Nhà Múa: Cuộc đàm thoại vô ngôn với cơ thể

Ba đêm trôi qua trong Series Ngồi, kể chuyện của Nhà Múa, tôi chìm trong những cuộc đàm thoại vô ngôn với cơ thể và cảm thấy một sự kết nối linh diệu đã vắng bóng từ lâu với thân thể mình.

Series “Ngồi, kể chuyện” là một sự kiện do Nhà Múa khởi xướng, soi chiếu cuộc đời và sự nghiệp của các vũ công, biên đạo và nghệ sĩ biểu diễn. Trong Chương 1 diễn ra vào cuối tháng 6 năm 2024, tôi có dịp gặp gỡ và chuyện trò với nghệ sĩ múa Nguyễn Thuỳ Trang, cũng là Founder của Nhà Múa. Sinh năm 1997, Nguyễn Thuỳ Trang theo đuổi sự nghiệp múa ở tuổi 23 và giờ đây đang thực hành song song các thể loại Ballet, Jazz, Hip-Hop và Đương Đại thuần. Không cần đến lúc chị gọi tên buổi đầu tiên là nước, từ bỏ, ủi an, ta vẫn dễ dàng cảm nhận từ chị một nguồn năng lượng trôi chảy như dòng nước. Uyển chuyển và mềm mại. Biến động nhưng cũng an tĩnh, giống cái cách chị lẳng lặng nhìn về thách thức lớn nhất của hành trình học múa khi phải đối chọi với tỉ lệ chấn thương lên đến chín mươi phần trăm của mình.

Nghệ sĩ múa Nguyễn Thùy Trang tại Vở diễn thể nghiệm Cham-Cam1, Huế, Việt Nam, chỉ đạo nghệ thuật bởi bộ đôi nghệ sĩ Đức gốc Á Nguyễn + Transitory

Trước buổi chuyện trò, người tham dự sự kiện cũng được trải nghiệm các thực hành chuyển động do chính chị Trang dẫn dắt. Ba buổi tối là ba nội dung khác nhau: các sự ảnh hưởng từ Ballet, Jazz và Nhảy múa Đường phố. Hầu hết thời gian tham gia cùng người học, tôi nghe thấy tính nữ bên trong vẫy gọi mình, hay khi trải nghiệm với Đường phố, tôi lại phát hiện một vài tố chất quyết liệt ngầm của mình. Và trong rất nhiều khoảnh khắc, tôi cố tình an ủi những chuyển động vụng về của bản thân bằng cách để vùng da chân mềm mại chà xát vào nhau, cũng là một xúc tác cơ thể mà tôi thích.

Bài viết này thuật lại những điểm chạm mà Chương 1 của series Ngồi, kể chuyện đã mang đến cho tôi, đi từ câu chuyện theo đuổi nghệ thuật biểu diễn của chị Trang đến những phóng chiếu của riêng người viết.

Nghệ sĩ múa Nguyễn Thuỳ Trang thực hiện một động tác giãn cơ trong thực hành chuyển động Turn à Turns

KHẮP NƠI ĐỀU LÀ SÂN KHẤU 

Trong các thể loại trình diễn, yếu tố không gian vốn dĩ đóng vai trò quan trọng. Nhà hát, sân khấu hay đường phố, thể loại mà tôi theo đuổi sẽ tương tác với khán giả trong chiều kích không gian nào? Thế nhưng, đối với nghệ sĩ múa Nguyễn Thuỳ Trang, thay vì lưu tâm đến sân khấu vật lý và những chủ thể bên ngoài, Múa đến với chị trong một giây phút mang tính vỡ lẽ.

Đầu năm 2020, Thuỳ Trang khép lại quá trình công tác ở bang Alaska, Mỹ, nơi chị chăm sóc cho những người đã nếm trải di chứng hậu chiến tranh. Vào buổi chiều cuối cùng trước khi bay về Việt Nam, chị chuẩn bị tắt đèn bếp ra về thì chợt thấy một tia nắng xuyên qua ô cửa sổ, chiếu rọi lên kệ bếp bằng inox lạnh lẽo. Một suy nghĩ vụt qua tâm trí chị, cũng chớp nhoáng như tia nắng: “Nếu mình không làm bếp, thế giới vẫn bình yên. Nhưng nếu mình không theo sân khấu, cả thế giới của mình sẽ bị sụp đổ”. Thế là chị về nước, dấn thân học Múa theo nỗi thôi thúc tự trong lòng.

