Nổ cái bùm 2024: Tìm nhà trong lòng nghệ thuật

“Khi nào một tập thể những người xa lạ có thể trở thành như một gia đình?” – đây là câu hỏi giám tuyển Nóte Flood đặt ra trong triển lãm “Nhà” thuộc tuần lễ nghệ thuật Nổ cái bùm 2024. Du hành qua một chuỗi các sự kiện hứng khởi, tôi tin câu trả lời là “khi người ta lựa chọn an trú trong tình yêu nghệ thuật”. 

Đồng tổ chức bởi nhóm nghệ sĩ A Sông, MORUA và Symbioses, với sự hỗ trợ của các mạnh thường quân và các giám tuyển độc lập, Tuần lễ nghệ thuật “du hành” Nổ cái bùm 2024 “Tập thể (dục)” mang lại tác phẩm của hơn 70 nghệ sĩ chuyên nghiệp và bán chuyên trên khắp cả nước, với trình diễn, trình chiếu, triển lãm cũng như các sự kiện cộng đồng diễn ra liên tục từ ngày 22 cho đến 28 tháng 8 tại Đà Nẵng và Hội An. Nổ Cái Bùm lần đầu tiên tổ chức tại Huế vào năm 2020, và lần thứ hai tổ chức tại Đà Lạt vào năm 2022. Đây có lẽ là một trong những sự kiện nghệ thuật đáng mong đợi nhất trong năm với mật độ chương trình ấn tượng.

Đúng với tinh thần của chủ đề “Tập thể (dục)”, Nổ cái bùm 2024 nhấn mạnh vào việc kết nối và truyền lửa cho cộng đồng nghệ thuật. Đó có thể là “lửa nghề” qua những trao đổi về kinh nghiệm và trải nghiệm làm nghệ thuật của tiền bối đi trước, trong các sự kiện như workshop “Review Portfolio và CV” của giám tuyển Nhật Q. Võ, trò chuyện cùng tác giả Ethan Philbrick về cuốn sách mới của anh với chủ đề “Làm Nhóm: Nghệ thuật, Chính trị, và Mâu thuẫn tập thể”, các chuyến thăm xưởng nghệ sĩ, hay chia sẻ trải nghiệm lưu trú trong chương trình AirHue. Đó cũng có thể là ngọn lửa ấm áp của những đêm trại quây quần trong các buổi xem phim, đối thoại kéo dài đến tận tối muộn tại Cá Chuồn Space hay những ngày ngồi bệt trên cát xem trình diễn bên bờ biển Đà Nẵng. Ngọn lửa ở đây còn có thể là ngọn lửa nhiệt huyết trong tác phẩm của nhiều gương mặt mới như là Tâm Đỗ với trình diễn “Nhà gạch bay”, nhà thiết kế áo dài Tường Danh với những thiết kế áo dài đi giữa lằn ranh của thời trang và nghệ thuật đương đại – lấy cảm hứng từ nghiên cứu thực địa dài hơi về văn hóa địa phương, sắp đặt tương tác “Cờ ạt cờ” của Thảo Miên, tác phẩm nhiếp ảnh “Năm Mới, Con Xin Chúc” của nhiếp ảnh gia Mắt Bét, và những video art đậm tính tự sự cũng như sự nổi loạn của Nhiditu, v.v.. Nổ cái bùm 2024 “Tập thể (dục)” đồng thời là dịp tề tựu, chia sẻ của các gương mặt quen thuộc trong giới và cơ hội “tìm nhà”, tạo nên những liên hệ mới của các gương mặt trẻ tiềm năng trong cộng đồng nghệ thuật đương đại. 

Không chỉ vậy, mang theo tinh thần du hành từ những mùa trước, Nổ cái bùm 2024 tiếp tục được triển khai trong một sự linh hoạt, di động, thích nghi với địa phương. Vì thế, chương trình cũng tạo không gian cho các thực hành văn hóa địa phương. Điều này được thể hiện qua phần trình diễn của nhóm nghệ sĩ bảo tồn âm nhạc Chăm, Hagait Ni. Sau một khoảng ngồi lắng nghe, nhiều người xem đã trực tiếp tham gia nhảy múa cùng các nghệ sĩ trước sân khấu – một diễn biến đậm chất Nổ cái bùm. 

