[NGỒI NGHỆ SERIES] Touliver: “Nghệ thuật với mình vẫn là một địa hạt vô cùng rộng lớn”

Trong triển lãm đầu tay “Mid-life Crisis”, Touliver đưa khán giả bước vào những suy tư của mình với các tác phẩm biểu lộ sự giằng xé mạnh mẽ trong nội tâm và cách anh loay hoay thấu hiểu bản thân mình muốn gì. Đó là cũng là lúc anh chọn cầm tấm voan và cây cọ, ồ ạt màu sắc, lấm lem đường nét để hội họa là nơi “bậc thầy âm nhạc” độc thoại với chính mình, và đối thoại với công chúng. Vẫn có âm nhạc kề bên, nhưng giờ đây, niềm đam mê hội họa dần thành hình và chia sẻ với công chúng nhiều hơn.

Xin chào Touliver! Một lần nữa, Art Republik xin chúc mừng triển lãm mới đây của anh. Để bắt đầu, tôi muốn hỏi tại sao lại là “Lưng chừng khủng hoảng”?

Đó là tên Việt hóa, còn nguyên bản là “Mid-life Crisis”. Cái tên này như miêu tả những khủng hoảng mà mình từng trải qua trong 35 năm cuộc đời. Mình cũng có những bộ artwork mang tên “Crisis”, nó gắn liền với những sự kiện rất đời thường của mình thôi. Đối mặt với những khủng hoảng, mình nhận ra có nhiều thứ ta không thể diễn đạt được bằng ngôn từ, hình ảnh hay âm thanh. Vì vậy, mình dùng hình ảnh về mặt thị giác để diễn đạt nó. Điều này cũng phản ánh suy nghĩ của mình về cuộc sống, bao gồm cả trạng thái vui vẻ lẫn khủng hoảng.

Vậy khủng hoảng gần nhất đã thôi thúc anh sáng tạo là khủng hoảng nào?

Gần nhất có lẽ là tầm này năm ngoái. Khi ấy, các anh em vừa làm xong Kosmik Concert. Cả một năm mọi người tập nhạc, khối lượng công việc rất nhiều và mình cũng không còn thời gian để làm gì khác. Lúc đó mình cực kỳ stress và khủng hoảng. Khi kết thúc concert cũng đến tháng 12, cả một tháng mình chỉ có mặt ở xưởng vẽ để giải tỏa tinh thần. Mình cũng không thể chia sẻ một cách chi tiết về chúng, vì trông khá lê thê và tính mình cũng ít nói. Mình chọn cách hành động để biểu đạt chúng.

Hoặc một khủng hoảng khác nghe “stupid” và “real” hơn là vào năm 2021. Nhà mình khi đấy có một đàn chuột cứ chui vào mái nhà, không tài nào đuổi được. Bầy chuột phá phách ngày đêm, cắn đứt dây điện và mình bất lực vì mãi không đuổi được chúng. Đây cũng là một trong những khủng hoảng khiến mình khá khó chịu. Có mấy bức mình vẽ mấy con chuột. Vấn đề đấy diễn ra cũng khá lâu.

Tác phẩm “CRISIS” (2022)

Vì sao anh Touliver lại chọn trừu tượng để biểu đạt tâm hồn nghệ thuật của mình?

Nhìn xa một xíu, mình bắt đầu vẽ từ rất sớm. Khi còn bé, bất kỳ đứa con trai nào cũng thích vẽ, từ dũng sĩ Hesman, robot cho đến vẽ truyện tranh, vẽ hình người. Đến khoảng năm 2014 – 2015, mình chuyển sang vẽ Digital Art bằng Adobe Photoshop. Mình cũng thích biếm họa. Mình hay vẽ biếm họa anh em, bạn bè xung quanh, khắc họa lại những gì đời thường và gần gũi nhất của người ta. Vào năm 2019, mình mới thật sự bắt tay vào những chất liệu mới như acrylic hay sơn dầu. Mình dành khá nhiều thời gian để đi xem triển lãm của các bảo tàng trên thế giới và cảm thấy chủ nghĩa trừu tượng biểu hiện là một trường phái rất phóng khoáng.