“Nếu mình không làm bếp, thế giới vẫn bình yên. Nhưng nếu mình không theo sân khấu, cả thế giới của mình sẽ sụp đổ”

Nghệ sĩ múa Nguyễn Thuỳ Trang hướng dẫn khởi động cơ thể cho người tham dự trong thực hành Turn à Turns

Rõ ràng, một chiều kích không gian đậm tính trình diễn đã hình thành trong tâm tưởng nghệ sĩ Thuỳ Trang: những tia nắng lung linh như ánh đèn và gian bếp trở thành một sân khấu thi vị, kéo từ bên trong chị một bản thể đương khao khát chuyển động ra ánh sáng bên ngoài. Sự phân tầng mối quan hệ giữa nghệ sĩ và sân khấu như nhoè mờ, thay vào đó là một sợi dây cảm xúc gắn bó và chặt chẽ.

Tôi bắt gặp trở lại sợi dây cảm xúc ấy trong một buổi học Đường phố về Sàn, khi chị Trang yêu cầu chúng tôi tự do chuyển động theo nhịp nhạc. Lúc này, vai trò của Sàn được đẩy đến ngưỡng đồng sáng tạo, bởi bằng những cái chạm với mặt sàn, sự cảm nhận cơ thể trên thân Sàn…, các bạn học của tôi bắt đầu bò trườn, vươn người hay vắt ngược chân, vặn xoắn cơ thể trong một sự kết nối vô hạn với Sàn tưởng chừng không thể dứt bỏ.

“Vì sao chị đặt tên buổi tập ‘Hip-hop’ là Đường phố về sàn?”, chúng tôi hỏi.

Đã đi qua những lần tập Hip-Hop cam go hay chứng kiến những người phải hoàn toàn học múa trên không gian hè phố, Thuỳ Trang sáng lập Nhà Múa với mong muốn giúp các nghệ sĩ, diễn viên được về bên Sàn, có sàn để luyện tập và sinh hoạt. Đây cũng là niềm ấp ủ của chị cho cái tên “Nhà Múa”, lấy cảm hứng từ mô hình “Gia đình kết nghĩa”2 (chosen Family) của văn hoá Ballroom vào thế kỷ 19 ở Mỹ – một mô hình nuôi dưỡng và hỗ trợ những người đơn độc cùng nhau sinh hoạt, biểu diễn nghệ thuật. Vậy ra, sức gợi thoáng chốc của không gian “sàn – sân khấu” từng là nguồn cơn để nghệ sĩ Thuỳ Trang bước vào con đường nhảy múa, nay trở thành một thành tố trong thực hành chuyển động mà chị muốn đảm bảo cho cả những nghệ sĩ, diễn viên múa khác trong cộng đồng.

Buổi trải nghiệm Đường phố về Sàn được diễn ra dưới mặt sàn với các âm thanh, nhạc cụ trống dồn dập của Châu Phi
Có một sợi dây liên kết không thể dứt bỏ giữa nghệ sĩ múa và Sàn

BỠ NGỠ NGUYÊN THUỶ

Tham gia các buổi thực hành chuyển động của Nhà Múa, tuy đứng giữa rất nhiều người vốn đã có chuyên môn từ Jazz, Ballet cho đến Múa Đương Đại, tôi không cảm thấy áp lực về mình. Mỗi khi tôi chạm đến giới hạn hiện thời của cơ thể, nghệ sĩ Thuỳ Trang một mực căn dặn: “Hãy lắng nghe cơ thể em – Hãy để cơ thể em lên tiếng”.

Tôi đặc biệt yêu thích phần de Play của thực hành Leg de Play (Vẽ đường chân), một buổi chuyên đề tập trung vào thú “chơi chân” của những bạn yêu nhảy múa. Nếu ở phần đầu, Leg bao gồm những bài tập huấn luyện kỹ thuật, rèn luyện chân ở tải trọng và cường độ cao thì đến phần de Play, chị Trang gọi đó là giờ Vẽ. Giây phút chúng tôi dùng mũi chân phải để muốt về khoảng không chân trái, nghệ sĩ Thuỳ Trang đặt ra những câu hỏi mang tính gợi mở:

“Em có thấy vùng da ở hai đùi chạm vào nhau không? Hãy thử trò chuyện với cơ thể”.

Tôi thuộc tuýp thường xuyên chuyện trò với cơ thể mình, và những cử chỉ self-touch (người thực hiện tự chạm lấy mình) được ưu ái đặt lên hàng đầu. Chính trong khoảnh khắc ấy, tôi lại thấy một chiếc van tính nữ của mình đang được nhẹ nhàng mở nút. Nghệ sĩ Thuỳ Trang không áp đặt hơi thở phong cách của chị lên chúng tôi. Từ nhẹ nhàng cho đến quyết liệt, từ quyến rũ cho đến ái kỷ, chị để cho tính nữ sẵn có bên trong bản dạng của tất-cả-chúng-ta được chảy tràn.

