Sinh năm 1991, hoạ sỹ Nguyễn Đình Văn tốt nghiệp Cử nhân Mỹ thuật 2016 và Thạc sĩ Mỹ thuật 2018. Không chỉ như vậy, anh còn được lớn lên trong một gia đình giàu nghệ thuật và văn hoá, đặc biệt là với sơn mài, khi có cha là hoạ sỹ Nguyễn Văn Bảng và mẹ là hoạ sỹ Nguyễn Thị Tiến – hai hoạ sỹ sơn mài gạo cội của Việt Nam.
Triển lãm cá nhân đầu tay “Dưới Tán Cây Rừng” hiện đang diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (Quận 2, TP.HCM) cùng các sự kiện vệ tinh như những buổi art tour và workshop về sơn mài, nơi họa sỹ Nguyễn Đình Văn chia sẻ về kỹ thuật, kinh nghiệm, cũng như tình yêu của mình dành cho bộ môn này.
Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên, Nguyễn Đình Văn mang đến triển lãm “Dưới Tán Cây Rừng” một hành trình khám phá phong cảnh qua những lát cắt không gian được khắc họa bằng cảm nhận về thời gian. Những khu rừng, vườn cây, và núi đồi hiện lên dưới ánh nắng sớm, hoàng hôn dịu dàng hay bóng đêm tĩnh lặng, tạo nên một bức tranh phong phú về thiên nhiên muôn hình vạn trạng. Ánh sáng xuyên qua từng tán lá, hòa quyện với màu sắc, và bố cục độc đáo, không chỉ tái hiện chân thực vẻ đẹp tự nhiên mà còn mở ra cánh cửa để người xem tìm về giá trị nguyên bản trong chính tâm hồn mình. Ở đó, thiên nhiên không chỉ là chủ thể mà còn là nhịp cầu nối liền con người với những chiều sâu cảm xúc và ký ức lắng đọng.
Đối với tôi, khi quyết định làm một họa sỹ, việc tìm kiếm đề tài để khai thác và đưa được vào tác phẩm nhưng vẫn để lại dấu ấn bản thể cá nhân là việc tương đối khó. Bởi lẽ, dường như mọi đề tài đều đã được rất nhiều người làm, với vô vàn những hình thức thể hiện khác nhau. Ngoài ra, khi đã lựa chọn được đề tài thì phải tìm được cách làm mới nó, mà đó cũng là một quá trình mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu và nghiên cứu. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, may mắn là tôi đã tìm được cách thức thể hiện mới mẻ hơn với đề tài thiên nhiên mà mình chọn.
Bản thân tôi ngay từ nhỏ đã là một người yêu thích thiên nhiên, động vật, và thường xuyên được bố mẹ dẫn đi thăm thú nhiều nơi, đến nhiều vùng miền khác nhau của tổ quốc. Những chuyến đi đến những vùng núi phía bắc Việt Nam đã để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng bởi vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ và sự phong phú của các loài cây cối. Tôi đã được trải nghiệm sinh hoạt cùng người dân bản địa, được sống hòa mình giữa núi rừng, và điều này đã củng cố vững chắc tình yêu thiên nhiên trong tôi, vậy nên, tôi quyết định lựa chọn đề tài thiên nhiên để khai thác và đưa vào các tác phẩm của mình.
Triển lãm lần này của tôi có tổng cộng 25 tác phẩm sơn mài, mỗi tác phẩm như một nỗ lực nắm bắt lại những ấn tượng của tôi về mỗi cảnh sắc thiên nhiên. Tôi mong muốn người xem không chỉ chiêm ngưỡng một bức tranh phong cảnh thông thường, mà còn muốn dẫn dắt người xem đến những khoảng thời gian thường nhật khác nhau; vẻ đẹp của ban ngày khác, ban đêm khác, khi mưa khác, hay khi bình minh và hoàng hôn lại có những nét đẹp như thế nào, đó đều là những điều mà tôi mong muốn người xem có thể cảm nhận được khi đến với triển lãm. Ngoài ra, tôi còn muốn thể hiện sự phong phú của thiên nhiên với những loại động – thực vật đa dạng khác nhau; cách chúng đan cài, hòa quyện vào với nhau, tạo nên một bức tranh cảnh sắc vừa đa dạng về sinh học, đồng thời lại mang những nét đẹp của khoảnh khắc ấn tượng.
Trước khi quyết định vẽ về thiên nhiên, tôi đã quan niệm rằng: “Mình phải vẽ cái gì mình thật sự hiểu và yêu thích, thì mới có thể đem được cảm xúc của mình vào trong tác phẩm và truyền tải được nó đến người xem.” Vì vậy, thiên nhiên là đề tài mà tôi thấy rằng đáp ứng được tất cả mọi điều tôi yêu cầu, và đây là lý do tôi lựa chọn nó. Tuy nhiên, đề tài thiên nhiên đã có rất nhiều người làm, vậy nên tôi quyết tâm phải tìm được cái gì đó mới lạ hơn khi khai thác đề tài này. Khi còn học đại học, chuyên ngành của tôi là đồ họa, và cá nhân tôi thấy rằng ngôn ngữ đồ họa rất hay, nó có những mảng hình rất đơn giản, khúc triết, nhưng lại chứa sức gợi về hình và không gian rất hiệu quả và hiện đại. Từ đó mà tôi đã quyết định đem việc tạo hình của đồ họa kết hợp với nghệ thuật sơn mài truyền thống. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng tôi cũng đúc kết được phương pháp và cách thức phù hợp, cũng như bảo đảm vẻ hài hòa giữa tạo hình hiện đại của đồ hoạ và kỹ thuật sơn mài truyền thống, nhưng quan trọng là vẫn lưu giữ được cảm xúc và thông điệp mà mình muốn truyền tải. Như đã nói ở trên, tôi muốn truyền tải vẻ phong phú của thiên nhiên để dẫn dắt người xem đến những khoảng không gian, thời gian khác nhau, để mọi người đến với triển lãm của tôi đều được thấy như đang bước đi giữa một khu rừng thật sự.
Tôi có lẽ chỉ dám nhận là mình kế thừa nghề sơn mài của gia đình, còn vẻ đẹp của thiên nhiên không phải của riêng ai, mà tôi chỉ tìm cách để nó trở nên thú vị hơn dưới góc nhìn của bản thân mà thôi. Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi được sinh ra trong một gia đình có truyền thống về sơn mài và nghệ thuật, từ gia đình, tôi đã học được rất nhiều thứ, như sự nhạy cảm khi đứng trước vẻ đẹp của thiên nhiên, và tôi cũng thấy rất vui khi mình là thế hệ tiếp theo kết nối những di sản truyền thống, đem nó bước tiếp vào hiện đại.
Triển lãm “Dưới Tán Cây Rừng” là triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi, đó là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của tôi. Tôi rất biết ơn mọi người và gia đình đã giúp đỡ, cổ vũ, động viên để tôi có được một triển lãm thành công. Đây cũng là động lực vô cùng quan trọng để tôi tiếp tục tìm kiếm và phát triển những giá trị khác, dựa trên những di sản có sẵn. Tôi cũng đã ấp ủ rất nhiều ý tưởng cho những dự định tiếp theo, hy vọng mọi người sẽ tiếp tục đón nhận và ủng hộ các tác phẩm trong tương lai. Hẹn gặp lại mọi người trong những triển lãm sắp tới của tôi.
Xin cảm ơn những chia sẻ của họa sỹ Nguyễn Đình Văn và chúc mừng triển lãm đầu tay của anh!
Khuê Nguyễn