Chương trình lưu trú A.Farm, do tập thể nghệ sỹ Mot+++ và Viện Goethe đồng tổ chức, vừa công bố lựa chọn nghệ sỹ cho mùa 6. Nhân dịp này, chúng ta cùng nhìn lại A.Farm mùa 5 với mở xưởng “Đất Mộng”, một sự kiện thể hiện những phát triển mới trong sáng tác của nghệ sỹ Linh San – một gương mặt triển vọng của nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Chào chị Linh San, chị có thể giới thiệu về hành trình của mình với gốm không?
Mình là Linh San, tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhưng mình không theo con đường giảng dạy mà chuyển hướng sang nghệ thuật, và trong hơn ba năm qua, gốm đã trở thành chất liệu chính trong sáng tác của mình. Cơ duyên đến với gốm bắt đầu từ triển lãm “Tôi viết tiếng Việt” năm 2020. Trong triển lãm đó, các tác giả đã cùng khám phá những khả thể trình hiện khác của chữ viết bên ngoài giấy và mực cho một trưng bày. Mình cảm nhận rằng có sự tương đồng giữa việc viết và sự dễ vỡ của gốm, bản thảo thường cũng phải trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm, rồi “vỡ đi” mới ra được tác phẩm cuối cùng. Vì vậy, mình đã làm một quyển sổ bằng gốm, vẽ và chép bản thảo của mình lên đó rồi trưng bày. Từ sau triển lãm đó, mình bắt đầu bị cuốn vào gốm, mình mang đất dư về rồi mua thêm đất để làm những món đồ sử dụng trong nhà, càng làm mình càng thôi thúc được thử nghiệm, dần dần mình đã bắt đầu sáng tác với gốm.
Chị nhận thấy những điểm khác biệt gì ở gốm miền Nam sau quá trình đi thực địa và nghiên cứu thực hành gốm tại A.Farm?
Sự khác biệt rất rõ rệt, nhìn là thấy khác liền không biết nói sao nữa *cười*. Trước đây mình gắn bó nhiều với Bát Tràng, nơi mình làm việc với các nghệ nhân. Vào trong này mình đi khá nhiều nơi, mình đi Vĩnh Long và Đồng Tháp, đến thăm các lò gạch ở Mang Thít và Sa Đéc. Ở trong tên gọi đã có sự khác nhau rồi. Ở đây, người ta làm gạch, làm đất nung, là làm những sản phẩm không tráng, vẽ men ấy. Đất họ dùng cũng khác. Ở Vĩnh Long, họ lấy đất phù sa sông trực tiếp từ Mekong, hay đất sét mặt ruộng để làm gạch, làm chậu cây. Cách nung đốt cũng khác, họ nung bằng lò gạch truyền thống và dùng trấu để đốt, nguồn nguyên liệu của họ rất địa phương, trực tiếp và không qua sàng lọc. Nhiệt độ nung cũng thấp vậy nên sản phẩm có màu cam cam đỏ đỏ. Còn ở Bát Tràng người ta làm nhiều đồ gốm, sứ trắng nên cần lọc đất rất kỹ. Rồi mình xuống Lái Thiêu, Bình Dương, Biên Hoà thì nó lại khác nhau nữa. Ví dụ như mình xuống Biên Hoà thì mình thấy những đồ họ làm sẽ đục, khắc rất là nhiều. Hoa văn của họ nhiều màu sắc và trang trí rất tỉ mỉ, khác Bát Tràng.
Chị có nghĩ việc tiếp cận gốm theo hướng thể nghiệm và ý niệm, không nung đất như trong tác phẩm lần này là quá cực đoan không, đặc biệt khi nhiều người xem gốm là mỹ nghệ, chú trọng vào độ hoàn thiện kỹ thuật cao sau nung?
Mình không xem việc tiếp cận gốm theo hướng thể nghiệm và ý niệm như “Đất mộng” là cực đoan. Trong triển lãm “Đất Mộng”, mình không tập trung vào tính chất vật liệu của gốm, mà tập trung vào việc khám phá những khả thể khác. Cách tiếp cận này không đối lập với kỹ nghệ truyền thống mà là một hướng đi khác, sử dụng gốm như một chất liệu sáng tác. Đây là một sự phát triển song song với nghề gốm truyền thống, vẫn đảm bảo được tính chế tác cao cho thực hành gốm. Ví dụ, những tổ dế mình làm có vẻ đơn giản, nhưng việc vo tròn những viên nhỏ lại đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự tỉ mỉ, có tính chế tác cao.
Trong tác phẩm mở xưởng lần này, tại sao chị lại tìm đến hình ảnh tuổi thơ và mẹ? Như thế, gốm có ý nghĩa thân mật như thế nào với chị?
Các tác phẩm của mình thường mang tính cá nhân sâu sắc. Trong lần này, sau nhiều chuyến đi xa, mình muốn làm một điều gì đó thật gần gũi. Khi mình đi nhiều nhưng không đủ thời gian để gắn kết sâu sắc với nơi nào, những điều gần gũi nhất với mình lại hiện lên rõ nét hơn, thế là mình truyền tải những điều này vào tác phẩm của mình.