Mặt khác, lắng nghe cơ thể cũng có nghĩa là tôn trọng và nâng niu sức khoẻ thể chất của chính mình. Đây cũng là điều mà Nhà Múa lưu tâm, xuất phát từ quá khứ chấn thương của nghệ sĩ múa Thuỳ Trang. Năm 2020, cũng là năm đầu tiên học múa, sau một tai nạn thể dục dụng cụ, chị bị chấn thương gây suy giảm chín mươi phần trăm chức năng vặn mở khớp háng cùng sức nâng chân trái với các tổn thương mãn tính về cơ thắt lưng chậu, cơ khép và gân bám tứ đầu đùi.

“Phần háng mỗi người sẽ chồng lên nhiều lớp cơ. Năm 2020, một trong những thớ cơ của mình bị rách toạc ra, nhưng tính cứng đầu không cho phép mình ngừng luyện tập. Mỗi lúc chuyển động, mình cảm tưởng như ai đó cầm dao gọt lấy cơ của mình. Mãi cho đến khi nghệ sĩ múa Đỗ Hoàng Thi Ngọc, cũng là bố nuôi của mình phát hiện ra, nỗi đau của mình mới được nhìn thấu”.

Sau đó, một vị bác sĩ chữa trị cho đội tuyển U23 Việt Nam cũng giúp chị xem xét vết thương nhưng chỉ có thể giảm các cơn đau mà không thể cứu chữa việc chức năng múa ở háng trái của Thùy Trang đã mất đi và ảnh hưởng tiếp theo là sự suy giảm chức năng với các vận động của chân trái. Giữa nỗi hoang mang phải buông bỏ Ballet dù chỉ mới tìm được niềm đam mê ấy của đời mình, chị vẫn không ngừng tiếp tục tập luyện, tự nghiên cứu và sáng tạo thêm các bài tập phục hồi chức năng cho chính mình, cốt để vết thương có thể chậm rãi phục hồi và để chị tự làm quen với những cơn đau. “Không bao giờ mình nhảy múa mà bản thân không cảm thấy đau, nhưng nỗi đau đã thuyên giảm nhiều phần”. Đến hôm nay, chân trái của chị vẫn run nhẹ khi thị phạm trước mắt chúng tôi, nhưng chị học cách nâng niu những thiếu khuyết của mình. Trải nghiệm ấy đồng thời cũng cho phép nghệ sĩ múa Thuỳ Trang thấu hiểu và thông cảm nhiều hơn với những người có khiếm khuyết về mặt cơ thể hoặc cần được chăm sóc đặc biệt giống như chị.

Cũng vì thế, trong buổi học Đường phố, khi tôi chia sẻ với chị về một vết sưng tấy ở trên lưng do động tác lăn mình trên sàn, chị cặm cụi dặn dò tôi đủ điều và hẹn tôi trở lại nếu sau ba ngày không khỏi. Một cảm giác an tâm xâm lấn lấy tôi. Tôi biết sự an tâm đó sẽ tiếp tục được nối dài trong những phòng học chuyển động của Nhà Múa, nơi mà chị sẽ áp dụng lồng ghép hai chương trình: một là Báo cáo Giải phẫu về hiện trạng cơ thể để phân tích và theo sát tình trạng cơ thể của người tập, hai là sử dụng phương pháp Body Dance Conditioning (Bổ trợ vận động sức khỏe cơ – khớp cho hoạt động nhảy múa). Các bài tập này do chị nghiên cứu, tự thử nghiệm trên cơ thể mình trong bốn năm tự phục hồi chức năng, dùng chuyển động điều trị chuyển động, chị muốn hỗ trợ phòng tránh, giảm thiểu chấn thương và chăm sóc, bảo dưỡng cơ bắp tốt hơn cho người tập. “Cơ thể chúng ta không ai giống ai, nên cũng cần được lưu tâm theo từng cách riêng. Đó sẽ là một hành trình dài hơi, nhưng cũng là điều mình ấp ủ để cá nhân hoá và tối đa hoá quá trình chăm sóc cơ thể cho học sinh và cả các bạn bè của mình, những người vẫn đang đi biểu diễn”.

GROOVE LẠI TỪ ĐẦU

“Groove là gì?”, chúng tôi hỏi.

“Groove là khi ta và âm thanh hoà làm một, khi ta cho phép trực giác làm chủ những chuyển động của mình.”

