Tào Linh là một nghệ sĩ chuyên tâm và chăm chỉ. Ông liên tục ghi dấu ấn riêng trong làng mỹ thuật Việt Nam với những tác phẩm sơn dầu và giấy dó mang tính biểu hiện trong một bảng màu phong phú nhưng tinh giản. Nhận định này nom có vẻ thiếu logic nhưng quả thực, tài năng của Tào Linh là ở khả năng kiệm màu, kiệm hình nhưng phong phú về tính gợi và thẩm mỹ thị giác. Nếu liên tưởng tranh của Tào Linh với một thể loại văn học thì tôi nghĩ ngay đến ngụ ngôn, một kiểu dùng ngôn từ phúng dụ hết sức cô đọng. Hội họa của Tào Linh cũng tương tự như vậy. Dù chúng không nhất thiết phải giáo huấn hay giáo dục như ngụ ngôn, nhưng trong mỗi bức hình đều hàm chứa những ẩn dụ hay chiêm nghiệm.
Tranh Tết vốn là một thú chơi tao nhã của người Việt từ xưa tới nay. Trong số đó, tranh con giáp luôn là lựa chọn đầu tiên. Tranh Tết nói chung và tranh con giáp nói riêng của các hoạ sĩ sau này có thể được coi là sự tiếp nối truyền thống của dòng tranh Tết dân gian. Hầu như hoạ sĩ nào cũng đã từng vẽ tranh con giáp, mà đặc biệt và có tiếng nhất phải kể đến hoạ sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.
Năm 2023 là năm Quý Mão, năm con mèo. Nói đến tranh vẽ mèo, hẳn ai cũng nghĩ đến tranh mèo của Nguyễn Tư Nghiêm và Nguyễn Sáng. Tào Linh chia sẻ với LUXUO: “Cá nhân tôi cũng thích vẽ mèo, thích nhất trong số 12 con giáp. Nói thích nhất vì tôi thích tính cách của con mèo, mềm mại mà mạnh mẽ, tình cảm nhưng độc lập. Hầu như năm nào, cứ đến dịp này là tôi vẽ tranh con giáp. Nhưng riêng năm nay, tôi sẽ có một triển lãm cá nhân vào dịp rằm tháng chạp, trưng bày loạt tranh mèo sáng tác trong vài tháng qua, bên cạnh một số tác phẩm mới.”
Điều đặc biệt của triển lãm lần này là sự phối hợp của Art Bank với việc phát hành chứng chỉ số NFT cho các tác phẩm trưng bày. Với công nghệ block chain, các chứng chỉ NFT cho phép người mua tranh có thể giao dịch tác phẩm mà mình sở hữu trên sàn giao dịch NFT toàn cầu. Đây cũng là hướng đi mới cho thị trường nghệ thuật.
Có thể nói, ngay cả với sơn dầu, tư duy tạo hình của Tào Linh cũng thường mang hơi hướng của giấy dó, cả về hình, màu và bố cục. “Điều đó hợp với chủ trương tối giản của tôi” – ông chia sẻ.
Tôi gọi bộ tranh Tết Quý Mão của Tào Linh là cuộc biến hình của những chú mèo. Người họa sĩ này có biệt tài trong việc uốn nắn và biến hóa hình khối, ngay cả hình khối thực của mèo, theo cách của mình. Đôi khi, ta thấy mèo như một chiếc ghế dài 4 chân, một chiếc cầu, thi thoảng lấy cảm hứng từ những lưỡi dao, biểu tượng mặt trời, ốc sên… Ông có thể lấy ý tưởng phác họa mèo từ những hình dạng đó, hoặc đó là thứ mà người xem như tôi và bạn liên tưởng. Nhưng bất cứ hình thù nào, mèo của Tào Linh luôn mang một vẻ đẹp thú vị, ngộ nghĩnh nhưng cũng không kém phần sang trọng và độc đáo.
Màu sắc trong tranh Tào Linh luôn phảng phất màu sắc của giấy dó, đó là sự hoài niệm, cổ điển nhưng không hề cũ kỹ. Ông không đưa sắc màu lên những cực đoan của quá tươi rói, mạnh mẽ hay là quá nhạt nhòa. Dù thông thường, người ta liên tưởng tranh Tết là đỏ-thắm-tươi nhằm tượng trưng cho may mắn và thịnh vượng. Nhưng hiếm thấy một màu đỏ xuất hiện trong tranh của ông, điều đó cho thấy, Tào Linh không đóng khuôn tranh Tết vào một định nghĩa truyền thống. Mà giống như cá tính chung của Linh trong quá trình sáng tạo, tinh thần của một bộ tranh nằm ở khả năng chánh niệm của người vẽ.
Tào Linh chia sẻ: “Với tôi, vẽ là thiền, một loại thiền động. Thực hiện hành động vẽ bản chất là thực hành chánh niệm. Khi đối diện với tấm toan, khi vẽ, tôi không còn nhớ về những gì đã xảy ra trong quá khứ, không băn khoăn về tương lai. Đó chính là “chánh niệm”.
Có lẽ vì thế mà tranh Tết của Linh dù không đỏ tươi, không thắm hồng, nhưng vẫn mang năng lượng bình an và tươi sáng.
Sau bộ tranh Tết Nhâm Dần nhận về khá nhiều đánh giá tích cực, Tào Linh tiếp tục trình làng bộ tranh Tết Quý Mão, trưng bày từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 1 năm 2023 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội. Được biết, cuộc bày biện năm nay của họa sĩ đã được bên thứ ba mua trọn và sớm phát hành NFT.
Bài: Trang Ps