NGHỆ SĨ CHIN: NÉT NỮ TÍNH ẨN MÌNH TRONG SÁNG TẠO

Từ lâu, cái chết và sự héo tàn đã trở thành chủ đề cố hữu trong nghệ thuật. Dẫu bàn về cái chết gai góc, thấp thoáng trong sáng tạo của mỗi người nghệ sĩ là một phát hiện, góc nhìn riêng, một phong cách nghệ thuật không trộn lẫn. Bước vào thế giới nghệ thuật của Chin, chúng ta bắt gặp sự héo tàn của sinh thái và nhân loại nay được biểu đạt trong hình hài nghệ thuật đậm tính nữ, khoác lên mình vẻ đẹp tái sinh.

Từ quá khứ bị miệt thị ngoại hình đến nâng niu thiên tính nữ

Chin, hay còn gọi là Nguyễn Việt Trinh, là một nghệ sĩ trẻ sinh năm 1998, tốt nghiệp ngành Thiết kế Đồ hoạ tại Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM. Nếu nhà trường và những trải nghiệm trưởng thành bồi đắp cho Chin tư duy ý niệm và kỹ năng xử lý chất liệu trong sáng tác tác phẩm thì mối quan tâm của cô với tính nữ lại hình thành từ sự vun bồi tự nhiên của cuộc sống. Bởi lẽ, trong quá khứ, Chin là nạn nhân của vấn nạn miệt thị ngoại hình. 

Tính nữ bên trong tâm hồn Chin là tính nữ đã nhận chịu thương tổn, trải qua nhiều chông gai để được thừa nhận. Lên 5 tuổi, Chin lần đầu đầu nếm trải những lời bình ác ý và nỗi uất ức khi bị phân biệt đối xử vì vẻ bề ngoài của mình. Định kiến xã hội đã chèn ép thiên tính nữ trong cô, gieo vào cô nỗi mặc cảm ngoại hình không thể buông bỏ. Ở tuổi 20, Chin tìm đến nghệ thuật để biểu đạt lòng mình, trở về nâng niu góc tâm hồn nữ tính đã từng bị ngược đãi và bẵng quên.

Ảnh chụp Chin bên tác phẩm “Emptiness”

Khởi đầu hành trình tái nhìn nhận và nâng niu thiên tính nữ, Chin thực hiện bộ tác phẩm nhiếp ảnh kết hợp sắt đặt Mẹ, Chị, Em, Cô, Dì, Bà,… Tác phẩm gồm 24 tấm ảnh in sắc tố trên giấy, chụp lại đời sống thường nhật của chính bản thân Chin, song cũng là sự ám gợi cuộc sống đời thường của bao người phụ nữ khác. Cô âm thầm ghi lại mọi khoảnh khắc trải dài từ bồn chén bát ngổn ngang cho đến chiếc tạp dề khéo treo trên móc áo, để rồi gửi gắm niềm tin của mình vào vẻ đẹp nguyên bản của phái nữ, một vẻ đẹp vốn dĩ không khuôn ép ở ngoại hình mà phải được chạm khắc từ tâm hồn mỗi người. Bên cạnh đó, chiếc hộp trong suốt bao quanh tác phẩm cũng ám chỉ những định kiến vô hình mà xã hội áp đặt lên giới nữ và cả lớp vỏ bọc nữ giới áp đặt lên chính mình.

Bộ tác phẩm nhiếp ảnh kết hợp sắp đặt “Mẹ, Chị, Em, Cô, Dì, Bà,…” (5x5cm, bộ 24 tấm) (2023) 

Vấn nạn sinh thái và vẻ đẹp tái sinh

Không chỉ hiện tồn trong những tác phẩm tri ân thiên tính nữ, nét nữ tính trong sáng tạo của Chin còn biểu hiện ở cách cô nâng niu những cành cây, gốc lá khô cằn trong thực tại sinh thái héo tàn của xã hội công nghiệp đương thời.

Trưởng thành từ vấn nạn phán xét ngoại hình, hơn ai hết, Chin hiểu rằng thị giác con người mang chở đầy định kiến, ngăn chúng ta đến gần hơn và thấu hiểu một người, một tạo vật. Nghệ thuật của Chin vì thế là nghệ thuật đa giác quan, nơi cô khai phá những âm thanh, cái chạm để xác lập góc nhìn thấu cảm đầy nữ tính với thiên nhiên. Trong chuyến lưu trú nghệ thuật Experimental Art Week (EAW) ở Đồng Nai năm 2022 mà Chin là người đồng sáng lập, cô thực hiện tác phẩm sắp đặt tổng hợp Blind. Tác phẩm mang tính thuần thử nghiệm, dẫn dắt người thưởng lãm vào thế giới của thính giác và xúc giác để cảm nhận thiên nhiên bằng chính tâm hồn họ.

