Sau những dự án nghệ thuật gây tiếng vang được thực hiện từ năm 2016, Phố Bên Đồi tiếp tục mở rộng với Phố Bên Đồi Creative Studio, một không gian sáng tạo toạ lạc trên đồi cao nhất Đà Lạt. Đây vừa là không gian co-working, vừa là không gian triển lãm, và trình diễn văn hoá thường xuyên. Trải qua hành trình không quá dài, nhưng cũng không phải quá ngắn, như chính Hiền Nguyễn thừa nhận, nhất là trong bối cảnh nhiều không gian sáng tạo và văn hoá trước đó buộc phải đóng cửa. Nhà sáng lập Phố Bên Đồi coi đó vừa là thách thức, vừa là động lực.
Từ công việc trước, tôi có cơ hội đi đây đi đó, làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố lớn, cũng là những cái nôi của văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, tôi sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, tôi hiểu được thành phố ở góc độ là nhìn thấy lợi thế và bất lợi của Đà Lạt so với những thành phố lớn.
Mọi người cũng biết Đà Lạt đang ngày càng nổi tiếng và được biết đến là thành phố du lịch trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trước đó, ít ai biết rằng Đà Lạt cũng là một địa điểm văn hóa song song với những thế mạnh như cảnh quan, kiến trúc, khí hậu. Đáng buồn là Đà Lạt đang mất dần định vị đó. Là một người con của Đà Lạt và yêu nghệ thuật, tôi nhận thấy mình có thể góp phần xây dựng lại thương hiệu Đà Lạt dựa trên những thế mạnh đó. Nghĩa là, dựa trên những nền tảng có sẵn để tạo ra một luồng gió mới. Với giới trẻ và giới tri thức hiện thời, Đà Lạt vẫn là một điểm đến để nghỉ dưỡng, để lấy lại tinh thần hoặc là truyền cảm hứng. Kể cả giới nghệ sĩ, tôi cũng có tiếp xúc với nhiều người, họ đều nói rất thích dự án Phố Bên Đồi. Các bạn sinh viên kiến trúc kỹ thuật cũng rất thích ghé lại để quan sát, nghiên cứu, tìm cảm hứng sáng tác, vẽ vời. Tuy nhiên, ở góc độ truyền thông, chính sách phát triển, khía cạnh này vẫn chưa phát triển.
Nghệ thuật là một mô hình không có biên giới, nó là một thứ ngôn ngữ lan tỏa giống như là âm nhạc. Mình không thể nói rằng phải đặt nghệ thuật ở thành phố nào thì nó mới phát triển được. Phố Bên Đồi đối với tôi mang tính đặc trưng và đặc thù và thiết kế đô thị, là bản sắc địa phương. Tôi hướng đến xây dựng Phố Bên Đồi hay mới đây nhất là không gian sáng tạo Phố Bên Đồi Studio cũng là một hình ảnh độc đáo của Đà Lạt, của những thành phố Việt Nam hoặc Đông Nam Á được thiết kế theo những triền đồi.
Tôi có đọc nghiên cứu của Hội Đông Anh về nền công nghiệp văn hóa và nền công nghiệp sáng tạo, có đâu đó tới 12 lĩnh vực. Thành phố và những tổ chức lớn như UNESCO, họ cũng khảo sát và nhận thấy Đà Lạt là một thành phố có tiềm lực để trở thành một thành phố sáng tạo. Vì thế, khi làm dự án Phố Bên Đồi, tôi cũng hướng tới việc phát triển nó thành một nền tảng, không gian kết nối đa ngành, với xuất phát điểm là tình yêu nghệ thuật, để góp phần giúp Đà Lạt trở thành một thành phố sáng tạo.
