Phan Thị Thanh Nhã là một Nhà Thực vật học và Họa sỹ minh họa Thực vật. Cô tốt nghiệp bằng Thạc sỹ ngành Sinh học, Khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại Học Quốc Gia HCM. Xuất phát điểm là một nhà Thực vật học, Thanh Nhã bước vào cộng đồng Botanical Art từ năm 2021, sau một thời gian dài vẽ minh họa Thực vật (Botanical Illustration). Với Thực Vật Họa, cô có thêm không gian để thử nghiệm với nhiều chất liệu, màu sắc khác nhau để tạo nên các hiệu ứng sinh động hơn cho các loài thực vật mà không làm mất đi các đặc điểm sinh học của chúng. Thanh Nhã là đại diện đầu tiên của Việt Nam được vinh danh trong Cuộc thi Minh họa Thực vật Quốc tế tại Giải thưởng Margaret Flockton năm 2023 ở Úc.
Phan Thị Thanh Nhã (PTTN): Vào năm 2010, từ những ngày đầu lên làm việc ở phòng thí nghiệm Thực vật, khi còn là Sinh viên năm II, tôi đã luôn say mê đọc bộ 3 quyển “Cây cỏ Việt Nam” và “Hiển hoa bí tử” của GS. Phạm Hoàng Hộ [1, 2]. Khi đọc từng dòng mô tả loài, từng hình minh họa cho mỗi loài cây, tôi dần nảy sinh tình yêu và tự tìm hiểu về Minh họa Khoa học cho Thực vật (Botanical illustration). Trong quá trình làm Khóa luận tốt nghiệp Đại học, khi chăm sóc bộ mẫu thực vật dùng trong giảng dạy, tôi được dịp tiếp xúc, hiểu và yêu thế giới thực vật đa dạng của Việt Nam nói riêng, của thế giới nói chung. Tôi bắt đầu mày mò học vẽ Botanical Illustration vì muốn thể hiện vẻ đẹp của cây cối bằng chính ngòi bút của mình. Để rồi vào năm 2013, trong quá trình học Cao học (Thạc sỹ), Thầy hướng dẫn của tôi – TS. Đặng Lê Anh Tuấn – đã gợi mở cho tôi cuốn “Weeds of rice in Indonesia” của Soerjani và cộng sự (1987) [3]. Chính những hình minh hoạ của họa sư Ahmad Satiri trong quyển sách này đã giúp tôi quyết định trở thành nhà Minh hoạ Khoa học cho Thực vật (Botanical Illustrator).
Đến giữa năm 2021, tôi biết đến tranh vẽ Botanical Art của Thầy Victor Wong – Botanical Artist, hiện đang sống và làm việc ở Canada – qua nhóm Facebook “Thực vật Việt Nam”. Chính Thầy Victor Wong là người đã giới thiệu và đã – đang – sẽ hướng dẫn cho tôi những bước đi vào “thế giới” Thực Vật Họa – Botanical Art. Cuối năm 2021, tôi tiếp xúc với các kỹ thuật vẽ cơ bản từ Thầy Phạm Bá Lâm. Đến năm 2022, kỹ thuật màu nước của tôi tiếp tục đi sâu hơn khi học với Thầy Teo Nam Siang. Cô Teo Hwee Lee Debbie hướng dẫn tôi về “dòng chảy nghệ thuật” trong tranh và nâng cao kỹ thuật vẽ bút chì màu. Và gần đây nhất, khi trở thành học trò của Thầy Nguyễn Ngọc Quân, tôi hiểu rằng mình cần nắm thật vững về nguyên lý và kỹ thuật vẽ ở tất cả chất liệu rồi tự vận dụng linh hoạt các kỹ thuật để bản vẽ của tôi trở nên đặc sắc và có chất riêng.
PTTN: Điều khó khăn nhất khi tôi dấn thân sang mảng Thực Vật Họa là việc tôi chưa đủ thời gian để “hiểu”, để “yêu” sự rực rỡ của bút chì màu cùng sự trong trẻo, nhẹ nhàng của màu nước. Tôi nghĩ khó khăn trong việc kiểm soát sắc độ màu trong tranh vẽ nằm ở việc tôi chỉ thích vẽ trắng đen, thời gian tôi làm việc với bút kỹ thuật là hơn 10 năm còn bút chì than, màu nước và bút chì màu chỉ mới 2 năm.
Và tôi cũng hay nghe các giáo viên dạy vẽ của mình nói rằng dạy tôi vẽ rất khác với khi dạy các học trò khác vẽ. Thầy Victor Wong nói với tôi rằng: “Em là học trò đầu tiên của tôi là Nhà Thực vật học. Với những học trò khác, tôi sẽ chỉ họ về các kiến thức cơ bản về Thực vật học và cách làm việc với các Nhà Thực vật học. Còn em thì tôi sẽ dạy các kiến thức về “nghệ thuật”, “họa” dành riêng cho Thực vật và chỉ cách làm sao cho các bản vẽ Thực Vật Họa của em có sự cân bằng giữa “Khoa học Thực vật” và “Họa”.
PTTN: Vì độ mỏng manh, mềm mại của cánh hoa, chiếc lá… nên tôi chủ yếu sử dụng các chất liệu thể hiện tốt các đặc điểm này của Thực vật là màu nước, bút chì màu (chất liệu màu) và bút chì than, bút kỹ thuật (trắng đen).
