Nguyễn Việt Cường: Suy, ngẫm, cảm thức về “dòng chảy”

Một dịp trò chuyện thân mật cùng Nguyễn Việt Cường – nghệ sỹ vừa nhận được giải thưởng cao nhất của cuộc thi UOB Painting of the Year 2024. 

Nguyễn Việt Cường (sinh năm 1989) lớn lên tại Kiên Giang. Cường tốt nghiệp cử nhân ngành Hội họa tại Trường Đại học Mỹ Thuật TP. HCM. Tính thẩm mỹ trong nghệ thuật của Cường song hành với tính đương đại, anh vận dụng nguyên vật liệu để đối thoại với hiện thực. Với tinh thần phản kháng nhị nguyên và quan niệm về sự dịch chuyển của tự nhiên, anh đang tiếp tục mở ra những tường thuật mới mẻ từ cốt lõi của những vật liệu thô, khơi gợi sự phản tư từ những “chất liệu” vốn dĩ đã ăn sâu vào ký ức chung, đời sống chung của Sài Gòn đô hội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nghệ sỹ Nguyễn Việt Cường nhận giải thưởng UOB Painting of the Year 2024 – giải thưởng danh giá nhất của cuộc thi UOB Painting of the Year mùa thứ hai tại Việt Nam, tại Lễ Công bố và Trao giải diễn ra ở Mai House Saigon Hotel (TP. HCM), ngày 2 tháng 10 năm 2024.

Chúc mừng anh đã xuất sắc đạt được giải thưởng UOB Painting of the Year 2024 với tác phẩm “Flow” (Dòng Chảy). Việc đầu tiên anh sẽ làm sau khi thắng giải là gì?

Sau các hoạt động tại Việt Nam, tác phẩm “Flow” sẽ tiếp tục được trình bày tại vòng khu vực ở Singapore vào đầu tháng 11. Sau đó, mình sẽ tập trung vào việc nghiên cứu và phát triển dự án “Flow” thành một dự án cá nhân lớn hơn, để tiếp tục khám phá và mở rộng ý tưởng. HIện tại mình dự kiến có 7 tác phẩm trong loạt này.

Quan sát thực hành của anh, được biết gần đây anh có tham gia dự án mở xưởng “Xanh Đỏ & Vàng tái xuất” của Trung tâm Bảo trợ và Phát triển Nghệ thuật (APD) ở Hà Nội, với  tác phẩm mang tên “Flow #2”. Anh có chia sẻ rằng nguồn cảm hứng chính cho tác phẩm này đến từ tác phẩm “Người Cơm” của nghệ sỹ Trần Lương (thuộc dự án mỏ than Mạo Khê năm 2001). Anh có thể chia sẻ cách “Người Cơm” đã truyền cảm hứng cho anh?

Tác phẩm “Người Cơm” của nghệ sỹ Trần Lương đã để lại trong mình ấn tượng mạnh mẽ về cách mà nghệ thuật có thể nói lên những vấn đề xã hội, cuộc sống của những người lao động và mối liên hệ giữa con người với môi trường họ sống và làm việc. “Người Cơm” là một tác phẩm mang tính biểu tượng, khai thác sự vất vả của người công nhân mỏ than, không chỉ về mặt vật chất mà còn về tinh thần, phản ánh sức ép mà họ phải chịu đựng mỗi ngày.

Cách mà anh Trần Lương thể hiện hình ảnh người công nhân mỏ như một biểu tượng để nói về thân phận con người đã truyền cảm hứng cho mình khi sáng tác “Flow #2”. Mình cũng muốn khám phá mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, nhưng theo một hướng khác – về dòng chảy của sự sống và những tác động của môi trường xung quanh đến con người.

Qua “Flow #2”, mình muốn tạo ra một không gian lắng đọng, nơi người xem có thể cảm nhận dòng chảy không chỉ của nước, mà còn của thời gian, ký ức và cảm xúc. Tác phẩm của nghệ sỹ Trần Lương khiến mình suy nghĩ sâu hơn về sự mong manh của con người trong môi trường sống, và sáng tạo để đưa những ý niệm ấy vào trong tác phẩm của chính mình.

Nguyễn Việt Cường, “Flow #2” (Dòng Chảy #2).

Ở “Flow” (Dòng Chảy), anh tiếp cận ý tưởng và thực hành nó ra sao?

Trong “Flow” (Dòng Chảy), mình tìm kiếm và nắm bắt ngay những yếu tố tương phản trong vật liệu, sử dụng chúng để kể câu chuyện về người lao động và việc con người khai thác, sử dụng vật liệu này có tác động như thế nào đến hệ sinh thái xung quanh. Thông qua các vật liệu thô, mình muốn tạo ra ngôn ngữ nghệ thuật riêng, nhằm khiến người xem thay đổi cách nhìn về những gì họ thường không để ý.