Đến bây giờ đúng là chúng tôi vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn. Nhưng cũng có những động lực để mà nó tạo ra cơ hội. Đây là một ngành công nghiệp không khói, và là một chiến lược phát triển bền vững của quốc tế chứ không chỉ là của quốc gia. Tôi nhận thấy đây là thách thức cũng như cơ hội để mình đóng góp ý kiến giúp ích cho thành phố. Khó khăn lớn nhất thì vẫn là một bất cập muôn thuở: khó khăn về tài chính, khó khăn về mô hình. Phải mất 4-5 năm trời thì tôi mới nhận được sự ủng hộ từ các doanh nghiệp địa phương. Để khắc phục, Không gian Sáng tạo Phố Bên Đồi có thể là một ví dụ cụ thể của việc trung hoà giữa những dự án nghệ thuật của chính chúng tôi và cho thuê không gian cho những dự án khác, và chắc chắn phải theo mô hình phát triển bền vững.
“Nghệ thuật là một mô hình không có biên giới, nó là một thứ ngôn ngữ lan tỏa giống như là âm nhạc. Mình không thể nói rằng phải đặt nghệ thuật ở thành phố nào thì nó mới phát triển được.”
Đà Lạt trước đây không có nhiều mô hình về không gian sáng tạo, gallery và bảo tàng. Nên tôi muốn giới thiệu một không gian sáng tạo riêng, bên cạnh những hoạt động như triển lãm, workshop, buổi biểu diễn, tôi cũng hợp tác với các công ty giảo dục ở TP Hồ Chí Minh để mang các khoá học thú vị đến cho trẻ em Đà Lạt. Hoặc đôi khi có diễn giả đến nói chuyện với người quan tâm ở Đà Lạt tại không gian, nhất là với học sinh sinh viên, theo tôi, đó chính là một kiểu giáo dục văn hoá.
Đây là năm thứ 5, gần bước qua năm thứ 6, Phố Bên Đồi mỗi năm sẽ làm những sự kiện khác nhau. Quy mô khác nhau, nội dung cũng khác nhau. Đôi khi tôi tự nhìn lại thấy tất cả đều thấy quý giá ở góc độ là mình dám thử nghiệm và mình dám làm. Và, khán giả cũng tò mò hơn và có thái độ lạ lẫm hơn với những mô hình mà Phố Bên Đồi đưa về. Tôi không chọn lọc được sự kiện, vì mỗi sự kiện đều giống như một thách thức mới. Mỗi lần làm là mỗi lần học vì nó mới. Có những cái mình chưa làm bao giờ cả, nhưng vẫn cứ làm với cái tâm thế là học hỏi và trải nghiệm nhiều nhất có thể. Điều tôi tâm đắc nhất, là cho đến bây giờ thì Phố Bên Đồi đã xây dựng được một lượng khán giả và người đồng hành cũng như giới nghệ sĩ yêu mến.
Trước đây, những năm 2016-2019, tôi vẫn đang làm việc khác nên mỗi năm tôi chỉ làm một sự kiện hoặc một dự án. Đến năm 2019, tôi quyết định ngừng công việc công ty và dành toàn thời gian cho Phố Bên Đồi, nên cũng có nhiều hoạt động hơn. Thêm vào đó, sau dịch Covid, nghệ sĩ từ khắp nơi cũng đổ về Đà Lạt. Ở Hà Nội có nhóm nghệ sĩ đi lưu diễn và muốn ghé lại đâu đó, thì sẽ gọi điện hỏi Phố Bên Đồi Ơi, Đà Lạt giúp được không? Chương trình nghệ thuật đương đại Nổ Cái Bùm Đà Lạt mộng mơ 2022 cũng gọi hỏi Phố Bên Đồi ơi giúp được không. Tôi lúc đó cũng có nhiều thời gian hơn để đồng hành cùng với mọi người. Cũng có nhiều cơ hội để chúng tôi khám phá những mảng mới như làm Bản đồ nghệ thuật hay Dự án sách.
