Bauhaus – “Toà nhà” hiện đại của nghệ thuật thế giới (phần 2)

Không chỉ là ngọn cờ đầu của chủ nghĩa hiện đại Đức, Bauhaus đã phát triển mô hình đào tạo nghệ thuật mới, chú trọng vào tính ứng dụng và lấy kiến trúc làm trọng tâm.

Chiến tranh Thế giới thứ nhất qua đi thôi thúc đội ngũ nghệ sĩ Đức tìm kiếm một “căn cước” mới cho nền nghệ thuật nước nhà. Trong bối cảnh đó, Bauhaus của Walter Gropius ra đời đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ trong đào tạo và sáng tạo nghệ thuật. Trong kỳ này, Art Republik Vietnam sẽ cùng bạn khám phá những điều thú vị trong các lớp học của Bauhaus.

Tuyên ngôn Bauhaus

Năm 1919, ông công bố Tuyên ngôn Bauhaus, mở đầu bằng câu: ‘Mục tiêu cuối cùng của mọi hoạt động nghệ thuật là xây cất!* Cũng trong tuyên ngôn này, ông tỏ rõ quan điểm không đồng tình với tư duy “nghệ thuật vị nghệ thuật.” Theo ông, cho dù đó là ở lĩnh vực nào thì người sáng tạo nghệ thuật cũng phải đối mới cách nhìn vào ‘công trình xây cất’ của mình, từ phận đến toàn thể. Khi đó, tác phẩm của họ không chỉ đơn thuần dùng để trưng bày (‘Salonkunst’).

Trang bìa Tuyên ngôn Bauhaus do Lyonel Feininger thiết kế. Nguồn: Harvard Art Museums

Trong tuyên ngôn này, Gropius cũng đặt sáng tạo nghệ thuật và chế tác thủ công ngang hàng với nhau. Ông xác định cốt lõi chương trình học của Bauhaus là ‘Gesamtkunstwerk’ (sáng tạo nghệ thuật toàn thể). Dưới góc nhìn của Gropius, các nhánh nghệ thuật trước đây quy tụ thành một khối dưới mái nhà chung là kiến trúc. Các lớp học của Bauhaus ở Weimar và Dessau dưới thời Gropius luôn được xây dựng với tinh thần này.

Lớp đại cương

Trong học kỳ đầu tiên, các học viên mới của Bauhaus sẽ theo một khoá đại cương, gọi là Vorkurs hay Vorlehre. Các lớp này chủ yếu do Johanness Itten chủ trương và trực tiếp giảng dạy. Trong vòng nửa năm theo, các học viên của lớp đại cương sẽ được hướng dẫn những điều căn bản nhất như các lý thuyết về màu sắc và hình khối, các nguyên lý về bố cục, và khảo sát chất liệu. Trong đó, Itten đặc biệt chú trọng vào luyện vẽ.

Sơ đồ chương trình đào tạo của Bauhaus, với vòng ngoài là lớp đại cương và tâm điểm là Bau – “Xây cất.”
Nguồn: Bauhaus-Archiv

Đến năm 1923, László Moholy-Nagy thay thế Itten giám sát các lớp đại cương. Thay vì vẽ tranh, Maholy-Nagy chuyển trọng tâm các lớp này sang hình khối. Các khái niệm kiến trúc cũng được đưa vào sớm hơn so với thời của Itten. Các tên tuổi như Paul Klee, Wassily Kadinsky, hay Josef Albers cũng tham gia dạy các lớp đại cương ở các nội dung khác nhau. Đến khi Hannes Meyer thế chỗ Gropius, các lớp đại cương này lại càng được mở rộng và định hình rõ nét hơn.

“Khởi động buổi sáng” trong một lớp đại cương của Itten.
Nguồn: Design and Form: The Basic Course at Bauhaus (1964) của Johannes Itten

Các lớp đại cương là một trong những điểm nhấn nổi bật nhất trong chương trình đào tạo của Bauhaus. Bản thân Gropius xem đây là một trong những tiên quyết để đào tạo một “người xây” giỏi. Vào năm 1955, ông viết: “Khi học viên thuần tuý đã sẵn sàng định hình một tổng quan về đời sống, trước tiên họ nên nhận được cái nhìn chung về những khả năng biểu đạt đa dạng mở ra trước mắt mình”.

