Hai nhà phê bình điện ảnh Vũ Ánh Dương (trái) và Nguyên Lê (phải). (Nguồn: Nhân vật cung cấp)
Nguyên Lê (NL): Trước khi hỏi anh cảm thấy thành phẩm thế nào, tôi tò mò về cảm nhận của anh về ý tưởng phim? Những viên gạch đầu tiên của “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” (tạm gọi tắt là “Địa đạo”) đã cho anh những suy nghĩ gì?
Vũ Ánh Dương (VAD): Trước khi xem phim “Địa đạo”, tôi hình dung ra tình thế có thể khó khăn mà chính nhà làm phim sẽ đặt ra cho mình, một mặt vẫn tái sản xuất diễn ngôn về chủ nghĩa anh hùng của phim chiến tranh cách mạng Việt Nam, song vì định hướng phim thương mại, nên phải xử lý ngôn ngữ điện ảnh thế nào để tránh rơi vào kiểu thi pháp Hollywood. Vì thế, tôi càng chờ đợi dấu ấn cá nhân của anh ấy trong phim này.
NL: Nếu xét về chủ đề thôi thì không có gì để nói – đây giống như sân nhà của anh Chuyên rồi, điều này thể hiện rất rõ ràng qua những phim như “Sống trong sợ hãi” hay “Tay đào đất”. Nhưng first look/teaser của “Địa đạo” lại khiến tôi bất ngờ vô cùng.
Qua những khung cảnh đầu tiên, tôi thấy phim kỳ vĩ hơn tưởng tượng của bản thân và có tính thương mại cao, khác với những phim trước của anh Chuyên, khi anh ấy đi sâu vào những câu chuyện cá nhân hơn và đậm tính tác giả hơn. Có thể khái quát rằng các tác phẩm trước của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thiên về hướng “arthouse” hơn.
Dù gì tôi vẫn tò mò, không biết qua bộ phim này anh Chuyên liệu sẽ chứng minh được sự tồn tại của một dạng ngôn ngữ điện ảnh, đặc biệt trong bối cảnh văn hoá nghệ thuật ở Việt Nam, đi trên lằn ranh giữa arthouse và thương mại hay không. Nếu nó thực sự tồn tại thì quá tuyệt vời, bởi tôi tin đây là cách mà các nền điện ảnh khác tìm ra một hay nhiều tác phẩm tiêu biểu và thoả mãn các điều kiện lý tưởng để trình chiếu ở phạm vi quốc tế.
VAD: Trên truyền thông, đạo diễn cũng nhấn mạnh phong cách phim tài liệu của phim như một cách tránh lối mòn. Lối mòn về phim chiến tranh cách mạng Việt Nam, hay lối mòn về phim chiến tranh giật gân Mỹ. Khi xem xong phim dù không phủ nhận đây là một phim rất tốt, nhưng từ góc nhìn phê bình của mình, tôi thấy nó quả là một phim chống Mỹ bằng ngôn ngữ điện ảnh kiểu Mỹ.
NL: Sự giao tranh thể hiện qua một cuộc chiến trong lòng một cuộc chiến được thể hiện rất rõ trong phim, đặc biệt là ở hồi một. Phim có sự hối hả, vội vã trong cách giới thiệu bối cảnh, tình huống và nhân vật, đem lại cảm giác khó theo dõi tuyến nhân vật, nhiều nhất người xem chỉ nắm được sơ bộ ai là ai. Cũng như những cuộc gặp gỡ lần đầu, nếu chúng ta không thiết lập được một hay vài đặc điểm nhận dạng thì sẽ gây khó khăn cho người khác.
VAD: Đúng vậy. Cả bộ phim như một trường đoạn kịch tính kéo dài nên nhiều lúc dường như nó xuôi xuôi băng về phía bùng nổ, gắng đưa không gian địa đạo như nhân vật chính yếu. Điều này khiến người xem ở nhiều chỗ cảm thấy phim loay hoay khi từ không gian của cái riêng trở ra cái chung, thêm vào đó là cả những tranh chấp khi xử lý không gian rộng hẹp, trên dưới.
NL: Về mặt cảm xúc, điều mà đại bộ phận công chúng chú trọng nhất, “Địa đạo” có thể coi là một tác phẩm chuẩn mực. Nhưng khi soi xét sâu hơn, về logic, về tiết tấu kể chuyện, về bố cục phim và rất nhiều các yếu tố khác của một tác phẩm điện ảnh thì phim này vẫn đâu đó khiến giới chuyên môn đặt ra nhiều dấu chấm hỏi hay thậm chí ba chấm.
