Nhã nhạc cung đình Huế: Bản sắc văn hóa nghìn năm

Không chỉ là vùng đất của những kiến trúc trầm mặc như lăng tẩm, đền đài cùng danh sách các món ăn chứa đựng linh hồn của ẩm thực Việt, Huế còn sở hữu bản sắc văn hoá truyền miệng được lưu giữ hàng nghìn năm – Nhã nhạc cung đình Huế. 

Nhã nhạc cung đình Huế xuất hiện trên tem

Được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể, nhã nhạc Huế chủ yếu biểu diễn, phục vụ trong cung đình vào các dịp lễ đặc biệt như Đại triều, Thường triều, Tế giao và Tế miếu. Với âm hưởng da diết, ca từ tao nhã, loại nhạc này góp phần khiến buổi lễ thêm phần trang trọng, cao quý. 

Một nghìn năm hình thành và phát triển

Nhã nhạc cung đình Huế là thể loại âm nhạc đã trải qua nhiều thế hệ kế thừa, phát triển và bổ sung không ngừng để trở thành thứ thanh âm nghệ thuật đầy tinh tế, chứa đựng linh hồn dân tộc như hiện tại. Xuất hiện từ thời nhà Chu, loại nhạc tao nhã của triều đình phong kiến có tiến trình hình thành rõ nét qua từng giai đoạn phát triển riêng.

Năm 1050 trước Công nguyên, triều đình nhà Chu đã lập ra Bộ Lễ nhạc với mục đích giáo hoá và cai trị người dân. Từ đó, âm nhạc nhà Chu trở thành khuôn mẫu cho âm nhạc cung đình và được các triều đại về sau gọi là Yayue, tức nhã nhạc.

Cùng với sự phát triển của đạo Khổng, nhã nhạc được lan truyền tại Nhật Bản năm 701 thời triều Nara gọi là Gagaku hay du nhập vào Triều Tiên thời kỳ 1114 – 1116, triều đại Goryeo những năm 938 – 1392 có tên là Aak.

Ở Việt Nam, nhã nhạc cung đình Huế khởi nguồn và phát triển hoàn chỉnh thành thể loại âm nhạc cung đình chính thức từ thời nhà Lý (1010 – 1225). Song, phải trải qua giai đoạn suy thoái ở thời nhà Lê (1427 – 1778), loại hình nghệ thuật này mới được vua chúa triều Nguyễn chú trọng và trở về vị trí chính thống vào những năm 1802 – 1945.

Nhã nhạc cung đình Huế là thanh âm nghệ thuật đầy tinh tế

Thời nhà Lý – Trần

Manh nha từ thời nhà Đinh nhưng chỉ đến thời Lý (giai đoạn 1010 – 1225), nhạc cung đình mới bắt đầu phát triển và hoạt động có quy củ. Bấy giờ, thể loại âm nhạc với lời hát tao nhã, điệu thức quý phái trở thành biểu tượng cho sự hưng thịnh và quyền lực của quân chủ phong kiến.

“Âm nhạc cung đình đã manh nha từ thời nhà Đinh, trong tiệc chiêu đãi sứ thần nhà Tống đã có trình diễn âm nhạc và phục trang, tổ chức duyệt binh có đánh trống đồng.” (Lịch sử âm nhạc cung đình Việt Nam – Nguyễn Việt Đức)

Nhờ tiếp thu nhạc khí Trung Hoa và nghệ thuật âm nhạc Chămpa, âm nhạc cung đình ngày càng phổ biến, chức vụ quản giáp cùng các ty giáo phường cai quản được lập ra để cai quản nhạc công và ca kỹ trong cung. Những hoạt động ca hát chuyên nghiệp tổ chức với quy mô lớn vào đời vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông. Đặc biệt, vua Lý Nhân Tông, một nhạc sĩ kỳ tài của triều nhà Lý, khiến nhã nhạc cung đình có cơ hội phát triển và trở nên đặc sắc hơn.

Đến thời nhà Trần, sự xuất hiện của hai dàn nhạc hoàn chỉnh, Đại nhạc dành cho lễ nghi quan trọng và Tiểu nhạc dành cho những người bình thường. Từ đó, hàng loạt tác phẩm âm nhạc đặc sắc ra đời và để lại ấn tượng sâu đậm với sử gia nhà Nguyên (Trung Quốc). Nhà Trần cũng ban hành những quy định riêng về việc sử dụng nhã nhạc trong cung đình và dân gian.