Lấy cảm hứng từ hệ thống chữ nổi Braille dành cho người khiếm thị, Chin đính ngẫu nhiên lên thân cây đu đủ những nốt nhạc lần theo “mắt” của thân cây. Tham gia thử nghiệm, người thưởng lãm nhắm mắt lại, đi vòng quanh và chạm lên thân cây để cảm nhận giai điệu của cây đu đủ. Đồng thời, họ để đôi tai lắng nghe những nốt guitar mà Chin tự rải dẫu cô không có kiến thức về nhạc lý – một người “mù nhạc”. “Chúng ta mù như nhau” – Chin viết trên tờ giấy hướng dẫn. Vượt lên những đường biên định kiến của thị giác, Chin điều hướng sự tập trung của mọi người vào thính giác và xúc giác, đưa chúng ta trở về với tấm lòng hồn nhiên sẵn có và âm thầm tái kết nối với đời sống tự nhiên quanh mình.

Cũng trong chuyến lưu trú, Chin đã phát hiện và “tái sinh” một gốc cây điều héo úa – không phải bằng dòng nước mát mà bằng những ý niệm, tạo cho cây một đời sống nghệ thuật ý vị với cái tên Emptiness. Trong tác phẩm, Chin đóng chặt những chiếc đinh vào gốc điều và nối chúng với nguồn điện để tạo lập âm thanh sẵn có. Khi dùng dây điện chạm lên những chiếc đinh, vang lên bên tai ta những thanh âm thâm trầm và trống rỗng, gợi nhắc về linh hồn cây điều đã héo khô. Trong một thoáng, những cảnh báo về thế giới tự nhiên bị con người huỷ hoại đồng hiện cùng niềm tin mà Chin đã ký thác – niềm tin về sự tái nhận thức và hoàn sửa những hành vi của con người đối với thiên nhiên. Niềm tin ấy lấp lánh vẻ đẹp tính nữ – vẻ đẹp của sự tái sinh. 

Tác phẩm “Emptiness” tại Triển lãm “Tiếp diễn cuộc sống”

Khách tham quan tương tác với tác phẩm “Emptiness” tại Triển lãm “Tiếp diễn cuộc sống”

Với khao khát giúp đỡ những nghệ sĩ trẻ có không gian sáng tạo và tự do phát triển, năm 2021, Chin đồng sáng lập nhóm thực hành nghệ thuật Chinbo Collective và chương trình lưu trú nghệ thuật Experimental Art Week (EAW). Tháng 5 năm 2023, Chin nhận giải thưởng Dogma Prize 2023 cho nghệ sĩ trẻ xuất sắc. Trên hành trình sáng tạo sắp tới, cô ấp ủ những dự án lớn hơn nữa để tiếp tục gửi gắm ý niệm về con người, sự sinh sôi, cái chết và những mắc xích quan hệ trong cuộc sống trong dáng hình nghệ thuật đậm tính nữ.

Tác phẩm Emptiness của Chin hiện đang được trưng bày tại Triển lãm Tiếp diễn cuộc sống. Mời bạn ghé thăm triển lãm – không chỉ để lắng nghe giai điệu của một cành cây tàn mà còn để đánh thức và làm sống động lại thế giới nội tâm bên trong mình.

_

TRIỂN LÃM “TIẾP DIỄN CUỘC SỐNG”

⁘ Thời gian triển lãm: từ 15:00 đến 23:00 mỗi ngày, từ ngày 9/12/2023 đến ngày 13/1/2024 (không bao gồm Chủ nhật). 

⁘ Địa điểm: Ô Art Bar – 292/15 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

Triển lãm mở cửa tự do không thu phí từ 15:00 đến 18:00 và phụ thu 50.000/khách tham quan từ 18:00 đến 23:00 mỗi ngày.

Happy Hour: Menu Freeflow và giảm giá 30% thức uống pha chế từ 18:00 đến 21:00 mỗi tối.

* Triển lãm không thu phí khách tham quan từ 20 tuổi trở xuống, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM, Trường Đại học Kiến trúc TP. HCM và sinh viên các ngành nghệ thuật. Bạn tham quan triển lãm vui lòng mang theo CCCD hoặc thẻ sinh viên nếu thuộc trong những trường hợp trên.

Bài: Thuỷ Tiên