Nhiếp ảnh gia Nguyên Phương: Đi giữa nhiếp ảnh tư liệu và nghệ thuật

Nguyên Phương là một nhiếp ảnh gia Việt trẻ tuổi, nhiều triển vọng đang du học tại Úc. Tác phẩm của Phương đã giành giải thưởng, được triển lãm, xuất bản ở nhiều nơi tại Đông Nam Á và Úc. Trong phỏng vấn này, Phương đào sâu vào cách cái nhìn cá nhân xóa mờ ranh giới giữa nhiếp ảnh tư liệu và nghệ thuật.

Chào Phương, em hãy giới thiệu một chút về bản thân và thực hành của mình nhé. 

Em là Nguyên Phương, em sinh ra ở Hà nội và lớn lên ở Sài Gòn. Em đang theo học bằng cử nhân danh dự chuyên ngành Nghệ thuật và Nhiếp ảnh tại RMIT Úc. Em thực hành trong nhiếp ảnh, giám tuyển, và xuất bản, đặc biệt là về những đề tài liên quan tới danh tính tập thể, gia đình, tính dục hậu kháng chiến chống Mỹ trong bối cảnh Việt Nam, Đông Nam Á, và Châu Á Thái Bình Dương. 

Lê Nguyên Phương & Adrian Jing Song, Triển lãm “I Can’t Wait For You to Grow” (2024), Incinerator Gallery, Melbourne, Úc.

Là người sáng tác nhiếp ảnh nghệ thuật với xu hướng tư liệu, có định hướng nghiên cứu nhiếp ảnh tiếp tục ở bậc Cao học, em phân biệt như thế nào giữa nhiếp ảnh tư liệu, nhiếp ảnh như phương tiện nghiên cứu, và nhiếp ảnh như thực hành nghệ thuật? 

Với em nhiếp ảnh là phương tiện nghiên cứu vì em rất tò mò. Nhiếp ảnh thôi thúc em phải đi, rồi giữ gìn những gì em biết về thế giới trong những tấm ảnh. Còn nhiếp ảnh như thực hành nghệ thuật tập trung vào cách mình gói ghém kiến thức có được trong những hình thái khác để chia sẻ nó cho mọi người. Hình thái này có thể ra đời trong thực hành triển lãm hay biên tập – những cách thức thể hiện rõ chủ đích nhiếp ảnh của mình với người xem.  

Em quan tâm về khoảng không tồn tại giữa nhiếp ảnh tư liệu và nhiếp ảnh nghệ thuật. Em nghĩ là các nhiếp ảnh gia ở Việt Nam cũng thường quan tâm đến điều này. Về lịch sử, hình ảnh Việt Nam thường được khắc họa trong nhiếp ảnh phóng sự, đặc biệt là phóng sự thời chiến. Thế nên có những quãng thời gian, thậm chí là hiện tại, ta cảm giác thế giới nhìn Việt Nam không phải như một quốc gia mà là như một cuộc chiến. Điều này khiến những nhiếp ảnh gia Việt Nam hướng đến việc thay đổi định kiến đó qua những thể thức trình hiện mới hơn. 

Nhìn chung, ý niệm về nhiếp ảnh như một thực hành nghệ thuật cũng là một ý niệm mới. Nhiếp ảnh vừa có chỗ đứng trong bảo tàng như một ngành nghệ thuật không lâu và các trường đại học cũng chỉ mới thêm chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật trong thời gian gần đây, bên cạnh nhiếp ảnh truyền thông và báo chí. Việc mình nhận thức rằng nhiếp ảnh tư liệu không phải là một sự thật chung, độc nhất mà là sự thật cá nhân của mình cũng là một bước chuyển mới của nhiếp ảnh như một ngành nghệ thuật. 

Với tác phẩm cá nhân là “Thành Phẩm”, “Ánh Dương”, và dự án riêng là Câu lạc bộ sách ảnh Thăng Long, chị cảm nhận rằng Phương có một mối quan tâm đặc biệt với hình thức xuất bản sách. Em chia sẻ thêm về điều này được không? 

Em hay làm sách vì em nghĩ về nó như việc “triển lãm ngầm”, giống như ngày trước bên mình đánh ngầm quân Mỹ thì bây giờ mình áp dụng chiến thuật đánh ngầm đó vào trong xuất bản để tiếp cận với mọi người một cách vật lý. Thực tế mà nói, tại Việt Nam, nhiếp ảnh gia hiếm khi có điều kiện xuất bản số lượng lớn để bán hay làm triển lãm thì mình phải nghĩ về việc tự xuất bản sách số lượng nhỏ rồi đặt ở những nơi như quán cà phê và thư viện. Với bối cảnh này, sách trở thành một mô hình hợp lý để nhiếp ảnh gia bắt đầu sự nghiệp của mình giữa nhiều giới hạn về tài nguyên, trước nhất là từ việc trao tay nhau trong cộng đồng nhiếp ảnh. 

