Một cuộc trò chuyện với Đinh Quân: Hạt bụi của những miền đất mới 

“Những hạt bột đá quý tạo cho tôi những cảm xúc phi thường, cảm nhận rõ về sinh – trụ – hoại – diệt và nhìn rộng ra là một đời người hoặc vạn vật.” – Đinh Quân.

Xuyên suốt 3 thập niên thực hành, Đinh Quân luôn miệt mài làm mới mình, từ biểu hình đến lập ý. Khác hẳn những gì trước đó, “Bụi Tinh Vân” là loạt sáng tác giúp họa sỹ gỡ bỏ nhiều rào cản và giả định về chất liệu, hình thái và tư duy của sơn mài truyền thống, cũng như của mối quan hệ giữa tác phẩm và khán giả. Hơn 40 tác phẩm được trưng bày lần này là một cuộc giao thoa giữa triết lý và thẩm mỹ Đông phương với ngôn ngữ hình họa Tây phương, dựa trên những đơn vị cơ bản nhất của hình, khối, nét, màu trong mối tương quan vật lý thị giác, dẫn dụ người xem vào một miền đất tâm tưởng với nhiều địa hình cảm xúc.

Với “Thiên Khải”, anh quay về đáy giếng nội tâm, mượn cái tối, cái trầm, cái sâu của sơn mài kinh điển để lột tả những biến chuyển trong trải nghiệm, cảm xúc và nghiền ngẫm cá nhân trong những năm vừa qua. Nhưng với “Bụi Tinh Vân”, Đinh Quân lại hiện diện ở một thiên hà khác – sáng, nhẹ mà vô vi.

Với tôi, “Bụi Tinh Vân” là thể nghiệm đối lập với “Thiên Khải” qua sự tương phản bao trùm ở kỹ thuật biểu đạt thị giác cũng như ý niệm nội hàm. Vạn vật không có gì đứng yên, cũng không có gì đứng độc lập, nó được gắn kết với nhau như cấu trúc tinh thể ở cấp độ vi mô nhất. Tôi mong muốn những “cấu trúc” gắn kết vạn vật – giữa người với người, giữa con người với tự nhiên – được vững chắc, thẳng tắp và trong suốt như cấu trúc kim cương.

Cấu trúc đó, xét theo nghĩa đen, còn là mối quan hệ giữa những chất liệu rất mới mà chỉ ở loạt tác phẩm này anh mới thể nghiệm và ứng dụng.

Trong cuộc thể nghiệm này, tôi sử dụng nhiều thứ vật chất và tận dụng triệt để tính ưu việt của các họa phẩm, kiến thiết sự tương tác giữa chúng nhằm tạo ra những xung động thị giác. Mỗi vật chất có ngôn ngữ riêng của nó, không nhất thiết phải tả ý, viết lời hoặc minh họa thêm gì nữa. Bản thân những hạt bụi tinh thể đá quý hay những hạt bột, hạt cát lăn tăn nhỏ tí xíu cũng có tác động thị giác và truyền đến “Tâm thức”. Một số tác phẩm, tôi kết hợp bột ngọc trai và bột dạ minh châu với nhau thành một chất liệu lung linh huyền ảo, tạo nên những mảng đậm nhạt lớp lang đa chiều. Tôi đặt những hình thể trong đó, khiến hình thể đó như trôi lơ lửng trong các chiều không gian. Nếu nhìn kỹ, chợt thấy tâm mình chuyển động, chứ bức tranh không chuyển động.

Còn vóc thì sao?

Những năm đầu vẽ tranh sơn mài, thời điểm ấy đất nước mình còn nghèo, tôi đặt mua vóc tại một xưởng vóc, mà ở đó họ tận dụng cả những tấm gỗ đóng thùng hàng của Liên Xô, đinh đóng thủng lỗ chỗ. Tranh treo bao nhiêu năm bỗng có những hạt li ti rơi xuống, tôi gõ vào hóa ra có con mọt sống trong đó và ăn thủng tranh từ bao giờ.

