Theo hoạ sĩ, “Mặt hồ tĩnh lặng” là dự án phát triển tiếp theo sau triển lãm cá nhân Gió và Nước được tổ chức vào năm 2021. Đề cập đến mối quan hệ chặt chẽ giữa thế giới tự nhiên, triết học phương Đông hay những vấn đề liên quan đến môi trường. Trong lần trưng bày này, Van Son Le sẽ giới thiệu đến công chúng những tác phẩm được thể hiện trên các chất liệu: sơn ta, sơn dầu và acrylic.
“Mặt hồ tĩnh lặng” là dự án đi tiếp thêm một hướng nữa. Nhằm khảo cứu những vấn đề lịch sử, liên quan đến câu chuyện hậu chiến tranh Việt Nam và những đổi thay về đời sống xã hội hiện đại trong bối cảnh toàn cầu.
Mặt dù chiến tranh đã đi qua trên quê hương chúng ta gần 50 năm. Nhưng những dấu vết để lại của nó vẫn còn ở đó. Hố Bom là một trong những minh chứng lịch sử điển hình còn sót lại, mà chúng ta có thể nhìn và quan sát trực tiếp trong tự nhiên. Theo thời gian, chúng đã thay da đổi thịt và biến thành những hồ nhỏ trên những cánh đồng hay mảnh vườn sau nhà. Từ một câu chuyện đau thương lưu giữ nhiều ký ức đau buồn của dân tộc. Giờ đây, trên những mặt hồ ấy, chúng ta đã và đang cải tạo thành những khu vực nuôi trồng thủy sản, nhằm tạo ra sản phẩm lương thực cho cuộc sống tươi đẹp này. Từ ý niệm như trên, qua lăng kính xã hội học, tôi đã phát triển ý tưởng đó thành concept chính cho triển lãm lần này và xây dựng tác phẩm dưới ba dạng cấu trúc bố cục khác nhau.
Các tác phẩm hội họa trong dự án được tôi vẽ về bề mặt của hồ nước, trong thời khắc của một buổi chiều yên bình và tràn đầy cảm xúc. Hình ảnh cụ thể của ao hồ hay hố bom không còn trực tiếp xuất hiện ở đây, nó chỉ đóng vai trò ý niệm chủ chốt để tôi hình thành nên chuỗi các tác phẩm này. Thay vào đó người xem chỉ thấy những motif của nước nằm ngang chạy trên bề mặt tranh, cùng với các cách sắp xếp các khoảng không gian mơ hồ có trật tự. Motif tôi đã đã tạo ra, bắt nguồn từ sự quan sát chuyển động của sóng, nước trong tự nhiên. Tiếp theo tôi đã cách điệu nó và trừu tượng hóa không gian, phóng to nó lên với pixel ảnh cực đại. Nhằm tạo ra ấn tượng về mặt thị giác và cảm giác như đang lay động, trôi nổi trên bề mặt tranh. Thông qua kỹ thuật vẽ mỏng nhiều lớp chồng lên nhau của chất liệu acrylic, hòa lẫn với kỹ thuật vẽ airbrush, đồng hiện với lớp sơn dầu ở trên cùng. Kết hợp với không gian hình học, trường phái trừu tượng biểu hiện, từ đó tôi tạo ra cấu trúc bố cục số 1.
Là sự kế thừa từ cấu trúc số 1, và được cách tân mạnh mẽ về hình thức thể hiện. Cấu trúc này được phát triển tiếp theo từ series tranh Gió và Nước (2021). Chúng được tạo ra từ những mối liên hệ đối lập giữa các hiện tượng tự nhiên và triết học như: nắng mưa, sáng tối, ngày đêm, âm dương, đàn ông và đàn bà…
Tổng thể tác phẩm được chia thành hai phần tách rời nhau, và được liên kết lại với nhau bằng những sợi dây một cách logic và khéo léo. Từ các dạng bố cục cơ bản trong hội họa, tôi đã sử dụng phương pháp biến dị về hình, lặp lại về motif, cắt thủng bề mặt tranh (collage) và loại bỏ phần không gian thừa không cần thiết. Để toàn bộ cấu trúc tác phẩm tương tác trực tiếp với không gian môi trường tự nhiên bên ngoài. Đồng thời tôi cũng hướng đến một cấu trúc mới trong hội họa hiện đại mà được thể hiện bằng chất liệu truyền thống sơn ta. Toàn bộ cấu trúc trên được xây dựng trên nền tảng ngôn ngữ đồ họa tạo hình và được phát triển theo chiều hướng của hội họa trừu tượng hình học.
