Được tổ chức theo mô hình liên kết hai đầu Việt – Anh, đây là một sự kiện có tầm cỡ của một đơn vị đấu giá Việt Nam. Với 350 tác phẩm chọn lọc, phiên đấu giá “Nghệ thuật Việt Nam Thế kỷ 20” đi từ thời kỳ đầu thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, đến khóa Mỹ thuật Kháng Chiến, Mỹ thuật Gia Định và cho tới hội họa Đương đại, với những tên tuổi có nhiều đóng góp và được xếp vào các bộ tứ quan trọng như: Trí-Lân-Vân-Cẩn, Phổ-Thứ-Lựu-Đàm, Nghiêm-Liên-Sáng-Phái, Nhân-Hòa-Hậu-Kiệm.
Chiếm tỉ trọng lớn trong toàn phiên là các sáng tác của các họa sĩ Pháp từng đặt chân đến Việt Nam. Các tác phẩm này chứa đựng những quan sát thú vị và chân thực về bản địa đương thời. Có thể kể đến bức vẽ “Phong cảnh Bắc kỳ” được Joseph Inguimberty sáng tác năm 1933. Đây là một tác phẩm hàm chứa sự tỉ mỉ trong việc nghiên cứu phong cảnh và hình ảnh người dân An Nam ở nhiều độ tuổi.
Bên cạnh đó, phiên đấu cũng có sự góp mặt của những góc nhìn gần gũi về mảnh đất Đông Dương, được khắc họa bởi Alix Aymé. Đó là một bộ sưu tập đa dạng chủ đề từ chân dung những đứa trẻ, hình ảnh thiếu nữ tới hệ thống kỳ quan kiến trúc gắn liền với văn hóa Phật giáo như chùa chiền, đền đài, v.v.. Ở mỗi tác phẩm, đều thấy được tâm hồn tha thiết của Alix Aymé đối với vùng đất mà bà gắn bó, đồng thời có sự chú tâm vào từng nét bút sao cho tả được hồn cốt của mỗi chủ thể một cách trữ tình.
Trong lứa học trò được thừa hưởng sự giáo dục của một số thầy Pháp tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, các họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu và Vũ Cao Đàm đã không còn xa lạ với thị trường sưu tầm trong và ngoài nước.
Họ, những họa sĩ bằng bút pháp đậm chất Á Đông kết hợp nhuần nhị với tư tưởng Tây phương, đã phản ánh nhiều bình diện về thẩm mỹ lý tưởng của nước nhà, như chân dung sĩ phu, tình mẫu tử, trẻ em nô đùa, thiếu nữ trong tà áo dài ngụ ở giữa những phong cảnh truyền thống giàu mặc tưởng, hoặc bước ra từ thi ca bất hủ… Những bức họa điển hình trong sự nghiệp sáng tác của bộ tứ Phổ-Thứ-Lưu-Đàm ấy, sẽ được giới thiệu tại phiên đấu giá “Nghệ thuật Việt Nam Thế kỷ 20” của Le Auction House và hứa hẹn mang lại nhiều bất ngờ. Đơn cử như bức vẽ “Thiếu nữ cầm quạt” trên chất liệu lụa của danh họa Lê Phổ. Ngoài tình mẫu tử và thiếu nhi, có lẽ thiếu nữ là hình ảnh xuất hiện nhiều nhất trong các sáng tác của ông. “Thiếu nữ cầm quạt” mang dáng vẻ thư nhàn của người con gái, là kết quả của một hành trình dài nghiên cứu tranh lụa đời Đường, Tống ở Trung Hoa và tự chiêm nghiệm để nâng cao khả năng thể hiện chất liệu.
Tiếp nối dòng chảy của lịch sử mỹ thuật Việt, bộ tứ Lưu Công Nhân, Lê Huy Hòa, Trần Lưu Hậu và Nguyễn Trọng Kiệm, cùng các họa sĩ Trần Đông Lương, Mai Long, Ngọc Linh và Linh Chi, là những đại diện tiêu biểu của khóa Mỹ thuật Kháng chiến. Tác phẩm của những tên tuổi tài năng này cũng nằm trong danh mục của phiên đấu giá “Nghệ thuật Việt Nam Thế kỷ 20”.
