Năm 2024: Xu hướng nghệ thuật trong cơn khủng hoảng

Ba năm kể từ đại dịch COVID-19, bóng đêm khủng hoảng vẫn tồn lưu với những đứt gãy địa chính trị, cuộc xung đột Nga-Ukraine và Israel-Palestine, biến động kinh tế-xã hội và các vấn nạn sinh thái. Những nốt trầm này len lỏi vào tâm trí nghệ sĩ, đan dệt trong họ một cảm thức đổ vỡ và đau thương về thế giới mà về sau bao trùm lên những tác phẩm nghệ thuật. Vì thế, các chuyên gia dự đoán năm 2024 sẽ chứng kiến những phong trào nghệ thuật tái nhìn nhận và chất vấn thương tổn, đồng thời khắc hoạ những “miền đất hứa” cứu rỗi con người.

Chủ nghĩa Siêu thực — Giấc mơ soi chiếu và náu ẩn

Khởi nguồn từ đầu thế kỷ XX, Chủ nghĩa Siêu thực dị dạng, méo mó khắc họa những cơn mơ, điệu nhảy bên rìa tiềm thức, từ đó xoáy sâu vào những mộng mị quái lạ và bản trạng sâu thẳm của con người. Năm 2024, khi thế giới vật lộn với những căng thẳng địa chính trị, khủng hoảng môi trường và hậu quả kéo dài của xung đột toàn cầu, Chủ nghĩa Siêu thực trở thành tấm gương soi chiếu và kéo những tơ vò tâm lý phức tạp của con người ra ánh sáng. “Collective Unconscious” là một tác phẩm siêu thực bằng chì của Miles Johnston, nghệ sĩ đương đại tại London, Anh Quốc.

Ra đời trong cơn đại dịch, tác phẩm tái hiện những khuôn mặt người – đầu người được xếp đặt chồng chất, san sát, hỗn độn và vây bọc lấy nhau với những trạng thái cảm xúc mộng mị, hoang mang, hãi hùng hay khổ ải. Cùng với nhiều tác phẩm khác cùng chủ đề, Miles Johnston được biết đến là một hoạ sĩ biểu đạt sâu sắc cuộc khủng hoảng tâm thức của con người đương thời. Thông qua bút pháp siêu thực, những nhân vật trong tranh của anh hiện lên với nhiều dạng thức biến hoá, mục ruỗng và phân huỷ, phản ánh những nỗi đau con người nhận chịu xã hội đương thời. 

Không chỉ khắc họa những hỗn mang của thời đại, Chủ nghĩa Siêu thực cũng mang đến một thánh địa náu ẩn. Với toan cọ trong tay, người nghệ sĩ chìm vào một miền mộng ảo để nương tựa và cứu rỗi bản thân. Nữ nghệ sĩ Ấn Độ Alyina Zaidi chia sẻ: “Trải qua đại dịch, chứng kiến người Ấn quê hương tôi thực hiện lễ nghi để xua đuổi mắt quỷ hay xóa bỏ lời nguyền, tôi nhận ra mình cũng cần phép màu. Tôi đến với thế giới Siêu thực để tạo ra một chốn thiêng mà ở đó, tôi khai phá những bí ẩn văn hoá Ấn Độ và những lễ nghi diệu huyền mình chưa từng hiểu hết.” Năm 2024, khi những cuộc khủng hoảng tiếp tục tác động tiêu cực lên tâm trí con người, Chủ nghĩa Siêu thực được dự đoán sẽ tiếp tục chiếm ưu thế, trải tấm thảm mộng êm ái để cứu rỗi loài người.

“Moon baiting” (Tạm dịch: Nhử trăng) (Alyina Zaidi, 2021), acrylic trên canvas, 120x120cm

Mũi neo văn hoá: Sự trở lại của nghệ thuật bên lề và xu hướng tôn vinh đa văn hóa

“In moments of crisis, people need culture” (UNESCO) (Tạm dịch: Trong cơn khủng hoảng, con người nương tựa vào văn hoá). Thông qua văn hoá, con người cô độc tìm kiếm sự kết nối với cộng đồng, với những người xung quanh, và tái kết nối với chính mình.

Xu hướng này cũng hiện diện trong nghệ thuật. Theo Thomas Stauffer, Cố vấn nghệ thuật và Nhà đồng sáng lập Gerber & Stauffer Fine Arts tại Zurich, Thuỵ Sĩ, năm 2024 sẽ chứng kiến sự trở lại của những nền nghệ thuật với biểu trưng văn hoá từng bị gạt ra ngoài lề xã hội, bao gồm nghệ thuật bản địa người Sámi ở Scandinavia, nghệ thuật bản địa Brazil và các nước Mỹ Latin khác. Suy đoán này bắt nguồn từ việc năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, “The Sámi Pavilion” (Tạm dịch: Nhà trưng bày Sámi) đã được giới thiệu đến công chúng tại Venice Biennale lần thứ 59. “The Sámi Pavilion” giới thiệu các tác phẩm đa phương tiện xoay quanh người bán du mục Sámi – dân tộc bản địa duy nhất còn sót lại ở Châu Âu và hiện đang cư trú trên khắp miền bắc Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển và Bán đảo Kola ở tây bắc nước Nga – cùng bản sắc văn hoá và những nỗi bất bình đẳng, phân biệt đối xử mà họ phải nếm trải. Sự góp mặt của người Sámi tại Venice Biennale 2022 là một lời khởi xướng mạnh mẽ rằng nghệ thuật bản địa đang dần được công nhận trên toàn thế giới.