Từ đó, tôi đặt ra một mâu thuẫn, tạm gọi như vậy đi, sau khi hỗ trợ dịch thuật cho một nhà báo Mỹ đang muốn viết về phim thông qua phỏng vấn hai nhân vật mà phim lấy làm nguồn cảm hứng. Bao phẩm chất tốt của một chiến sỹ Việt Nam và tư duy “hồn người trước, biểu tượng sau” đều đúng, được thể hiện với đầy đủ các yếu tố điện ảnh giúp nó trở nên dễ tiếp cận bất kể thế hệ; nhưng đồng thời, mặt trái nảy sinh là nó thiếu đi sự rõ ràng, thậm chí chuẩn xác, do một nhân vật là tổng hợp từ nhiều đối tượng nghiên cứu khác, có thể là nam, nữ, già, trẻ và từ nhiều vai trò khác nhau trong cuộc chiến. Thử thách này đặt trên vai đạo diễn một gánh nặng rất lớn.
Tuy nhiên, khi tiếp tục theo dõi sâu hơn, tôi nhận thấy những yếu tố khác trong phim, hầu hết thuộc giá trị sản xuất (production value), đã có sự nhất quán, từ đó trở thành gốc rễ, mỏ neo cho các giác quan của tôi luôn có thể tìm về. Nếu trải nghiệm của tôi là một con tàu và con tàu đó chạy vào màn sương, thì khi những gốc neo đó xuất hiện lại, tôi biết hải đăng ở đâu và không lạc lối trong câu chuyện.
VAD: Nhưng cảm giác cá nhân, cái khó chịu như choáng váng, ngộp thở, kinh hãi, bất an mà phim này mang đến cho người xem vẫn là cảm giác sinh ra để được thoả mãn kiểu phim cảm giác, hành động chiến tranh. Chứ nó không phải cảm giác khó chịu nhưng vẫn phải chịu của phim nghệ thuật, nên phim vẫn rất dễ xem.
Mặc dù biết đây toàn bộ là dàn dựng, tái hiện, nhưng chính cảm giác chuyên chú, dày công, lăn xả, gian khổ, tốn kém của quá trình sản xuất đó mang lại cho tôi cảm giác tương tự khi hình dung về những người lính du kích. Phim và đời thực, dù là đời thực soi chiếu từ hiện tại về quá khứ, đều cho thấy một cái gì đó rất chuyên nghiệp mà lại dã chiến.
NL: Chính vì vậy, cá nhân tôi muốn nêu bật những yếu tố giúp phim có tính điện ảnh cao, đặc biệt là phần âm thanh, cụ thể hơn như phần âm nhạc do ông Clovis Schneider và các nhạc công thực hiện. Dân gian hay ví von là tinh thần, đầu óc lúc hồi hộp sẽ căng như dây đàn, và họ đã thể hiện được điều đó. Mỗi lần động tác gảy đàn diễn ra để âm thanh vang lên, tôi có thể liên tưởng đến ruột rà của các anh chị em chiến sĩ co thắt, nhịp thở tĩnh đây loạn đó theo diễn biến cuộc chiến.
Âm thanh, âm nhạc trong phim luôn có sức mạnh truyền đạt những cảm xúc thay cho lời thoại, vì chỉ có lời thoại hay trong điện ảnh là không đủ. Tôi mong đợi sẽ có nhiều phim Việt Nam như thế này hơn nữa.
Mảng truyền thông của phim cũng được ê-kip thực hiện rất tốt khi tập trung vào khâu hậu trường, kỹ thuật. Nhấn mạnh độ hoành tráng là một chuyện, nhưng chuyện khác cũng quan trọng không kém là giúp công chúng nhớ tới những thành viên đằng sau máy quay đã giúp hiện thực hoá ý tưởng. Đoàn làm phim giống như cả một ngôi làng, bởi vậy chỉ nhớ mỗi trưởng làng thôi là rất thiếu sót.
