Lưu diễn Mai- Marai từ dự án bảo tồn văn hóa Chăm Hagait Ni

Mai-Marai trong tiếng Chăm có nghĩa là “về – đến” còn ‘Hagait Ni’ được phiên âm ra theo ngôn ngữ nói hàng ngày của người Chăm, dịch sang tiếng Việt là “Gì đây?!”. Tên của lưu diễn cũng như dự án mang theo mong ước của các nghệ sĩ nhạc Chăm trẻ trong quá trình tự vấn về nguồn cội và tham chiếu các loại hình nghệ thuật đương đại để có được một định vị mới cho nhạc Chăm trong bối cảnh hiện đại.

“Dắt ưu phiền vào trong dòng nhạc lạ,

Có những câu chuyện phải ghi lòng tạc dạ.”

Quan niệm rằng ngôn ngữ âm nhạc là ngôn ngữ chung của mọi thế hệ và dân tộc, Hagait Ni mượn âm nhạc như một cách bảo tồn văn hóa và mở rộng kết nối của văn hoá Chăm. Dự án Lưu trữ và Phát triển Âm nhạc Chăm Hagait Ni là một trong bốn dự án trong khuôn khổ Quỹ Hỗ trợ nhỏ – Di sản Văn hóa và Phát triển bền vững của Hội đồng Anh Việt Nam. 

Kết hợp âm nhạc truyền thống với lối trình hiện mang cảm thức của trình diễn đương đại, Hagait Ni hướng đến ba mục tiêu bao gồm: bảo tồn các giá trị âm nhạc truyền thống, truyền tải văn hóa Chăm đến các cộng đồng bên ngoài; tìm tòi những khả năng cho âm nhạc Chăm có thể mở rộng hơn ngoài phạm vi tín ngưỡng nói riêng và cộng đồng Chăm nói chung; và thúc đẩy nhận thức cũng như truyền cảm hứng đến các bạn trẻ Chăm liên quan đến sự bảo tồn văn hóa, di sản dân tộc. Thông qua mô hình đàm thoại cả trong thực hành biểu diễn lẫn trong các hoạt động vệ tinh nhấn mạnh vào chia sẻ tri thức cùng thực hành nhạc Chăm, Hagait Ni mang lại một hình dung mới cho nhạc Chăm vốn chỉ được biết đến một cách sơ khai qua các hoạt động du lịch. 

Với buổi diễn mới đây tại Nha Trang vào ngày 15/7 thu hút khán giả trong và ngoài địa phương, Lưu diễn Âm nhạc – Múa Chăm Mai-Marai lần này chính là giai đoạn hai của dự án. Nếu giai đoạn trước các nghệ nhân Chăm tập trung vào các tác phẩm truyền thống trước khi ứng tác với nghệ sĩ khách mời thì trong vở diễn lần này, dự án có sự thay đổi về phương pháp tập luyện.

Các nhóm nghệ nhân, nghệ sĩ Chăm sẽ chia từng cụm ngôn ngữ âm nhạc truyền thống để ứng tác với từng cụm khí nhạc của các nghệ sĩ khách mời. “Mai – Marai” như vậy mang đến cuộc đối thoại không chỉ dừng lại trong khuôn khổ chương trình mà còn về các khả thể trong lưu trữ và phát triển văn hoá truyền thống, nói lên tiếng lòng của thế hệ trẻ Chăm trong ý thức bảo tồn giá trị truyền thống dân tộc, đặc biệt là âm nhạc Chăm trong xã hội hiện đại ngày nay. 

Trình diễn Mai-Marai không chỉ đơn giản là một buổi diễn âm nhạc thụ động bao gồm người diễn và người nghe. Ngược lại, các nghệ sĩ trình diễn còn kiến tạo những không gian tương tác mà hình ảnh – âm thanh song hành giúp người nghe thấm thía hơn tính thiêng của loại hình âm nhạc này. Những trải nghiệm này dường tiệm cận những tác phẩm nghệ thuật không gian chìm đắm, đậm tính đương đại. 

Đoạn đầu của Mai – Marai là một quá trình tương tác âm thanh – hình ảnh với phần ứng tác chiếu bóng của hai nghệ sĩ Xuân Thành và Hoài Thương. Qua nhiều hồi diễn các nghệ sĩ dần lật giở những hồi ức riêng, dẫn dắt chúng ta đi theo từng câu chuyện một được kể bởi âm nhạc. Phần chiếu bóng này chính là một sáng tạo mới với nhiều tiềm năng khai thác, phát triển tiếp tục. Mô hình này cũng là một giải pháp để đảm bảo khả năng kết nối của khán giả với âm nhạc cũng như căn tính Chăm.

Từ góc nhìn của nghệ sĩ Thương Lê, cô cho rằng: “Yếu tố ánh sáng ở đây mang đến cảm gíac tâm linh của một văn hoá: khi bóng của bà, bóng điệu đà phía sau tấm màn hiện lên cùng âm thanh trong bóng đêm và ánh sáng bắt đầu phát ra từ nhạc cụ, chum nước,… mọi thứ trở nên cô đặc vào màu sắc đặc trưng đỏ, trắng để lại một trạng thái tinh khiết và cực đoan.” Sau đó hành trình đi vào miền hoang vu huyền hoặc của ta tiếp tục, khi âm nhạc vang lên rộn ràng hơn trong ánh sáng lấp loá, mơ màng, và bóng với người như trở thành một.

Với sự nghiên cứu tìm tòi, đối thoại với các thực hành khác kết hợp với nỗi đau đáu về nguồn cội từ các nghệ sĩ âm nhạc – múa Chăm trẻ, Mai-Marai thể hiện một bình diện mới của nhạc Chăm trong những giao thoa văn hoá giữa nghệ thuật đương đại giàu tính thể nghiệm và thực hành âm nhạc – múa truyền thống. Lưu diễn âm nhạc – múa chăm Mai-Marai như vậy mang theo hi vọng về một kiếp sống mới không chỉ cho âm nhạc Chăm mà còn là các loại hình văn hóa – nghệ thuật truyền thống địa phương thông qua sự sáng tạo học hỏi, thực hành trong bối cảnh cộng hưởng văn hoá đương thời. 

            Kết lại bài viết này, tôi muốn mượn ý tứ của Khúc hát ru dân ca Chăm “Thei Mai”: 

“Ai về,

Ai đến,

… từ xa xa?

Hỡi người tình!”

Để nhấn mạnh rằng sự kết nối này, kiếp sống này của âm nhạc và múa Chăm không chỉ được tiếp diễn trong bình diện của tri thức văn hoá, hay nghệ thuật, mà còn là những mối lương duyên thân tình giữa người và người. Vì cuối cùng, xin mượn lời những người làm nên dự án, âm nhạc chính là ngôn ngữ đặc biệt, có thể biến người quen thành lạ và phải được hiểu bằng cả trái tim.


Ngày 5/8/2024, chuyến lưu diễn Mai – Marai sẽ có thêm một đêm diễn nữa tại Phố Bên Đồi, Đà Lạt.

Người viết: An Tử

Hình ảnh: Lâm Hiếu Thuận từ Dự án Hagait Ni