Họa sỹ Nguyễn Thọ Hiếu sinh năm 1988, tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2012. Anh hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội. Họa sỹ khai thác những chủ đề quen thuộc trong đời sống với sự nhìn nhận riêng và truyền tải vào trong các sáng tác thông qua việc sử dụng kỹ thuật sơn dầu nhiều lớp.
Cá nhân mình rất thích tranh tĩnh vật, thích những thứ đời thường, giản dị và mộc mạc. Không chủ đích đi tìm vẽ những cái lớn lao, mình vẫn đang chú tâm vào việc làm sao vẽ được cái mộc mạc, bình dị mà mình yêu thích thông qua hình ảnh đồ vật như đèn dầu, bát đĩa, cuốn sách, hoặc những loài hoa theo mùa như gần tết có bó thược dược, đầu hè vẽ bông loa kèn và cuối hè đầu thu còn chút hương sen,… Trên con đường này, cứ tự nhiên những lúc đang vẽ thì yếu tố văn hóa nảy ra trong đầu nên muốn đưa vào. Lâu dần mình cũng hiểu ra rằng mình uống nước dân tộc, ăn cơm dân tộc nên những nét văn hóa đi cùng mình từ bé như kiệt tác văn học Truyện Kiều, tranh dân gian Hàng Trống, hình ảnh Môn Thần và Bồ Tát,… luôn hiện hữu trong tâm tư.
Khi nghiên cứu kỹ thuật vẽ sơn dầu nhiều lớp theo lối cổ điển, có hai họa sỹ mà mình thần tượng, bao gồm Johannes Vermeer và Rembrandt. Ngoài ra, về tranh sơn dầu, mình thích cách sử dụng màu và chất thơ trong tranh Lê Phổ. Từ những quan sát về kỹ thuật của các họa sỹ đi trước, mình vẽ tĩnh vật để rèn bản thân và tĩnh lặng nhìn sâu vào cảm xúc đối với mọi vật xung quanh. Đó là những bước đi đầu tiên mang tính tương hỗ mà mình dành nhiều tâm huyết trước khi vẽ sang tranh chân dung với bố cục có nhân vật. Đến giờ, mình vẫn luôn tỉ mẩn vì đó là một phần song hành cùng con đường của mình.
Bi là con gái của mình và sự trong sáng thuần khiết của Bi là điều khiến mình thực sự trân trọng. Khi nghĩ về vẽ tranh chân dung, mình đã nghĩ trong đầu rằng: à, mình phải vẽ cô bé. Ban đầu từ thuần túy lưu giữ lại thần thái, tâm tư của nhân vật, càng về sau câu chuyện mình đưa vào các sáng tác càng rõ nét hơn. Mình nghiên cứu nhiều thêm về triết lý nhân sinh qua những bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống như tranh ngũ hổ hay đám cưới chuột và muốn đưa tới người xem hệ tư tưởng ấy từ góc nhìn có phần gần gũi với cuộc sống hiện đại đương thời. Thêm vào đó, trong một số sáng tác mới hoàn thành dạo gần đây, mình có sử dụng ý tưởng, câu chuyện về thuyết luân hồi, các tầng địa ngục, Thập Điện Diêm Vương để sau cùng gợi ra “ngày phán xét” trong tín ngưỡng tâm linh. Những yếu tố này được đặt vào cơ sở đối ứng với “ngày phán xét” trong tâm can mỗi người chúng ta khi lắng lại những xô bồ và tìm về chân ngã.
Đây là một kỹ thuật đòi hỏi phải dày công nghiên cứu, phải dành nhiều thời gian và khó. Cái khó là không được bung hết cảm xúc ra, vì vẽ tranh phải theo từng bước, đợi lớp trước khô hoàn toàn mới được vẽ lớp tiếp theo và phải kiên trì. Còn lại mình nói gói gọn trong một cụm “kỹ thuật nhiều lớp” thôi nhưng khi đi sâu lại có rất nhiều thứ từ màu đến dung môi. Ví dụ như mỗi lớp màu có một loại dung môi riêng, mỗi một được tổng hợp từ nhiều chất dầu khác nhau, và mỗi người cũng có cách pha chế riêng chưa kể mỗi nguyên liệu lại có nhiều loại đắt rẻ khác nhau. Khi mình khám phá ra một sự kết hợp hay ho cho hiệu quả thị giác tốt thì cảm giác sung sướng lắm. Tuy vậy với mình khi đã theo chất liệu này rồi thì khi bức vẽ hoàn thành đẹp hay xấu mỗi người sẽ có góc nhìn riêng, khán giả sẽ tự cảm vào trong lòng mà không cần phải phân bua gì nhiều về kỹ thuật. Nếu làm tốt là tranh đã nói hộ phần mình rồi.
Triển lãm “ĐỒNG HÀNH” – Trưng bày cá nhân của họa sỹ Nguyễn Thọ Hiếu diễn ra từ 20.01 đến 27.01.2024, tại Indochine House Gallery, 32A Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.