MAP 2024 – “Vật đổi, nơi dời”: Một trần thuật mới về “Chuyển động”

Tháng Thực hành Nghệ thuật (Month Of Arts Practice – MAP) là một dự án trao đổi nghệ thuật quốc tế chuyên sâu do Heritage Art Space khởi xướng và vận hành. MAP 2024 là phiên bản mùa thứ 10, cũng là năm thứ 2 dự án làm việc với chủ đề “Chuyển động”.

Từ 2023, MAP đặt ra một chu kỳ làm việc 3 năm nghiên cứu và thực nghiệm nghệ thuật với chủ đề “Chuyển động” (Mobility). Không giống như những năm trước, MAP 2024 được vận hành như phòng thí nghiệm di động về nghệ thuật đương đại, nơi các nghệ sĩ khám phá các chiều kích khác nhau của “Chuyển động” bằng nghệ thuật. Thay vì một triển lãm cuối dự án, MAP 2024 lựa chọn mô hình Mở cửa xưởng nghệ sĩ – nơi các tác phẩm đang thành hình và biến đổi từng ngày.

Từ ngày 5 đến 20 tháng 12 năm 2024, xưởng làm việc của nghệ sĩ tại Không gian Nghệ thuật Long Biên mở cửa cho công chúng tới tham quan. MAP 2024 là phiên bản mùa thứ 10, cũng là năm thứ 2 dự án làm việc với chủ đề “Chuyển động”. Trong năm làm việc thứ nhất, MAP hình thành mô hình phòng thực nghiệm về “Chuyển động”, mở ra song song ở hai thành phố Hà Nội và Bremen, với hai nhóm nghệ sĩ đa quốc gia để cùng nhau khám phá lại chủ đề này. Ở năm làm việc thứ hai với chủ đề “Vật đổi Nơi dời”, các nghệ sĩ-người thực hành đã hiện thực hóa các suy tư về “Chuyển động” trong các môi trường, hoàn cảnh, tình huống thực tế ở Hà Nội và nhiều địa phương khác nhau như Hòa Bình, TP. Hồ Chí Minh, Viêng Chăn (Lào), Khon Kaen (Thái Lan), Bremen (Đức); khám phá, tái khám phá chính mục đích, hành vi, ý nghĩa của sự chuyển động và tính đối nghịch của chuyển động.

Tour thăm xưởng. Nguồn ảnh: Heritage Art Space
Tour thăm xưởng. Nguồn ảnh: Heritage Art Space

Xưởng làm việc trưng bày công việc của nhóm nghệ sĩ tham gia trực tiếp tại Hà Nội: Higashikata Yuhei, Benjamin Sunarjo, Paulius Šliaupa, Laima Matuzonytė, Ngô Đình Bảo Châu, Nguyễn Vũ Hải, A sông, ba-bau AIR và khách mời từ nhóm nghệ sỹ Baan Noorg từ Thái Lan. Song song với đó, nhóm nghệ sĩ tại Bremen, Đức bao gồm Felix Dreesen, Florian Witt, Jeroen Jacobs, Kayle Brandon, Siegfried Bank, Soobeen Woo và Alexander Noah sáng tác các áp phích, gửi sang Việt Nam để gắn lên xe máy của Giao hàng Tiết kiệm (GHTK), tạo nên tương tác thú vị giữa nghệ thuật và không gian công cộng.

Ảnh: Hoàng Nguyễn. Nguồn: Heritage Art Space
Ảnh: Hoàng Nguyễn. Nguồn: Heritage Art Space

Chuyển động hay sự dịch chuyển của các cộng đồng

Hà Nội đang phát triển nhanh thành siêu đô thị, cả về diện tích và dân số, đây là hệ quả không thể khác của sự dịch chuyển của các cộng đồng khác nhau. Dòng sông chảy qua thành phố dịch chuyển một cách tự nhiên, và kéo theo đó sự dịch chuyển của các cộng đồng. Vùng được coi là trung tâm hiện tại, có thể sẽ trở thành ngoại biên. Không có gì là vĩnh viễn. Phản hồi với dịch chuyển của các cộng đồng và nơi chốn, trong MAP 2024, ba nhóm nghệ sĩ mang tới ba góc nhìn, vừa đối thoại vừa đồng hành.