Tôi lấy ví dụ sự kiện hợp tác với Việt Pháp tại Việt Nam, đây là chương trình xuyên Việt tổ chức ở 5 thành phố. Khi đến Đà Lạt, chúng tôi hỗ trợ ở góc độ là giấy phép, tổ chức không gian bao gồm setup, hậu cần, truyền thông. Tôi cũng đã có không gian vật lý và tạo một đội ngũ set-up, vì vậy cũng tạo ra công ăn việc làm hỗ trợ các bạn trẻ, là sinh viên có mong muốn tìm hiểu công việc văn hoá và yêu nghệ thuật tại Đà Lạt.
Bố tôi là người hay nói chuyện về nghệ thuật, ông cũng giữ rất nhiều cuốn sách về nghệ thuật xuất bản từ những năm 1960. Lớn lên, tôi cũng có học về thiết kế đồ họa. Đam mê đó đã lớn dần thành tình yêu. Tôi chủ động học nhiều hơn để mở rộng kiến thức và có thể tham gia vào cộng đồng thiết kế nghệ thuật. Khi đi làm ở một doanh nghiệp Đức, tôi cũng có cơ hội hỗ trợ cho các dự án nghệ thuật. Và rồi, tôi quyết định làm một cái gì đó riêng cho mình, là Phố Bên Đồi, cũng từ tình yêu đó.
“Điều tôi tâm đắc nhất, là cho đến bây giờ thì Phố Bên Đồi đã xây dựng được một lượng khán giả và người đồng hành cũng như giới nghệ sĩ yêu mến.”
Nghệ thuật đương đại giống như là hơi thở của cuộc sống. Nó giúp cho mọi thứ tiến về phía trước, tinh thần cấp tiến. Tôi có cơ hội tổ chức các sự kiện quy mô lớn kết hợp với nghệ thuật đương đại cấp tiến với các nghệ sĩ lớn tham gia, ví dụ như kết hợp giữa nghệ thuật với công nghệ, tổ chức các sự kiện hòa quyện giữa âm thanh ánh sáng.
Ở góc độ là người từng tài trợ cho nhiều dự án, tôi đánh giá rằng nghệ thuật đương đại ở Việt Nam rất hay nhưng lại không được lan tỏa nhiều. Cộng đồng nghệ sĩ rất giỏi nhưng chủ yếu vẫn còn underground. Ở những năm 2015/2016, tôi tổ chức một không gian tên là Art Seven Studios. Từ đó, tôi mới phát hiện ra là mình không nên phụ thuộc vào không gian. Nghệ thuật nên dành cho mọi người, phá vỡ ranh giới giữa lý thuyết và thực hành, giữa hàn lâm và cộng đồng yếu thế. Và nghệ thuật đương đại cũng có thể mang tính cộng đồng, vì thế, vào năm 2019, tôi làm một dự án nghệ thuật công cộng để người địa phương có thể tiếp cận dễ dàng hơn.
Theo tôi quan sát, về mặt năng lượng thì rất tích cực. Người trẻ ngày nay rất giỏi, họ có những tư duy mới về nghệ thuật và rất tâm huyết với ngành sáng tạo và nghệ thuật. Thứ hai là, công nghệ đã giúp kết nối và lan tỏa mạnh mẽ hơn. Kể cả khi Covid, cộng đồng sáng tạo vẫn có thể trao đổi với nhau và với Phố Bên Đồi để sau khi đại dịch kết thúc có thể bắt tay làm ngay. Thứ ba là, tâm thế khán giả và cả những người tổ chức đã cởi mở nhiều hơn, nên chúng tôi cũng có những khán giả mới, hay tò mò muốn xem những sự kiện mới. Tiếp theo, đó là sự đa ngành, liên ngành. Ví dụ dự án Nổ cái bùm, họ kết hợp nhiều lĩnh vực khác nhau như kiến trúc, âm nhạc đương đại, tranh vẽ, phim ảnh, kết hợp giữa cái mới và cái cũ. Tôi cũng muốn áp dụng điều này với Phố Bên Đồi, để có thể phát triển nó bền vững hơn.