Xưởng chế tác

Sau khi hoàn thành các lớp đại cương, học viên sẽ tiếp tục tiến đến vòng thứ hai trong sơ đồ đào tạo của Bauhaus – thực hành trong các xưởng chế tác. Đây là cách nhà trường giúp học viên rèn luyện tay nghề và thử nghiệm với các màu sắc, bố cục, công cụ, và chất liệu. Học viên còn được học về typography, thiết kế sân khấu…

Những người phụ nữ của Bauhaus (chủ yếu đến từ xưởng dệt) trên cầu thang biểu tượng của ngôi trường này ở Dessau.
Ảnh do Oskar Schlemmer
(dạy tại Bauhaus từ 1923 đến 1929)
chụp năm 1927.

Gropius đặc biệt coi trọng các xưởng chế tác này. Trong tuyên ngôn, ông cho rằng mọi nghệ sĩ trước hết phải biết chế tác, để trong những phút thăng hoa, họ cho ra những tác phẩm xuất sắc. Do đó, chế tác thuần thục ‘mới là gốc rễ đích thực của thiết kế sáng tạo.’ 

Sau khi hoàn thiện kỹ năng và kiến thức trong xưởng chế tác, học viên sẽ bước vào trình độ cao nhất trong chương trình đào tạo của Bauhaus – “Xây cất”, điều mà Gropius đã xác định ngay từ đầu trong tuyên ngôn. Chương trình đào tạo ở trình này được đặc biệt hoàn thiện dưới thời Ludwig Mies van der Rohe làm hiệu trưởng. Học viên sẽ được đào sâu về kiến trúc và các vật liệu xây dựng.

Những bữa tiệc Bauhaus

Bên cạnh các lớp học chính khoá, Bauhaus còn tổ chức nhiều hoạt động để sinh viên có cơ hội thể nghiệm các kiến thức đã học. Các hoạt động chủ yếu được thực hiện dưới dạng các bữa tiệc nhỏ. Khi tham gia, học viên khoác lên mình những thiết kế phá cách của chính mình. 

Diễn ca Bộ ba (Triadisches Ballett) của Oskar Schlemmer với các thiết kế mang dấu ấn hình học. Những thiết kế này rất phổ biến trong các bữa tiệc của Bauhaus.
Nguồn: Aitor Merino Martínez

Mỗi bữa tiệc thường sẽ có một chủ đề riêng để học việc dựa vào đó để sáng tạo: Bộ râu, Lễ hội Mũi và Tim, Lễ hội Trắng, hay Lễ hội Kim loại. Các tiệc này càng có ý nghĩa quan trọng với học viên các xưởng chế tác về dệt may và thiết kế sân khấu. Các bữa tiệc không chỉ thu hút sự chú ý của nội bộ trường Bauhaus, mà còn gây tiếng vang đến toàn giới nghệ sĩ cấp tiến đương thời.

Từ các lớp đại cương, sang các xưởng chế tác, cộng thêm các hoạt động ngoại khoá, học viên của Bauhaus luôn được khuyến khích học viên định hỉnh phong cách cho riêng mình, thay vì chỉ sao chép những hình mẫu kinh điển mà các học viện nghệ thuật đương thời vẫn áp dụng. Dù sau Gropous, các hiệu trưởng khác như Hannes Meyer hay Ludwig Mies van der Rohe đã mở rộng và điều chỉnh chương trình đào tạo này, song những giá trị cốt lõi của nó vẫn không thay đổi. Nhờ vậy mà Bauhaus luôn duy trì tinh thần sáng tạo cấp tiến của mình. Trong kỳ sau, Art Republik Vietnam mời bạn cùng ngồi vào bàn học để cùng khám phá một số lý thuyết nổi bật được giảng dạy ở Bauhaus.

—————–

* Nguyên văn: ‘Das Endziel aller bildnerischen Tätigkeit ist der Bau!’ Từ der Bau trong tiếng Đức có nhiều cách dịch: việc xây cất, việc tạo dựng, hoặc cũng có thể chỉ một một toà nhà, một cấu trúc. Tên gọi Bauhaus (‘nhà xây’) cũng từ đây mà ra.