Awika Samukrsaman, “Chủ nghĩa Lãng mạn Địa lý (quan hệ Thái Lan–Việt Nam)” (2024)
Awika Samukrsaman, “Chủ nghĩa Lãng mạn Địa lý (quan hệ Thái Lan–Việt Nam)” (2024)

Lấy cảm hứng từ những cuộc di cư của người Việt tới các nước Đông Nam Á, nhóm nghệ sĩ đa ngành A Sông mang tới xưởng tác phẩm “Viễn vọng về một nơi chốn song song”. Bước vào không gian của xưởng, người xem sẽ nhìn thấy một chiếc bàn – một mặt phẳng khiến thời gian trở nên phi tuyến tính: những viên gạch sản xuất bởi người Pháp được mang về từ Viêng Chăn, bảy viên gạch làm từ bánh tráng, một video bốn kênh, cuốn sách có ẩn bảng chữ cái tiếng Thái chỉ đọc được trong bóng tối và một văn bản giám tuyển. Bằng cách trưng bày và mời gọi người xem cùng tương tác bằng những hành động chà xát, lật từng trang, chạm vào, nhóm nghệ sĩ cũng thúc đẩy công chúng khám phá những góc khuất của lịch sử, vốn đóng góp không nhỏ trong việc chiêm nghiệm về bức tranh quá khứ toàn cảnh hơn.

A Sông, “Viễn vọng về một nơi chốn song song”. Nguồn ảnh: Heritage Art Space
A Sông, “Viễn vọng về một nơi chốn song song”. Nguồn ảnh: Heritage Art Space

Trong một tương tác ngẫu nhiên, tại không gian xưởng, tác phẩm của Baan Noorg Collaborative Arts & Culture được bày ngay bên cạnh tác phẩm của A Sông, tình cờ tạo ra sự cộng hưởng. Nếu “Một đối thoại giữa Thái Lan và Việt Nam” của Parichat Tanapiwattanakul ghi lại những cuộc trò chuyện và trải nghiệm chung của cộng đồng Làng Thái tại Hòa Bình, Việt Nam, thì “Chủ nghĩa Lãng mạn Địa lý (quan hệ Thái Lan–Việt Nam)” (2024) của Awika khám phá các hành trình và mối quan hệ thông qua những câu chuyện cá nhân, trải nghiệm và ký ức tập thể.

Parichat Tanapiwattanakul, “Một đối thoại giữa Thái Lan và Việt Nam”. Nguồn ảnh: Heritage Space
Hình ảnh công tác chuẩn bị cho bức tranh tập thể – “Một đối thoại giữa Thái Lan và Việt Nam”, của Parichat Tanapiwattanakul. Nguồn ảnh: Heritage Space

Dịch chuyển trọng tâm chú ý vào vùng đất Hoà Bình thay vì lấy Hà Nội làm trung tâm của nghiên cứu, với “Dự án Đang phát triển: Dự báo thời tiết 02” của nhóm nghệ sĩ ba-bau AIR khám phá các câu chuyện, quan niệm xung quanh khu vực thành phố Hòa Bình với những quang cảnh đang có sẵn của thế giới hiện đại, đặc biệt là xung quanh công trình “dời non lấp bể” Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Những hình ảnh động trong sắp đặt biệt vị đưa công chúng vào mặt phẳng không-thời gian, xuất hiện xưởng mô hình thực hành của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trong quá khứ nay biến thành sân pickleball và vô số những chuyển động tạo ra tính hài hước nhưng khơi mở những hướng suy tư đa dạng của các thành viên trong nhóm.

Ba-bau-AIR, “Dự án Đang phát triển: Dự báo thời tiết 02”. Nguồn ảnh: Heritage Art Space
Ba-bau-AIR, “Dự án Đang phát triển: Dự báo thời tiết 02”. Nguồn ảnh: Heritage Art Space

Trò chơi tương tác với không gian

Các không gian mở ra nhiều chiều kích: trên, dưới, phải, trái, cao, xa, rộng; con người gợi ra những di chuyển: tiến, lùi, xoay, đi qua, đi xuyên, đứng im. Chuyển động trong không gian hay chuyển động cùng không gian, tái khám phá những nơi chốn quen thuộc bằng tiếp cận mới mẻ, thực hành của các nghệ sĩ gợi mở suy tư về mối quan hệ giữa con người và không gian, trong đó chuyển động như một dạng thức vừa kết nối, vừa phân rã chúng.

