Cuộc trò chuyện với hai nghệ sỹ Nguyễn Việt Anh và Mifa, cùng giám tuyển Vân BB, hé lộ quá trình chuẩn bị và những suy ngẫm hình thành nên triển lãm đôi “Những địa hạt phù du”, diễn ra tại Wiking Salon (TP. HCM).
Được biết, đây là lần đầu tiên cả Nguyễn Việt Anh và Mifa tổ chức triển lãm đôi, trong buổi trò chuyện, khi nói về lý do quyết định kết hợp hai nghệ sỹ với hai nét thực hành vô cùng khác biệt, giám tuyển Vân BB đã chia sẻ rằng:
“Ấn tượng ban đầu về tranh của hai nghệ sỹ Mifa và Nguyễn Việt Anh là sự tương phản trong cách biểu hiện, điều này là một bài tập và thử thách cho tôi trên hành trình khám phá sợi dây kết nối, xâu chuỗi lại các tự sự của hai thực hành với nhau. Khi chúng tôi càng nói chuyện, có một khoảnh khắc khi Mifa chia sẻ về cảm hứng của chị, về việc những tảng đá hóa thành các mảng hóa thạch; khi đó tôi bỗng có một sự liên kết về những vật chất rắn và cứng, chúng có sự tương đồng với những khối bê tông trong kiến trúc trong tranh của Nguyễn Việt Anh. Sau đó, tôi tìm ra được sự liên kết là những khu vườn và bộ xương hóa thạch, và cách chúng đều tạo thành những chiều không gian mang tính rất riêng tư của hai người.”
Khi nói đến chủ đề vườn và xương thì xuất phát điểm, điểm tiếp cận của hai nghệ sỹ về hai chủ đề tưởng chừng không liên quan lại có những điểm tương đồng:
Nguyễn Việt Anh: “Vườn của tôi là một thế giới, và tôi là người chăm sóc thế giới đó, và thế giới ấy cũng chăm sóc lại chính người tạo ra nó. Cái vườn trong cảm giác của tôi từ thời kỳ đầu đến bây giờ là một thế giới do tôi tạo ra. Nó là một gia đình. Và sự tương quan giữa các đối tượng nhỏ ở trong vườn đó, chính là những thành viên trong gia đình của tôi, và nó cũng là nhật ký bằng hình ảnh về gia đình tôi.”
Mifa: “Khi nói về vườn, về mặt cảm xúc cá nhân, từ khi còn bé tôi đã luôn có một niềm yêu thương đặc biệt với những khu vườn trong ngôi nhà mà gia đình mình chuyển đến và đi. Tôi thấy được năng lượng yêu thương, chăm sóc và để tâm đến nó. Khi tôi bắt đầu đào sâu nghiên cứu về kỹ thuật vẽ Á Đông để có thể thực hành tốt nhất trên giấy điệp, để làm nổi cái đẹp của giấy điệp lên; một trong những tư tưởng mà tôi rất thích của triết học phương Đông đó là: vạn vật kết nối với nhau và con người là một trong những thể đó. Cách nhìn ấy khiến cho tôi nghĩ đến sự kết nối mọi thứ ở trong khu vườn; có thể là một khu vườn, có thể là dạng nhỏ của một khu rừng. Khi ngẫm về những điều ấy, tôi nhìn thấy việc mọi thứ được sinh ra, sinh sống, sinh sản, có những hoạt động vòng đời của chúng, rồi chết đi và trở thành một dưỡng chất phụ trợ cho vườn – một vòng kết nối rất chặt chẽ – nó gợi lên cho tôi rất nhiều cảm xúc về việc con người chúng ta cũng là những cá thể đơn độc. Chúng ta cũng là một phần của thiên nhiên, cũng là một tạo vật, cũng luôn cố gắng tìm cách để kết nối với nhau như thế.”
Nguyễn Việt Anh: “Xương trong vườn. Trong vườn của tôi có lúc có khói, có lúc có sương, có lúc có những cái diện – đại diện cho tiền chủ và cũng là đại diện cho vật chất cứng. Với tôi cả ba yếu tố đó nó giống như xương vậy. Xương là sự cứng, thể hiện cho ta một sự vững chắc. Khi tôi vẽ bức xương, đặt lên cái cây, trong một thời gian ngắn, tôi cảm thấy sự vững chắc đang bị sụp đổ. Sau đó, khi tôi theo dõi hành trình của gia đình mình, từ sự theo dõi đó, tôi bắt đầu đưa lá, đưa cây, đưa khói vào. Những cái yếu tố đó; cây, khói, lá hay là bê tông, nó là tôi ở trong đó, là xương. Là sự kết nối của những vật chất còn lại. Khói cũng như bê tông, chúng nằm ở trong giai đoạn khi tôi ngắm nhìn cuộc sống của mình. Khi thực hành và làm tranh trong bốn năm gần đây, tôi dần bắt đầu xây dựng một thế giới mà ở đó tôi không bị phụ thuộc vào bên ngoài nữa. Tôi được quyền tự do, được quyền tạo dựng, bắt đầu những quy tắc và vật lý theo cách của riêng mình, hoàn toàn cả về tạo hình và không gian.”
