Sự hiện diện của các nghệ sỹ châu Âu ở thuộc địa Đông Dương đã dẫn đến một sự trao đổi văn hóa giữa những phong cách và hình thức giao thoa đáng chú ý. Nhiều nghệ sỹ đến thăm Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 đã làm tươi mới nghệ thuật của mình khi tiếp xúc với phong cảnh xanh tươi và nền văn hóa địa phương sôi động. Các nghệ sỹ Đông Dương theo học với các giảng viên người Pháp đã được tiếp xúc với phong cách và phương pháp châu Âu – cả truyền thống và hiện đại – mà họ đã nhanh chóng tiếp thu và biến thành của riêng mình.
Nghệ thuật hiện đại Việt Nam có nguồn gốc từ giai đoạn sơ khai này khi tranh sơn dầu được giới thiệu bởi các giảng viên người Pháp của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Cũng trong thời kỳ này, sơn mài, từ lâu đã được sử dụng trong việc chế tác các đồ vật và kiến trúc văn hóa Việt Nam, đã được các giảng viên và sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương đón nhận như một chất liệu mỹ thuật. Tranh lụa được nhìn nhận như một thể loại quan trọng, liên hợp các nguyên tắc bố cục phương Tây với sự uyển chuyển của nghệ thuật thư pháp và bút lông châu Á. Đó là thời kỳ của những ước mơ và hoài bão chung, để lại một di sản nghệ thuật lãng mạn thể hiện tình cảm và mối tương duyên nghệ thuật được phát triển giữa các nghệ sỹ Pháp và nghệ sỹ Đông Dương.
Bắt đầu từ cuối thế kỷ 19, vô số nghệ sỹ đã noi gương Paul Gauguin (1848-1903), người đến Tahiti lần đầu vào năm 1891, để tìm cảm hứng ở những vùng đất “kỳ lạ” bao gồm các thuộc địa của Pháp ở Tây Ấn, các đảo Thái Bình Dương, Bắc và Trung Phi và Đông Dương. Đó là thời kỳ trao đổi đầy sức sống giữa các nghệ sỹ châu Âu và châu Á, điều này có lợi cho cả hai bên. Ví dụ, nhà quý tộc Bỉ Adrien-Jean Le Mayeur de Merprès (1880-1958) sống và làm việc ở Bali, Indonesia, vẽ những chủ thể ở Bali theo phong cách bắt nguồn từ trường phái Ấn tượng Pháp. Nghệ sỹ người Philippines Fernando Cueto Amorsolo (1892-1972) đã học ba năm tại Học viện Mỹ thuật Hoàng gia San Fernando ở Madrid, Tây Ban Nha, nơi ông được tiếp xúc với các tác phẩm của cả các họa sỹ Tây Ban Nha truyền thống và hiện đại, mang lại màu sắc và độ sáng phủ mới cho các bức vẽ của ông về các chủ thể người Philippines sau khi trở về quê nhà.
Ngoài ra, nhiều nghệ sỹ Pháp đã thực hiện các chuyến đi về miền Đông như một phần của nghĩa vụ quân sự, tham gia các nhiệm vụ giáo dục hoặc thực hiện các bức vẽ mà chính phủ đặt hàng. Một trong những nghệ sỹ như vậy là André Maire (1898-1984), một sinh viên tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris, đã gia nhập lực lượng bộ binh thuộc địa vào năm 1917 theo lời khuyên của người bạn và cũng là bố vợ tương lai, Émile Bernard. Maire có chuyến đi đầu tiên tới Việt Nam trong khoảng năm 1919-1920, khi ông dạy vẽ tại Trường Trung học Phổ thông Chasseloup-Laubat (tiền thân của Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn) ở Sài Gòn. Sau các chuyến đi đến Ý, Ai Cập, Ấn Độ và châu Phi, ông trở về Pháp vào năm 1948 để trở thành giáo sư trong một thời gian ngắn tại trường Kiến trúc. Trở về Đông Dương ngay sau đó, ông sống ở Đà Lạt cho đến năm 1950, sau đó ở Sài Gòn cho đến năm 1958. Nhiều bức tranh màu nước và sơn dầu của Maire về các cảnh quan và chủ thể về Việt Nam được định hình bởi các yếu tố tuyến tính mạnh và bảng màu Hậu Ấn tượng.