Còn bây giờ, tôi tự chế tạo. Nó là phần cốt lõi nên nhất thiết phải bền vững. Tôi dùng loại gỗ tốt nhất của Malaysia, con mọt không sống trong đấy được. Phần cốt gỗ tốt sẵn mà còn được phủ nhiều lớp sơn, tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt: có mùn cưa, vải màn, đất phù sa, v.v. rất chắc chắn. Bởi vì mình tôn trọng tác phẩm của mình.

Tính đa chất liệu trong loạt sáng tác lần này tạo nên một địa hình bề mặt mà người xem khi tới gần dường như có thể thu nhỏ mình lại để đi khám phá địa hình ấy. Chỗ được mài bóng láng và sâu thăm thẳm như một miệng núi lửa nhiều lớp trầm tích, chỗ lại được đắp bụi đá gồ ghề óng ánh như cồn cát sa mạc trên một hành tinh xa lạ.

Vâng, cảm giác như ta bị cuốn vào không gian đó. Tôi hy vọng dẫn dụ và gợi mở được trí tưởng tượng của người xem, như thế đã thành công lắm rồi. Dù là họa sỹ nào, việc thành công trong sáng tác là để cho người xem tự tương tác và tự hoàn thiện tác phẩm trong tâm trí của họ. Họa sỹ đóng vai trò gợi ý thì người xem sẽ nhớ rất lâu. Bản thân con người, ai sinh ra cũng đã là nghệ sỹ rồi. Ví dụ một đứa trẻ còn biết bộ quần áo này đẹp bộ quần áo kia xấu. Biết yêu cái đẹp đã là nghệ sỹ.

Bên cạnh một thư viện chất liệu mới, anh cũng kiến thiết nên một bảng màu nhị nguyên như hai thái cực âm-dương.

Lần này, tôi sử dụng sắc tối của sơn then và sắc trắng của những hạt bột đá tinh thể, tạo nên sắc diện của nhị nguyên. Đó là sự tương phản như âm và dương, bởi âm dương vốn không tuyệt đối. Cánh gián cũng tạo nên thứ màu sắc làm cho bề mặt của tác phẩm bồng bềnh. Khi đặt một nhát sơn then, cảm giác lan tỏa như lấy mực tàu vẽ trên giấy Xuyến Chỉ. Quá trình ấy dần dần dẫn dắt cảm xúc của mình.

“Mực loang trên giấy” là một trong những hiệu ứng đặc trưng của lần này, bởi mỗi tác phẩm đều như một bức thủy mặc trừu tượng.

Bản thân thuỷ mặc hàng ngàn năm nay chứa đựng tinh thần triết học Đông phương, chỉ bằng vết mực loang thôi đã truyền tải tinh thần của Đạo học. Đó là âm dương không tuyệt đối và vạn vật không đứng một mình. Chính vì thế, tôi dùng sắc trắng của bột đá quý làm nền cho những vết loang của sơn then. Tôi thích thú khi thấy vệt sơn từ từ loang chảy, giãn ra các vùng biên, cảm giác lạc trôi vào không gian sáng mờ huyền ảo. Những hạt bột đá quý tạo cho tôi những cảm xúc phi thường, cảm nhận rõ về sinh – trụ – hoại – diệt và nhìn rộng ra là một đời người hoặc vạn vật.

Vòng tròn sinh diệt ấy cũng đưa anh về những đơn vị cơ bản nhất của ngôn ngữ tạo hình như dấu chấm, nét sổ, dấu gạch, v.v. của thư pháp, và những hình tròn, tam giác, chữ nhật, hình thang, v.v. của hình học. Vậy quan hệ tương tác trong tác phẩm không chỉ nằm ở chất liệu, mà ở cả hình khối, đường nét.

Khi vẽ hình khối, tôi không mô tả hay áp đặt chúng thuộc về hệ ngôn ngữ gì. Bởi nếu cố định nghĩa thì bị vướng vào việc minh họa. Tôi chỉ gợi ý để người xem có sự liên tưởng riêng của họ.

