Vào ngày 14/6, bức tranh Người hát dân ca của Nguyễn Phan Chánh sẽ được đưa lên đấu giá tại Sotheby’s Paris với mức giá dự kiến từ 600,000 cho tới 900,000 Euro như là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của mỹ thuật Việt Nam từng được đưa ra thị trường.
Ra mắt tác phẩm này sau gần 100 năm, đối với Sotheby’s, tác phẩm này có thể được xem là Les Demoiselles d’Avignon của Việt Nam, một tác phẩm đánh dấu sự khởi sinh của xu hướng hiện đại trong mỹ thuật Việt Nam. Tác phẩm này thể hiện phong cách điển hình của Nguyễn Phan Chánh trong thời kỳ ông được săn đón nhất hậu triển lãm 1931 tại Paris với các tác phẩm thể hiện bối cảnh dân dã, đời thường dịu dàng từ năm 1930 tới năm 1935.
Trong Người hát dân ca, thay vì tập trung đem lại sự ấn tượng trong trải nghiệm thẩm mỹ, Nguyễn Phan Chánh tập trung vào sự giản lược, gợi tả trong tranh. Như vậy, ông hoạ lại một cách khái quát hình ảnh những người hát dân ca đương chuyện trò kín đáo. Trong tranh, chủ thể bình dị nổi lên giữa trung tâm phông nền trơn, phẳng với tông chủ đạo là nâu đất chỉ được phân chia bởi đường chân trời giữa hai mảng màu đậm nhạt tách biệt, gợi nhớ đến xu hướng vẽ của trường phái Hội hoạ Trường màu vốn đi lên sau vào những năm 1950.
Sức hút của tranh đến từ chính sự bí ẩn và khơi gợi của những hành động thường nhật. Trong tranh, ta không thấy rõ gương mặt của những người hát, một người thì quay lưng hướng về phía người xem, người còn lại giấu nửa mặt sau thân quạt, nét mặt bình thản nhưng lại có vẻ kín đáo, dường như đang bàn chuyện gì đó riêng tư. Nét mặt nguời hát không được tả quá chi tiết mà chỉ sử dụng một số phẩy cọ, từ đó, sự chú ý của ta được chuyển sang những hành động giản dị, cuốn vào đôi câu chuyện trò nhưng vẫn phần nào nắm bắt được thái độ của nhân vật.
Trông đơn thuần nhưng vẻ khái quát, giản lược của Người hát dân ca lại hàm chứa một câu chuyện lịch sử sâu hơn và tinh thần của nền mỹ thuật Việt Nam ở buổi giao thời từ cuối những năm 1800 cho tới những năm đầu 1900, sau khi nhà Nguyễn bị lật đổ và ách thống trị thực dân Pháp lên ngôi. Giữa thời buổi chuyển giao này, nền nghệ thuật Việt Nam cũng dần chứng kiến quá trình hệ thống hoá và thương mại hoá dưới tham vọng khai thác lợi ích của chính quyền thực dân Pháp. Từ đó các trường mỹ thuật và các cuộc đấu xảo bắt đầu diễn ra song song với sự hoạt động sôi nổi của các làng nghề cũng như sự khai sinh của các trường mỹ nghệ. Trong thời gian này, hoạ sĩ Victor Tardieu với mối quan tâm dành cho nghệ thuật truyền thống Việt Nam cũng như cảnh sắc tươi đẹp nơi đây đã vận động chính quyền thực dân để mở Trường Mỹ thuật Đông Dương. Nguyễn Phan Chánh chính là một trong những nghệ sĩ thế hệ đầu tiên của trường bên cạnh Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Văn Đệ, và Công Văn Trung.
Một quá trình dài nhiều biến động như vậy đã lưu dấu trên tác phẩm Người hát dân ca. Lịch sử biến động có thể được thể hiện qua những chỉ dấu nhỏ như cách ông viết thơ chữ Hán trên tranh, nhưng ký tên mình bằng chữ Quốc Ngữ – một lối ký tên quy chuẩn từ trường Mỹ thuật Đông Dương. Khác với “tứ kiệt trời Âu” Phổ – Thứ – Lựu – Đàm, cũng đi ra từ Trường Mỹ thuật Đông Dương, và thành công với tranh lụa, ông chọn lối đi riêng trong cả thẩm mỹ lẫn chủ đề tác phẩm. Thay vì sử dụng những bảng màu rực rỡ hơn cũng như đặc tả tỉ mẩn chi tiết bối cảnh thơ mộng, hồ như khoái lạc trong tranh, Nguyễn Phan Chánh đã lựa chọn hướng đi đặc biệt tối giản cho tranh tập trung vào độ phẳng cùng các khối màu, sử dụng độc nhất tông màu nâu đất để vẽ nên đời sống người lao động, làng quê lấy cảm hứng từ vùng nông thôn tuổi thơ ông.