Tuy nhiên, phải đến thời nhà Hồ, tên gọi Nhã nhạc mới xuất hiện và được phổ dụng:

“Năm Thiện thành thứ hai (Hồ Hán Thương) vua đã đặt Nhã nhạc. Lấy các con quan văn làm kinh vĩ lang, các con quan võ làm chỉnh đốn lang, tập điệu múa văn – võ”. (Đại Việt sử ký toàn thư)

Cũng trong thời điểm này, phân loại bát âm, xuất hiện năm loại nhịp/ngũ phách và công tác giáo dục âm nhạc trong cung đình được chú trọng, đầu tư với các hình thức múa hát góp phần làm nên nét riêng của loại hình âm nhạc này.

Dàn nhạc công Nhã Nhạc ngày trước

Thời nhà Lê

Vào thời Lê những năm 1427 – 1788, âm nhạc cung đình với kết cấu chặt chẽ, trau chuốt chỉ dành riêng cho giới bác học và quý tộc. Nhã nhạc được quy chuẩn hoá và “góp mặt” trong chính sử Đại Việt sử ký toàn thư. Theo đó, khi Lê Lợi đăng quang ngôi vua và trở thành Lê Thái Tổ, nhã nhạc luôn được đầu tư và chú trọng phát triển.

“Đến khi lên ngôi, đã ấn định luật lệ, chế tài lễ nhạc”

Vào năm Thiệu Bình thứ tư (1437), dưới thời vua Lê Thánh Tông, nhà vua đã giao cho Hành khiển Nguyễn Trãi cùng Lỗ bộ ty giám Lương Đăng đốc suất làm loan giá, nhạc khí cho triều đình. Lương Đăng muốn sắp đặt dàn Đường thượng chi như dàn nhạc Triều hạ yến hưởng chi và Đường Hạ chi như dàn Đơn bệ đại nhạc, giáo phường ty nữ của nhà Minh (Trung Quốc). Song, Nguyễn Trãi lại dâng tấu sứ từ chối vì không tán thành quan điểm của Lương Đăng.

“Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu soạn nhạc, không dám không dốc hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc”.

Từ đó, nhã nhạc được phân định thành nhiều thể loại khác nhau như Giao nhạc, Đại triều nhạc, Miếu nhạc, Đại yến nhạc, Thường triều nhạc và Cửu nhật nguyệt lai trùng nhạc. Thể loại âm nhạc này ổn định và chính thức hóa trở thành ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam về lý thuyết “5 cung 7 thanh” hay các điệu thức Bắc Nam.

Tuy nhiên, cuối triều Lê, chúa Trịnh và Trịnh Nguyễn phân tranh, triều đình đổ nát, nhân dân ly tán, khắp nơi loạn lạc khiến nhã nhạc cung đình cũng bước vào giai đoạn suy thoái.

Đội tiểu nhạc biểu diễn tại cung Diên Thọ của Hoàng hậu Nam Phương

Thời nhà Nguyễn

Đến triều nhà Nguyễn, xã hội tương đối ổn định, vương quyền được củng cố, nhã nhạc cũng vì thế được khôi phục, tổ chức bài bản và phát triển mạnh mẽ trở lại. Đặc biệt, với vua Gia Long, nhã nhạc như liều thuốc chữa lành và di dưỡng tinh thần khi mới lập nghiệp ở phương Nam.

Bấy giờ, loại hình nghệ thuật này gắn liền với cung đình và có hệ thống âm nhạc được thiết lập bằng hàng trăm nhạc chương theo quy chuẩn riêng. Nhã nhạc trở nên chuyên nghiệp và điêu luyện hơn, các vị vua triều Nguyễn cũng phong chức “nghệ sĩ biểu diễn chính thức” cho những dàn nhạc trong cung đình, rạp hát được xây dựng để phục vụ cho địa thần và nhân dân.

Dàn nhạc công thời Nguyễn

Thời vua Gia Long, tổ chức âm nhạc cung đình mang tên “Việt Tuồng Đội” được thành lập với hơn 200 thành viên, các sân khấu cũng được đầu tư và xây dựng nhiều hơn. Đến thời vua Tự Đức, nhã nhạc cung đình phổ dụng và đạt đến đỉnh cao, nhà vua tự mình sáng tác bài “Tứ đại cảnh” đặc sắc.

