Tốt nghiệp Đại học SOAS, London về lịch sử nghệ thuật và tôn giáo, Nguyễn Hữu Sử là người thực hành và giáo dục nghệ thuật tại Hà Nội. Bài viết là một phản hồi về triển lãm “Cải tiến thế giới” của Nguyễn Trinh Thi tại Manzi Art Space tháng 12 năm 2020.
“Hà Nội mùa này quá lắm event…
Nhưng đây là một tác phẩm vô cùng thú vị!”
….
Tôi đã viết chỉ một dòng như vậy kèm theo một bức ảnh không gian triển lãm lên Facebook của mình ngay sau khi xem tác phẩm của chị Trinh Thi. Những dòng đó thực sự quả là quá ngắn ngủi để “bình luận” về tác phẩm. Tuy nhiên đấy giống như một trạng thái vỡ oà cảm xúc khi được xem một tác phẩm nào đó mà chạm đến chính mình, chạm tới nhiều vấn đề mà dẫu có dùng đến hàng trăm ngàn lời cũng khó mà nói hết.
…
Mở cánh cửa bước vào triển lãm tôi bị lạc vào một căn phòng tối, trong đó có 3 màn hình trình chiếu khác nhau tạo thành một hình tam giác, ở chính giữa có bầy vài ba chiếc ghế. Vang lên trong không gian là những cơn gió cao nguyên xào xạc ào qua cánh rừng chỉ còn trơ vơ vài gốc cây, tiếng lục lạc trâu vang lên, những tiếng cồng chiêng hoà lẫn với cả không gian bên ngoài của một con phố giữa Hà Nội. Người xem/nghe tưởng chừng như tiếng xe cộ, tiếng còi của không gian bên ngoài dường như cũng khá ăn khớp với những tầng âm thanh của không gian trong phim. Những âm thanh trong buổi thánh lễ, là một sự dung hoà giữa những giá trị cũ, những sự đồng điệu, người ta có thể cảm thấy cả sự thánh thiêng của thiên thần trong những chương hồi của Bach. Âm thanh của tiếng đàn làm người ta day dứt lưu luyến cộng hưởng cùng âm thanh đường phố, khiến người xem/nghe không còn phân định một cách rạch ròi giữa những tạp âm và âm thanh của chính tác phẩm. Nhạc sỹ Sơn X trong một lần trò chuyện với tôi đã nói rằng Trinh không phải là người học nhạc, nhưng Trinh Thi có một sự nhạy cảm với âm thanh mà không phải ai cũng có thể có được! Có lẽ chính sự nhạy cảm với âm thanh đó chính là điểm cuốn hút trong tác phẩm của chị. Để cho âm thanh lên tiếng.
Sau một quá trình bị lạc trong sự lựa chọn rằng phải theo đuổi câu chuyện nào ở trên khung hình từ các góc độ khác nhau – bởi mỗi một khung hình lại dẫn hướng người xem đi theo một câu chuyện riêng biệt – nỗi thấp thỏm khi sợ bị lỡ mất thông tin trên các khung hình đó biến mất sau một vài phút định hình bởi âm thanh. Âm thanh đa tuyến nhưng lại đóng vai trò chuyển dịch khung hình cho mắt khi theo dõi trên các màn hình đa chiều. Khung hình như các mảnh vỡ khác nhau được hàn gắn lại bằng âm thanh, ngay chính trong sự kiến tạo phức tạp hoá một hệ thống của trật tự kể chuyện phi tuyến tính. Trật tự liên kết nội tại nhiều chiều giữa thời gian khác nhau, không gian khác nhau, vấn đề khác nhau được kết nối bằng một sợi dây vô hình.