Khi sáng tác, tâm thức dẫn dắt tôi đi đến một cõi xa xăm. Trạng thái tĩnh hay động của hình khối trong tranh phụ thuộc vào ý niệm của mình.

Triết lý ấy cũng nằm trong mối quan hệ của người xem và tác phẩm “nhìn vậy mà không phải vậy”, vì khi phát quang trong bóng tối, chúng choàng lên mình một hiệu ứng thị giác khác?

Với tôi đó là sự thử thách chính mình. Bột dạ minh châu là vật chất đặc biệt, như đã nói ở trên, bản thân nó đã cất lời mà không cần giải thích. Dạ minh châu vốn có màu xanh lá non, khi xuất hiện trong mảng màu nào đó, nó đều mang lại hòa sắc rực rỡ mà êm dịu. Bởi dạ minh châu có đặc tính tích tụ ánh sáng. Trong bóng tối, những mảng màu có dạ minh châu sẽ tự phát sáng, một thứ ánh sáng như được ánh trăng chiếu vào. Bỗng dưng bức tranh khoác lên mình biểu đạt thị giác mới và ý niệm nội hàm khác với trạng thái ban ngày.

Những nghiền ngẫm, chiêm nghiệm đã mở ra thế giới quan trong “Bụi Tinh Vân”, trong đó nhân sinh thu nhỏ lại như hạt bụi trần. Đây có phải lý do anh quyết định cất đi chữ ký, cũng là cái tôi của mình?

Tôi chỉ muốn giấu chữ ký đi để khỏi làm hỏng bố cục, nếu có ký thì đặt vào chỗ nào khuất nhất. Giản dị thế thôi, không có gì bằng: lòng mình tự tại. 

“Chợt thấy mình như hạt bụi tinh vân” – Đinh Quân

Anh bỏ rất nhiều công sức để sửa đi sửa lại một bức tranh và không ngại phá tranh khi chưa ưng ý. Vậy với anh, khi nào thì tác phẩm được coi là đã hoàn thành?

Tôi không ngại thay đổi, không ngại phá tranh, với tôi đó là cảm giác vượt qua giới hạn của chính mình.

Một kiếp người quá ngắn để tự trói buộc mình trong bất cứ giới hạn nào, càng không nên là giới hạn nghệ thuật. Tôi thấy phá huỷ cũng là một trong những yếu tố của sáng tạo.

Với tôi, một bức tranh hoàn thành là bức tranh mang lại cảm xúc mở, gợi ý cho tôi những ý tưởng mới.

Đó là cái khoáng đạt làm nên Đinh Quân. Có phải cũng vì thế nên từ xưa đến giờ, anh luôn luôn vẽ tranh khổ to và thoáng?

Tôi thấy khi xem một bức tranh lớn, bản thân không gian tràn đầy của nó đã gây cho mình một sự áp chế thị giác. Trường thị giác là một trong những thứ tác động trực tiếp vào tâm thức của con người. Vì thế không gian lớn tác động trong phong cách sáng tác và những bức tranh của tôi rất nhiều. Ví dụ, tranh khổ bé sẽ hạn chế khi cần biểu đạt một đường lực mạnh. Trong nghệ thuật trừu tượng, bút lực được đánh giá rất cao. Chỉ cần một nhát panh-xô, một nhát bay hoặc một nhát trát nào đó cũng gây cho cả nghệ sỹ và người xem những xúc động mạnh mẽ.

Nói đến nghệ thuật tạo hình, Đinh Quân tự thấy mình đang tiếp bước những tên tuổi kinh điển nào trong hội họa Việt Nam và thế giới?

