Nghệ sĩ Nguyễn Khôi: “Tôi không phải một thực thể thống nhất”

Ở tuổi hai mươi lăm, chân dung nghệ sĩ trẻ Nguyễn Khôi giống như một dòng nước. Với nhịp điệu riêng có, nghệ thuật của anh xuôi chảy và hiện diện trong đa dạng chủ điểm và loại hình, để rồi cuối ngày cuộn xoáy với những trăn trở, lo toan, khủng hoảng hiện sinh tiêu biểu của một người nỗ lực tìm mình giữa dòng đời.

Chân dung luân chuyển như dòng nước

“Anh sẽ gọi mình là nghệ sĩ chứ?”

“Bây giờ là thế, nhưng sau này có thể khác. Tôi vừa muốn sáng tạo, vừa muốn nghiên cứu về nghệ thuật, thỉnh thoảng cũng muốn sưu tầm. Nghệ thuật mở và tôi cũng thế”.

Nguyễn Khôi sinh năm 1999, tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật Đa phương tiện tại Đại học Mỹ thuật TP HCM năm 2021. Thực hành sáng tạo đến nay đã sáu năm, Khôi vận dụng đa ngành nghệ thuật, từ hội họa, điêu khắc cho đến sắp đặt hay video art để mở ra những đối thoại về tồn tại và nhân sinh. Công chúng, kể cả tôi, đều nhìn nhận anh như một nghệ sĩ trẻ trên đà định hình cá tính, thế mà khi tôi buông một câu hỏi bâng quơ, cách anh “tạm thời” hòa hoãn với danh xưng nghệ sĩ khiến tôi khựng lại. Chân dung Nguyễn Khôi cứ thế dần hé mở: anh miên trải như nước, không hề cô đặc, thống nhất. Nhưng chính điều đó làm con đường anh đi thêm rộng mở. 

Trước khi xuôi dòng, Khôi từng là một dòng chảy ngược. Từ nhỏ, anh đã có dịp tiếp xúc với hình khối, màu sắc và thể loại sơn mài bởi có bố là một nhà nghiên cứu nghệ thuật; nhưng tuyệt nhiên, Khôi chọn theo đuổi ngành Y. Phòng thí nghiệm Y-hóa và diện mạo nhẵn nhụi của kim loại cùng gam màu lạnh đã cuốn hút Khôi – mắt anh lấp lánh khi kể về những ống nghiệm thủy tinh, những căn phòng xám bạc. Chỉ trong một lần nhận ra “mình là người nhạy cảm nhất trong lớp khoa học rất mực lý tính thời đó”, anh quyết định rẽ hướng sang nghệ thuật.

Dẫu vậy, những chỉ dấu của khoa học thí nghiệm và các ngành công nghiệp về sau vẫn tác động đến Khôi, định hình trong anh một quan niệm sáng tác không trộn lẫn. Khôi đặc biệt quan tâm đến xu hướng công nghiệp – hiện đại hóa và những đô thị san sát mọc đang dần xâm lấn đời sống tự nhiên của con người. Trong video art Metronome, anh phân mảnh và sắp đặt đan xen hình ảnh của chiếc máy xúc và các bộ phận con người, từ đó chất vấn đường biên “người-máy” đang ngày một mờ nhòe. Giải phẫu xã hội qua lăng kính công nghiệp bước đầu định hình cá tính sáng tạo của Khôi, khiến anh trở thành một dòng chảy độc lập.

Hai khung hình trong tác phẩm “Metronome” (2019), một kênh (màu, âm thanh stereo), 4:57, trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM và Toong Asia

“Không phải vẽ, không phải sơn mài, cũng không phải sự tương trùng chủ đề sáng tạo, vậy tác động lớn nhất của bố lên anh là gì?”, người viết thắc mắc.

Khôi cẩn trọng suy nghĩ, nhưng những tác động mỹ thuật lớn nhất của bố rốt cuộc cô đọng ở hai điều: một là màu sắc trong các tác phẩm của anh thường thiên nóng như tranh sơn mài bố họa; hai là bố cho phép anh được là chính mình. Còn nhớ những ngày phân vân giữa các định hướng nghề nghiệp khác nhau, bố anh khuyên: “Con làm nghề gì cũng được, chỉ cần con chịu trách nhiệm cho mỗi điều con đã quyết.” Xuyên suốt tuổi thơ Khôi, bố xây đắp nên một không gian trao quyền sáng tạo mà ở đó, Khôi trở thành nghệ sĩ không khuôn ép, tự do đích đến trên hải trình nghệ thuật của mình.