Tính phức hợp của tác phẩm được phô bầy ngay trong sự phản tư với các vấn đề được đặt ra hay phản tư lại cả quá trình đi và làm việc của tác giả. Tác giả lặp đi lặp lại một câu hỏi, “Ký ức đầu tiên là âm thanh hay hình ảnh?” (Your earliest memories, are they sound or image?), với nhiều người và một người nhiều lần ở các thời điểm khác nhau, thực sự đã làm cho chính đối tượng được nhìn trở nên đa chiều hơn dưới góc nhìn của ống kính. Cách làm việc của chị giống một người đi nghiên cứu nhân học, cứ đi và mặc để cho mọi câu chuyện đến với chính mình một cách tự nhiên nhất. Quá trình đó xuất phát từ sự tò mò của nhiều vấn đề, cũng như cả sự tuỳ duyên đối với việc tiếp nhận mọi sự việc có thể diễn ra. Nói một cách khác, khi người ta càng có nhiều những tò mò ngạc nhiên thì mọi vấn đề đều có thể được mở rộng ra tới vô hạn trong nhiều chiều kích.
Một đề tài mới, một sự tò mò mới luôn là một cái cớ để một nghệ sỹ bắt đầu quá trình đi tìm. Tự mình kiến tạo nên mâu thuẫn rồi lại đi giải quyết những mâu thuẫn đó. Sự mâu thuẫn đó ở trên nhiều khung hình, từ những niềm hân hoan hay sự thành kính trên khuôn mặt rạng ngời của người dân sau khi tan lễ chiều. Có người hân hoan, có người say sưa, có người day dứt. Phảng phất ở đâu đó trong tôi là nỗi băn khoăn về những lời ca tụng trong việc bảo vệ giá trị truyền thống, hay là nhu cầu bức thiết của con người khi đi tìm những điều mới mẻ. Giữa hai sự lựa chọn đó thì đâu mới là điều quan trọng và đâu mới thực sự chạm tới tinh thần. Mỗi một người sẽ có một điểm nhìn của riêng mình để trả lời cho câu hỏi đó. Tôi thì tin rằng những nhân vật trong tác phẩm của chị đều đã tự tìm được câu trả lời cho chính mình để sống với đức tin mà mình đang có. Như chiếc ống kính – phủ đầy bụi mốc, như người đi trong sương mù, người ta chỉ nhìn thấy thế giới bằng chính tri nhận cũng như sự phủ mờ của bản thân mình.
Nhưng xét cho cùng, trên tất cả thì mối quan hệ của người và người, chủng tộc và chủng tộc, có thể được hiển hiện nhưng lại hoàn toàn không trở thành vấn đề quá nặng nề mà chỉ là một phần của bối cảnh. Một tác phẩm ấn tượng với tôi, đó là có thêm nhiều câu hỏi ngay trong chính vấn đề mà tác phẩm đưa ra. Tác phẩm cũng như tấm gương soi, người ta sẽ tự soi thấy mình ở trong đó, tôi thấy tôn giáo, tôi thấy tộc người, tôi thấy quyền lực ở trong ba tấm gương ấy. Sự suy tư không có một ý niệm nào là đúng đắn hay sai trái. Sự suy tư luôn ở giữa những đường biên của băn khoăn.
Tộc người, tôn giáo, âm thanh, hình ảnh… có lẽ chỉ là một hình ảnh, một mảnh vỡ như bao mảnh vỡ khác ở khắp mọi ngõ ngách trong đời sống. Những khuôn mặt trái ngược nhau, những hành động đi ngược nhau luôn diễn ra. Chúng ta mong mỏi điều tốt đẹp nhưng những điều phi lý luôn tồn tại song hành. Mà biết đâu, những điều phi lý đó mới thực sự là có lý. Chúng ta đang thay đổi, đang bị thay đổi là một lẽ hiển nhiên, những mong muốn hay suy nghĩ để “Cải tiến thế giới” luôn là một câu hỏi thường trực. Sự thay đổi đó là có chủ đích, là vô thức, là ngẫu nhiên hay tất yếu, có lẽ không ai có thể trả lời được. Nhưng dẫu sao, “Cải tiến thế giới” vẫn đang và sẽ tiếp tục, tiếp tục để có những điều tốt đẹp hơn như chúng ta mong mỏi.
…
Người đầu tiên trả lời tôi sau bức ảnh triển lãm đó lại chính là chị Thi. Chị không chỉ “nhìn thấy” tôi là một trong những khán giả đầu tiên đi vào xem, mà còn là người dẫn tôi vào trong bóng tối… trong khi tôi đến lúc đi về cũng chưa kịp biết trong khán phòng còn có ai khác hay không!
Nguyễn Hữu Sử
Hà Nội 15.03.22