Tại MAP 2023, Ngô Đình Bảo Châu tạo ra sân chơi trong một không gian dùng làm việc, chơi đùa với công năng trong quá khứ của một nơi chốn, một nhà máy không còn được sử dụng. Tiếp tục phát triển ý tưởng về sân chơi, trong năm làm việc thứ hai với “Dữ liệu thu thập từ đo đạc cơ thể người”, cô tiến hành phần khảo sát các chiều kích khác nhau của vận động cơ thể người, cảm xúc và thân thể, thu thập các dữ liệu cho thiết kế lấp đầy sân chơi đã tạo ra, hướng đến việc tạo ra những sắp đặt-điêu khắc mềm trong năm tiếp theo để cụ thể hóa các suy tư của mình về chuyển động.

Ngô Đình Bảo Châu, “Dữ liệu thu thập từ đo đạc cơ thể người”. Nguồn ảnh: Heritage Art Space
Ngô Đình Bảo Châu, “Dữ liệu thu thập từ đo đạc cơ thể người”. Nguồn ảnh: Heritage Art Space

Tại MAP 2024, Nguyễn Vũ Hải trò chuyện với không gian trong thực tại, anh đi tìm những địa điểm có công năng nhưng không cố định trong đời sống hàng ngày, xuyên qua những mảnh đất gấp khúc, xô lệch. Anh tái khám phá về sự chuyển động: đôi khi chính là sự thích ứng – nơi chốn tự thích ứng với chính nó, và con người cũng điều chỉnh để chung sống với không gian. Tác phẩm “đi về phía tây | trôi lên trên cao” là một đối thoại với không gian thông qua đi bộ, với giọng đọc được ghi âm tạo thành điểm neo.

Nguyễn Vũ Hải, “đi về phía tây | trôi lên trên cao”. Nguồn ảnh: Heritage Art Space
Nguyễn Vũ Hải, “đi về phía tây | trôi lên trên cao”. Nguồn ảnh: Heritage Art Space

Là nghệ sĩ mới tham gia MAP 2024, Paulius Šliaupa lần đầu tiếp cận và phát triển các ý tưởng về chuyển động. Lấy cảm hứng hòa trộn giữa thực tại và truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, video “Mạch ngầm” của anh cho ta thấy những thay đổi trong kết nối giữa con người và cảnh quan, mà mối nối giữa chúng là chính những âm thanh của đời sống: tiếng karaoke, tiếng rao của những người bán hàng rong Hà Nội, tiếng máy móc vang vọng.

Paulius Šliaupa, “Mạch ngầm”. Hình ảnh trích từ video tác phẩm. Nguồn ảnh: Heritage Art Space.
Paulius Šliaupa, “Mạch ngầm”. Hình ảnh trích từ video tác phẩm. Nguồn ảnh: Heritage Art Space.

Đi cùng thành phố, trở thành thành phố

Benjamin Sunarjo là nghệ sĩ đa ngành gốc Indonesia hiện đang sống tại Biel. Tác phẩm của anh khám phá sức mạnh biến đổi của cơ thể bằng cách phơi bày những khoảnh khắc thuần túy về thể chất. Đến với MAP 2024, anh tái khám phá chủ đề về di động bằng tác phẩm “Đi-lùi”, tựa như một câu hỏi thoạt nhìn có vẻ đơn giản: nếu chuyển động không phải là tiến lên và dừng lại, ta còn có thể làm gì? Quay lại quá trình đi lùi ở không gian công cộng đông người, nghệ sĩ cảm nhận được rõ nét sự tương tác của cơ thể mình với cảnh quan, con người và các sự việc xung quanh. Đi lùi – một cử chỉ đơn giản nhưng cơ bản, không chỉ đảo ngược cơ chế và quá trình nó được đào luyện mà còn đặt ra câu hỏi về kỳ vọng của chúng ta về phương hướng và nhấn mạnh sự mong manh của cơ thể.

Benjamin Sunarjo, “Đi-lùi”. Nguồn ảnh: Heritage Art Space.

Rải rác trong không gian trưng bày, những tấm vải treo dọc vừa chia cắt không gian vừa kết nối chúng với “Đi–qua” của Laima Matuzonytė, mô phỏng trải nghiệm định hướng các con phố trong đô thị, tạo ra một lộ trình đi bộ mang tính ẩn dụ. Những sắp đặt dạng dọc này, được xếp chồng lên nhau với những câu chuyện đứt đoạn, biến thành những con đường – mời gọi khán giả tương tác cùng chúng trong khi khám phá những tác phẩm của các nghệ sĩ khác xung quanh họ. Bản chất của chuyển động, ký ức và biến chuyển trong cảnh quan đô thị dần được hé mở thông qua tác phẩm.