VAD: Theo tôi, ngoài chất lượng phim tốt, các yếu tố truyền miệng phim “phải xem” kiểu truyền thông phim bom tấn Mỹ, làn sóng chủ nghĩa dân tộc để cao lòng yêu nước và tinh thần tự hào lịch sử dâng cao trong giới trẻ trên mạng xã hội vài năm gần đây, sự thất vọng về chất lượng của nhiều phim trăm tỷ hay phim kỷ niệm trước đó, v.v. cũng góp phần làm nên thành công doanh thu của phim. Tín hiệu đáng mừng nhất là các đề tài vốn dĩ chỉ dành cho phim nhà nước đầu tư để kỷ niệm, cất kho, nay có thể sinh lời nếu nó được tư duy, đầu tư, sản xuất, phát hành như một phim thương mại.
Một mặt phức tạp nữa ở thị trường điện ảnh Việt Nam là thành công của một bộ phim hiện tượng cũng dễ kéo theo sự thất bại của nhiều bộ phim khác, nếu người ta chỉ cố gắng học theo, bắt chước theo.
NL: Tôi nhớ lại giai đoạn nổi đình nổi đám của “Đào, phở và piano”. Đáng lẽ cũng chung số phận làm xong là xếp vào kho, nhưng nhờ được cộng đồng kêu gọi, ủng hộ nên phim mới chịu “nán lại”.
Tất nhiên, “Địa đạo” thì khác do được đầu tư theo hướng phim thương mại, thậm chí có dấu hiệu là muốn đi xa, nhưng tôi có phần quan ngại khi nhận thấy chủ đề của phim đang được khai thác thành công khi trùng với thời điểm kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, một chiến lược đúng đắn về nhiều mặt, sẽ hoà cùng với cảm xúc của công chúng, đôi khi điều này lại khiến chất lượng nghệ thuật của phim được “du di” hơi quá. Tôi mong rằng mình không quá bi quan.
VAD: Dù phim ảnh được sản xuất để bán vé, nghĩa là lấy thị hiếu số đông để thoả mãn, thì tiền đề của nó vẫn là sự sáng tạo, với nền tảng là công nghệ. Thành công của “Địa đạo” còn dựa trên sự theo đuổi, có thể là hai năm sản xuất, có thể là nhiều năm ấp ủ sáng tạo để tìm được kinh phí, công nghệ thích hợp hiện thực hoá. Mô hình “Địa đạo” với kiểu sản xuất phim thị trường chớp nhoáng như ở Việt Nam thực ra khác xa nhau. Nó khó có thể trở thành nguyên mẫu cho các nhà làm phim, nhà sản xuất khác. Nhưng họ có thể nhìn vào lịch sử, chiến tranh như một đề tài khả dĩ.
NL: Tôi đồng ý với nhận định này của anh. Tuy bạn bè quốc tế vẫn còn giữ nhận định cũ kỹ là chỉ có chủ đề chiến tranh, thậm chí “có nhiều khổ ải” mới xứng với điện ảnh Việt Nam, tôi vẫn thấy “Địa đạo” mở ra được nhiều điều đáng mừng. Chính nhất là những câu chuyện này hiện do các nhà làm phim trong nước, thay vì nước ngoài, kể. Tôi không khỏi ngăn mình đã mừng rỡ khi thấy bối cảnh địa đạo trong “Địa đạo” không ở trong phim tài liệu của Mỹ! Chi tiết này thôi cũng đã có thể là một điểm hay để quảng bá phim, và xa hơn nữa là câu chuyện về một vùng đất, một quốc gia.
Với đầu tư và định hướng chất lượng, tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm ra những bộ phim vừa thắp sáng phòng vé, vừa có khả năng “tái lập trình” tư duy bạn bè quốc tế để họ chịu tìm hiểu những sắc thái khác của điện ảnh nội địa Việt Nam. Không phải phim nào cũng có thể áp dụng chỉ đúng một mô hình là có thể lặp lại thành công trên nhiều mặt của một tác phẩm cụ thể, thế nhưng có những mẫu số chung mà dự án Việt Nam nào cũng có thể học hỏi, chia sẻ. Chỉ khi đó thì điện ảnh trong nước mới có những bước tiến thật sự và đáng kể. Cả một nền nghệ thuật sẽ đủ sức chứng minh là mình đã hiểu rằng một bộ phim điện ảnh là một sản phẩm văn hoá có tính giải trí cao, chứ không chỉ đơn thuần là giải trí.
Bài: Vũ Ánh Dương & Nguyên Lê