Xuất phát từ hội hoạ ý niệm, cùng với sự kết hợp về lý thuyết của hình học phân dạng (fractal), các motif được lặp đi lặp lại tạo ra bố cục của cấu trúc thứ ba. Biến toàn bộ tác phẩm không tìm ra điểm bắt đầu cũng như điểm kết thúc. Trọng tâm màu sắc, ánh sáng, được thể hiện một cách dàn trải trên toàn bộ tổng thể bề mặt một cách có chủ ý. Với độ dày tác phẩm 80cm nhô ra cách mặt tường cùng với cấu trúc gỗ hình học được thiết lập. Bề mặt tác phẩm lúc này không còn bằng phẳng như hai cấu trúc trên 2D mà đang trên đà chuyển mình sang khối 3D. Lúc này người xem cũng khó phân định rõ được, đâu là cột mốc biên giới của Hội hoạ và Điêu khắc. Đồng thời nó đóng vai trò vào sự mở rộng đường biên từ tranh đến nghệ thuật sắp đặt, góp phần tạo ra mối liên kết hàn gắn trong chuỗi đứt gãy giữa các hình thức nghệ thuật thị giác tại Việt Nam.
Tác phẩm Sóng được thể hiện qua chất liệu sơn mài đắp nổi và cũng là bước đầu chuẩn bị cho chiều hướng phát triển tiếp theo của dự án về không gian trong tương lai.
Van Son Le
Sinh năm 1984 tại Quảng Nam, anh tốt nghiệp khoa Hội hoạ tại Đại học Nghệ thuật Huế, chuyên ngành sơn mài truyền thống dưới sự hướng dẫn của cố họa sĩ Trương Bé. Những năm sau khi ra trường, anh hoạt động nghệ thuật tại Hà Nội và thuộc thế hệ nghệ sĩ thử nghiệm thứ hai tại Việt Nam. Năm 2021, anh hoàn thành chương trình học Thạc sĩ về Nghệ thuật Thị giác tại Đại học Alanus Hochschule für Kunst und Gesellschaft, CHLB Đức, dưới sự hướng dẫn của giáo sư Michael Reisch.
Van Son Le đã từng tham dự nhiều triển lãm trong và ngoài nước, có thể kể đến như: Festival nghệ thuật trẻ toàn quốc Việt Nam 2012 tại Hà Nội, top 10 nghệ sĩ triển lãm chung kết tài năng trẻ Việt Nam 2008 do Quỹ Phát triển Văn hóa Đan Mạch bảo trợ, Triển lãm Nghệ thuật quốc tế Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 27 tại Bangkok, Thái Lan và Triển lãm giải thưởng nghệ thuật Dogma tại Bảo tàng Nghệ thuật Việt Nam 2012, thường niên trưng bày tác phẩm tại hội chợ nghệ thuật đương đại Innovative Kunstmesse tại thành phố Essen, Đức. Năm 2022, series tác phẩm của anh được tuyển chọn vào Top Final của giải thưởng Landtag Kunstpreis Nordrhein-Westfalen, triển lãm tại nhà quốc hội tiểu bang NRW, Đức do hội đồng curator 9 người bầu chọn bao gồm (Prof. Yasmil Raymond, giám tuyển của Modern Art, New York; Dr. Marcel Schumacher, Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại NRW và Prof. Bogomir Ecker của Đại học Nghệ thuật Hàn lâm Kunstakademie Düsseldorf…). Tác phẩm của anh hiện có trong một vài bộ sưu tập tư nhân Việt Nam và Đức. Xưởng vẽ hiện tại của anh nằm trong khu Atelierhaus tại Cologne.