Những tiền bối Đông Dương đều là những đỉnh cao tôi luôn luôn kính trọng và ngưỡng mộ. Những năm tháng còn là sinh viên trường Yết Kiêu, tôi hay vào bảo tàng xem các tác phẩm của các cụ. Tôi học tập thông qua các tác phẩm đó nhưng đồng thời cũng tâm niệm muốn đi sang một hướng khác, bởi các cụ đã là những đỉnh núi cao ngất rồi. Mình chỉ kế thừa và tìm lối riêng.

Còn trên thế giới thì nhiều tên tuổi lắm, đặc biệt là các họa sỹ trừu tượng biểu hiện. Tôi coi họ là những bậc thầy cao cả.

Đinh Quân ngày đó thuộc thế hệ tiên phong sau “mở cửa”, cùng thời với Trương Tân, Đỗ Minh Tâm, Trần Trọng Vũ, v.v.. Hồi đó tỷ lệ chọi cũng rất cao, và anh cũng là một trong những sinh viên xuất sắc nhất khóa lúc bấy giờ, một thế hệ còn chuyên tâm trau dồi kỹ thuật hàn lâm. Theo anh, kỹ thuật nền quan trọng đến mức nào trong sáng tác?

Nền tảng từ trường Yết Kiêu rất quan trọng để vẽ trừu tượng, có hình hay không hình. Ví dụ khi vẽ trừu tượng, tưởng nguệch ngoạc nhưng không phải, mà tìm đến sự cân bằng về vật lý thị giác trong mỗi bức họa. Hình thể đánh thức ngũ quan, đi vào tiềm thức, làm cho mình liên tưởng, chỉ khơi gợi chứ không định nghĩa. Đó là ngôn ngữ rất đặc biệt của nghệ thuật. Trường Yết Kiêu đào tạo cho thế hệ chúng tôi nền tảng căn bản cho ngôn ngữ đó.

Có lần, tôi bơi ở bờ biển Đà Nẵng, ra xa quá, khi sóng đánh ngập đầu, tôi không nhìn thấy hướng nào để về bờ nữa, cảm giác cực kỳ sợ hãi, nhưng chính cảm giác ấy là động lực cho tôi vẽ nên loạt “Thiên Khải” bằng lối vẽ không hình. Vẽ không hình giống như bơi giữa biển mà không có phao cứu sinh vậy, những cảm xúc sợ hãi, phiêu diêu hay liều lĩnh đều từ đó mà ra. 

“Vượt qua sợ hãi lòng thấy tự tại” – Đinh Quân

Tôi rất thích ẩn dụ người nghệ sỹ để cảm xúc dẫn dắt như việc bơi ngoài biển. Tuy nhiên, so với các bộ môn khác, sơn mài lại là một thực hành nghiêm cẩn, mất nhiều thời gian và công đoạn, nên cần cân bằng cảm xúc với kỷ luật sáng tác?

Chính xác! Để bắt kịp mạch sáng tác, cần làm song song các bước và có quy chuẩn rõ ràng. Thao tác sơn mài với những bức tranh khổ lớn nặng tới 70–80kg cần có ekip hỗ trợ. Hơn nữa, có những lúc phải hành động rất nhanh. Chậm, sơn chảy ra chỗ khác, không bám nữa… Bỗng dưng, lối vẽ của mình trở thành nghệ thuật hành động. 

Tôi khẳng định một điều: nghĩ không bao giờ ra, chỉ khi làm việc câu chuyện sáng tạo mới hình thành.

“Tâm khởi trùng trùng duyên khởi”. Nếu tâm khởi mà không hành động thì giống như xuống thuyền mà không chèo. Mọi ý tưởng theo gió bay đi.

Nhìn về phía trước, con đường sơn mài sẽ đi đến đâu, và Đinh Quân sẽ đi tiếp thế nào?

Tôi đánh giá rất cao về sơn mài truyền thống Việt Nam và tôi nghĩ các họa sỹ sơn mài sẽ có con đường của riêng mình. Còn tôi vẫn đam mê với sơn mài trọn vẹn từng ngày. 

Cảm ơn anh rất nhiều!

Bài: Ace Lê

Ảnh: Wiking Salon