Một hoạ sỹ không vẽ tranh ở triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama”

Được chú ý lần đầu khi đạt giải thưởng “Nghệ sỹ triển vọng”, Nguyễn Đức Niệm là một trong ba nghệ sỹ đem về thành công cho cộng đồng nghệ thuật Huế sau cuộc thi UOB Painting of the Year 2024. Qua năm 2025, ông đã tích cực tham gia và đóng vai trò rất đặc biệt trong triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama” – sự kiện trưng bày 21 tác phẩm hội hoạ của vua Hàm Nghi tại điện Kiến Trung (Đại Nội Huế). Dưới đây là cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông ngay trong những ngày triển lãm đang diễn ra.

Hoạ sỹ Nguyễn Đức Niệm tại triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama”. (Hình ảnh nhân vật cung cấp).

Xin chào hoạ sỹ Nguyễn Đức Niệm (HS NĐN), xin ông cho biết vai trò của mình trong toàn bộ dự án triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama”.

HS NĐN: Khi nhận được lời mời hỗ trợ cho triển lãm, tôi cảm thấy đây là một niềm vinh dự cho bản thân. Trong triển lãm lần này, tôi giữ vai trò hỗ trợ thao tác với tác phẩm nghệ thuật, hay còn là “art handling” – quy trình đóng gói, vận chuyển, lắp đặt và bảo quản tác phẩm. Song song với đó, tôi còn tham gia giám sát kỹ thuật, phân luồng giao thông và điều phối hơn 100 tình nguyện viên để đảm bảo rằng trong suốt hơn 2 tuần vận hành, triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama” có thể diễn ra một cách an toàn, suôn sẻ và thành công.

Quá trình art handling tại triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama”. (Ảnh: Bảo Nguyễn / Annam Production).

Quy trình art handling được nhìn nhận ở Huế trước đây và bây giờ như thế nào, thưa ông? 

HS NĐN: Tại Huế, khi nhắc tới hai từ “art handling”, mọi người có thể thấy xa lạ, nhưng thật ra khái niệm này vẫn luôn tồn tại trong đời sống nghệ thuật. Nghệ sỹ chính là những người vẫn luôn thực hành quy trình art handling, như đóng gói, vận chuyển, lắp đặt và bảo quản tác phẩm. Tuy nhiên công việc này diễn ra một cách tự thân, art handling bài bản chưa được chú trọng nhiều mà chủ yếu theo tâm thế “có sao dùng vậy”.

Có nhiều cuộc triển lãm quy mô, chất lượng tác phẩm rất cao nhưng vì công tác art handling chưa được chú trọng đúng mực nên đâu đó vẫn mang đến những sự tiếc nuối vì tác phẩm không thực sự thể hiện đúng giá trị.

Khi còn là sinh viên tại trường Đại học Nghệ thuật Huế, tôi và các bạn đồng trang lứa cũng chưa được giảng dạy bộ môn này trong trường một cách bài bản, mà chỉ biết đến treo tranh, đóng gói, bảo quản tranh một cách tương đối, thậm chí là thiên nhiều về cảm tính chứ chưa thực sự hình dung được các khâu cụ thể, chính xác ra sao. Việc này dẫn đến tình trạng nhiều tác phẩm, dù mới vẽ, nhưng đã nhanh chóng xuống cấp và hư hại tới mức không thể khắc phục được. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều nghệ sỹ tại Huế: vẽ được nhưng không bảo quản được tác phẩm. Nghệ sỹ như chúng tôi rất mong muốn có những tổ chức chuyên nghiệp, chú trọng vào art handling tại Huế, hoặc có những khóa học ngắn chuyên về lĩnh vực này, dành cho sinh viên mỹ thuật và cả những nghệ sỹ đang hoạt động.

Chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng art handling là một quy trình không thể tách rời khỏi tác phẩm. Chỉ có như vậy, chất lượng tác phẩm và tính chuyên nghiệp của nghệ sỹ mới được nâng cao.

Quá trình art handling tại triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama”. (Ảnh: Bảo Nguyễn / Annam Production).
Quá trình art handling tại triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama”. (Ảnh: Bảo Nguyễn / Annam Production).

Việc phải tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế về art handling, cũng như vận hành sự kiện triển lãm quy mô lớn, đã và đang đem đến trải nghiệm như thế nào cho ông và các cộng sự địa phương trong triển lãm lần này? 

HS NĐN: Chúng tôi đã thu được rất nhiều trải nghiệm quý báu. Chúng tôi được biết và thực thành những tiêu chuẩn về art handling dưới sự hướng dẫn của đơn vị chuyên nghiệp, từ việc chuẩn bị mặt bằng, đóng gói, treo tranh, bảo quản tác phẩm trong một điều kiện tiêu chuẩn về không gian, thời gian, độ ẩm và ánh sáng, từ đó đảm bảo được rằng tác phẩm luôn trong tình trạng tốt nhất. Tôi tin rằng đây là một cơ hội không thể tuyệt vời hơn để chúng tôi trang bị thêm những kiến thức quan trọng cho tiến trình thực hành nghệ thuật của bản thân sau này.