Nhà trưng bày Sámi trong sự kiện Venice Biennale 2022 

Sự kết nối đa tầng văn hoá cũng là một chủ điểm thú vị được thảo bàn. Năm 2018, tác phẩm sắp đặt “The American Library” (Tạm dịch: Thư viện Hoa Kỳ) của Yinka Shonibare sắp đặt hơn 6.000 cuốn sách được bọc bằng chất vải bông Hà Lan đặc trưng. Chất vải này ban đầu được làm từ vải dệt batik của Indonesia, sản xuất tại Hà Lan, về sau trở nên phổ biến và trở thành biểu trưng bản sắc châu Phi từ những năm 1960. Với lớp lang nguồn gốc, loại vải này trở thành một phép ẩn dụ hoàn hảo cho bản sắc đa văn hoá của Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, người thưởng lãm sẽ bắt gặp trên gáy sách tên của những dòng tộc, gia đình đã di cư vào Hoa Kỳ, hoặc tên của những người Mỹ gốc Phi đã có đóng góp vĩ đại cho Hoa Kỳ trong đa lĩnh vực tự nhiên-xã hội. Trong thời kỳ khủng hoảng, những tác phẩm tôn vinh văn hoá vượt lên mọi lằn ranh ngày càng được lưu tâm, nhấn mạnh một kỷ nguyên hội nhập để bảo bọc tâm hồn con người. 

Tác phẩm sắp đặt “The American Library” (Yinka Shonibare, 2018)

Trí tuệ nhân tạo trên hành trình “sáng tạo”

Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo phát triển vượt bậc đã tạo ra một cuộc cách mạng mới: chúng thu thập và xử lý dữ liệu có sẵn, từ đó “sáng tạo” nghệ thuật với mức độ thẩm mỹ cao. Theo dòng chảy không ngừng của công nghệ, năm 2024 sẽ tiếp tục bùng nổ với những tác phẩm kỹ thuật số mà thông qua đó, thuật toán cạnh tranh với bản tính sáng tạo của con người.

Từ cuối năm 2022, hàng ngàn người đã ghé thăm Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) tại New York, Mỹ để thưởng lãm chuỗi tác phẩm Unsupervised (Tạm dịch: Không giám sát) của Refik Anadol, nghệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tiên phong ứng dụng AI trong sáng tạo. Lấy chủ đề là những giấc mộng của một cỗ máy khi chức kiến nghệ thuật hiện đại của nhân loại, Anadol ký thác vào máy móc bộ sưu tập hơn 200 năm của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMa), sau đó vận dụng các thuật toán để AI xử lý dữ liệu, nắm bắt và sáng tạo tác phẩm. Unsupervised đã mở ra một cánh cửa không tưởng về sự cộng tác giữa con người và trí tuệ nhân tạo, xoá nhoà những đường biên về tính sáng tạo độc nhất của nghệ thuật truyền thống.

“Unsupervised” (Refik Analdo, 2022)

Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo trong nghệ thuật cũng nhận về những ý kiến trái chiều. Tháng 11 năm 2023, trên các diễn đàn rộ lên cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Refik Anadol và Jerry Saltz — một nhà phê bình nghệ thuật kỳ cựu đã  công kích những tác phẩm của Analdo.Hình tượng người nghệ sĩ độc sáng nay đổ vỡ; quyền tác giả và vai trò của người nghệ sĩ lung lay, mời gọi những cách tái nhìn nhận, phê bình và đánh giá trong thế giới nghệ thuật.

Cũng trong cuộc khủng hoảng kinh tế đương thời, Mary–Kate O’Hare, Đồng Giám đốc Cố vấn Nghệ thuật và Tài chính của Citi Private Bank, New York tin rằng năm 2024 sẽ mở ra một “thị trường của người mua”. Khách hàng sưu tập nghệ thuật có cơ hội gặt hái nhiều quyền lợi hơn với mức giá chào hợp lý và tinh thần cởi mở trong đàm phán — cũng là dấu hiệu tích cực.

Tựu trung lại, 2023 đã khép lại với những khủng hoảng hiện tồn không hồi kết, song cũng là nguồn cảm hứng dồi dào để nghệ thuật 2024 hiện lên với đa dạng thăng trầm. Từ thực tại hỗn mang cho đến những tác phẩm nâng niu văn hoá – bến đỗ tâm hồn con người, và cả những xu hướng công nghệ mới đang dần lan tỏa, giới mộ điệu trông đợi một năm 2024 với đa dạng loại hình, thể thức, chủ điểm và ý niệm nghệ thuật. Mọi trông đợi rồi sẽ cần lời hồi đáp của thời gian.

Bài: Thuỷ Tiên