Một nghệ sỹ khác sang công tác Việt Nam là nhà điêu khắc Paul Ducuing (1867-1949), giám đốc điêu khắc tại Nhà máy quốc gia của Sèvres và là một người bạn của Albert Sarraut, đương thời là Thống đốc của Đông Dương. Từ năm 1921, Ducuing dành ra 3 năm ở Việt Nam nơi ông làm mẫu tượng bán thân của Hoàng đế Khải Định (1885-1925), một nhà cải cách có thiện cảm với những nỗ lực hiện đại hóa Việt Nam của Pháp. Một phiên bản của bức tượng bán thân, bằng đồng đúc mạ vàng, được sản xuất tại Paris, nhân chuyến thăm lịch sử của Hoàng đế tới Pháp năm 1922, nơi ông tham dự một cuộc triển lãm thuộc địa ở Marseille.
Trong khi đó, giải thưởng Đông Dương, được thành lập vào năm 1910 nhằm thúc đẩy trao đổi văn hóa, đã thu hút một loạt các nghệ sỹ nổi tiếng của Pháp đến Đông Dương. Được thành lập bởi Antony Klobukowski (1855-1934), nguyên Toàn quyền Đông Dương, giải thưởng được giám sát bởi Hiệp hội Họa sỹ Thuộc địa Pháp, được thành lập vào năm 1908 bởi Louis-Jules Dumoulin (1860-1924), người sáng lập và chủ tịch của hội, một họa sỹ Đông Phương học đáng chú ý. Giải thưởng bao gồm chuyến đi miễn phí đến châu Á, một lá thăm vào thời điểm mà hầu hết những người nhận giải chưa từng đặt chân tới khu vực này.
Một trong những người đầu tiên của giải Đông Dương là Charles Dominique Fouqueray (1869-1956), con trai của một sỹ quan hải quân, người đã tiếp bước người cha mình nhận giải. Fouqueray, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Pháp và là một nhà hiện thực nổi tiếng với những bức đặc tả về lịch sử hàng hải của Pháp. Tại Việt Nam vào đầu những năm 1920, Fouqueray đã vẽ những bức tranh màu nước sống động, bao gồm các nghiên cứu về thuyền buồm và thuyền tam bản, cũng như tranh bột màu về những người lao động và phụ nữ đang tắm. Sau khi trở về châu Âu, Fouqueray được giao vẽ tranh cho dinh thự sang trọng của Bảo Đại (1913-1997), vị Hoàng đế cuối cùng của Việt Nam, trên đại lộ Lamballe ở Paris.
Sau sự gián đoạn của Thế chiến I, giải thưởng Đông Dương được trao lại vào năm 1920 cho Victor Tardieu (1870-1937). Khi đến Việt Nam vào tháng 2 năm 1921, Tardieu đã là một họa sỹ tranh tường và nhà thiết kế kính màu có tiếng. Mặc dù ý định ban đầu của ông là vẽ ở Đông Dương trong sáu tháng rồi quay lại triển lãm ở Pháp, Tardieu đã phải lòng những quang cảnh mới và không bao giờ quay lại châu Âu. Dự án lớn đầu tiên của ông là một bức bích họa lớn cho Đại học Đông Dương, mô tả cuộc sống của người dân Việt Nam. Năm 1924, với sự giúp đỡ và cảm hứng của người bạn, họa sỹ Nguyễn Nam Sơn (1890-1973), Tardieu thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội với mục đích đào tạo các nghệ sỹ và giáo viên pha trộn các phương pháp phương Tây và Viễn Đông. Trong hai thập kỷ tiếp theo, các sinh viên nghệ thuật Việt Nam nhập học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương đã học các thực hành của châu Âu – bao gồm vẽ tranh sơn dầu, vẽ trực họa ngoài trời, vẽ phối cảnh và vẽ khắc họa đời sống – đồng thời được khuyến khích làm việc với sơn mài và vẽ trên lụa.
