – Kiến Thức trong Chất Liệu” năm 2018 là một triển lãm độc đáo về bốn loại cây quan trọng với châu Á, trong đó có cây sơn ta, được thể hiện qua nghiên cứu của Phi Phi Oanh thông qua sắp đặt “Palimpsest” (2013 – 2018). Gần đây hơn, nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Tiến Đạt là một trong 20 thành viên tham gia “NTU CCA Ideas Fest 2020”, một dự án giao thoa giữa nghệ thuật và sinh thái học, đẩy mạnh liên minh khu vực trong công cuộc chống lại biến đổi khí hậu tại Đông Nam Á và trên thế giới.
Nhánh Lưu trú là một thế mạnh khác của NTU CCA. Điểm độc đáo ở đây so với hầu hết các chương trình tương tự trên thế giới là nó “không đặt sức ép phải tạo ra thành phẩm ở cuối kỳ, dành ra khoảng lặng cần thiết để nghệ sỹ có thể suy tư, nghiên cứu và sáng tác”, trích lời giám tuyển chương trình Lưu trú Anna Lovecchio. Mỗi nghệ sỹ lưu trú sẽ được dành riêng một gian xưởng tại Block 37 và 38. Rất tiếc, với bước tái cơ cấu gần đây, NTU CCA sẽ phải trả lại mặt bằng cho cả hai block, dẫn tới sự kết thúc của chương trình lưu trú cho nghệ sỹ quốc tế.
Trong số 112 nghệ sỹ quốc tế từng tham gia bảy kỳ lưu trú, có 10 nghệ sỹ người Việt hoặc gốc Việt. Thành viên đầu tiên là Tiffany Chung, Khóa 1 (2014 – 2015), với nghiên cứu về chế độ thực dân và khái niệm “đô hộ dưới danh xưng khai sáng”. Jacqueline Hoàng Nguyễn, Khóa 4 (2017 – 2018), tiếp tục dự án nghiên cứu nhiều năm về vấn đề chính trị hóa những tư liệu ảnh và kỷ vật cá nhân trong các kho lưu trữ công cộng, thông qua việc truy tìm dấu vết lịch sử của chính gia đình mình. Việt Lê, Khóa 5 (2018 – 2019), dành thời gian nghiên cứu và hoàn thành khâu hậu kỳ cho tác phẩm bộ ba phim thử nghiệm “Sonic Spiritualties”, tìm hiểu về ảnh hưởng của những biến động kinh tế và môi trường tới âm nhạc và các dạng thức tín ngưỡng tại Đông Nam Á.
Theo giám tuyển Lovecchio, một chủ đề nổi bật trong những nghiên cứu của các nghệ sỹ Việt là về mối liên hệ hiện sinh giữa những bất ổn địa-chính trị với bản dạng cá nhân, và vấn đề của việc thu nhỏ bản dạng ấy xuống một từ “quốc tịch”. Ví dụ như Bùi Công Khánh, Khóa 4 (2017-2018), trong đợt lưu trú đã tạo ra một bản đồ thể hiện lịch sử vận chuyển thương mại những đồ gốm sứ Trung Quốc, một nghiên cứu được thôi thúc bởi mối quan hệ đầy mâu thuẫn của nghệ sỹ với gốc gác Hoa kiều của bản thân, một bí mật được giữ kín trong gia đình cho tới khi anh tình cờ biết được.
Khi nhìn lại, chương trình đã đóng vai trò bệ phóng thành công cho một thế hệ nghệ sỹ trẻ. Phan Thảo Nguyên, Khóa 3 (2016-2017) là nghệ sỹ Việt duy nhất có hai lần lưu trú tại NTU CCA, với lần đầu tiên là năm 2015 với tư cách thành viên nhóm Art Labor. Trong đợt thứ hai, Thảo Nguyên đã hoàn thành cuốn sách “Voyages de Rhodes” cùng sắp đặt video lớn đầu tiên của mình “Giấc Trưa Nhiệt Đới” (2017) – tác phẩm một năm sau đó đã thắng giải cao nhất Grand Prize từ APB Foundation Signature Art Prize và Bảo tàng Nghệ thuật Singapore. Thảo Nguyên là nghệ sỹ Việt đầu tiên đạt được danh hiệu này.
Nhánh cuối cùng là Nghiên cứu Giảng dạy. Giáo sư Bauer cũng là người sáng lập ra khóa Thạc sỹ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Đại học Công nghệ Nanyang, khóa đầu tiên về lĩnh vực này tại Đông Nam Á. Tại NTU CCA, sinh viên được đào sâu nghiên cứu và thực hành các khái niệm Không gian Giám tuyển dưới khóa học cùng tên do giáo sư Bauer và tiến sỹ Karin Oen phụ trách.
Nhìn lại chặng đường bảy năm, ảnh hưởng của NTU CCA tới cộng đồng thực hành nghệ thuật quốc tế nói chung và người Việt nói riêng thật sâu sắc. Theo giám tuyển Lovecchio, lý do có lẽ là vì trung tâm “luôn ưu tiên các giá trị kết nối lâu dài hơn là những cơ hội phô diễn trước mắt”, và tất cả các thành viên đều “tin vào sức mạnh lan tỏa của những gặp gỡ không kịch bản và khoảng lặng đủ dài cho những chiêm nghiệm và/hoặc thả trôi”. Theo góc độ này, ngay cả khi các tòa triển lãm và lưu trú không còn thì NTU CCA vẫn hoàn toàn có thể tiếp bước đầy bản lĩnh, bởi trung tâm đã vượt khỏi giới hạn của một địa điểm, để trở thành một mạng lưới tự vận động và một di sản xuyên thế hệ của cộng đồng thực hành nghệ thuật.
Thạc sỹ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU). Anh là đồng sáng lập của nhóm giám tuyển độc lập Of Limits, đơn vị được trao giải 2020 Platform Projects Curatorial Award bởi NTU CCA Singapore.
— * —