Song hành cùng mối quan tâm về đô thị hóa – một mối quan tâm hướng ra bên ngoài mình, Khôi trở về bên trong bản thể với những sáng tạo chất vấn nỗi cô đơn. Trong tác phẩm sắp đặt video Baby Duck Syndrome, anh đặt hai màn hình biểu thị đôi chân người và vịt vào hai bên của một chiếc vali rỗng. Những bàn chân dịch chuyển về hai hướng đối nghịch, bởi lẽ: “Vịt con khi vừa chào đời đã lạch bạch theo chân người đầu tiên nó bắt gặp. Con người thì khác. Khi lớn lên, người ta xa nhau.”

Để sắp đặt tác phẩm, Khôi dùng chính chiếc va li mà hai chục năm trước bố anh đã dùng để đi công tác dài ngày, từ đó hé mở những ý niệm về hành trang và xu hướng ly biệt của con người.

Tác phẩm “Baby Duck Syndrome”, đa kênh (trắng-đen, không âm thanh), 2:35, trưng bày tại
Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM và Vietnam Young Artists Festival 2020

“Sáng tạo và nghiên cứu nghệ thuật là hai con đường riêng, yêu cầu những phẩm chất đối nghịch. Hai bản thể đó trong anh liệu có mâu thuẫn với nhau không?”

“Không đâu. Sáng tạo và nghiên cứu song hành. Trong một số trường hợp, việc nghiên cứu còn cơi nới ranh giới các sáng tác của tôi, đưa chúng đến gần hơn với người tiếp nhận”.

Mỗi khi ý tưởng nảy mầm, Khôi liền thực hiện quy trình nghiên cứu dày dặn về chủ đề đã chọn. Ban đầu, đó chỉ là những dòng chữ nguệch ngoạc nắm bắt ý tưởng nguyên sơ, sau đã trở thành một cấu trúc hoàn chỉnh để anh dễ dàng nghiền ngẫm, xâu chuỗi thông tin và sáng tạo tác phẩm. Chẳng hạn, khi thực hiện Metronome, anh tìm tòi về đô thị hóa và những luồng di cư trong xã hội.

Giãi bày về ảnh hưởng của nghiên cứu lên sáng tác của mình, Khôi gọi đó là “sự phổ quát hóa những ý tưởng nguyên thủy”. Nhờ hiểu thêm về mật độ đô thị hóa dày đặc ở nhiều nơi, Khôi giã từ việc sẽ quay một bộ phim tài liệu phức tạp về chiếc máy xúc hay gán ép lên nó quá nhiều hoạt động và biểu tượng. Nói cách khác, anh chọn đơn giản hóa hình ảnh máy xúc trong Metronome – giờ đây chỉ còn là chiếc máy đơn độc lặp lại động tác nâng và hạ cần trong hơn 5 phút. Máy xúc hiện diện ở mọi không gian công trường và đô thị. Khi giản lược những chi tiết cụ thể, Khôi tin rằng anh đang trao gửi người tiếp nhận một không gian “đọc” và cắt nghĩa tác phẩm tự do, cởi mở hơn. Bằng cách đó, thực hành nghiên cứu lấy đi của Khôi một vài không gian sáng tạo nhưng lại càng tiếp sức sáng tạo trong tri nhận của người thưởng lãm.

Tác phẩm “Metronome” trưng bày tại triển lãm “Tiếp diễn cuộc sống”, 2023

Đạo đức – Mũi neo của nghệ thuật muôn trùng

“Chủ đề trong các tác phẩm của anh biến thiên là thế, có một lõi trục nào kết nối chúng không?”

“Tôi nghĩ đạo đức đã trở thành một chủ đề bao trùm, neo lại mọi tác phẩm của mình”.

Trên hành trình sáng tạo, day dứt trong Khôi những câu hỏi: Con người có nên và có nhất thiết phải sống như thế không? Liệu có cách nào để hồi vãn những hiện thực không mong muốn?

