Lụa: Dung môi hoà tan thực và ảo trong nghệ thuật đương đại

Từ chiều dài lịch sử nói chung và lịch sử nghệ thuật nói riêng, hình ảnh người châu Á xuất hiện lộng lẫy, mềm mại nhưng huyền bí trong mắt người phương Tây đại diện bởi lụa, đối lập với niềm tự hào da thuộc cứng rắn của họ. Chất liệu này len lỏi vào đời sống và đạt đến đỉnh cao của sự quý phái trong xã hội châu Á rồi đến người châu Âu cũng phải thèm khát bởi quá trình hình thành, xử lý cầu kỳ khác với các loại vải vóc. 

Đoàn Văn Tới, Vượt qua vượt qua (Gate Gate) #8, 2022

Ngoài phục vụ cho các tầng lớp quý tộc, vua chúa, vải lụa tuy trông yếu ớt nhưng lại như một nhân chứng khi được các giới tinh hoa, nghệ sĩ ở Trung Quốc, Nhật, Hàn và Việt Nam sử dụng để ghi chép và lưu giữ các chứng cứ lịch sử của thời đại. Xử lý nghệ thuật trên lụa cũng đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sự tinh tế để có thể uốn các nét cọ nhịp với bột màu tự nhiên tạo nên hình thái mong muốn trên bề mặt mỏng manh của lụa.

Dòng tranh lụa có thể xem như đối kháng không trực tiếp với tranh sơn dầu phương Tây, mỗi dòng tranh đại diện cho nền văn hoá tương ứng. Hai dòng tranh này chưa bao giờ có sự hiềm khích vì khác nhau về nhiều tính chất. Nhưng trái với sự phổ biến toàn diện lên toàn châu lục của sơn dầu, tranh lụa lại phải chịu sự đứt đoạn bởi các mâu thuẫn lịch sử, sụp đổ giữa các quốc gia. Ngoài ra việc Trung Quốc “bế quan tỏa cảng” cũng khiến thế giới khó tiếp cận được với dòng tranh này cũng như ghi nhận vào lịch sử nghệ thuật.

Hoàn cảnh như thế nhưng quy luật phát triển cũng như sự tò mò của các nghệ sĩ cũng đã sử dụng lụa theo các cách diễn đạt hội hoạ hiện đại hơn và đầy tính ý niệm phù hợp với sự thay đổi toàn cầu. Lụa trở nên dễ tiếp cận hơn, Andy Warhol của Mỹ sử dụng chất liệu này vào in ấn đưa vào nghệ thuật đại chúng. Danh hoạ Trương Đại Thiên của Trung Quốc phá bỏ những giới hạn truyền thống về cách vẽ trên lụa, đưa sự táo bạo của hội hoạ ấn tượng phương Tây vào đẩy mạnh tính huyền ảo của loại vải này. Những cách tiếp cận hiện đại này của những nghệ sĩ tên tuổi đã cho thấy sự linh hoạt của lụa, dù là màu acrylic khô nhanh hay màu tự nhiên ẩm ướt đều thẩm thấu dễ dàng và thể hiện sắc độ vô cùng tinh tế. Các tác phẩm của 2 nghệ sĩ này cũng đã được thành công cả về mặt thị trường khi bức tranh in lụa “Shot Sage Blue Marylin” của Warhol đạt 150 triệu đô la còn Trương Đại Thiên lập kỉ lục với “Landscape after Wang Ximeng” lên đến 47 triệu đô.

Zhang Daqian (Chang Dai-chien, 1899-1983), Landscape after Wang Ximeng
Andy Warhol’s “Shot Sage Blue Marilyn” (1964)

Trong bối cảnh lịch sử Việt Nam, lụa rất quan trọng. Nếu thế hệ trước rập khuôn và bị đóng khung trong việc vẽ lụa vào những phong cảnh bình yên chưa đột phá, thì các thế hệ nghệ sĩ đương đại tiếp nối tinh thần khai phá đang diễn ra trên toàn cầu. Không còn bị gò vào những cảnh quan đơn thuần hay ghi chép lịch sử, sự mỏng manh của lụa còn như tấm màn ngăn xuyên thấu giữa thực và ảo. Chất liệu cùng với kỹ thuật truyền thống kết hợp với nhu cầu bộc lộ ý niệm đẩy dòng tranh đạt được sự phức tạp trong biểu đạt thị giác.