Chưa hết, sự đặc biệt của Tuần lễ nghệ thuật Nổ cái bùm 2024 còn là vì ở đây chúng ta phần nào trải nghiệm lối sống đậm tinh thần tự do, phóng khoáng và tính tập thể cao của các nghệ sĩ. Bên cạnh các triển lãm còn có các hoạt động vừa hài hước, vừa nhiều tính gắn kết như cùng kiến tạo một không gian Queer lưu động với nghệ sĩ Nhung Đinh, hay là trận đá banh, bắt bóng do A Sông cùng nghệ sĩ Phạm Bá Lĩnh khởi xướng. Để gây quỹ cho chương trình, Nổ cái bùm còn bán… chiếu tranh thiết kế riêng. Những hoạt động cùng các chi tiết nhỏ phần nào khôi hài này cũng có ý nghĩa đặc biệt –  mang hàm ý rằng tình bằng hữu, tình thân, tình đồng đội, dẫu vui vẻ chân thành hay chuyên nghiệp sâu sắc, đều cần thiết cho hành trình đi với nghệ thuật – một nguồn năng lượng không thể thiếu cho bất kỳ nghệ sĩ nào. 

Một cảnh trong video art “Ảo thật” của tác giả Nhiditu.
Một góc tác phẩm “Năm mới, Con xin chúc” của nhiếp ảnh gia Mắt Bét.
  Tác phẩm “Trình diễn với bố” của nghệ sĩ Phạm Minh Thắng tại bar Đồ Yêu.
Tác phẩm “Vẽ khoảnh khắc hiện tại” của Lê Thị Minh Nguyệt tại Cá Chuồn Space. 
Điêu khắc “Xếp máy bay II” của nghệ sĩ Nguyễn Văn Hè tại Cá Chuồn Space. 

Sau những nhộn nhịp, ta lắng đọng lại trong triển lãm “Qua ngày đoạn tháng” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Với sự góp mặt của các nghệ sĩ đa chất liệu là Bùi Tiên, Linh San, Hải Ô, Huỳnh Công Nhớ, Tấn Ngọc, Lý Lê, Hí Nguyễn, Mi Fa, Gia Hương, dưới góc nhìn giám tuyển của Duyên Lê và Bảo Hân Nguyễn, triển lãm thể hiện rõ các trần thuật mang hơi thở thời đại về vấn đề di dời và nguồn cội, tạo nên đa dạng nghĩa của khái niệm gia đình, khiến chúng ta đặt câu hỏi cho mối liên hệ giữa con người với con người, con người với các yếu tố phi con người dưới góc nhìn thân tộc. Triển lãm này khá đặc biệt vì đây là một triển lãm đương đại bao gồm những nghệ sĩ rất trẻ được tổ chức bởi các giám tuyển rất trẻ trong lòng bảo tàng chính thống. Là một bảo tàng – cũng rất trẻ – được thành lập vào năm 2016, với bộ sưu tập chủ yếu tập trung vào nghệ thuật giai đoạn hậu Đổi mới, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng hiện đang nỗ lực để thay đổi linh hoạt nhằm bắt kịp xu hướng chung của nghệ thuật thế giới, song song với trách nhiệm lưu trữ những tác phẩm mang nhiều giá trị văn hoá, lịch sử dân tộc. Sự hỗ trợ của bảo tàng dành cho triển lãm “Qua ngày đoạn tháng” trong khuôn khổ Nổ cái bùm 2024 chính là một trong những nỗ lực đó.

Nghệ sĩ Mi Fa nói về tác phẩm của mình tại triển lãm “Qua ngày đoạn tháng”.
Một phần tác phẩm “Homecoming” của nhiếp ảnh gia Hải Ô.
Tác phẩm “Trong vườn hoa” của hoạ sĩ Bùi Tiên.
Tác phẩm “Dòng chảy địa tầng” của nghệ sĩ Mi Fa.
Tác phẩm “Ôm #2: Chăn sơ sinh” của nghệ sĩ Linh San.
Các tác phẩm của nghệ sĩ Huỳnh Công Nhớ trong triển lãm “Qua ngày đoạn tháng”.

Tổng kết lại, Nổ cái bùm 2024 “Tập thể (dục)” là một chuỗi sự kiện mang theo tất cả những hỗn loạn, hứng khởi của một giai đoạn nghệ thuật đương trỗi. Sau 3 mùa, Tuần lễ nghệ thuật bùng nổ này đã trở thành một dịp để bất cứ ai cũng có thể an trú trong “lòng yêu mến vô tư dành cho nghệ thuật”.  

An Tử

Hình ảnh: Ban tổ chức & An Tử