Cũng phải kể đến việc làm màu, đây là khoảnh khắc để lại cho mình nhiều cảm hứng nhất khi sáng tác. Mình được pha trộn nhiều loại màu sắc với nhau và phát hiện ra những điều rất đỗi ngẫu hứng và mới mẻ. Chẳng hạn như khi pha màu tím, sắc độ và texture trong lần đầu pha với lần thứ hai hoàn toàn khác nhau. Nó có sự ngẫu hứng, không khuôn khổ và khiến mình cảm thấy hứng thú. Trong triển lãm Mid-life Crisis cũng có những bức tranh từ khoảng thời gian đầu mình vẽ với hình ảnh rõ ràng. Càng về sau, mọi thứ thay đổi khá nhiều. Và trừu tượng cũng là phương tiện để mình diễn đạt cảm xúc một cách tự nhiên nhất.

Tác phẩm “MY LOVE” (2019)
Tác phẩm “Liu Dan” (2019)

Phải chăng việc làm hội họa trừu tượng cũng gần với việc làm nhạc?

Mình nghĩ hai phạm trù này gần nhau và tương hỗ với nhau. Ngày xưa khi làm nhạc, mình luôn tưởng tượng được màu sắc và hình khối của chúng. Điều đó gắn liền với các sản phẩm của SpaceSpeakers thời đầu – nhạc và hình “dắt” nhau hướng đến một style. Khi vẽ nhiều hơn, mình cũng suy nghĩ như thế. Mỗi khi vẽ, mình cảm nhận được bức tranh đang ở mức độ thế nào và gắn liền với điều gì. Có đôi khi mình làm nhạc xong, cứ xuất đoạn nhạc đấy ra, bật nghe và vẽ. Với mình, hội họa và âm nhạc có liên quan chặt chẽ với nhau. Khi nhìn một bức tranh, mình cũng có thể cảm nhận được cảm xúc của tác giả, biết được khi ấy người đó thấy buồn, hưng phấn hay “đang gặp khủng hoảng”.

Anh nghĩ thế nào về tính nhạc trong các tác phẩm thị giác? Bởi khán giả vẫn thường biết đến Touliver qua âm nhạc. Ngày hôm nay, có thể họ cũng gắn cảm quan của họ về Touliver trong âm nhạc khi xem các tác phẩm của anh. Vậy sự giao thoa giữa hai loại hình nghệ thuật ấy ra sao, chẳng hạn như nhịp điệu về màu sắc và đường nét?

Có một vài artwork gắn liền với âm nhạc như mình chia sẻ trong câu hỏi trước, nhưng đó chỉ là một vài tác phẩm thôi. Vì đa phần khi vẽ, mình để cho đôi tai được nghỉ ngơi. Cuộc sống và công việc của mình gắn liền với cặp loa và phải ngồi trong studio hàng ngày. Đó cũng là lý do mình thích vẽ, vì khi ấy mình được rời khỏi những thiết bị công nghệ, không phải đụng chạm màn hình và nghe nhạc nhiều. Nó gần giống với khi thiền ấy. Song, cũng có những tác phẩm gắn liền với âm nhạc. Và tác phẩm ấy cũng gắn liền với màu tím vì mình rất thích màu tím.

Màu tím tạo ra thế giới như thế nào trong anh?

Đó là một màu trung dung ở giữa, vừa mang lại cảm giác thơ thơ lại biểu đạt được cả xúc cảm vui lẫn buồn. Ngày xưa, nhà mình vẫn hay dùng cụm từ “tím mộng mơ” để nói về màu sắc này. Chỉ riêng màu tím đã mang nhiều sắc độ khác nhau rồi. Với mình, màu tím biểu hiện trạng thái bâng khuâng và lơ mơ, hơi bay bay một chút. Do đó, artwork của mình có khá nhiều bức có màu tím.

