Nguyễn Linh dường như đã khai phá được lối đi riêng sau dấu ấn xưng danh với chèo gây ấn tượng mạnh mẽ với giới chuyên môn trong cuộc triển lãm “Nguyễn Linh 4” vào năm 2020. Ông không chỉ chứng minh khả năng sở hữu lối biểu hiện phong phú và kinh nghiệm qua các đề tài đa dạng, mà còn thể hiện niềm đam mê đi đến tận cùng bằng việc lựa chọn đào sâu nét bút liền mạch và khỏe khoắn dành cho tình yêu đối với đời sống và nghệ thuật văn hoá dân gian Bắc bộ.
Tác phẩm “Thử áo dài mới”
Thuộc thế hệ được nuôi dưỡng từ môi trường học thuật chính thống tại trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội vào thập niên 80 (tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương), đồng thời là hậu bối của những bậc thầy hội họa như Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm… Lẽ đó, Nguyễn Linh nhìn thấy được những di sản quý báu trong cảm hứng từ cuộc sống sinh hoạt cũng như văn hóa Bắc bộ thế hệ trước.
Ông nghiệm ra rằng một người nghệ sĩ mang tư tưởng cách tân đến mấy cũng mong muốn hồi đáp truyền thống vì “cội nguồn tình cảm” vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ để mỗi cá nhân thấu hiểu căn tính bản ngã và khai phá dấu ấn riêng, như ông khẳng định:
“Tôi trung thành với suy nghĩ của người Việt, với cách nhìn và suy nghĩ trong những đề tài của mình. Dùng kỹ thuật lẫn chất liệu của phương Tây như phương tiện để biểu đạt tinh thần Việt Nam trọn vẹn ở tác phẩm.”
Tác phẩm “Hề gậy“
Triển lãm “Nguyễn Linh 6” với hơn 70 tác phẩm không còn hé lộ sự bất ngờ của một cá tính mới mà tô đậm độ chín mùi của một tâm hồn khoáng đạt. Họa sĩ Nguyễn Linh một lần nữa cho thấy sở trường làm chủ “hệ thống nét với chất liệu dân gian” nhưng không ngại phiêu lưu và mạnh mẽ khuấy động sân khấu của chính mình. Thông qua khung cảnh làng quê, nếp sinh hoạt Bắc bộ và những hình tượng con người vừa gần gũi vừa độc đáo từ dân quê bình dị đến nghệ nhân đang hóa thân trong tuồng chèo hay khoảnh khắc nghi lễ hầu đồng biến hóa ảo diệu, họa sĩ tập trung vào những trải nghiệm mang đậm tính cá nhân và khao khát bộc lộ cảm xúc sâu kín của mỗi thân phận về niềm đam mê, nỗi sợ hãi, sự choáng ngợp, trào lộng và cả những điều siêu phàm.
Tác phẩm “Cô Đồng”
Chỉ bằng những đường nét cơ bản, họa sĩ đã làm nổi rõ chi tiết của cơ mặt đầy cảm xúc và cường điệu hóa biểu cảm của từng nhân vật đầy sống động, chân thực. Đặc biệt, trong các bức tranh đặc tả hình tượng tín ngưỡng dân gian và nghệ thuật chèo như Cô đồng; Hề gậy; Hề chèo, Chiếu Chèo, Sau sân khấu… các biến dạng biểu cảm tạo nên sức mạnh kết nối đầy năng lượng, mời gọi người xem thâm nhập vào “cuộc trình diễn” nội tâm phức tạp của sự kiện giàu cảm xúc.
Tác phẩm “Chuyện Quê tôi“
Ở những tác phẩm mô tả khung cảnh sinh hoạt dân dã như Dệt mành; Chợ phiên; Chuyện quê tôi; Tre lại hé lộ những trải nghiệm thân thuộc và lay động tâm trí người xem bằng những hoài niệm cá nhân theo cách không ngờ nhất. Gần gũi mà xa vắng, tĩnh lặng mà cũng vô vàn xáo động, Nguyễn Linh đã chộp lấy những cuộc chuyện trò hồn nhiên, đôi khi lặng lẽ nhưng ẩn giấu những kịch tính luôn hiện hữu trong đời sống con người.
Tác phẩm “Tụ tập“
Ở những bức tranh mô tả tập thể, không dung mạo nào được tôn lên hay chú trọng làm cho nổi bật nhưng từng cá nhân đều được khắc họa như một cá thể độc nhất. Tác giả đã nỗ lực phát triển một kỹ thuật có thể thâu tóm được đường nét biểu đạt được tâm tư của nhân vật, dẫn dắt người xem vào cuộc đối thoại thinh lặng của mỗi người.