Năm 1858, dưới sự xâm lược của đế quốc Pháp, đời sống xã hội của người dân trở nên khó khăn, triều đình tan rã, nhã nhạc cung đình tạm thời suy tàn.

Biểu tượng của nền âm nhạc truyền thống

Nhã nhạc cung đình Huế tiếp thu và phát triển dựa trên nguyên tắc của nhã nhạc Trung Hoa theo triết thuyết Khổng giáo nhưng toàn bộ nhân tố âm nhạc như giai điệu, nhịp điệu, nhạc cụ và tổ chức dàn nhạc đều mang đậm bản sắc âm nhạc truyền thống dân tộc.

“Đời chính thì nhạc bình, đời loạn thì nhạc loạn” – Quan niệm của Khổng giáo.  

Nhã nhạc được hiểu như một loại hình nghệ thuật tao nhã của triều đình phong kiến với chức năng chính là nhạc lễ và nghi thức của cung đình. Tính quy củ trong các quy định về dàn nhạc, hình thức diễn xướng và nội dung bài bản của nhã nhạc là đặc trưng chính thể hiện tư tưởng và quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời. 

Được xem như một biểu tượng cho sự uy nghiêm và trường tồn của các triều đại, loại hình âm nhạc này không chỉ là hình thức nghệ thuật thiết yếu trong lễ nghi cung đình và các hoạt động giải trí của hoàng gia mà còn là phương tiện bày tỏ mong muốn của nhân dân lúc bấy giờ. 

Nhã nhạc trở thành hình thức nghệ thuật thiết yếu lúc bấy giờ

Cơ cấu nhã nhạc cung đình Huế  

Cơ cấu nhã nhạc có hệ thống bài bản với nhạc chương lên đến hàng trăm bản, được chia làm ba hình thức chính, bao gồm: Đại nhạc, Tiểu nhạc và Múa cung đình. 

Đại nhạc là dàn nhạc thường được dùng trong các dịp lễ lớn mang tính chất uy nghiêm như lễ Tế Nam giao, Tế Miếu, Đại triều. Đây là dàn nhạc diễn tấu có âm lượng lớn với nhạc cụ chủ yếu là đàn trống và kèn kèm theo hai bộ gõ, bộ hơi như trống đại, bồng, não bạt, mỏ sừng trâu, trống cơm và đàn nhị.

Thông qua các nhạc cụ chính như kèn bóp, tù và, trống đại, bài bản của Đại nhạc mang thanh âm sắc sảo, hào hùng đơn của bài “Tam luân cửu chuyển” tức ba hồi kèn và trống có thể làm xung động đến chín tầng trời.

Hình ảnh nhạc công và đội Nhã nhạc cung đình Huế thời nhà Nguyễn

Ngược lại, bài bản trong Tiểu nhạc lại có thanh sắc nhẹ nhàng, trang nhã và ổn định hơn. Dàn Tiểu nhạc mô tả chân thực cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống con người nên thường được dùng trong dịp lễ nhỏ như yến tiệc triều đình, lễ đại khánh.

Bài bản của Tiểu nhạc sử dụng chất liệu thuần túy nhưng lại dễ đi vào lòng người nhờ lời ca tinh tế như bài Phẩm tuyết (Bông tuyết), Tây mai (cây hoa mai ở phía Tây nhà), Xuân phong (Gió xuân). Dàn Tiểu nhạc chủ yếu sử dụng các nhạc cụ hơi với âm lượng nhỏ như sáo, đàn nhị, đàn tỳ bà.

Ngày nay, các bài bản chính thống của Tiểu nhạc chỉ còn hệ thống mười bài liên hoàn (thập thủ liên hoàn) bao gồm Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổTẩu mã.

Hình ảnh nhạc công và đội Nhã nhạc cung đình Huế thời nhà Nguyễn

Ngoài ra, múa cung đình là một trong những hình thức đặc sắc, mang đậm đặc trưng nghệ thuật biểu diễn vào thời Nguyễn. Tiếp thu và sáng tạo những điệu múa dân gian, ca múa nhạc cung đình Huế đa dạng với 11 loại hình bao gồm điệu long, ly, quy, phượng.