“Mình luôn lắng nghe, nhưng đồng thời vẫn giữ lại tiếng nói cá nhân và không để bản thân bị phân tâm quá nhiều bởi ý kiến bên ngoài.” – Nguyễn Việt Cường

Trong quá trình thực hành, anh có đi tìm lời khuyên hay nhận xét từ những người khác không?

Trong quá trình thực hành, mình thường tìm lời khuyên và nhận xét từ những người khác, đặc biệt là từ những người mà mình tin tưởng và tôn trọng trong cộng đồng nghệ thuật. Lời khuyên từ các nghệ sỹ có kinh nghiệm hơn hoặc những người có góc nhìn khác giúp mình có thể nhìn tác phẩm của mình từ nhiều khía cạnh, điều chỉnh và hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên, mình cũng hiểu rằng không phải mọi lời khuyên đều phù hợp, vì mỗi người có quan điểm và phong cách khác nhau. Điều quan trọng là mình luôn lắng nghe, nhưng đồng thời vẫn giữ lại tiếng nói cá nhân và không để bản thân bị phân tâm quá nhiều bởi ý kiến bên ngoài. Nghệ thuật là cách mình thể hiện nội tâm và cảm xúc, nên cuối cùng thì sự đồng nhất giữa ý định của mình và tác phẩm mới là điều mình hướng tới.

Bạn bè và đồng nghiệp cũng là những người mình thường trò chuyện để trao đổi, vì họ hiểu quá trình sáng tác và đôi khi giúp mình nhìn ra những điểm mà mình chưa nhận thấy.

Tác phẩm “Flow” (Dòng Chảy) tại Lễ Công bố và Trao giải UOB Painting of the Year 2024.

Anh từng đề cập ý định sáng tác 7 tác phẩm cho loạt “Flow” (Dòng Chảy). Với các tác phẩm “Flow” và “Flow #2”, anh đã có quá trình dài tương tác với chất liệu. Vậy các “dòng chảy” tiếp theo sẽ được khai thác như thế nào? Giữa bố cục và cảm giác với chất liệu, anh thấy yếu tố nào quan trọng hơn?

Với mình, cảm xúc luôn là yếu tố quan trọng nhất. Trong loạt này, mình sẽ sử dụng ngôn ngữ của biểu hiện trừu tượng và để cảm xúc dẫn dắt toàn bộ quá trình sáng tạo. Những câu chuyện vẫn tiếp diễn, nhưng cách thể hiện chúng qua chất liệu sẽ hoàn toàn khác. Cách bố cục cũng sẽ thay đổi theo trí tưởng tượng của mình. Ban đầu, mình đặt mục tiêu nói về tác động của tự nhiên, về biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, và sự ảnh hưởng của ngành công nghiệp khai khoáng cũng như nông nghiệp lúa nước – hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Thông qua loạt tác phẩm, Cường muốn đi sâu vào câu chuyện của những người lao động – những công nhân khai thác than đá và những người nông dân, đó là hai ý niệm chính xuyên suốt.

Chi tiết tác phẩm “Flow” (Dòng Chảy) của họa sỹ Nguyễn Việt Cường.

Vậy anh có dự định trưng bày 7 tác phẩm đó trong một cuộc triển lãm hay không?

Mình nghĩ, nếu có cơ hội, đó sẽ là một dạng triển lãm mở, giống như đưa người xem bước vào không gian làm việc của mình. Không gian trưng bày không nhất thiết phải là một phòng tranh sang trọng, mà có thể diễn ra ở bất kỳ nơi nào phù hợp. Mục tiêu của mình là tạo ra một không gian mà ngay cả những người lao động, những người không thân quen với nghệ thuật, cũng có thể tiếp cận và cảm nhận được các tác phẩm.

Ngoài loạt 7 bức này ra, anh muốn phát triển dự án “Flow” này ra sao?

Trong quá trình thực hiện, mình bắt đầu khám phá những hướng đi sâu xa hơn, đặc biệt là về chất liệu. Nó không chỉ đơn thuần là những mảng màu đen trắng mà còn là âm thanh: những tiếng búa đập, tiếng lưỡi hái cắt. Mình muốn đi sâu vào bản chất của chất liệu, không chỉ là những gì ta thấy trên bề mặt, mà là cách chúng được hình thành. Mình đang tìm cách khai thác sâu hơn về nguồn gốc của than đá và cây lúa, không chỉ dưới góc độ vật chất mà còn về ý nghĩa và câu chuyện ẩn chứa phía sau.

