Càng đi sâu vào nỗi đau, càng chạm đến ngưỡng giằng co dữ dội trong nội tâm của mỗi người, ta lại “nhận ra vẻ đẹp của những giọt nước mắt, biến nỗi thống khổ của nhân loại thành giọt nước mắt vô biên” và xoa dịu những vết thương không ngừng rỉ máu.
Như một quy luật không thể đoán định của tâm lý, nỗi đau (pain) chính là cảm xúc dữ dội và sâu sắc nhất. Đó cũng chính là lý do mà các tác phẩm nghệ thuật khắc họa tận cùng sự đau đớn hay chạm đến nỗi đau con người thường ở lại rất lâu và rất sâu trong tiềm thức của người tiếp nhận và trở thành thứ có sức sống muôn đời.
Cha đẻ những tác phẩm hội họa đầy tinh tế và ngập tràn cảm xúc mãnh liệt – Vincent van Gogh, vẫn có một đời khốn khổ và chìm sâu trong những cơn đau bất ổn về tâm lý. Làm sao ta quên được khoảnh khắc ông tự cắt tai mình, tự tử bằng súng và nhắn gửi dòng chữ “nỗi buồn sẽ kéo dài mãi mãi” trước lúc chết?
Hay nhà văn Ernest Hemingway từng viết, “The world breaks everyone and afterward many are strong at the broken places”- tạm dịch: cuộc đời này, thế giới này sẽ làm tất cả chúng ta tan vỡ, nhưng rồi sẽ có rất nhiều con người mạnh mẽ đứng lên từ chính những tan vỡ ấy (Giã từ vũ khí) cũng chọn cách tự sát khủng khiếp bằng súng sau những “trận đòn” tâm lý dữ dội.
Vậy với họ, những người làm nghệ thuật, nỗi đau là chất xúc tác tạo ra các tác phẩm nghệ thuật hay chính là “mồi nhử” đẩy họ vào ngõ cụt khi cứ mãi suy tư trong cô độc và không trở thành người-như-họ-muốn-là?
Năm 2014, một bài báo trên tờ Guardian đã cho thấy mối liên kết giữa nghệ thuật và những bất ổn về tâm lý, hay sâu hơn là bệnh trầm cảm, “trung bình, các họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn và vũ công mang các biến thể gen (trầm cảm) nhiều hơn 25% so với những ngành được các nhà khoa học đánh giá là ít sáng tạo hơn”. Đây cũng là một dẫn chứng cho thấy, càng đớn đau, người ta lại càng thể hiện sự sáng tạo một cách duy mỹ hơn.
Nhiều nghiên cứu cho rằng, người làm nghệ thuật trải nghiệm những trật tự, cấu trúc khiến người khác ức chế và đôi phần nghẹt thở. Họ cố kiếm tìm một “vùng xám vô biên đa sắc thái và đầy phong phú, chỉ để được bước vào một “cơn hôn mê sâu” hay thậm chí là hứng cảm.
Nổi tiếng với tác phẩm kinh điển “Tiếng thét”, danh họa người Na Uy Edvard Munch từng viết, “Tôi đã chịu đựng sự hành hạ của một cảm giác lo âu sâu sắc ngay từ khi tôi có thể nhớ được, nỗi lo âu ấy đã được tôi đã cố gắng thể hiện trong nghệ thuật của mình. Nếu không có lo âu và bệnh tật, tôi hẳn sẽ như một con tàu không bánh lái.”
“Tôi không thể giũ bỏ những bệnh tật của mình, bởi nhiều điều trong tâm hồn nghệ thuật của tôi chỉ nhờ những chứng bệnh ấy mà tồn tại.”
Bên cạnh những tổn thương tâm lý, Edvard Munch còn phải trải qua giai đoạn khó khăn khi chính quyền độc tài chiếm đoạt các tác phẩm của ông và kết tội “Nghệ thuật suy đồi” vào năm 1937. Danh họa viết:
“Bệnh tật, sự điên rồ, và cái chết là những thiên thần đen tối trông giữ cho cái cũi của tôi.” Có lẽ vì thế nên tranh vẽ của ông bao giờ cũng phảng phất nỗi tuyệt vọng và khổ đau khôn cùng với những nét vẽ và màu sắc mãnh liệt, đặc trưng cho trạng thái tâm lý của chính ông.
Không chỉ trong hội họa, nghệ thuật mới khởi sinh từ những đớn đau, mất mát, văn học cũng thế. Hàn Mặc Tử vì trong bóng tối nghiệt ngã của bệnh tật và cô đơn mà sáng tác thơ siêu thực về nỗi buồn. Thạch Lam vì đắm chìm, mặc tưởng trong cái tịch mịch của thiên nhiên hiu quạnh và đớn đau cùng những cảnh đời mà viết nên Hai đứa trẻ, Gió lạnh đầu mùa…để nỗi buồn ấy vẫn luôn dâng trào qua bao thế hệ. Vậy, “nỗi đau” vẫn luôn làm tốt nhiệm vụ của nó đấy chứ, là một chất xúc tác khơi mào cho nhiều kiệt tác.
Một nghiên cứu do hai giáo sư đại học Harvard, Modupe Akinola và Wendy Berry Mendes với tiêu đề Mặt tối của tính sáng tạo: Tình trạng dễ bị tổn thương về mặt sinh học và những cảm xúc tiêu cực dẫn đến sức sáng tạo nghệ thuật mạnh mẽ hơn cũng chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa mức độ steroid adrenal có liên quan đến trầm cảm và sáng tạo nghệ thuật. Điều này chỉ ra rằng, những người bẩm sinh có khuynh hướng sáng tạo thì dễ bị những cảm xúc tiêu cực tác động hơn so với những người khác.
Như nhà văn Mỹ Thomas Harris từng được tiểu thuyết gia nổi tiếng Stephen King miêu tả:
“Nếu viết đôi khi tẻ nhạt đối với các tác giả khác, thì đối với Harris, nó giống như quằn quại trên sàn trong nỗi đau đớn của sự thất vọng, bởi vì đối với Harris, chính hành động viết lách là một kiểu dằn vặt.”
Bản thân ông cũng từng thừa nhận, chính công việc sáng tác mang đến cho ông nhiều nỗi đau cả về tinh thần lẫn thể xác.
Hay Kawabata Yasunari, nhà văn Nhật Bản đầu tiên nhận giải Nobel văn học năm 1968 với hàng loạt tác phẩm nổi tiếng Ngàn cánh hạc, Tiếng rền của núi,…vẫn chọn cách kết liễu cuộc đời sau đỉnh cao vinh quang của đời mình. Có người bảo, ông chọn cách tự sát vì cảm thấy đớn đau khi các tác phẩm sau này của mình không còn hay như trước. Ông chọn cách chết bằng khí gas để độc giả mãi nhớ đến ông với khoảnh khắc vinh quang nhất trong sự nghiệp.
Suy cho cùng, không phải nỗi đau nào cũng làm nên nghệ thuật, và không phải cứ viết về nỗi đau, sáng tạo từ tuyệt vọng thì đó mới là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Nỗi đau cũng như những cảm xúc khác, chỉ thực sự có giá trị khi được siêu thăng dưới lý tưởng của thời đại và dẫn dắt bởi một tư tưởng. Ấy chính là những đớn đau mở ra ý nghĩa sống, từ đau khổ của một người mà nói lên đau khổ của vạn người. Đồng thời, đớn đau ấy không nhấn chìm người tiếp nhận mà khiến họ chiêm nghiệm và trưởng thành hơn.