Khóa Mỹ thuật Kháng chiến là giai đoạn được Le Auction House chú trọng chọn lựa nhiều tác phẩm, với đa dạng tên tuổi và chủ đề. Đó đều là những sáng tác mang tính hiện thực. Một mặt mang tính trần thuật cao về nhịp đập của thời đại và dân tộc. Mặt khác soi rọi vào một giai đoạn đầy phấn chấn của nghệ thuật tạo hình Việt Nam khi liên tiếp có sự mở rộng về đề tài sáng tác, từ vẻ đẹp của cảnh vật, con người, lòng quyết tâm vệ quốc cho đến sự hăng say trong tăng gia sản xuất, xây dựng nước nhà.
Bên cạnh đó, bộ tứ họa sĩ đặc biệt: Nghiêm-Liên-Sáng-Phái. Mỗi người một hướng đi riêng, nhưng họ đã có những đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng cảnh quan nghệ thuật Việt Nam nửa sau thế kỷ 20.
Trong đó, có một Nguyễn Tư Nghiêm mải mê “tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại”, một Dương Bích Liên tinh ý phiêu bồng với chân dung thiếu nữ, một Nguyễn Sáng sục sôi cống hiến các tác phẩm mang đầy khí phách về cách mạng và xây dựng đất nước, cùng một Bùi Xuân Phái đã cất giấu ký ức bồi hồi của nhiều người trong những mảng màu và nét vẽ phố phường Hà Nội.
Đặc biệt, nhân kỷ niệm 110 năm được sinh ra đời của họa sĩ, nhà giáo nhân dân Lương Xuân Nhị (từ năm 1914 đến năm 2024), tác phẩm “Bến sông” – khổ lớn, chất liệu mực và màu trên lụa – của họa sĩ Lương Xuân Nhị, được xem là một sự góp mặt quan trọng trong phiên đấu giá lần này của nhà Le Auction House.
Ở khu vực phía Nam, tính đến năm 1975, chỉ với chừng 20 năm, những họa sĩ tài năng như Nguyễn Phước, Nguyễn Trung, Nguyên Khai, Hồ Hữu Thủ và nhiều cá nhân khác đã đồng vọng, khát khao sáng tạo và kiếm tìm cái mới trong hoàn cảnh đất nước trải qua 30 năm chiến tranh ác liệt. Cũng chính họ đã hòa chung bầu không khí sục sôi phát triển khi hòa bình lập lại nhưng còn nhiều thách thức, làm rực lên một nền nghệ thuật trù phú, trẻ trung, hiện đại ở Sài Gòn. Bằng các sáng tác của mình – điển hình với các tác phẩm chọn lọc góp mặt tại phiên đấu giá “Nghệ thuật Việt Nam Thế kỷ 20” của Le Auction House – những họa sĩ này đã mở ra nhiều cánh cửa khác nhau để đi sâu vào nội giới, kể những câu chuyện giàu tính liên tưởng đa chiều.
Ngoài ra, phiên “Nghệ thuật Việt Nam Thế Kỷ 20” cũng đấu giá nhiều tác phẩm của những nghệ sĩ nổi tiếng khác như: André Maire, Henri Mège, Tô Ngọc Vân, Jean Võ Lăng, Trần Duy, Trần Văn Thọ, Phạm Thúc Chương, Lê Bá Đảng, Điềm Phùng Thị, Lê Văn Xương, Nguyễn Huyến, Trương Bé, Tú Duyên, Trần Hà, Trương Văn Ý, Ngô Từ Sâm, Nguyễn Quang Mậu, Nguyễn Sơn, v.v.; và một số gương mặt hội họa Việt Nam Đương đại như: Đinh Quân, Phạm An Hải, Phạm Lực, v.v.; cùng nhiều hiện vật điêu khắc gỗ và gốm sứ Á Đông.
Nhà đấu giá tổ chức phiên “Nghệ thuật Việt Nam Thế kỷ 20” thành 2 phần:
◈ Phần 1: Vào lúc 15h (giờ Việt Nam) – Thứ Bảy, ngày 27/07/2024
◈ Phần 2: Vào lúc 15h (giờ Việt Nam) – Chủ Nhật, ngày 28/07/2024
◈ Email: leauctionhouse@gmail.com
◈ Điện thoại hỗ trợ:
Hỗ trợ chung: 0979.86.86.86.86 – Lê Quang
Hỗ trợ tư vấn:
• Ad1: 0084.942.33.44.66 – Khánh Linh
• Ad2: 0084.912.88.00.77 – Nguyễn Bắc