Tác phẩm “Say rồi về bản thôi”
Những kết hợp tương phản màu sắc giữa trầm mặc và chói gắt một cách tinh vi, cùng với kỹ thuật khơi gợi không gian khéo léo thông qua hiệu ứng của hình khối và sắp xếp bốc cục đã góp phần minh chứng nội lực trong bút pháp của một Nguyễn Linh giàu sắc thái riêng biệt, biến hóa đường nét điêu luyện chỉ bằng những dịch chuyển đậm nhạt nhưng kiến tạo nên nhiều đặc điểm nổi bật, thu hút ánh nhìn hoặc gây tò mò cho tâm trí người xem, khám phá những mối quan hệ riêng tư nhiều hàm ngữ. Tranh của ông rất ít chi tiết tỉ mỉ nhưng vẫn đủ gợi nên hoàn cảnh và tạo ra bầu không khí đặc sắc, đôi khi đầy nhịp điệu.
Tác phẩm “Chèo”
Hơn 4 thập kỷ say sưa với hội họa, Nguyễn Linh là “người nghệ sĩ chỉ vẽ những gì mình thấy”. Ông nhấn mạnh vào hiện thực và sở hữu sự nghiệp mang bước nhảy vọt khi dựa vào truyền thống phong phú của nghệ thuật dân gian để đụng chạm tất cả mọi thứ thuộc về cuộc sống. Dù mãnh liệt gai góc hay chân phương đôn hậu, các tác phẩm của ông đều tạo ra mạng lưới tinh tế của những cảm xúc dịu dàng gắn kết con người với nhau, đánh thức tâm hồn nhạy cảm với truyền thống, đan dệt những khoảnh khắc của quá khứ vào mạng lưới của hiện tại.
Tác phẩm “Cùng xem điệu múa cổ“
Nguyễn Linh 6 là sự kiện lần đầu tiên tác giả ra mắt “kho tàng dân gian” của riêng mình tới những người bạn và giới mộ điệu tại thành phố Hồ Chí Minh. Triển lãm là tuyên ngôn của họa sĩ về hành trình sáng tạo không có điểm dừng và tình yêu dành cho suối nguồn truyền thống:“Văn hóa dân gian cũng là một phần đời sống, tôi nghĩ nó cũng như các sinh hoạt khác, chỉ có một vấn đề vẽ được ra Chèo hay Hầu đồng mà nhìn người thưởng lãm vẫn nhận ra bút pháp riêng của mình là một thách thức”.
Họa sĩ Nguyễn Linh sinh năm 1961 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội khóa 23 (1979-1983). Nguyễn Linh từng làm báo và công tác Tạp chí Kiến trúc. Đến năm 1990 ông chuyển hướng rẽ ngang và dành trọn đam mê cho hội họa. Sự trở lại hăng say và liên tục tìm tòi của Nguyễn Linh đã lần lượt mở ra những đường biên mới, giúp ông phát huy phẩm chất nghệ thuật tạo hình vốn có để tạo nên dấu ấn cá nhân, đặc biệt đóng dấu “thương hiệu riêng” trong dòng tranh đề tài đời sống văn hóa dân gian như chèo, hầu đồng. Ông đã thực hiện 5 triển lãm cá nhân trải dài từ năm 2006 đến 2023 cùng nhiều triển lãm nhóm ở trong và ngoài nước. Nguyễn Linh còn là một nhà sưu tập nghệ thuật dày dặn và từng cùng họa sỹ Đào Vũ và Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội thành lập ViệtArt Center, một trung tâm mỹ thuật đương đại tại 42 Yết kiêu – Hà Nội từ năm 2005-2012 tạo một dấu ấn nhất định trong sinh hoạt Mỹ thuật Việt Nam.
“Nguyễn Linh 6” được ví như “kho tàng dân gian” của riêng Nguyễn Linh được Bến Thành Art Gallery lần đầu tiên giới thiệu tới công chúng tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong không gian nghệ thuật của An Gallery, tập hợp trưng bày hơn 70 tác phẩm phác họa đậm nét khung cảnh làng quê, nếp sinh hoạt Bắc bộ từ hình tượng những con người dân quê gần gũi, bình dị đến các nghệ nhân đang hóa thân trong nghệ thuật tuồng, chèo hay khoảnh khắc nghi lễ hầu đồng biến hóa ảo diệu.
Chủ đề truyền thống tưởng chừng quen thuộc nhưng được khắc họa đầy ngẫu hứng và mới mẻ qua bút pháp của Nguyễn Linh. Những bức tranh lấy cảm hứng từ nếp sinh hoạt thường nhật lẫn đời sống nghệ thuật và tinh thần của dân gian tập trung vào những lát cắt giao tiếp lặng lẽ hay trình diễn kịch tính đều không quá xa cách, mà vẫn luôn là hỉ nộ ái ố hiện hữu đâu đó trong đời sống cảm xúc của con người hôm nay.