Mifa: “Trong vườn của tôi, một trong những yếu tố có điểm chạm rất lớn đó là cục đá. Một vật chất tượng trưng cho một thứ nhìn có vẻ rất rắn chắc, trơ lì, chịu đựng được sự bào mòn của thời gian. Nhưng bề mặt của đá nói lên rất nhiều về sự tác động của thời gian, của những diễn biến, sự việc cuộc sống qua đó. Nghĩ đến chuyện sự tác động thời gian ấy xảy ra nhiều như thế nào, và những thứ đá đã chứng kiến, tôi nảy sinh sự rung động về cụm từ: ‘xung động nội tại của con người’”.
Mifa: “Sự xung động này có thể đến từ bất cứ ai, hoặc bất cứ tạo vật sống nào cũng sẽ có. Nhưng ở những tạo vật sống có vẻ bề ngoài càng bất biến, thì sự xung động nội tại đó, đối với tôi, càng tương phản bởi vì nó không thể hiện ra bên ngoài. Và những thứ cuộn sóng, hay là những diễn biến bên trong tạo vật ấy, đối với tôi, trở nên nổi bật hơn rất nhiều. Ngoài ra, đá còn là một thứ có năng lượng tương phản với cột đá trong vườn của tôi mà tôi thể hiện trong bức ‘Cuộc đời thầm lặng của một cây nấm’”.
Mifa: “Bức tranh này là về nấm và địa y. Nấm và địa y, đối với tôi, là biểu tượng của sự kết nối. Tôi từng đọc được một thuyết dựa trên thực tế về nấm và địa y; khi mình chạm vào một cây nấm ở trong một quần thể nấm, thì tất cả những cây nấm còn lại đều cảm nhận được sự tác động vật lý ấy. Tôi thấy vô cùng cảm động khi đọc thuyết đó bởi vì đối với tôi, đó là một thể vô cùng chặt chẽ và rõ nét về sự đồng cảm, sự tương quan đến nhau. Một điều mang tính tình thương, thương cảm tôi cảm nhận được khi nhìn vào một thể sống trong thiên nhiên. Qua sự kết nối đó, tôi thấy được một đường năng lượng chảy ra rất dồi dào từ cây nấm. Ngược lại thì cục đá dường như là một thứ bị bóc tách ra khỏi sự kết nối với mọi điều. Nhưng, khi đặt nó ở trong thể của vườn, thì cục đá cũng là một trong những tạo vật trong một không gian lớn, và tôi nghĩ sự kết nối của cục đá với những tạo hợp khác trong vườn đến từ một thứ gì đó rất vi tế. Bởi lẽ bản chất của cục đá là giữ lại mọi thứ bên trong nó, mang trên mình cái vẻ trơ lì và bất biến, nhưng thực chất đá cũng là một trong những thể sống mà tôi cảm nhận được, cũng có một đường dây kết nối vô hình với những thứ khác trong khu vườn ấy, điều đó khiến tôi rung động.”
Và khói
Nếu như vườn và xương là hai chủ thể chung, kết nối lại sợi dây và khoảng không của hai nghệ sỹ với nhau thì khói, đối với Nguyễn Việt Anh, lại gắn liền với một câu chuyện cá nhân, mang tính đánh dấu một cột mốc mới trong thực hành của anh.
Nguyễn Việt Anh: “Năm 2021 tôi bị cháy xưởng, cũng là nhà của tôi. Trước đó, tôi cũng đã thực hành tương đối nhiều. Sau khi ra trường tôi cũng mày mò đủ thứ; hiện thực, lãng mạng, v.v.. Lúc nào tôi cũng cảm thấy thiếu, tôi đã không biết rằng, chỉ cần là mình thôi đã đủ rồi. Tôi cứ đi tìm, tìm cách nào đó cho nó đủ thêm. Đến thời điểm bị cháy xưởng, tự nhiên trong đầu tôi nảy sinh rất nhiều trạng thái. Và trong khoảnh khắc cháy xưởng, có lúc tôi sụp đổ nhưng có khi tôi lại thấy có một thứ gì đó giống như là một cái lá mọc lên; tự nhiên, có một sự cắt phựt trong đầu tôi và tôi thấy rằng: ‘À, bây giờ, tự nhiên, tôi có thể rút ra được những gì mình đang muốn làm nhất trong hành trình của mình, không còn bị mắc lại bởi những sự tìm tòi ở đây’. Tôi biết được thứ còn của mình là gì, và từ đó tôi tiếp tục.”
Một điểm chung khác trong tranh của hai nghệ sỹ đó là sự “kiệm người”. Sự xuất hiện của con người trong tranh của Nguyễn Việt Anh và Mifa rất khiêm tốn và mang tính quan sát, tương quan với thiên nhiên, để những vật thể khác tiến lên tiền cảnh, gần lại với người xem.