May bom, Top Hat (2021) là một ví dụ như thế. Trong chuyến lưu trú nghệ thuật ở Đồng Nai năm 2021, Khôi bóc tách câu chuyện về những chiếc máy bơm nước chạy bằng xăng dưới đáy giếng mà cư dân làm vườn nơi đây thường xuyên phải trèo xuống giếng để sửa chữa. Những vụ nổ xăng đã lấy đi sinh mạng của nhiều người, cũng là nguồn cảm hứng để Khôi thực hiện tác phẩm. 

Hình dung chiếc máy bơm lật ngược giống như một chiếc nón đội đầu, Khôi dùng máy khoan khoan xuống đất một khối đá được tạo hình như chiếc mũ, sử dụng thêm gạch và xi măng – những chất liệu gắn liền với cái giếng để hoàn thiện tác phẩm. Hoặc Khôi chất vấn cách những người dân địa phương tôn thờ, “đội lên đầu” đời sống mưu sinh bất chấp hiểm nguy mỗi khi trèo xuống giếng, hoặc đó là cách Khôi ghì đục đời sống khổ đau của cư dân thành chiếc mũ – một hành trang anh sẽ mang theo và nhớ về.

“May bom, Top Hat” (2021) được vớt lên sau nhiều ngày ngâm dưới ao, đã có dấu vết của rêu và rắn rết

Đạo đức tiếp tục dẫn lối trong chuỗi video art CNNS (2021). Tác phẩm gồm ba video Vô sinh, Tế BàoẤp là sự phản tư của Khôi và các cộng sự về một loại công nghệ tương lai có khả năng thay thế chức năng sinh sản của con người. Phóng chiếu từ sự thật rằng những năm 1960, một công ty Thụy Điển đã sáng chế túi nilon để chứa rác thải và bảo vệ môi trường; thế nhưng ngày nay, túi nilon đang gây nên những tai ương sinh thái toàn cầu, Khôi đặt ra những trăn trở tương tự về giá trị nhân văn của công nghệ. Công nghệ sinh sản sẽ đi xa đến đâu? Loài người liệu có lợi dụng công nghệ sinh sản, gây nên thảm họa? Trong CNNS, những nhân vật liên tục vò lấy, tiêu thụ và lại thảy ra những túi nilon vo tròn, tạo nên những trường liên tưởng giàu tính đối thoại.

Các phân cảnh trong video art “CNNS” (2021), trưng bày tại Liên hoan Phim Quốc tế Mad Visions,
Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM và Vietnam Young Artist Festival 2022

Không chỉ dẫn đường sáng tạo, đạo đức cũng là sợi chỉ đỏ đốc thúc Khôi sáng lập nhóm thực hành nghệ thuật Chinbo Collective và chương trình lưu trú nghệ thuật Experimental Art Week ở Đồng Nai năm 2021. Trưởng thành từ những chương trình lưu trú tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Belgium, hơn ai hết, Khôi thấu hiểu giá trị đồng hành giữa người nghệ sĩ và mong muốn tạo ra không gian để nghệ sĩ tự do giao lưu, sáng tạo. “Mình cứ ngây thơ vậy mà đi”, anh thong dong chia sẻ – vẫn như một dòng chảy miệt mài, trong sáng vì nghệ thuật.

Chinbo Collective và chuyến lưu trú nghệ thuật Experimental Art Week, Đồng Nai, 2021

Hiện tại, Khôi theo học chương trình Thạc sĩ Nghệ thuật tại Đại học Falmouth, Anh Quốc. Bên thềm học thuật và sáng tác tác phẩm, Khôi vẫn còn ấp ủ nhiều dự định: một triển lãm về định kiến giới, một dự án dài hơi để quay phóng sự những nghệ sĩ đương đại đang thầm lặng cống hiến hằng năm, và một đề án nghiên cứu video art Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XX cho đến nay mà chính anh vẫn đang còn suy tư về ý định xuất bản. “Tôi không phải là một người thống nhất. Nhưng đó hẳn là điều tốt – vì tôi được là chính mình”.

Chúc nghệ sĩ đương đại Nguyễn Khôi sẽ tự do là mình, hạnh phúc chảy tràn ở mọi miền nghệ thuật mà anh gắn kết. Cảm ơn anh vì một cuộc đàm thoại giản dị và chân tình.