Xuất phát từ việc cộng đồng dần thể hiện tính cạnh tranh khắc nghiệt, nhưng không loại trừ việc phụ thuộc lẫn nhau về mặt xã hội và văn hóa để chứng minh những đặc thù của mình, từ đó, một dạng thức của căn tính cá nhân xung đột và khủng hoảng giữa những hệ giá trị bám rễ vào con người và những chuẩn mực trong không gian hiện tại xuất hiện – được gọi là “khủng hoảng văn hóa” (culture crisis). Sự khủng hoảng này len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống, từ nghệ thuật, thời trang đến đời sống thường nhật.
Triển lãm Alice ở đường hầm thời gian tại The Outpost
Trong công trình “The Media and Modernity: A Social Theory of the Media”, John B. cho rằng: “Khủng hoảng văn hóa (culture crisis) là một giai đoạn gián đoạn và chuyển đổi đáng kể trong các thực hành, hệ giá trị và chuẩn mực văn hoá của một xã hội, xuất phát từ những biến đổi nhanh chóng về mặt xã hội, kinh tế hoặc công nghệ gây ra. Sự khủng hoảng này có thể dẫn đến cảm giác mất phương hướng hay mất ý nghĩa trong các thành viên của xã hội, khi các khuôn khổ văn hoá truyền thống không còn đủ khả năng giải quyết những thực tế mới”. (1995, tr. 260)
Đối với nghệ thuật, nhà triết học Arendt từng viết: “Yếu tố chung kết nối nghệ thuật và chính trị là chúng đều là những hiện tượng thuộc về thế giới công cộng”. Cả nghệ thuật và văn hóa đều đại diện cho một trong số ít lĩnh vực trong xã hội – nơi mọi người có thể cùng nhau chia sẻ những trải nghiệm, thậm chí khi họ có những góc nhìn hoàn toàn khác biệt về thế giới. Có thể thấy, việc tiếp xúc và ma sát với nghệ thuật – với những người khác thông qua nghệ thuật, có thể giúp chúng ta thêm đồng cảm và mở rộng nhận thức về bản thân, để ta thật sự thấy rằng sự hiện diện của cá nhân đối với thế giới đều có những tác động cụ thể.
Như trong một lần bị kiểm duyệt tranh ở Sông Hồng Gallery, nghệ sĩ thị giác Trương Tân khi được công an hỏi tại sao lại sáng tác những tác phẩm để người ta viết trên báo như thế. Anh đáp: “Đấy là quyền và trách nhiệm của họ. Còn tranh tôi đây, như thế này mà sao họ viết thế kia. Người đọc cũng phải có trách nhiệm sàng lọc thông tin”. Anh cho rằng, dù có theo xu hướng tính dục nào thì con người vẫn là con người – còn phải đấu tranh nghĩa là mình còn yếu thế – anh chẳng hơi đâu đi đấu tranh làm gì.
“Xin lỗi” của Trương Tân thay thế cho tranh bị kiểm duyệt tại Gallery Sông Hồng, Hà Nội, 1995.
Vì lẽ đó mà việc đánh mất lý tưởng nghệ thuật cũng chính là một biểu hiện của sự khủng hoảng văn hóa nói chung và khủng hoảng nghệ thuật nói riêng. Bởi lẽ, nếu không xác định được đúng tâm thế thì người thực hành nghệ thuật sẽ khó mà xác định được mục tiêu sáng tạo. Các thực hành luôn là một sự để ngỏ của sự sáng tạo để hướng đến những giá trị, phong cách nghệ thuật mới. Tuy nhiên, dù ở đề tài nào, nghệ thuật luôn hướng về những giá trị nhân văn và sự hoàn thiện về mặt thẩm mỹ. Dẫu biết người nghệ sĩ – dù không thể thoát khỏi ‘xu hướng’ hay thị hiếu – song họ cũng phải đấu tranh với những thị hiếu dễ dãi, phải thực hành vì khát vọng nhân văn và nghệ thuật.
Tác phẩm Becoming Alluvium. Ảnh: Phan Thảo Nguyên/Han Nefkens Art Foundation/Tate St Ives
Giờ đây, sự xung đột ấy lại xuất phát từ việc cái tôi của người nghệ sĩ bị thổi bạt trước cơn lốc của thị trường. Hay nói cách khác, những thực hành nghệ thuật giờ đây dường như bị ảnh hưởng quá lớn bởi thị trường nghệ thuật và chức năng xã hội của người nghệ sĩ cũng không còn như xưa nữa. Như nghệ sĩ Trần Lương từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn: “Xu hướng phát triển xã hội lệch: khu vực hạ tầng tri thức hàn lâm bị bỏ ngỏ, trong khi cuộc sống vật chất được tôn vinh nên chỉ một số ít nghệ sĩ trẻ đứng vững được, phần đông tự điều chỉnh theo hướng văn hoá pop ngoại lai để dễ bề đại chúng trong môi trường mặt bằng văn hoá thấp và mang tính giải trí.”
