Loki và Thẩm mỹ “tương lai nhìn từ quá khứ”

Loạt phim Loki trên Disney+ không chỉ có gây chú ý về mặt nội dung và diễn xuất. Thiết kế sản xuất của phim còn chịu nhiều ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại của nửa sau thế kỷ 20.

Ngày 5 tháng 10 vừa qua, loạt phim Loki của Marvel chính thức trở lại với mùa hai. Một trong những yếu tố thu hút sự quan tâm của khán giả trong lần trở lại này là thiết kế sản xuất đặc sắc của loạt phim. Chúng không chỉ làm nổi bật bối cảnh câu chuyện mà còn liên hệ đến những phong cách kiến trúc hiện đại, đồng thời gợi nhớ đến các tác phẩm điện ảnh tiêu biểu.

Trong loạt phim này, nhân vật Loki bị đưa ra xét xử một tổ chức tên là Cục Quản lý Thời gian (TVA). Về sau, anh phát hiện bản chất thật sự của tổ chức này là “tỉa” các dòng thời gian khác để bảo vệ một dòng thời gian chủ lưu. Anh cùng Sylvie, một biến thể của chính mình, để tìm đến người đứng đầu TVA, từ đó giải thoát cho các dòng thời gian khác và mở ra đa vũ trụ cho Marvel.

Là một tổ chức nằm ngoài thời gian nhưng lại quản lý thời gian, TVA mang đến khán giả ấn tượng về sự cũ kỹ, nhưng đồng thời cũng phảng phất tính hiện đại – một kiểu hiện đại đã lỗi thời. Do đó, Kasra Farahani, người phụ trách thiết kế sản xuất cho Loki, đã chọn chủ nghĩa hiện đại của những năm 1960-1980 làm thẩm mỹ chủ đạo.

TVA vận hành theo hình thức chuyên chế. Để khắc hoạ tính chất này, đội ngũ dàn dựng đã lấy cảm hứng từ các kiến trúc của chủ nghĩa thô mộc (brutalism). Phong cách này phát triển mạnh ở châu Âu từ những năm 1950, với đặc điểm chính là tính tối giản trong thiết kế, không ngại phơi bày sự thô sơ của chất liệu. Ngoài ra, các kiến trúc này thường có nhiều khối cột lớn, tạo ra tổng thể có quy mô khổng lồ. Khi mới hình thành, chủ nghĩa thô mộc gắn liền với các dự án nhà an sinh xã hội ở Tây Âu. Đến những năm 1980, các kiến trúc này lại đặc biệt phát triển ở Đông Âu và Liên Xô. 

Trong mùa thứ nhất của Loki, chủ nghĩa thô mộc ra ngay từ những cảnh đầu tiên tại TVA, khi nhân vật chính bước vào phòng chờ xét xử. Màu vàng cam chủ đạo gợi nhớ các công trình kiến trúc Stalin ở Nga, trong khi trần nhà với những ngọn đèn tròn san sát được quay tại toà nhà Breuer Building (còn gọi là 945 Madison Avenue), công trình thô mộc hiếm hoi tại thành phố New York.

Không gian bên ngoài các toà nhà của TVA cũng được lấp kín các công trình hiện đại. Các công trình chen chút nhau, không còn tách biệt giữa mặt đất và bầu trời. Trả lời tờ The Atlantic (Mỹ), Kate Herron, đạo diễn của Loki chia sẻ về hình dung của cô: “Đây không phải một hành tinh. Không có mặt trời. Ở một khía cạnh nào đó, nơi đây gần như là một thành phố văn phòng như Vegas”. Với ý tưởng đó, ngoại cảnh TVA được lấy cảm hứng từ nhiều siêu đô thị khác nhau, trong đó có cả thiết kế khu vực đô thị Los Angeles của kiến trúc sư Mỹ Frank Lloyd Wright vào năm 1925.

Phác thảo trung tâm Los Angeles của Frank Lloyd Wright
Nguồn: Smithsonian Magazine

Một yếu tố nữa góp phần tô đậm sự nghịch hợp hiện đại – hoài cổ trong Loki là âm nhạc. Để chuẩn bị cho nhạc nền của phim, nhạc sĩ Natalie Holt dùng đến theremin. Đây là nhạc cụ avant-garde tiêu biểu, thậm chí có chút siêu thực khi nhạc công có thể chơi mà không cần chạm tay vào nhạc cụ. Dù có vẻ ngoài hiện đại như thế, theremin lại ra đời vào tận năm 1901. Nhạc cụ này cũng đóng vai trò liên văn bản trong phim, khi gợi nhớ đến các tác phẩm giả tưởng khác như Spellbound (1945) hay The Day the Earth Stood Still (1951). Đây chính xác là nhạc cụ hiện thân cho thẩm mỹ chủ đạo của phim.

Một nghệ sĩ chơi theremin
Nguồn: Gregor Hohenberg và Barbara Buchholz

Về chi tiết, vật dụng trong phim đa số đều chịu ảnh hưởng của thẩm mỹ vị lai hoài cổ (retrofuturism). Chúng có tính năng tân tiến, thậm chí hơn hẳn công nghệ của chúng ta ngày nay, nhưng lại khoác lên bề ngoài của những thiết kế máy móc của thế kỷ 20. Một số nội thất trong phim như bàn ghế, máy chiếu, màn hình cũng mang hơi hướm của nhà Bauhaus hoặc chủ nghĩa tân kiến tạo (neo-constructivism), chú trọng tính ứng dụng và mang tính hình học rõ nét.

Chất vị lai hoài cổ được thể hiện rõ qua phần credit của Loki, với tiếng theremin nổi bật trong phần nhạc nền. Nguồn: Marvel Music

Thẩm mỹ “tương lai nhìn từ quá khứ” này không phải lần đầu xuất hiện trong Loki. Trái lại, những thiết kế ấy còn gợi nhớ đến loạt phim về Monsieur Hulot của Jacques Tati, hay các phim như A Clockwork Orange (1971) của Stanley Kubrick, Blade Runner (1982) của Ridley Scott, hay Brazil (1985) của Terry Gillam. Tuy nhiên, Loki đánh dấu sự trở lại của thẩm mỹ này sau một thời gian dài vắng bóng trong điện ảnh. Điều này khiến Loki thú vị không chỉ về nội dung hay diễn xuất, mà thiết kế sản xuất của phim cũng đáng để bạn thưởng thức.