Người phụ nữ trong tranh Đỗ Anh Hoa và Bùi Tiến Tuấn

Xuyên suốt lịch sử phát triển nghệ thuật, sự hiện diện của người phụ nữ không dừng lại ở nguồn cảm hứng hay hình mẫu mà còn ở định nghĩa về cái đẹp trong mắt người nghệ sĩ. Với Đỗ Anh Hoa và Bùi Tiến Tuấn, vẻ đẹp của người phụ nữ cũng được biểu hiện theo những cách khác nhau. 

Nâng niu và trìu mến

Lấy cảm hứng từ những cô gái bên hoa cỏ thiên nhiên, Hương Sen của nữ họa sĩ Đỗ Anh Hoa thu hút người xem bởi luồng cảm xúc nhẹ nhàng và đầy tinh khôi trong khung cảnh trữ tình.

Tác phẩm Hương Sen – Đỗ Anh Hoa

Sử dụng các màu sắc tươi tắn như xanh lá, vàng và hồng cánh sen, tác phẩm không chỉ phảng phất vẻ đằm thắm, dịu dàng của những nàng thiếu nữ mà còn khiến người xem xao xuyến bởi cảnh sắc êm đềm, lặng yên trong Hương Sen. Không ai trong số sáu người phụ nữ có ánh nhìn và sự đối đầu trực tiếp, đôi mắt của họ hướng vào những vật thể khác nhau, khiến cho tác phẩm đầy suy tư và thêm hoài cổ.

Trong các sáng tác của mình, Anh Hoa khá đặc biệt khi dùng hoa sen để vẽ bên các thiếu nữ, làm nên phong cách độc đáo riêng của nữ họa sĩ. Chị từng chia sẻ, “các cô gái bên hoa sen, trong mắt tôi rất Việt, không dễ gì nhầm lẫn giữa những trào lưu văn hóa đa chiều trong thế giới phẳng này. Nhìn từ góc độ văn hóa Việt thì hoa sen biểu trưng cho sự cao quý. Tôi muốn dùng mô-típ này nhằm nói lên cái đẹp thanh cao ở người phụ nữ mà tôi vốn rất quý trọng.”

Đặc biệt, cách phối màu cùng những đường cọ trong Hương Sen khiến tác phẩm như “có vũ điệu” riêng, biểu đạt dư vị cuộc sống và cả vẻ đẹp cả người phụ nữ. Đề cập đến việc khai thác chủ đề, Anh Hoa cũng chia sẻ:

“Phụ nữ hiện đại ngày nay phải rất mạnh mẽ để đương đầu với cuộc sống hiện đại.”

“Chừng ấy áp lực, chắc chắn là rất mệt mỏi. Chính vì vậy nên tôi không chọn những đề tài gai góc, phản ánh đời sống xã hội, biết bao hình ảnh tiêu cực từ tin tức và báo đài hàng ngày cũng quá đủ rồi. Những chủ đề nhẹ nhàng, dung dị sẽ đem lại luồng cảm xúc tích cực, giúp tưới mát tâm hồn.”

Có lẽ, điều làm nên “cái hồn” trong các tác phẩm của chị đến từ sự đồng cảm và đồng điệu trong tâm hồn. Vì là phụ nữ, chị hiểu hơn những vấn đề mà người đời thường ví như “phức tạp hơn cả quyển từ điển với nhiều chương bí hiểm”, bức họa Hương Sen không chỉ biểu đạt những suy nghĩ riêng của chị em mà còn mang đến những xúc cảm đặc biệt cho tâm hồn.

Một tác phẩm khác của họa sĩ Anh Hoa – Mùa đông

Mộc mạc, tinh tế

Nhắc đến hình ảnh người phụ nữ trong hội họa đương đại Việt không thể không nhắc đến Cô gái với chiếc vớ đen lụa của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn. Khác với chuẩn mực về hình thể trong thời đại mới, cô thiếu nữ trong tranh lụa thu hút người xem bởi sự quyến rũ qua đường nét bay bổng.

Cô gái với chiếc vớ đen lụa – Bùi Tiến Tuấn

Trên nền lụa, người thiếu nữ không nền nã, không e ấp cũng không hề mực thước như nhiều tác phẩm khác. Bùi Tiến Tuấn chọn khai thác hình ảnh những cô gái hiện đại, phóng khoáng và đầy gai góc, chẳng ngại phô diễn đường nét gợi cảm trên cơ thể mình.

Xem Cô gái với chiếc vớ đen lụa, người xem tranh không chỉ bị thu hút bởi những đường nét thanh tú của người phụ nữ đang độ xuân thì mà còn ấn tượng bởi bố cục cận cảnh độc đáo, tạo nên sự gần gũi khó tả. Bên cạnh bố cục, ta còn có thể cảm nhận được sự dày công tính toán trong việc phối kết màu sắc của Bùi Tiến Tuấn, mộc mạc nhưng luôn có điểm nhấn ấn tượng.

Nếu họa sĩ Anh Hoa chọn thể hiện nét đằm thắm, suy tư của cô thiếu nữ thì Bùi Tiến Tuấn lại phản ánh và miêu tả người phụ nữ hòa trong nhịp sống thị thành bằng cảm quan riêng.

Một tác phẩm khác của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, Nàng Xuân

Trong guồng quay tất bật của cuộc sống, nét đẹp của người phụ nữ không đơn thuần là vẻ đẹp mỹ cảm mà chúng còn ẩn hiện sau những ám ảnh, trạng thái vô hồn của nhiều vấn đề trong xã hội đương đại. Lẽ vậy, nếu ta chỉ xét đến vẻ đẹp chuẩn mực, là dáng chuẩn, mũi cao, mắt to thì đôi khi, khó lòng mà nhận ra một ý nghĩa bao quát hơn cho một vấn đề xã hội.  

Các tác phẩm đương đại vẽ phụ nữ Việt Nam, dù là nét dịu dàng trong Hương sen hay vẻ gợi cảm trong Cô gái với chiếc vớ đen lụa, đều thể hiện những cảm quan mới của người nghệ sĩ. Như họa sĩ Lương Lưu Biên từng chia sẻ, “Dù bằng cách thức nào, thời đại nào, mục đích chính của nghệ thuật vẫn là tìm kiếm và diễn tả cái đẹp, mà cái đẹp tác động mạnh nhất đến con người và công chúng luôn là một con người hay xã hội những con người, trong đó người nữ là biểu tượng vẻ đẹp cao nhất.”

Bài: Phương Uyên