Higashikata Yuhei, “Khỉ Tonkin”. Nguồn ảnh: Heritage Art Space
Higashikata Yuhei, “Khỉ Tonkin”. Nguồn ảnh: Heritage Art Space

Phân phối lao động trong bối cảnh toàn cầu hoá

Năm trước, nghệ sĩ Nhật Bản Yuhei Higashikata thực hiện tác phẩm Làm sao để vận chuyển chuối hột, tập trung vào các loại chuối và việc xuất khẩu chuối từ Việt Nam sang Nhật Bản. Yuhei suy ngẫm về những trang trại ngày nay trồng chuối không hạt, một giống loài đã được cải tiến, như là tấm gương phản chiếu chủ nghĩa tư bản toàn cầu và lịch sử thuộc địa. Đến với MAP 2024, tiếp tục khám phá chủ đề “Chuyển động” thông qua tìm hiểu về loài khỉ. Yuhei nghĩ về khỉ, bóng chày như một sự hoà giải văn hoá và di
động của châu Á.

Trong MAP 2023, nghệ sĩ Alexander Noah thực hiện điêu khắc-sắp đặt bằng những túi giấy đựng bánh mì nhàu nát tạo hình từ những bàn tay. Tác phẩm đặt vấn đề về toàn cầu hoá: khả năng di động của sản phẩm vượt xa khả năng di động của người tạo ra chúng. Lao động đang dịch chuyển và tạo ra những sự dịch chuyển hơn cả chính nó.

Năm nay, ý tưởng về sự dịch chuyển và phân phối hàng hoá được thể hiện một cách độc đáo thông qua chuỗi Áp phích di động. Các áp phích, sau khi được nhóm nghệ sĩ Bremen thiết kế tại Đức, được chuyển đến Việt Nam để đội ngũ Heritage Art Space phối hợp với GHTK in ấn và trưng bày lên xe máy giao hàng. Trong suốt một tuần (từ ngày 14.12 đến 20.12.2024), những áp phích này đã đồng hành cùng các anh shipper trên hành trình làm việc thường nhật, mang nghệ thuật đến mọi cung đường. Áp phích, sự chuyển động của xe máy GHTK, phong cảnh thành phố, hành vi của người giao hàng và ứng xử của cư dân thành phố cùng tạo nên những lớp ý nghĩa đan xen để định hình ý tưởng nghệ thuật đặc biệt.

Ảnh: Hoàng Nguyễn. Nguồn: Heritage Art Space
Ảnh: Hoàng Nguyễn. Nguồn: Heritage Art Space

Chia sẻ cuối dự án, giáo sư-nghệ sĩ Ingo Vetter cho biết: “Điều quan trọng đối với chúng tôi [nhóm điều hành] là tái tạo sự giao tiếp giữa nhóm làm việc tại Bremen và Hà Nội, cũng như trao đổi nghệ thuật về ‘Chuyển động’, dưới một hình thức tích hợp trở lại vào tính di động của địa điểm tiếp nhận. Loạt áp phích, được vận chuyển khắp Hà Nội cùng với các tài xế giao hàng, là một kết quả tuyệt vời và chúng tôi rất hài lòng với nó”.

Lời kết:

Nhìn nhận lại công việc của nghệ sĩ trong Tháng Thực hành Nghệ thuật 2024 – “Vật đổi, Nơi dời”, ta thấy các ý tưởng và thái độ khác nhau về chủ đề “Chuyển động” được đồng thời hiện diện trong nghệ thuật và thông qua nghệ thuật. Nghệ thuật mở ra vô vàn khả thể cho hiện diện của các thực hành, vừa song hành vừa phản biện sâu sắc những vấn đề tưởng chừng đã quen thuộc, tạo ra tầng tư duy và nhận thức mới mẻ cho cả chính nghệ sĩ và công chúng. Tiếp nối thành công của MAP 2024, năm cuối cùng (2025), với chủ đề “Điểm đến?”, tác động của chuyển động sẽ trở thành trọng tâm nghiên cứu, với các dự án nghệ thuật tập trung vào dòng chảy tư tưởng, di chuyển quốc tế của hàng hóa, di cư, và các yếu tố phi nhân loại.

Trần Thu Thảo