Những “chấn thương” phảng phất trong tác phẩm của Nguyễn Duy Mạnh

Tôi nhớ trong một lần nghiên cứu tài liệu viết những nỗi đau trong văn chương, từng đọc được nhận định của tiểu thuyết gia người Đức Goethe: “Khi vui lòng như mang cái gì hình tròn, êm ái – khi đau lòng lại mang một vật hình nhiều cạnh. Cái hình tròn ấy chỉ một loáng nó đi qua, còn hình có góc cạnh lại vướng mắc mãi.” 

Đến bây giờ, tôi lại cảm thấy sự tương đồng ấy trong những thực hành mang tính hành vi như cào xước, rạch đẽo và nhào nặn để tạo nên những khối rắn, sắc nhọn ẩn chứa những ám ảnh day dứt khi xem những tác phẩm của nghệ sĩ thị giác Nguyễn Duy Mạnh.

Phách Lạc (Lost Spirits), table no. 2, Forest scene plate no. 1 (Đĩa cảnh sơn lâm no. 1), 2023

Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Duy Mạnh

Sinh năm 1984 tại Vĩnh Phúc, Nguyễn Duy Mạnh là nghệ sĩ thị giác nổi tiếng với những tác phẩm gốm sứ độc đáo, khơi gợi nhiều ý niệm thẩm mỹ mới mẻ. Lấy gốm sứ làm chất liệu, anh thách thức giới hạn của bản thân bằng cách biến những khối rắn thành những tác phẩm mềm mại, tinh tế. Qua từng tác phẩm, anh gửi gắm những suy tư về sự đứt gãy,rạn vỡ trong xã hội hiện đại, những bi kịch mà ngôn ngữ không thể diễn tả.

Phách Lạc (Lost Spirits), table no. 2, Peacock & Phoenix plate (Đĩa Công-Phượng), 2023

Trong nghệ thuật đương đại, thực hành gốm sứ không chỉ là việc tái hiện kỹ thuật mà đây còn là hành trình khám phá và thể nghiệm với một chất liệu truyền thống. Nguyễn Duy Mạnh đã khám phá sâu bản thân của gốm, phá vỡ những giới hạn về mặt hình thức và chất liệu để khai mở những câu chuyện mới của gốm – thậm chí truyền tải những phản biện xã hội sâu sắc. 

Phách Lạc (Lost Spirits), table no. 2, Flowers plate – Birds pot (Đĩa hoa – nậm chim), 2023

Biểu tượng cho những “chấn thương” tâm hồn

“Phách lạc” (2017-2023) là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Duy Mạnh, thể hiện rõ nét những “chấn thương” trong tâm hồn nghệ sĩ. Tác phẩm gồm 20 mảnh đồ ăn bằng gốm Chu Đậu được đặt trên một bàn trắng trong căn phòng thiếu sáng. Khi nhìn kỹ, những vật dụng này trở nên kỳ dị và rùng rợn. Một số đĩa có bề mặt bị cào xước, khứa và bong tróc, lộ ra những vết thương hở tráng men son đỏ tươi, trong khi những vật dụng khác bị chặt đứt và biến dạng với những giọt máu bằng gốm đọng lại bên dưới.

Phách Lạc (Lost Spirits), table no. 2, Flower vines vase (Bình hoa dây), 2023

Tâm điểm của chuỗi tác phẩm là đầu của một con kỳ lân – linh vật tượng trưng cho sự thịnh vượng trong thần thoại Á Đông – giờ đây được bày biện với nửa thân lột da và đôi mắt trừng trừng vì kinh ngạc.

Hình thức thể hiện độc đáo của “Phách lạc” đã tạo nên một hiệu ứng thị giác mạnh mẽ, khơi gợi trong người xem những cảm xúc ám ảnh và day dứt. Những vết thương hở trên đồ gốm như ẩn dụ cho những tổn thương trong tâm hồn nghệ sĩ trước sự biến đổi của xã hội hiện đại, nơi những giá trị truyền thống bị mai một và thay thế bởi những giá trị vật chất.

Nguyễn Duy Mạnh không chỉ thể hiện nỗi đau của riêng mình mà còn là nỗi đau chung của thời đại.. Qua những tác phẩm “Hoa lắng đáy sông”, “Hoa trong thớ đất”, “Hồn xiêu phách lạc”,… nghệ sĩ khơi gợi trong người xem những suy tư về “chấn thương” trong tâm hồn và giá trị của nghệ thuật trong việc chữa lành những vết thương đó.

Hoa Trong Thớ Đất, 2023

Để kết bài, tôi xin trích lời chia sẻ của Nguyễn Duy Mạnh trong một cuộc phỏng vấn, rằng: “Với tôi, gốm cũng như người, chúng có giá trị văn hóa, chúng chứa đựng đời sống tinh thần và tôi không thể phân biệt tôi đang nói tiếng của gốm hay gốm nói tiếng tôi. Tôi tái hiện lại hình dáng, hoa văn trên đồ gốm của người xưa và để lại trên đó dấu vết như chính dấu vết mà tôi cảm nhận về những tổn thương của văn hóa đương thời”. 

Bài: Phương Uyên
Ảnh: Nguyen Duy Manh’s Artworks