Nỗi cô đơn và sự trống rống như chất độc ăn mòn tâm trí lẫn thể xác. Nhưng với nhiều người, cô đơn là lúc để tìm về khoảng lặng, nơi chỉ còn bản ngã tung hoành. Khi ấy cũng là lúc nghệ thuật mới có dịp được thể hiện sứ mệnh của mình, thứ “công cụ” mà con người có thể dùng để gào thét biểu đạt tâm tư. Nhà thơ Nam Thi từng chia sẻ: “Trong gian khó tôi tị nạn vào thơ”. Cô đơn có nhiều cách để len lỏi vào tâm trí, thấm đẫm vào các tác phẩm nghệ thuật, trở thành nguồn cảm hứng bất tận ở mọi thời đại, vì cô đơn chỉ tận diệt khi con người và vạn vật biến mất.
Nỗi cô đơn nơi phố thị trong các bức họa của Edward Hopper
Edward Hopper được biết đến như họa sĩ đã tạo nên một diện mạo mới cho hội họa nước Mỹ những năm 1940, với chủ đề tâm trạng cô đơn của chủ thể là người, lan tỏa ra cảnh vật xung quanh, bao trùm không khí trầm lắng, như phơi bày những góc khuất trong tâm trí con người và xã hôi. Các tác phẩm của ông thể hiện bằng những đường nét mang tính hình họa, trải rộng, sử dụng ánh sáng và bóng tối để tạo tâm trạng và cảm xúc cho nhân nhân vật, đây cũng là trọng tâm trong các phương pháp của Hopper. Hầu hết tranh của ông minh họa cảnh và người dân của New York, nơi tràn đầy sức sống và nhịp điệu phố thị sôi động. Nỗi niềm cô liêu được thể hiện bằng những ngôi nhà rộng thênh thang, đường phố vắng lặng và các nhà hát thưa người.
Những mảng màu bằng phẳng và cách sử dụng các đặc tính kiến trúc sắc sảo của Hopper được so sánh như kỹ xảo điện ảnh của phim noir. Tác phẩm Nighthawks (1942), miêu tả quán café chỉ có vài khách hàng trầm lặng, đơn độc dưới ánh đèn điện chói loà, tạo hiệu ứng tương phản của nhân vật với khung cảnh.
Room in New York (1932), tác phẩm lại bộc lộ sự cô đơn rất khác của người trưởng thành, gương mặt và hành động lãnh cảm, việc xa cách về thể xác thể hiện sự giam cầm vô hình của tình yêu và các mối quan hệ.
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc sự trông vắng dâng trào, nhưng trái ngược với cảnh đêm đây đầy khắc khoải trong các tác phẩm trên, Early Sunday Morning (1930), ánh sáng mặt trời rực rỡ như biểu tượng của cái nhìn sâu sắc, lại tràn ngập sự trống vắng, não nề.
Các tác phẩm của Hopper thành công trong việc tạo câu chuyện và sự đối nghịch của con người và cảnh vật, tuy nhiên cả hai chủ thể vẫn có sự tương tác với nhau, sự cô đơn của con người lan tỏa ra cảnh vật và phố xá cô liêu “ôm trọn” tâm trạng con người.
Georg Achen, họa sĩ người Đan Mạch, một trong những họa sĩ thiên nhiên chân thực và đầy cảm xúc. Các tác phẩm của ông được thể hiện với kỹ thuật tỉ mỉ, tinh tế và cảm xúc qua cách bắt ánh sáng và bóng tối của không gian tạo chiều sâu cho cảnh vật. Các tác phẩm miêu tả các cảnh quan đời thường như phòng khách, phòng ngủ, phòng làm việc,… của các gia đình giới quý tộc đầy xoa hoa. Tuy nhiên, sự hào nhoáng ấy đi cùng với không khí tính lặng và suy tư của các nhân vật.
Các chủ thể trong tranh của Georg Achen thường thể hiện sự buồn bã và lạc lõng giữa cuộc sống xa hoa, sự chênh lệch giữa những giấc mơ và hiện thực. Những tâm trạng lạc lõng, trống vắng nhưng phảng phất đâu đó vẫn là có sự bình yên và tự tại.
Đôi khi tác phẩm của ông lại xoáy sâu vào sự bất lực và u uất, bức Am Fenster (n.d.) diễn tả nỗi lo lắng và cô đơn vô hình. Ánh sáng từ cửa sổ chiếu vào căn phòng là sức sống còn lại của cảnh vật ảm đạm, sự trống rỗng như hố sâu thăm thẳm bởi màu sắc “đặc quánh”. Đây cũng là sự tương phản, đối nghịch tinh tế của Georg Achen trong việc quan sát và lưu giữ khoảnh khắc đời thường của những người xung quanh. Ông thành công trong việc miêu tả những trạng thái của sự cô đơn với cường độ và cung bậc cảm xúc khác nhau: sự cô đơn của người chủ động tìm kiếm những góc lặng và nỗi cô đơn không thể chạy trốn.
Cô đơn như sự ngột ngạt
Họa sĩ Công Hoài chọn cách thể hiện nỗi cô đơn, sự đè nén và xung đột nội tâm qua các trạng thái nhân dạng “ngột” và “ngộp”. Những gương mặt bị biến dạng vật lý, kéo căng bởi xã hội và các định kiến cuộc sống.
Qua kỹ thuật sơn dầu, những gương mặt vô danh, sự chớp nhoáng, mâu thuẫn của thế giới ảo và nỗi cô đơn thể hiện sự giày xéo rất thật. Mọi trạng thái của chủ thể khắc họa một xã hội đương đại đầy áp lực trong u tối và sự “vật lộn” của những người trẻ học cách trưởng thành, cố gắng thoát khỏi vô minh và choáng ngợp bởi hiện thực.
Đối nghịch với phong cách thường thấy của Nguyễn Công Hoài, đưa các nhân vật vào không gian hẹp, thì qua bộ tranh “Những ngày tàn phai”, dường như không gian trở nên “thoáng” hơn đến trống rỗng. Với nét vẽ ngẫu hứng, đầy sức nặng mang tính biểu hiện, các tư thế của con người, chủ thể chính của tác phẩm càng trở nên trần trụi, cô độc và nhỏ bé, như giấu đi cái “tôi” bất lực giữa hiện thực tàn khốc. Nhưng đâu đó vẫn có ánh sáng lóe lên, những nhát bay như dịu đi thể hiện sự an ủi và đồng cảm với nỗi cô đơn, tủi hờn của hữu thể trong tranh.
Chủ đề cô đơn luôn tạo sự kết nối sâu sắc giữa nghệ sĩ và khán giả, những người đang tìm kiếm “chất liệu” đẩy cao trào cảm xúc, như một chất gây nghiện dễ làm người đa cảm lún sâu vào hố cát của sự lạc lõng. Song, chúng cũng là con dao hai lưỡi để chủ thể sáng tạo đối diện với bản ngã của chính mình, học cách yêu thương và cảm thông, hay lựa chọn chìm đắm và đánh mất chính mình vào những cảm xúc tạm thời.
Và sự cô đơn chẳng của riêng ai, không thuộc hội họa hay văn chương, cũng chẳng phải cho riêng những kẻ thất tình, nỗi cô đơn như hơi thở tồn tại giữa đất trời và xuất hiện trong từng giai đoạn của cuộc đời với nhiều hình thái khác nhau.
Bài: Hà Chu