Người Việt Nam nói riêng hay người châu Á nói chung còn chịu ảnh hưởng nền văn hoá tâm linh phật giáo nên sự hiền hoà, vị tha của lụa còn biểu đạt rất tốt tính chánh niệm trong các tác phẩm. Tiêu biểu nghệ sĩ Lê Thuý, sinh sống và thực hành nghệ thuật ở Hội An dùng lụa kết hợp ở sơn mài như là một nhân chứng cho những sự kiện đương thời qua lăng kính cá nhân. Chị can đảm đưa các yếu tố tâm linh đối kháng khó chịu rồi khéo léo thay đổi cách xem tranh lụa khi ứng dụng vào các khổ lớn cũng như sắp đặt của mình. Nghệ thuật đương đại cần có những cú sốc thị giác để khiến người xem ngẫm và nghĩ về thực tại thay vì làm hài lòng hay thỏa hiệp.

Ẩn hiện giữa các quan cảnh phong ảnh thiên nhiên hữu tình vốn quen thuộc với dòng tranh lụa, Lê Thuý đặt trọng tâm sự sống con người làm trọng tâm. Trong tác phẩm “The Ambassadors” của danh hoạ Hans Holbein the Younger, yếu tố sự sống và cái chết được đưa vào gián tiếp thể hiện tầm nhìn nghệ thuật vượt thời đại. Cùng trăn trở, Lê Thuý biểu đạt sự hành quân của cái chết dưới dạng 4 tấm bình phong tượng trưng cho 4 mùa trong tác phẩm “Nước tôi dân tôi”. Bức bình phong dựng đứng có thể xem được 2 mặt, khi thay đổi góc nhìn có cảm giác như các bộ xương đang di động. Số 4 cũng đồng nghĩa với tử như muốn nói rằng cái chết luôn hiện hữu. Nghệ sĩ thể hiện sự lo lắng và phê phán về xã hội hiện đại nhưng cũng không quên ca ngợi sự sống bằng màu đỏ chủ đạo, một màu sắc ít phổ biến trong dòng tranh này.

Lê Thúy, “Nước tôi dân tôi”, 2022

“Lụa như một tấm màn sân khấu để người xem tưởng tượng tới bối cảnh nơi xuất thân con người. Khi vén tấm màn sân khấu hoặc sự thấu sáng mờ ảo của chất liệu làm cho mọi việc đều trở nên mơ hồ, và kịch tính tới khi tận mắt chứng kiến, hoặc nghe thấy sự việc diễn ra,  người xem cũng khó có thể tin vào mắt mình”. Nghệ sĩ Lê Thuý chia sẻ.

Nghệ sĩ Đoàn Văn Tới ở Hà Nội lại chọn cách tiếp cận khác khi quan tâm đến nội tâm con người. Anh khai thác sự trần trụi của những cảnh tắm tiên ở sông Hồng để lột tả sự đồng nhất giữ con người với tự nhiên. Trong loạt tác phẩm của anh, 2 phần cảnh và người được tách bạch. Anh sử dụng các loại vải thêu hoa trong chợ Hà Nội làm nền, rồi tận dụng sự xuyên thấu của lụa để làm phần người cho tranh. Việc lượm nhặt và áp dụng các chất liệu làm sẵn “readymade” vào tác phẩm là rất phổ trong nghệ thuật từ hiện đại đến đương đại. Phần người được vẽ lên anh hoàn toàn chủ động tạo nên các bố cục có phần siêu thực hòa vào sự phi kiểm soát trên nền vải thêu công nghiệp. Màu sắc của nền vải rực rỡ đại diện một phong cách đại chúng của đời sống Việt Nam nhưng được tiết chế lại bằng lớp lụa trong suốt mà vẫn tạo được sự độc đáo. Đứng trước các tác phẩm, người xem không khó để tìm đến sự thiền định giữa hai dòng thực và ảo đã đi sâu vào đời sống của nghệ sĩ Văn Tới.

Đoàn Văn Tới, Vượt qua vượt qua (Gate Gate) #8, 2022
Đoàn Văn Tới, Vượt qua vượt qua (Gate Gate) #8, 2022

“Khi quan sát sự chồng lớp dưới nhiều góc độ khác nhau ta thấy chúng chuyển biến và thích nghi khách quan, thiên nhiên và con người phản ánh qua nhau cũng tương tự như vậy. Cách tổ chức ngẫu nhiên và kỹ thuật thêu không chuyên cùng với cách vẽ của tôi giúp việc triển khai suy tư về những ẩn dụ trong văn hóa truyền thống Phương Đông kết nối với đời sống đương đại nhiều biến động, mở ra một cách tiếp cận xuyên suốt và trực tiếp.”

Bài: Tam Tam