“Những mảnh vụn của “Một Vòng Trái Đất” được nhặt từ mạch suy nghĩ về vùng đất-không gian, lịch sử, khả thể đời sống, và tâm thế hành động của chủ thể – những đề tài mà Phạm Nguyễn Anh Tú theo đuổi trong vài năm trở lại đây. Các mảnh vụn gắn liền với những danh/ căn tính cá nhân của nghệ sĩ, nhưng đồng thời làm nổi rõ khoảng cách và sự xa lạ mà nghệ sĩ cảm nhận đối với những danh/ căn tính đó.
Một vòng trái đất, em ngồi đây…
Anh ngồi đây…
Bên cạnh nhau ngỡ như thật xa
“Trượt” vào tình huống đời sống, nghệ sĩ phải nhìn nhận, suy ngẫm, và kéo đẩy những danh/căn tính của mình ở những cự ly xa gần. Bắt lấy những chất liệu đại chúng và tập thể, đan vào đó sự cẩn trọng, dí dỏm và chân thành vốn có – nghệ sĩ tìm chỗ cho mình trong một không gian chung.” – Giám tuyển Nguyễn Minh Ngọc.
Phạm Nguyễn Anh Tú là một nghệ sĩ thị giác sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, Việt Nam. Anh đã theo học điện ảnh tại trường đại học Wisconsin, Mỹ, và hiện đang theo học nghệ thuật đương đại tại trường Staedelschule ở Đức. Tú thường làm việc với hình ảnh động và trình diễn bằng cách kết hợp việc hóa trang giả gái nghiệp dư với việc tái sử dụng các chất liệu đại chúng. Những trình hiện trong hình ảnh và không gian vật lý của Tú tạo ra những vùng không gian siêu thực, kỳ ảo, thường xen lẫn với yếu tố hài hước dí dỏm, đồng thời cũng làm gợi lên những suy tư về danh tính, về ký ức khi chuyển dịch qua các ngữ cảnh khác nhau.
Anh là người nhận giải thưởng Seed của quỹ Prince Claus, giải thưởng Nghệ thuật Hình ảnh Đại học Quốc tế lần thứ 9 tại Mexico, giải thưởng PULSE, giải thưởng Dogma và quỹ Sáng tạo của Viện Goethe. Các tác phẩm của anh đã được chọn trưng bày tại Bảo tàng Anh, Liên hoan Phim ngắn Quốc tế Oberhausen, Liên hoan Phim và Video Ngắn Thái Lan lần thứ 4, Liên hoan Phim Quốc tế Stuttgart, Kassel Dokfest, Liên hoan Phim Quốc tế New Mexico Experiments in Cinema,…
Tác phẩm cố gắng tái hiện lại một cảm giác tràn đầy sự bối rối và mơ hồ sau khi nhìn thấy hình ảnh một người bạn của mình đã qua đời thông qua Facebook. Đi kèm với một bài hát xoay quanh tình bạn và những kỷ niệm, tác giả sử dụng pixels để xem xét cách mà cơ thể con người được lưu trữ và lan truyền trên mạng xã hội.
Những phiên bản của một cá nhân tồn tại trong các thực tại khác nhau, và đôi khi, họ gặp gỡ và tương tác với nhau.
AirHue đóng vai trò như cầu nối giữa những nghệ sĩ trẻ đương đại với không gian văn hóa bản địa, chúng tôi xây dựng chương trình lưu trú với 3 tiêu chí: hỗ trợ chuyên môn giúp nghệ sĩ tập trung hoàn thiện tác phẩm cá nhân của mình; khuyến khích nghiên cứu các đề tài thể nghiệm xoay quanh bối cảnh văn hoá và xã hội của Huế; gắng kết cộng đồng thông qua các buổi mở xưởng, buổi thực hành, trình diễn và trình bày dự án.