Không gian có vai trò nghệ thuật như thế nào trong mở xưởng “Đất mộng”?
Khác với những lần trước khi mình chỉ tập trung vào tạo hình của tác phẩm rồi mang ra trưng bày, lần này, mình đã suy nghĩ nhiều hơn về không gian và tận dụng không gian trong tương quan với tác phẩm. Ban đầu, mình nghĩ rất khó để trưng bày không gian ở tầng 6 của Amanaki vì đó là một không gian cố định của tòa nhà, khó thay đổi theo dụng ý nghệ thuật của mình. Vì vậy, mình đã thảo luận với nhóm vận hành A. Farm và chọn không gian xưởng là nhà gỗ ở bên dưới để triển lãm.
Để làm được nhịp điệu chiếu sáng và trưng bày, mình ở trong không gian xưởng đó mấy ngày, đi vào rồi đi ra, đóng rồi mở cửa để làm quen với các dòng di chuyển trong không gian. Nhiều người tham quan phản hồi rằng họ cần thời gian để làm quen với bóng tối của triển lãm. Lý do mình muốn giữ không gian tối là vì mình thấy nếu mở hết đèn thì cái nhà “đẹp” hơn tác phẩm mất! *cười* Thế nên, sau một khoảng cân nhắc về không gian, mình đã liên hệ một người bạn ở Hà Nội để lập trình ánh sáng theo nhịp điệu cụ thể và giữ không gian chủ yếu là tối để giúp người xem tập trung hơn vào tác phẩm, dành thời gian cho nó. Điều này, với mình, không chỉ tạo nên không gian cho sự xem, mà nhịp điệu của ánh sáng còn giúp người ta hình dung về không gian bên trong của ngôi nhà, chứ không phải chỉ là cấu trúc vật lí của nó.
Sự đổi mới trong thực hành này là để hướng đến việc có thể “thực hành gốm ở bất kỳ đâu”. Hình dung của chị về sự tự do này là như thế nào?
Khi mình không còn phụ thuộc vào quá trình nung gốm, mình cảm thấy tự do hơn rất nhiều. Quyết định làm việc với đất thô mang lại cho mình một cảm giác tự do đáng kể, không còn phải phụ thuộc vào lò cũng như việc nung đốt.
Hình dung cho sáng tác của mình với sự tự do mới này có lẽ được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm gần đây của mình tại Thái Lan lấy cảm hứng từ chuyến thực địa ở Vĩnh Long, Đồng Tháp, nơi mình thấy những lò gạch khổng lồ dọc theo bờ sông Mekong. Chúng cao đến 10 tới 12 mét và phần lớn những ảnh chụp mọi người thấy trên mạng là chụp bằng flycam. Điều ấn tượng nhất với mình chắc là cách những lò gạch này can thiệp, xây tạo cảnh quan xung quanh nó. Mình cũng quan tâm đến việc chuyển hoá vật chất từ đất sông thành những viên gạch. Theo một nghĩa nào đó, có lẽ ta đang “bê tông hoá dòng sông” qua việc nung đốt. Trong quá trình nghiên cứu, mình đọc được là các quốc gia Châu Á có sản lượng sản xuất gạch cao nhất thế giới, và Việt Nam nằm trong top 5 các nước có sản lượng sản xuất cao.
Vậy nên, trong tác phẩm này, mình quyết định làm những lò gạch nhỏ chỉ cao bằng cốc cà phê và rải bột gạch trên sàn. Mình bám vào quá trình chuyển hóa của vật chất, từ những hạt bụi phù sa trở thành một thể vật chất khác là gạch. Mình nghiền gạch thành bột và rải lên sàn để người xem có thể tương tác với tác phẩm. Khi khán giả bước vào không gian, họ sẽ thấy những cảnh quan thu nhỏ mà vốn trong đời thực họ không thể quan sát từ trên cao, họ bước vào, dẫm lên bột gạch và mang nó đi khắp nơi. Sự tỏa đi của vật chất từ quá trình sản xuất đến môi trường xung quanh, bồi thêm một lớp ý nghĩa trong tác phẩm của mình.
Mặc dù tác phẩm này có thể nhìn không giống một “tác phẩm gốm” điển hình, nhưng đối với mình, nó vẫn rất “gốm” vì mình vẫn được truyền cảm hứng bởi sự chuyển đổi các thuộc tính của gốm trước và sau khi nung. Gốm, dù theo cách nào đi nữa, vẫn là nguồn cảm hứng và định vị cho thực hành của mình. Với hướng tiếp cận này, mình thấy thực hành của mình đã cởi mở hơn rất nhiều.
Cảm ơn chị Linh San đã chia sẻ, Art Republik rất mong đợi được tiếp tục chiêm ngưỡng sự phát triển sáng tác tự do của chị trong tương lai.
Người viết: An Tử
Hình ảnh: Nghệ sỹ Linh San