Trong tác phẩm ta thấy rõ nhất chính là độ phẳng của tranh. Độ phẳng chính là một khía cạnh chủ đạo trong những tìm tòi đổi mới của nghệ thuật Pháp từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Với sự ra đời của máy ảnh năm 1839 làm tranh vẽ mất đi vị trí độc tôn trong hình dung về hiện thực, cùng mong muốn bứt thoát khỏi những quy chuẩn hàn lâm nhen nhóm, các nghệ sĩ Pháp như Monet, Picasso, Matisse,… bắt đầu “chơi” với các quy tắc phối cảnh và độ sâu trường ảnh. Bố cục 3D dần bị là phẳng tạo ra những hình người phân mảnh, ánh sáng như nhỏ giọt trên bề mặt tranh với từng nhát cọ tách biệt, và chi tiết dần trở nên khơi ngợi mờ ảo. Từ đây, tranh không nhìn giống thực nữa mà hiện thực đã nhìn giống tranh hơn bao giờ hết với độ phẳng rõ ràng – những ảo ảnh về chiều sâu dần hạn chế hơn, và ta tập trung hơn vào sự khơi gợi của nét cọ và mảng màu trước đây thường “biến mất” trong những đánh khối mượt mà. Từ đó, ta có trường phái Dã Thú, Ấn Tượng, Lập Thể, và nhiều hơn thế. Còn ở đây, với tác phẩm Người hát dân ca, Nguyễn Phan Chánh dường đã dung hoà được những diễn biến sôi động của Mỹ thuật Pháp lúc bấy giờ cũng như cảnh trí yên thơ của Việt Nam thế kỷ 20, đóng góp vào những biến đổi mạnh mẽ một cách thầm lặng tựa như sóng ngầm ẩn mình trong sự phẳng phiu, đơn sắc.
Về cảm thức mỹ nghệ – mỹ thuật Việt trong bức Người hát dân ca, ta cũng có thể thấy được ảnh hưởng rõ rệt của tranh Đông Hồ, từ chủ đề cho đến phong cách của tác phẩm. Trước hết sự vững chãi của bố cục tam giác cân cộng với nền trơn trống không chi tiết trong tranh vốn phổ biến trong dòng tranh Đông Hồ giúp mang lại cảm giác hài hoà nịnh mắt, nhưng đồng thời cũng hoạt động như sân khấu, kéo hết sự chú ý của ta vào diễn biết hoạt động của nhân vật, rất đơn giản nhưng cũng vô cùng hiệu quả. Bên cạnh đó, cách ông viết vài dòng thơ chữ Hán ở góc tranh để tiếp tục bộc bạch sau khi vẽ, cũng như chủ đề sinh hoạt đời thường đều là các đặc điểm tương tự với nội dung thường thấy trong dòng tranh dân gian này. Thơ chữ Hán – Nôm hay xuất hiện ở góc tranh cũng là một dấu ấn khác từ tuổi thơ ông, khi ông học chữ Hán cũng như nghệ thuật thư pháp. Thường thơ trong tranh của ông sẽ không ăn nhập gì với nội dung tranh và được xem là những khơi gợi mới, một dấu ấn rất riêng của Nguyễn Phan Chánh so với các hoạ sĩ tranh lụa cùng thời.
Kết lại, với bút pháp trữ tình, dung dị, Nguyễn Phan Chánh đã thể hiện một thời đại đầy hứng khởi và giao thoa của nghệ thuật Việt Nam, khẳng định vị thế là một trong những nghệ sĩ đi đầu trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam – người mở lối cho tranh lụa và một đại diện mang hồn dân tộc đi vào thị trường quốc tế. Với sự chuẩn mực thoả mãn văn hoá Đông – Tây cũng như sự hiếm có của các tác phẩm tranh lụa đứng vững trước thời gian, chúng ta có thể kỳ vọng rằng tác phẩm Người hát dân ca của ông có thể tiếp nối những kỷ lục thương mại đi trước sau khi giấu mình gần một thế kỷ.