Nghệ thuật vẫn thường có những khuynh hướng, những trào lưu rộ lên rồi lại chìm. Với những trào lưu, khuynh hướng do nhu cầu của chính nghệ thuật đòi hỏi, tuy mất đi nhưng nó vẫn để lại một cái gì đấy. Chẳng hạn như những trào lưu nghệ thuật từ Siêu thực, Ấn tượng, Phi lý cho đến Hậu Hiện đại,… và cả những ‘biến tướng’ của nó trong nghệ thuật. Mặt khác, có những xu hướng phát triển để thích nghi với bối cảnh thị trường một cách nhanh chóng, song đến khi thoái trào, lại không có gì để lại.
Không chỉ trong lĩnh vực hội họa, âm nhạc cũng đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của những phong trào nhạc trẻ hiện nay. Khán giả yêu nhạc đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: từ nghi ngại ban đầu, chuyển sang bực bội, và giờ đây là sự thờ ơ, chán nản. Họ dần quay lưng với những dòng nhạc thịnh hành, tìm kiếm cho mình những giá trị âm nhạc đích thực. Hệ luỵ của những trào lưu âm nhạc nhất thời, thiếu định hướng, tiếp nhận văn hoá ngoại lai thiếu chọn lọc đã khiến cho dòng nhạc này khó có thể tạo nên những ca khúc, tên tuổi nghệ sĩ có sức sống mãnh liệt và có vị trí nhất định trong lòng người nghe.
Một phân cảnh trong “Culi Never Cries” – Bộ phim độc lập gây tiếng vang lớn tại thị trường phim Quốc tế
Nền điện ảnh, một lĩnh vực nghệ thuật có sức ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần, cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực của khủng hoảng văn hóa. Biểu hiện rõ nét nhất chính là sự xuất hiện tràn lan của những tác phẩm điện ảnh mang tính “ăn liền”, phục vụ thị hiếu nhất thời mà thiếu vắng giá trị nghệ thuật và chiều sâu tư tưởng. Giờ đây, khán giả thường “bỏ ngỏ” những bộ phim được sản xuất một cách nhanh chóng, thiếu sự đầu tư, dẫn đến sự giảm sút về mặt nội dung, thiếu tính sáng tạo và giá trị nhân văn. Hình ảnh phim cũng thiếu sự chăm chút, kỹ xảo sơ sài, lòe loẹt, gây phản cảm cho người xem. Hậu quả tất yếu là khán giả dần quay lưng với dòng phim này, điện ảnh thiếu hụt tác phẩm nghệ thuật giá trị, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống văn hóa chung.
Ngành thời trang cũng không nằm ngoài vòng xoáy tranh luận về vấn đề khủng hoảng văn hóa. Bởi lẽ, nhiều nhà thiết kế vẫn thường chọn văn hoá đặc trưng của các quốc gia để khai mở cảm hứng thiết kế vì văn hoá luôn là cầu nối bền vững để gắn kết những cá nhân giữa các quốc gia, sắc tộc lại với nhau. Song, như đã đề cập từ trước, dưới sức ép của dòng chảy hiện đại, nhiều thương hiệu vô tình chạy theo xu hướng mà bỏ quên những giá trị cốt lõi của văn hoá.
Thiết kế mũ được cho rằng xúc phạm đến Tôn giáo văn hóa Trung Đông đến từ Gucci
Điển hình là vụ việc Gucci vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội vì thiết kế áo len mang hơi hướng phân biệt chủng tộc vào tháng 2/2019. Hãng buộc phải công khai xin lỗi và gỡ bỏ sản phẩm khỏi hệ thống bán lẻ. Tiếp nối là sai lầm của ca sĩ Katy Perry khi ra mắt thiết kế giày mô phỏng gương mặt người da đen, khiến cô hứng chịu nhiều ý kiến phản đối.
Hai mẫu giày do Katy Perry thiết kế vướng scandal chế nhạo người da đen
Trước những biến đổi của thời đại, khủng hoảng văn hoá xuất hiện như một hiện tượng khả dĩ mà bất kỳ cá thể nào cũng có thể đối mặt. Đây vừa là thách thức cũng chính là cơ hội để mỗi cá nhân soi chiếu và tái định vị giá trị bản thân, thích nghi và góp phần kiến tạo một nền văn hoá mới – phù hợp với dòng chảy thời đại. Khi xã hội trở nên phức tạp với những luồng thông tin được truyền tải nhanh chóng, con người ít nhiều đã nhận thức rõ ràng về sự tự do trong tư duy cá nhân, thì những hình thức nghệ thuật nói riêng và thiết chế văn hoá nói chung cũng cần được chọn lọc kỹ lưỡng, có tầm nhìn và định hướng lâu dài.