Ký ức về grooving của chị Thuỳ Trang vẫn còn rất rõ nét. Lần đầu chị groove đúng nghĩa là khi học đương đại improv (múa ngẫu hứng) với nghệ sĩ múa Đỗ Hoàng Thi Ngọc. “Lúc đó, bố dẫn dắt mình bằng lời: ‘hãy chuyển động với bàn tay và cảm nhận như mình đang chìm trong làn nước’. Mình trôi trong câu chữ của bố. Rồi mình nhìn chằm chằm vào bàn tay bố, tưởng như thể tay của bố chính là tay của mình, tức… chất liệu chuyển động của hai bố con là một.” Ngồi nghe chị kể lại, tôi có thể tưởng tượng chị vần vũ cùng nó với người cha của mình. Người nghệ sĩ múa tiếp tục chia sẻ ký ức múa đầu tiên. Chị vừa ngập ngừng nói chuyện, vừa đưa bàn tay ra múa nhẹ như làn nước để mô tả lại khung cảnh, ký ức yêu dấu của mình trước mắt chúng tôi.

“Chuyển động với bàn tay của bố, tại thời điểm ấy, đối với mình như thể là ‘về nhà’, là ‘tìm được đạo’. Động thái groove bao gồm tất cả những gì trực giác và nguyên bản nhất.

Gọi tên buổi cuối là Groove lại từ đầu, xét cho cùng cũng là một hành xử táo bạo của Thuỳ Trang. Bởi chị đã từ bỏ mọi thứ để theo đuổi sự nghiệp múa chuyên nghiệp. Bởi chị đã đi xa thủ đô, đi xa những phòng tập đương đại và ballet cha nuôi nấng chị, đi xa tổ đội Hip-Hop “mỗi tối đều chịu khó che chở thêm cho một đứa đặc sệt múa như chị”, để quyết  đóng góp một điều gì lớn lao hơn cho cộng đồng nhảy múa Việt Nam. Một series Ngồi, kể chuyện thực chất chỉ là mảnh ghép nhỏ của Dự án phim tài liệu và hoạt động xã hội cho nghệ sĩ biểu diễn mang tên Dancer, so? (Là Dancer, rồi sao?). Một ấn phẩm xuất bản về lịch sử và phong cách các bộ môn nhảy múa trong quá khứ và hiện thời. Một chương trình lưu trú và quản lý sản xuất cho các nghệ sĩ trình diễn, hay rất nhiều những nỗ lực khác Nhà Múa và chị đang cố gắng thực hiện để bảo vệ quyền chính đáng cho các nghệ sĩ biểu diễn tại Việt Nam.

Hành trình mà Nhà Múa đang đi dễ sẽ còn rất dài. Họ vừa phác thảo một chiến lược dài hơi, vừa không ngại ngần Groove một cách đầy táo bạo và trực cảm, chớp lấy mọi cơ hội có thể làm gì đó cho cộng đồng.

Nếu quan tâm, mời ghé thăm Nhà Múa, cùng Nhà Múa Groove lại từ đầu.

Người dẫn trà Lê Đào Minh Tâm (trái) và Nghệ sĩ múa Nguyễn Thuỳ Trang (phải) trong buổi đầu tiên của Series Ngồi, kể chuyện
“Group Hug”: Cộng đồng Nhà Múa ôm nhau sau mỗi buổi học
Nghệ sĩ múa Nguyễn Thùy Trang (giữa) và Học trò Nghệ sĩ biểu diễn Mai Như Ý (phải) đón tiếp người tham dự tại Series Ngồi, kể chuyện
  1. 1. Đầu năm 2024, Trang là nghệ sĩ miền Bắc duy nhất đại diện cho nhóm cộng đồng diễn viên Nữ người Queer ở Việt Nam, biểu diễn và đồng biên đạo cho Cham-Cam, vở diễn thể nghiệm với sân khấu âm thanh live – phát nhạc trực tiếp – với phản ứng xúc giác và cảm biến với điện trong cơ thể con người, diễn ra tại Huế, miền Trung Việt Nam. Tại phần trình diễn này, Trang vừa là người chơi nhạc, vừa biểu diễn với âm nhạc sống được tạo ra từ điện dẫn trên cơ thể mình.” ↩︎
  2. 2. “Gia đình kết nghĩa”: Trong văn hóa Ballroom, khái niệm này được bắt nguồn từ cộng đồng người da đen và người la-tinh LGBTQ+ tại Mỹ. Khi những đứa trẻ trong cộng đồng bị đẩy ra rìa xã hội vì sự thể hiện cá tính khác biệt và sự thể hiện bản dạng giới khác thông thường, những người “cha”, người “mẹ” trong cộng đồng LGBTQ+ tại các “Nhà” sinh hoạt nghệ thuật (“House of…”) sẽ quyết định nhận nuôi, chỉ dẫn và che chở cho những đứa trẻ đó. ↩︎