Ngoài ra, trong quy mô triển lãm lớn lần này, tôi nhận thấy là để tổ chức một triển lãm theo tiêu chuẩn bảo tàng quốc tế, chúng ta cần có một khoảng thời gian đủ dài để chuẩn bị thật kỹ càng, từ nhân lực tới vật lực, song song với đó là sự phối hợp, nỗ lực cố gắng không biết mệt mỏi của rất nhiều đơn vị, từ giám tuyển, ban tổ chức, nhà tài trợ, nhà nghiên cứu, tình nguyện viên, cũng như rất nhiều cá nhân đoàn thể thì mới có được một sự kiện thành công và trọn vẹn để gửi tới công chúng. Dự án triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama” lần này chính là một niềm tự hào của Việt Nam, đặc biệt là đối với những người con đất Huế như tôi.

Quá trình art handling tại triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama”. (Ảnh: LUXUO Media & MOCO Studio).

Từ điểm nhìn của một người được đào tạo và thực hành hội hoạ, ông đánh giá ra sao về sự kiện mang tính quốc tế (UOB Painting of the Year 2024) và triển lãm tiêu chuẩn bảo tàng quốc tế hoàn toàn do người Việt Nam thực hiện (“Trời, Non, Nước | Allusive Panorama”)? Khi phóng chiếu sang phạm vi địa phương, ông cho rằng những sự kiện này sẽ đem lại những thay đổi gì cho cộng đồng nghệ thuật Huế và rộng hơn là cả miền Trung? 

HS NĐN: Từ góc quan sát của tôi, cuộc thi UOB Painting of the Year 2024 và triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama” mà tôi được tham gia ở nhiều vai trò khác nhau đã giúp tôi thu hoạch được rất nhiều so với hình dung ban đầu. Từ một hoạ sỹ ở cuộc thi năm ngoái và may mắn nhận được giải thưởng, chuyển sang vai trò là một hoạ sỹ thành viên Ban tổ chức trong triển lãm lần này khiến tôi không khỏi cảm thấy tự hào.

Tôi tự hào rằng đây là một sự kiện mang tính lịch sử quan trọng trong nền mỹ thuật Việt Nam, tự hào rằng người Việt Nam chúng ta hoàn toàn có khả năng tổ chức những sự kiện lớn và thậm chí sẽ tổ chức thêm nhiều sự kiện như vậy nữa, khi ngày càng có nhiều nghệ sỹ có tác phẩm chất lượng cao đang vươn ra khỏi phạm vi nội địa. Cùng với đó, các tổ chức trong nước có chuyên môn về nghệ thuật như giám tuyển và art handling cũng giúp cộng đồng sinh hoạt nghệ thuật được bổ sung những điều còn thiếu sót hoặc chưa được quan tâm đúng mực.

Phóng chiếu sang phạm vi địa phương, tôi cho rằng đây là những cơ hội tiếp xúc quý báu cho cộng đồng nghệ thuật Huế cũng như là cả miền Trung. Những sự kiện lớn, như hai sự kiện kể trên, là nền tảng để học hỏi, đồng thời là sân chơi đặc biệt để nghệ sỹ trẻ có thể tự tin tham gia, nhằm thể hiện và khai phóng bản thân. Qua đó cập nhập được tình hình phát triển và vận động của nghệ thuật trong khu vực và thế giới, tránh khỏi việc lạc hậu, thiếu thông tin, gây nên tình trạng mất cân bằng, cản trở sự phát triển của nền nghệ thuật khu vực Huế, miền Trung, khi đặt lên bàn cân với hai đầu cầu là Sài Gòn và Hà Nội. 

Quá trình art handling tại triển lãm “Trời, Non, Nước | Allusive Panorama”. (Ảnh: Bảo Nguyễn / Annam Production).

Hằng ngày, ông đang tham gia quản lý, giám sát và xử lý các chi tiết kỹ thuật phát sinh khi vận hành triển lãm, ông có nhận thấy những công tác này sẽ tác động đến việc mở rộng kế hoạch sự nghiệp sắp tới của ông không? 

HS NĐN: Tôi luôn nghĩ mình là một nghệ sỹ thực hành. Và là nghệ sỹ thì ngoài việc sáng tác tốt, ta còn phải nắm rõ và thực hành tốt những kỹ năng liên quan, bổ trợ cho quá trình sáng tác để ngày càng thêm vững vàng, từng bước phát triển trong tiến trình trưởng thành cả về con người lẫn sự nghiệp. Tôi tin những trải nghiệm lần này sẽ góp ích rất nhiều cho định hướng nghiên cứu và thực hành mỹ thuật của bản thân. 

Xin cảm ơn hoạ sỹ Nguyễn Đức Niệm và xin chúc ông gặt hái nhiều thành công trong tương lai!

Bài: ChuKim

THÔNG TIN TRIỂN LÃM

Tên: Trời, Non, Nước | Allusive Panorama
Ban tổ chức: Art Republik Vietnam, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Viện Pháp tại Việt Nam
Giám tuyển: Ace Lê, TS Amandine Dabat
Thời gian: 25/03 – 06/04/2025 | 7:30 – 17:30
Địa điểm: Điện Kiến Trung, 32 Đặng Thái Thân, Huế
Triển lãm mở cửa miễn phí cho khách tham quan Đại Nội