Họa sỹ Nguyễn Việt Cường bên cạnh tác phẩm “Flow” (Dòng Chảy)

Như vậy, liệu có thể nói tác phẩm không chỉ là bức tranh mà còn là quá trình, từ lúc anh tiếp nhận âm thanh hay những lúc thu thập chất liệu thì đó cũng là một phần của tác phẩm? Nó cũng mang tính trình diễn ở trong đấy.

Đúng vậy, quá trình tạo ra tác phẩm của mình không chỉ dừng lại ở việc vẽ hay hoàn thiện bức tranh mà còn là những trải nghiệm và cảm xúc trong suốt quá trình sáng tác. Mỗi bước trong quá trình đó đều quan trọng và góp phần hình thành nên tác phẩm cuối cùng.

Việc thu thập nguyên vật liệu từ thiên nhiên, như cây cỏ hay đá, không chỉ là hành động vật lý mà còn là một cách kết nối với thế giới xung quanh. Âm thanh của gió, nước và thậm chí sự im lặng khi mình ở trong không gian tự nhiên, đều ảnh hưởng đến cách mình cảm nhận và đưa vào tranh. Những khoảnh khắc đó, mình nghĩ, mang tính trình diễn, dù nó không trực tiếp hiện diện trong tác phẩm nhưng luôn hiện hữu một cách vô hình.

Có thể nói, quá trình sáng tác và cảm giác mà mình trải qua trong thời gian đó là một phần không thể tách rời khỏi tác phẩm, biến nó thành một trải nghiệm không chỉ về thị giác mà còn cả về tâm hồn và cảm xúc.

Chân dung họa sỹ Nguyễn Việt Cường

Với những khán giả chưa quen thuộc với thực hành của Nguyễn Việt Cường, anh sẽ mô tả “tính trình diễn” đó như thế nào?

Mình sẽ mô tả thực hành nghệ thuật của mình như một cuộc hành trình khám phá các trạng thái cảm xúc và mối liên kết giữa con người với thiên nhiên. Mình thích sử dụng những hình ảnh ẩn dụ từ thiên nhiên, đặc biệt là cây cỏ, hoa lá để truyền tải sự sống, sự mỏng manh và những khía cạnh tinh tế của cảm xúc.

Mình cố gắng tạo ra những tác phẩm mà khán giả có thể cảm nhận bằng nhiều giác quan, không chỉ qua hình ảnh mà còn qua cách mà màu sắc, kết cấu và hình khối tương tác với nhau. Từ đó, mỗi người sẽ tìm thấy một phần câu chuyện hoặc cảm xúc của chính mình trong tác phẩm.

Mình mong muốn tác phẩm của mình có thể mang đến sự yên bình, gợi lên sự suy ngẫm và kết nối với những điều nhỏ bé nhưng quan trọng trong cuộc sống.

“Điều quan trọng nhất là luôn trung thành với cảm xúc và suy nghĩ của chính mình” – Nguyễn Việt Cường

Anh có lời khuyên nào cho những nghệ sỹ trẻ và thế hệ tiếp sau hay không?

Mình xin chia sẻ bằng kinh nghiệm cá nhân.

Thành công không đến ngay từ đầu. Thất bại là cơ hội để học hỏi và hoàn thiện bản thân. Hãy dũng cảm thử nghiệm những ý tưởng mới và không ngại bước ra khỏi vùng an toàn.

Nghệ thuật cần nhiều thời gian và sự nỗ lực. Thành công có thể không đến ngay, nhưng kiên trì và quyết tâm sẽ giúp bạn đi xa.

Nghệ thuật luôn thay đổi và phát triển. Hãy luôn mở lòng học hỏi từ những người khác, từ thế giới xung quanh, và không ngừng cải thiện kỹ năng của mình.

Hãy kết nối với những nghệ sỹ khác, tham gia các triển lãm và sự kiện nghệ thuật. Mạng lưới nghệ thuật giúp mở ra nhiều cơ hội hợp tác và thúc đẩy sự phát triển, sáng tạo.

Dù thị trường hay xu hướng có thay đổi thế nào, điều quan trọng nhất là luôn trung thành với cảm xúc và suy nghĩ của chính mình.

Art Republik một lần nữa xin chúc mừng anh với giải thưởng UOB Painting of the Year 2024 và cảm ơn anh vì những chia sẻ vô cùng chân thành!

Triển lãm UOB Painting of the Year mùa thứ hai giới thiệu đến công chúng 7 tác phẩm thắng giải và 7 tác phẩm vào vòng Chung khảo, diễn ra từ ngày 5 đến 20 tháng 10 năm 2024, tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh (65 Lý Tự Trọng, Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh).

Thực hiện: Trao