Kể từ thời điểm này, giải thưởng Đông Dương gắn liền với Trường Mỹ thuật Đông Dương và phần thưởng bao gồm thêm công việc tại trường. Một danh sách các nghệ sỹ ưu tú đã nhận được giải thưởng trong những năm tiếp theo, mang đến những kỹ năng đa dạng của họ với tư cách là họa sỹ và nhà điêu khắc cho trường và các sinh viên địa phương dễ tiếp thu. Joseph Inguimberty (1896-1971), người đã gia nhập đội ngũ giảng viên Trường Mỹ thuật Đông Dương năm 1926 với tư cách là giáo sư Hội họa Trang trí. Inguimberty được đào tạo theo cả hai phong cách cổ điển và hiện đại. Ông nhanh chóng đắm mình vào văn hóa địa phương và có danh tiếng là một giáo viên đa năng khi giảng dạy mảng tranh sơn dầu, và vẫn thích thú tiếp nhận kỹ thuật sơn mài và tranh lụa. Nhiều sinh viên mỹ thuật đã trưng bày tác phẩm của họ tại Triển lãm Thuộc địa Quốc tế mang tính bước ngoặt ở Paris vào năm 1931, những học sinh của Inguimberty bao gồm Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Tô Ngọc Vân và Vũ Cao Đàm. Với 30 triệu lượt người đến xem, cuộc triển lãm lịch sử này đã sớm tạo nên danh tiếng của chủ nghĩa hiện đại Việt Nam tại Pháp và thu hút sự quan tâm của các đại lý và nhà sưu tập. Một số sinh viên tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương sớm, bao gồm Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm và Lê Phổ – những người đã đến Paris để giúp giám sát việc trưng bày EBAI năm 1931 – sau đó chuyển đến Pháp sinh sống.
Theo thời gian, một số nghệ sỹ đáng chú ý khác đã đến thăm hoặc sống ở Đông Dương, để lại những di sản đặc biệt của riêng họ. Jean-Louis Paguenaud (1876-1952), người đã được đào tạo tại Trường Nghệ thuật Trang trí ở Limoges và tại Học viện Julian, là một họa sỹ hải quân đã thực hành ở Tây Ban Nha, Tây Ấn, Châu Phi, quần đảo Polynesia và Việt Nam. Là một nghệ sỹ hiệu chỉnh màu táo bạo, ông đã vẽ rất nhiều phong cảnh Việt Nam vào những năm 1930. Alix Aymé (1894-1989) sống ở Hà Nội từ năm 1921, đã đi du lịch nhiều nơi ở Liên bang Đông Dương, Ấn Độ và Ceylon, đồng thời vẽ tranh ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sau cuộc triển lãm năm 1930 tại Galerie Portal ở Sài Gòn, bà chuyển đến Lào, nơi bà được giao nhiệm vụ vẽ một loạt tranh tường mô tả cuộc sống của người Lào cho phòng tiếp tân của Nhà vua trong cung điện hoàng gia. Sống luân phiên ở Pháp và Đông Dương, bà được biết đến với những bức chân dung dịu dàng về phụ nữ và trẻ em Đông Dương, được vẽ bằng sơn mài trên vóc (đôi khi bằng vỏ trứng hoặc lá vàng) và màu nước trên lụa.
Mặc dù cuộc chiến tranh Đông Dương của Pháp, kéo dài từ 1946 đến 1954 đã phá vỡ những giấc mơ của thời đại đáng chú ý này, nhưng giấc mộng của thời đại vẫn tồn tại trong di sản nghệ thuật mà nó tạo ra. Nhìn lại di sản của chủ nghĩa hiện đại Việt Nam – vốn có sức sống và sự tươi mới do cảm thức khám phá thẩm mỹ của một thế hệ nghệ sỹ trẻ – gợi mở cho chúng ta về những thành công của một cuộc giao lưu văn hóa đã bị chiến tranh và chính trị làm lu mờ. Tương tự như vậy, việc xem các tác phẩm của các nghệ sỹ Pháp đã du lịch và giảng dạy tại Việt Nam cho thấy tình cảm chân thành của họ đối với con người và nơi chốn mà họ đã vẽ. Đó là thời kỳ của hy vọng và sự cảm mến được thể hiện giữa các nền văn hóa thông qua ngôn ngữ nghệ thuật.
Thực hiện: John Seed
John Seed là Giáo sư Danh dự đã về hưu (Professor Emeritus) chuyên ngành Nghệ thuật và Lịch sử Nghệ Thuật tại Mt. San Jacinto College. Những bài viết của ông đã xuất hiện trong nhiều ấn phẩm, bao gồm Tạp chí Harvard, Arts of Asia và The Huffington Post.
Chuyển ngữ: Hồng Vân