Bên cạnh việc xuất hiện và tham gia trong các dự án phim quốc tế thì việc các nhà làm phim độc lập với những dự án phim tiềm năng, thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư thế giới cũng là một trong những hình thức góp phần mang câu chuyện và văn hóa Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Hiện nay, những phim điện ảnh như Cu Li Never Cries của Phạm Ngọc Lân, Don’t Cry, Butterfly của Dương Diệu Linh, Picturehouse của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Skin of Youth của Nguyễn Phương Anh, Viet And Nam của Trương Minh Quý, đều là những dự án độc lập, từng chu du qua nhiều Liên hoan phim khác nhau và gây được tiếng vang lớn trên trường quốc tế.
“Don’t Cry, Butterfly” là một bộ phim hài kể về bà nội trợ trung niên tuyệt vọng khi phát hiện người chồng của mình ngoại tình. Bà quyết định tìm đến bùa ngải với hi vọng khiến chồng yêu mình trở lại. Cũng từ đây, có một thứ gì đó không bình thường đã nảy nở trong nhà bà.
Bên cạnh đó, bộ phim còn khai thác câu chuyện của cô con gái 20 tuổi chuẩn bị tìm kiếm tương lai ở nước ngoài. Đây là một bộ phim đánh dấu sự ra mắt của Dương Diệu Linh – nhà làm phim người Việt Nam sống ở Singapore và từng đạt giải thưởng cho phim ngắn “A Trip to Heaven” và “Sweet, Sally”.
Sau những tác phẩm điện ảnh nổi bật như Mùa len trâu hay Nước 2030, đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh tiếp tục ấp ủ với dự án Picturehouse. Đây là một bộ phim kể về cậu bé 8 tuổi, lớn lên trong bối cảnh Việt Nam những năm 1960. Trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt, cậu đã tìm thấy thiên đường nơi cõi nhân gian – một rạp chiếu phim do cha cậu quản lý. Theo nhiều thông tin, nội dung của phim sẽ có phần tương đồng với cuộc đời của chính đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh thuở ấu thơ. Dự án đang được phát triển và sẽ ghi hình trong thời gian tới.
“Culi Never Cries” (Cu li không bao giờ khóc) là câu chuyện kể về bà Nguyện (do NSND Minh Châu thủ vai) – một người phụ nữ phụ nữ nghèo ở Việt Nam, quay về Berlin để nhận tài sản thừa kế khi hay tin người chồng Đức của mình vừa qua đời. Song, những gì ông để lại cho bà chỉ là một hũ tro cốt và một con cu li lùn (một loài linh trưởng Đông Nam Á) – vốn là thú cưng của chồng. Hơn thế, khi trở lại Việt Nam, bà còn phát hiện cháu gái (do diễn viên Hà Phương đóng) đang vội vã kết hôn vì đã trót mang thai với người tình là Quang (diễn viên Xuân An đóng).
“Culi Never Cries” là bộ phim hài siêu thực, khắc họa những tương phản giữa cuộc hành hương trong suy tưởng về quá khứ của bà Nguyện – người phụ nữ đã đi hơn nửa đời người và chiêm nghiệm về tương lai bất định của cháu gái đang rục rịch cưới hỏi. Phim khắc họa đan xen hiện tại, tương lai và những dư âm phức tạp của lịch sử Việt Nam một cách trầm ngâm và đầy chất thơ.
Điều đặc biệt là mới đây, “Culi Never Cries” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã được vinh danh với giải thưởng Phim đầu tay hay nhất tại LHP Quốc tế Berlin 2024. Trước đó, dự án còn là tác phẩm điện ảnh duy nhất của Việt Nam tham dự sự kiện và được các nhà phê bình quốc tế khen ngợi vì những góc nhìn đa dạng, phong phú và mang tính đột phá.
Bộ phim “Skin of Youth” do Trần Thị Bích Ngọc và Nguyễn Phương Anh (Ash Mayfair) đồng sản xuất. Phim xoay quanh câu chuyện của San, một người chuyển giới đang nỗ lực kiếm tiền để thực hiện ước mơ phẫu thuật chuyển giới, và Nam – người yêu của San, cũng đang cật lực làm nghề đấm bốc chui để kiếm tiền giúp San.
Theo thông tin từ trang Seaficlab.com, “Skin of Youth” lấy bối cảnh Việt Nam những năm 1990, khi xã hội vẫn còn nhiều định kiến về vấn đề giới tính. Phim kể về hành trình đầy gian nan nhưng cũng đầy cảm động của San và Nam trong hành trình thực hiện ước mơ của mình. Để có đủ tiền cho ca phẫu thuật chuyển giới, cả hai đã cùng nhau thực hiện một “phi vụ” mạo hiểm. Phim do chính Nguyễn Phương Anh viết kịch bản và đạo diễn. Với kinh phí sản xuất dự kiến lên đến 738.505 USD (hơn 17 tỷ đồng), “Skin of Youth” hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả một câu chuyện ý nghĩa và đầy cảm xúc về tình yêu, ước mơ và sự hy sinh.
Bộ phim được xây dựng dựa trên thảm kịch 39 người Việt tử nạn trên xe container khi nhập cư vào Anh quốc năm 2019, kịch bản xoay quanh câu chuyện giữa hai chàng thợ mỏ trẻ tuổi – Việt và Nam. Khác với Việt, Nam không muốn gắn bó cuộc đời với than đá. Anh quyết tâm sang châu Âu tìm kiếm tương lai mới bằng cách nhờ cậy những kẻ buôn lậu. Trước khi rời đi, Nam cùng mẹ thực hiện hành trình tìm kiếm hài cốt cha – một người lính miền Bắc hy sinh trong chiến tranh. Tuy nhiên, nỗ lực của họ không mang lại kết quả.
Trên đường trở về mỏ than, Nam và Việt gặp tai nạn do sập hầm vì mưa lớn. Trong khoảnh khắc sinh tử, Nam bỗng loé lên hình ảnh tương lai ảm đạm: bị nhốt trong thùng container, chìm trong bóng tối, ngột ngạt bởi cái nóng bức. Nằm cạnh nhau trong khoang xe tải, Nam và Việt trần trụi trong cơn nóng rát. Họ hít thở từng hơi chậm rãi, lênh đênh trên đại dương vô định, mang theo những ám ảnh về quá khứ và hy vọng mong manh về tương lai.
Từ góc nhìn của người trong cuộc, bộ phim gợi lên những vết thương của quá khứ, ám ảnh từ chiến tranh hiển hiện trên cơ thể tàn tật của những cựu chiến binh, nỗi day dứt với những bí mật cố che giấu.