Hình thức này vừa tốt về kinh tế, vừa tốt về mặt nội dung nữa vì nhiếp ảnh không bắt buộc phải có đầu ra với quy mô vật lý như điêu khắc hay tranh vẽ. Với sách ảnh, ý định nghệ thuật, nội dung truyền tải của tác giả vẫn sẽ được đảm bảo ở khâu biên tập. Sách cũng cho phép ta thể hiện dung lượng những dự án được nghiên cứu, sáng tác trong thời gian dài. Các nhiếp ảnh gia đương đại cũng có xu hướng sử dụng bộ ảnh hơn ảnh đơn vì họ muốn thể hiện mình dành nhiều thời gian cho một ý tưởng, đề tài hơn là “phóng sự dù” – đáp xuống rồi đi, thiếu chiều sâu. 

Nguyên Phương, Ấn phẩm “Thành Phẩm” (2022), sách ảnh thủ công.

Có thể thấy gia đình cùng các mối quan hệ cá nhân là những đề tài thường xuyên của em, như vậy, nhiếp ảnh tác động thế nào tới mối quan hệ của em với những người thân yêu?

Trong khi em lục qua kho lưu trữ ảnh của gia đình em thì em thấy ông em và bố em rất ít khi chạm nhau trong ảnh, họ có cười rất tươi hay rất vui trong tấm ảnh thì họ cũng rất ít khi chạm nhau. Vì thế nên, với em, khi mà hai người phải đứng chung một tấm ảnh và chạm vào nhau để chụp ảnh thì đó đã là quá trình làm thân với nhau rồi. Việc ta nhận thức là có máy ảnh trước mặt và ý thức được việc mình đang chủ đích cùng tạo ra một tấm ảnh, rồi thương lượng với thời gian và tình cảm của nhau, nói là “con sẽ chụp thế này thế kia”. Tất cả đều là cách ta gắn kết với nhau qua việc chụp. Em nghĩ nhiếp ảnh là một cái cớ. Nhiếp ảnh đến với em năm 16 – 17 tuổi và khi gia đình thấy em chụp nhiều hay quan tâm đến việc gọi mình là nhiếp ảnh gia thì mọi người không còn coi đây là một điều xa lạ hay sở thích vu vơ, mà họ cũng muốn hỗ trợ, không còn ngại. Đến giờ, họ đã hiểu hơn bao giờ hết rằng đây là một cách để em gắn bó với họ chứ không chỉ là họ trao cho em một tấm ảnh sau đó không nhận lại được gì. 

“Cảnh tắm suối 1” (2024), ảnh kĩ thuật số – Chân dung cha Nguyên Phương.

Em đã đi rất nhiều quốc gia nhưng cuối cùng đều kết nối lại với lịch sử về Việt Nam, như thế, việc đi xa ảnh hưởng đến góc nhìn của em về Việt Nam như thế nào? 

Em không giỏi trong việc chụp ảnh lúc mà đi du lịch. Hồi nhỏ em đi Đảo Khỉ xong em làm mất máy ảnh từ đó gia đình em không cho em dùng máy ảnh mini nữa *cười*. Nhưng Susan Sontag, một cây viết, nhà phê bình, và học giả người Mỹ với nhiều công trình quan trọng về nhiếp ảnh, có nói rằng mọi người thích chụp ảnh du lịch vì đó là một lao động dễ, giúp cho họ cảm thấy họ không lãng phí thời gian. Em thì không thấy thế, em sẽ cảm thấy bản thân hiệu suất khi em có nhiều thời gian cho chủ đề, chủ thể, và hiểu rõ điều em làm. Về căn bản, các dự án của em cũng đều xuất phát từ những tò mò cá nhân sau đó mở ra những bối cảnh rộng hơn. Khi đi xa, đi nhiều, em nhận ra là có rất nhiều câu chuyện về Việt Nam trong các bối cảnh khác như Campuchia hay Úc chẳng hạn. Từ đó, em suy nghĩ những cách để mình hòa trộn câu chuyện cá nhân của mình, một người Việt, trong đại tự sự của thế giới và kể lại câu chuyện đó trong nhiếp ảnh. 

Nguyên Phương, “Cánh chim bạc” (2024), ảnh kĩ thuật số chụp qua bộ lọc hồng ngoại, 120 x 90cm – Chụp tại Phnom Kulen.

Cảm ơn Nguyên Phương đã chia sẻ cùng Art Republik! 

Xem thêm các tác phẩm của Nguyên Phương tại: https://lenguyenphuong.com

Người viết: An Tử

Hình ảnh: NAG Nguyên Phương