Mở xưởng Lèm dì dị được khởi xướng lần đầu vào năm 2023 như một cách xây dựng cộng đồng cho nghệ sĩ và những người quan tâm đến nghệ thuật đương đại tại Nha Trang, cũng như giúp nghệ thuật đương đại trở nên gần gũi hơn với cộng đồng tại đây. Giữ nguyên tinh thần rủ rê, mời gọi, mở xưởng Lèm dì dị mùa 2 năm nay đã quy tụ hơn 40 nghệ sĩ và hơn 30 tác phẩm đa chất liệu với địa điểm triển lãm diễn ra vòng quanh thành phố Nha Trang, thu hút hơn 300 người tham dự.
Thay cho các không gian triển lãm hộp trắng truyền thống, các tác phẩm nghệ thuật thị giác như tranh vẽ, nhiếp ảnh, điêu khắc, sản phẩm mỹ nghệ, video,… được trưng bày trong những không gian cộng đồng rải rác trong thành phố, chẳng hạn như không gian cà phê vườn, nhà cũ bên bờ sông, hay sảnh của khách sạn du lịch,… Vì vậy, các tác phẩm thường được tinh chỉnh và trưng bày trong sự dung hoà với các hoạt động con người xung quanh. Hành trình nghệ thuật như thế cũng trở thành một hành trình khám phá văn hoá tại thành phố Nha Trang.
Tại Lèm dì dị, đi xem tác phẩm dường như cũng là đến để nếm thử một ly cà phê ngon, hay nhìn ngắm trập trùng nhà phố. Đi xem tác phẩm có nghĩa là cắm lều giữa vườn để mà xem câu chuyện của những căn nhà đã biến mất. Đi xem tác phẩm cũng có nghĩa là leo hồng hộc lên đỉnh Núi Cô Tiên để mà trời rộng, gió mát, cùng tiếng sáo cuốn hết mọi mệt mỏi khi ta chiêm ngưỡng những sắp đặt tại đây. Và đi xem tác phẩm cũng có nghĩa là ngồi trong quán trà sữa chân núi nhai lạc, uống bia gừng cùng hát karaoke… ca trù. Ở chương trình mở xưởng này, nghệ thuật đương đại có cùng nhịp thở với biển trời Nha Trang. Trong cuộc thương thảo với các không gian sinh hoạt địa phương những ngữ nghĩa cùng các hình thái mới trong mỗi tác phẩm cũng được gợi mở…
Không chỉ là một nỗ lực hướng ra ngoài, chương trình mở xưởng Lèm dì dị còn hướng đến sự kết nối chặt chẽ hơn trong cộng đồng nghệ sĩ địa phương, cũng như giữa các nghệ sĩ địa phương và các nghệ sĩ đến từ những nơi khác. Từ đó, Lèm dì dị bước đầu xây dựng nên một cộng đồng nghệ sĩ địa phương hoạt động chặt chẽ với nhau. Khác với các sự kiện nghệ thuật thị giác thường thấy, khi kết nối giữa các nghệ sĩ trong cùng sự kiện thường không sâu sắc do sẽ thông qua đầu mối chính là giám tuyển hoặc ban tổ chức để làm việc.
Tại Lèm dì dị, các nghệ sĩ địa phương tham gia cùng nhau trong mọi giai đoạn của dự án, từ lúc lên ý tưởng cho đến công đoạn tuyển lựa, trưng bày tác phẩm cũng như trình diễn. Đó cũng là lý do vì sao dù giản dị với nguồn lực rất hạn chế, sự kiện vẫn đạt được một tần suất hoạt động đáng ngưỡng mộ trong một khoảng thời gian khá ngắn. Vì đề cao tinh thần cộng đồng cùng sự kết nối, các tác phẩm trong nhiều giai đoạn, loại hình, dung lượng của các nghệ sĩ ở những độ chín muồi khác nhau của nghề đều được trưng bày kề cạnh như một sự sẻ chia, trao đổi.
Như vậy, ta không thể đánh giá chương trình này theo những chuẩn mực triển lãm, sự kiện thông thường. Bởi lẽ chương trình Lèm dì dị chính là một câu chuyện thường không được khắc hoạ trong đoạn trần thuật lớn của nghệ thuật. Tại mở xưởng Lèm dì dị, ta hiểu được cách một nghệ sĩ hay một nền nghệ thuật bắt đầu, ta hiểu được cách nghệ sĩ kết nối với nhau như một cộng đồng, và ta được thấy mỹ nghệ hay âm nhạc của người dân tộc địa phương cộng hưởng, giao thoa với nghệ thuật đương đại, cùng một sân khấu, không phân tầng hay giấu mình trong các đề tựa như một cảm hứng trừu tượng.
Chương trình mở xưởng Lèm dì dị qua đó dần trở thành một khởi điểm cho các nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại tại Nha Trang và miền Trung với tất cả tấm chân tình của nó. Sự thành hình của Lèm dì dị cũng là một minh chứng cho sức mạnh từ sự ủng hộ của cộng đồng địa phương dành cho nghệ thuật đương đại khi toàn bộ sự kiện diễn ra nhờ vào hoạt động gây quỹ cộng đồng cũng như sự tài trợ không gian cùng nhiều tài nguyên khác của người dân Nha Trang. Tổng kết lại, chương trình cho ta thêm nhiều hi vọng vào lòng nhiệt huyết với nghệ thuật của lớp nghệ sĩ trẻ và giúp ta hình dung rõ ràng hơn bao giờ hết một lối thực hành đậm bản sắc địa phương.
Người viết: An Tử
Hình ảnh: An Tử và BTC Lèm dì dị