Màu tím xuất hiện trong tác phẩm “NORI” của Touliver

Anh nghĩ sao về quan điểm rằng càng đi sâu vào thế giới và nội hàm cá nhân, chúng ta càng chạm đến nhiều người và lan tỏa rộng hơn?

Khi làm nghệ thuật, việc tác phẩm của mình được công chúng đón nhận luôn là một điều hạnh phúc. Nhưng trước nay, trong hoạt động nghệ thuật, mình không để điều đấy là chỉ tiêu phải có. Triết lý của mình là làm nghệ thuật một cách nghiêm túc nhất. Mình thể hiện những góc khuất trong tâm hồn mình và thật may mắn nếu có một sự đồng cảm với những người đang tìm kiếm điều đó. Mình nên làm nghệ thuật bằng những cảm xúc chân thật nhất và đầu tư hết mình vào đó. Và chỉ sớm hay muộn mà thôi, sẽ đến lúc những nỗ lực của mình được mọi người công nhận.

Tại sao đến thời điểm này, anh Touliver chọn triển lãm nghệ thuật thị giác và khẳng định với công chúng trong lĩnh vực này dù anh đã vẽ từ lâu?

Từ năm 2019 đến nay, mình xem việc làm các tác phẩm như một thói quen. Đếm hết các tác phẩm mình sáng tác thì con số cũng xấp xỉ từ 40 – 45 bức. Triển lãm “Mid-life Crisis” trưng bày 31 tác phẩm. Điều quan trọng nhất, khi sáng tác những tác phẩm này, các anh em và bạn bè của mình cũng biết, ghé xem và động viên rất nhiều.

Mình luôn nhớ đến lời động viên của họa sĩ Phạm Thanh Toàn. Toàn là một người đã giúp đỡ mình rất nhiều về mặt chuyên môn. Độ năm ngoái, Toàn bảo mình: “Em thấy anh làm nghiêm túc thế này, anh cố gắng lên rồi làm một trưng bày cho mọi người xem”. Khi nghe được điều ấy, mình cũng chỉ ậm ừ rồi cố gắng thôi. Nhưng sau đấy mình lại nghĩ nhiều về lời động viên của Toàn. Nó đã trở thành động lực vô hình, cùng với sự động viên của bà xã ở nhà, mình cắm đầu vào thực hành nghệ thuật. Cách đây tầm vài tháng, mình gặp Giám tuyển Mark Vũ. Cả hai anh em làm việc và viết được hòm hòm nên cứ bảo nhau trong năm nay cố gắng làm một triển lãm thị giác. “Mid-life Crisis” với mình như một sự đánh dấu với lĩnh vực mà mình đã hoạt động nghiêm túc, bền bỉ suốt 5 năm qua.

Với triển lãm lần này, anh Touliver có muốn khẳng định với công chúng sẽ hoạt động trong lĩnh vực này một cách chuyên nghiệp không? Hay đơn giản là thể hiện một góc khác trong con người của anh thôi?

Một góc khác thôi, vì nghề chính của mình vẫn là âm nhạc. Nhưng mình muốn giới thiệu đến khán giả những thứ mình làm và làm nghiêm túc, ngoài âm nhạc. Mình chỉ nghĩ đơn giản thế thôi. Nó giống như việc chúng ta tập thể thao vậy, mình sẽ duy trì nó đều đặn. Nếu ổn, vài năm nữa có thể mình sẽ giới thiệu đến một người các artwork mới nữa.

Art Republik Vietnam hy vọng triển lãm “Mid-life Crisis” sẽ giúp mọi người thấy được rằng bên cạnh một Touliver về âm nhạc, sẽ còn có một Touliver là nghệ sĩ đương đại. Từ đó, mở ra những chân trời cảm nhận nghệ thuật khác nhau và quan trọng hơn là cảm nhận về con người nghệ sĩ của Touliver.