Đồng thời, loại hình nghệ thuật này cũng yêu cầu cao về kỹ thuật của nghệ nhân và sân khấu biểu diễn để tạo nên tính ổn định và chuyên nghiệp, đơn cử các bài múa bát dật, múa lân mẫu xuất lân nhi và múa Lục Cúng hoa đăng. Các điệu múa thường thể hiện những giá trị tư tưởng và chứa đựng nội dung mang tính bác học bằng đội hình tập thể di chuyển nhẹ nhàng ở đầu và ngưng đọng ở cuối bài bản.

Lục cúng hoa đăng xưa
Điệu múa Lục cúng hoa đăng nay

Đặc trưng cơ bản của nhã nhạc cung đình

Sự phong phú của nhã nhạc cung đình Huế được biểu hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, từ nhạc điệu, thể loại cho đến sân khấu biểu diễn. Cùng một bài bản, mỗi loại nhạc cụ lại thể hiện những thanh sắc riêng, mỗi nghệ nhân có hình thức trình diễn khác nhau mang đến tính biến tấu, biến hoá cao trong thể loại này.

Ngoài ra, loại hình nghệ thuật này còn đặc trưng cho tính quy củ và chuyên nghiệp bởi nhạc khí, nhạc cụ, quy mô tổ chức dàn nhạc và tiết mục biểu diễn. Đơn cử dàn Cổ xuý trong Đại nhạc được trình diễn bởi 40 nhạc công, 60 vũ công qua điệu múa Bát dật cùng dàn Bát âm đệm đàn bên ngoài. Hay trong lễ Tế giao có đến mười nhạc chương mang chữ Thành để thể hiện sự thành công, thuận lợi hay trong tế Xã tắc có bảy nhạc chương mang chữ Phong với ý nghĩa mong cầu mùa màng tươi tốt.

Dàn nhạc những năm 60

Theo sử sách, triều Nguyễn có hơn mười hai cuộc lễ được ghi chép chi tiết về bài ca chương và 126 bài ghi đầy đủ nguyên tác. Thời vua Gia Long, Bộ Lễ đã bổ sung thêm những thể loại nhạc mới như Huyền Nhạc, Ty Trúc Tế Nhạc, Ty Chung, Ty Khánh và Ty Cổ để phù hợp với những buổi lễ riêng.

Tổ chức nhạc khí

Những tiết tấu phong phú và bài bản đặc sắc đều được thể hiện thông qua nhạc khí với thang âm cụ thể, khi trang nhã, khi hào hùng, khi khoan thai, khi nhẹ nhàng. Triều Nguyễn tổ chức nhạc khí dựa trên 6 dàn nhạc khác nhau như nhạc Huyền, Đại nhạc, Tiểu nhạc, Ty chung và Ty khánh, Quân nhạc. Theo đó, các dàn nhạc đều có nhạc khí riêng như Đại nhạc gồm 42 nhạc cụ, Tiểu nhạc với 8 loại nhạc cụ hay Huyền nhạc với 26 nhạc cụ. Các loại nhạc khí chuyên nghiệp đã thể hiện trình độ âm nhạc và khả năng chế tác mỹ thuật tạo hình của nhạc sư và nghệ nhân cung đình lúc bấy giờ.

Nhã nhạc Huế có thanh âm trang nhã, hào hùng

Kết

Với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, nhã nhạc cung đình Huế tuy trải qua nhiều biến cố, trở nên suy tàn nhưng đều được phục dựng và gìn giữ giá trị thẩm mỹ văn hoá dân tộc. Loại hình âm nhạc này ẩn chứa những nguyên lý sâu sắc, tư tưởng triết lý đậm nét văn hoá phương Đông thông qua các dàn nhạc phong phú, nhạc cụ đa dạng, ca từ trau chuốt và điệu múa cung đình uyển chuyển. 

Nhã nhạc được công nhận là “Kiệt tác di sản văn hoá truyền miệng và phi vật thể của nhân loại” vào năm 2013

“Trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia”. – UNESCO đánh giá.  

Ngày nay, nhã nhạc cung đình Huế luôn được chú trọng đầu tư, phát triển thông qua các hoạt động có quy mô lớn như lễ hội Festival Huế, lễ hội Phật giáo, lễ hội dân gian hay âm nhạc thính phòng.

Bài: Phương Uyên