Mifa: “Khi tôi nghiên cứu về tư tưởng triết học của phương Đông, có một điều tôi thấy, đó là nó rất đối lập với tư tưởng triết học phương Tây. Nền tảng triết học phương Tây lấy con người làm trung tâm, và điều này thể hiện rất rõ trong kĩ thuật của họ. Họ đặt con người làm trung tâm, sau đó là diễn tả mọi thứ một cách chính xác nhất theo mắt nhìn. Đó là điều tạo nên đặc trưng của hội họa phương Tây. Từ đó, tôi phải nghiên cứu lại về sự khác biệt và cái hay của hội họa phương Đông nằm ở đâu khi đặt cạnh hội họa phương Tây. Bởi tôi nghĩ hội họa là một sự thể hiện của tinh thần triết học. Tinh thần triết học phương Đông của châu Á, đặc biệt là khối Đông Á, khối Đồng Văn, đó là: con người là một thể của vạn vật. Khác với phương Tây, con người giờ đây chỉ là một phần nhỏ thôi. Và cái sự suy ngẫm này đến đúng thời điểm với cảm xúc của tôi; ở thời điểm tôi có vấn đề về lòng tự trọng, cảm thấy mình quá nhỏ bé và yếu đuối, không sẵn sàng để bộc lộ bản thân mình ra nữa. Vậy nên, thay vì tập trung thể hiện con người hoặc bản thân một cách quá trực tiếp, tôi có thể thể hiện bản thân qua cách tôi nhìn thiên nhiên, vạn vật xung quanh. Việc ‘kiệm người’ ở trong tranh của tôi đến từ hai lý do như vậy. Thứ nhất, là việc nghiên cứu về tư tưởng triết học và hội họa của Đông Á, thứ hai, là về cảm xúc của mình.”
Nguyễn Việt Anh: “Tôi không muốn tập trung vào câu chuyện của một nhân vật mà muốn tập trung câu chuyện và hình ảnh vào không gian của tranh, vào sự thể hiện của các đối tượng mà vốn đã có sự sống của nó rồi. Khi đặt con người vào đây, tôi cảm thấy tự nhiên người ta sẽ bắt đầu muốn tìm hiểu là: ‘À, anh này có vấn đề gì hoặc gì đó’. Tự nhiên sẽ có một câu chuyện đi với con người đó, điều ấy sẽ làm giảm đi tính khả năng, và con người trở thành một phương tiện đo. Không gian của con người là một phương tiện rất dễ đo. Khi đã biết tỉ lệ của nhau thì việc đặt con người vào trong một không gian sẽ khiến ta biết được không gian đấy rộng, bé hay hẹp. Người ta sẽ vơi đi cảm giác muốn đi tìm không gian này, hay mất đi cảm giác mơ hồ thoạt đầu.”
Kỹ thuật dát vàng trên giấy điệp là một trong những thực hành yêu thích của Mifa, tạo nên điểm nhấn đặc biệt, tuy là tranh trên giấy nhưng người xem lại có cảm giác như đang được nhìn ngắm những bức tranh sơn mài nhờ kỹ thuật này.
Mifa: “Dát vàng trên giấy là một kỹ thuật tôi học được từ một nghệ sỹ người Hồi giáo. Kỹ thuật này vốn là kỹ thuật dát vàng trang trí trên sách kinh Qu’ran của Hồi giáo. Trước đến nay tôi chỉ biết chuyện dát vàng trên sơn mài thôi, bề mặt để dát sẽ là trên vóc hoặc là trên gỗ. Nhưng khi biết đến việc dát vàng trên giấy thì tôi đã rất ấn tượng, kể cả khi tôi chưa biết đến giấy điệp. Và khi thực hành với giấy điệp, tôi thấy nó trở thành một cái điểm nhấn và thứ hai, nó có thể tăng sự lấp lánh của giấy điệp lên. Giấy điệp có sự lấp lánh, lung linh, mơ mộng rất nhiều. Và việc dát vàng lên giấy tạo nên một sự tương phản về chất liệu. Bởi vì vàng là chất liệu rắn và nó tình cờ phù hợp với cảm nhận của tôi về giấy điệp. Giấy điệp là một chất điệu giấy mỏng manh, nhưng khi thử sờ lên bề mặt thì lại có cảm giác như đang sờ lên một bề mặt đá thô ráp. Lá vàng đối với tôi cũng mang một cảm giác như vậy, và tôi thích sự tương phản trong cảm xúc như thế.”
Khuê Nguyễn
THÔNG TIN TRIỂN LÃM
Nghệ sỹ: Nguyễn Việt Anh, Mifa
Đơn vị tổ chức: Wiking Salon
Giám tuyển: Lân Tinh Foundation
Đối tác: CARA – Lighting Solutions, Artician
Địa điểm: Wiking Salon, Tầng trệt – Tòa nhà Centec, 72 Nguyễn Thị Minh Khai, P. 6, Q. 3, TP. Hồ Chí Minh
Thời gian: 09.11.2024–08.12.2024
Giờ mở cửa: Thứ 5 đến Chủ Nhật: 09h00–18h00
Vào cửa miễn phí với lịch đặt hẹn trước: https://shorturl.at/QlGP7