Hiện nay, tôi đang tham dự cuộc thi “Rực rỡ Ba Lan” do Đại sứ quán nước Cộng hòa Ba Lan tổ chức ở Hà Nội. Ngoài ra, có một số cuộc thi về Thực Vật Họa ở các nước trên thế giới mà tôi đang quan tâm và sẽ gửi tác phẩm dự thi vào thời gian tới.
PTTN: Trong mỗi chuyến khảo sát, tôi thấy Địa y và Đài thực vật phát triển khỏe mạnh và xanh mướt. Những tai nấm “dễ thương”, những cây Viễn chí, cây lan bé tí hon… đều đang tự do vươn mình và khoe sắc. Từ đó, tôi đã hiểu đã cảm thấy được “tình yêu” của các nhân viên chăm sóc cảnh quan của Ana Mandara dành cho từng cành cây, ngọn cỏ.
Mỗi cuộc trò chuyện với từng vị khách tham gia Art Trail #01 lại mang đến cho tôi một góc nhìn mới, một trải nghiệm mới và thêm tự tin, thêm yêu công việc Họa sỹ minh họa thực vật (Botanical Artist và Illustrator) của mình. Một vị khách đến từ Úc khi thấy tôi trong trang phục đi thực địa, đã nói với tôi rằng hóa ra tôi chính là người hay đi chụp hình, thu mẫu cây vào lúc sáng sớm ở Ana Mandara và đã cho tôi xem các hình tôi đang khảo sát mà bác chụp. Lúc đó, tôi càng hiểu sâu sắc câu: “Hãy cứ làm thật tốt, đặt sự chân thành vào công việc, mọi việc tốt lành sẽ tới!”.
PTTN: Sau khi nhận bất kỳ dự án khảo sát hay vẽ minh họa thực vật nào, bước đầu tiên của tôi luôn là khoanh vùng khu vực nghiên cứu. Ví dụ, với đề tài “Thực vật đất ngập nước ở TP. HCM”, tôi sẽ trao đổi thêm thông tin với đối tác là “đất ngập nước” ở đây là “ngập ngọt” hay “ngập mặn”. Sau đó, tôi sẽ tra cứu thông tin về các khu vực có đất ngập nước của TP.HCM. Nếu “ngập mặn” thì tôi sẽ ra huyện Cần Giờ. Nếu “ngập ngọt”, mức độ ưu tiên khảo sát của tôi sẽ là các khu vực ít bị tác động của con người như vùng ven của huyện Củ Chi, Hóc Môn, rồi mới đến các cánh đồng cỏ, bãi đất bỏ hoang ở các khu có mức độ đô thị hóa cao (khu Thanh Đa của quận Bình Thạnh, khu An Phú Đông của quận 12, quận 2, quận 7…).
Khi đi khảo sát thực vật đất ngập nước ngọt, tôi sẽ đi theo các nhánh sông, kênh, rạch, các cánh đồng lúa. Để dễ quan sát và ghi nhận thảm thực vật dọc đường, tôi luôn đi cùng một người “đồng đội” và dĩ nhiên, tôi ngồi phía sau. Khi đến nơi khảo sát thích hợp, tôi sẽ chụp hình sinh cảnh và mẫu thực vật, ghi chú và ký họa nhanh về loài thực vật đó (nếu điều kiện cho phép) và thu mẫu về định danh.
Do thế giới Thực vật rất đa dạng, mỗi lần làm việc với một nhóm Thực vật mới, thậm chí là một họ thực vật mới, bước đầu tiên tôi làm luôn là “định danh”. Nếu loài cây này thông dụng, tôi sẽ định danh ra Loài; nếu là loài ít phổ biến thì tôi sẽ ráng định danh ra Chi, khó quá thì sẽ ra Họ và cực bí là ra Nhóm (Đài thực vật, Địa y, Dương xỉ…). Sau đó, tôi sẽ liên lạc với chuyên gia Thực vật của Chi, Họ hay Nhóm đó để trao đổi thêm về mặt Phân loại học. Rất thường xuyên trong những cuộc trao đổi chuyên môn này, tôi nhận được thêm rất nhiều những hiểu biết “sâu”, “rộng”, “góc nhìn” và cả những đồng đội “mới” do đồng đội “quen” giới thiệu. Những kiến thức, cách phân tích vấn đề, góc nhìn, những đồng đội mới… đến với tôi một cách thật tự nhiên và hạnh phúc!
PTTN: Ở các nước Đông Nam Á, Hiệp hội Thực Vật Họa đã được thành lập ở Singapore, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Khi trở thành thành viên của Hiệp hội Thực Vật Họa Singapore (Botanical Art Society Singapore) và tham gia “Flora of Southeast Asia”, tôi đã có dịp gặp gỡ các thành viên đến từ 4 hiệp hội trên, tôi đã hiểu rằng niềm vui và kiến thức khi được sẻ chia thì niềm vui càng được nhân lên, kiến thức sẽ càng “rộng” hơn, “đẹp” hơn. Vì vậy, tôi đang mong mỏi tìm được những người “đồng đội” có cùng niềm đam mê về Thực Vật Họa, cùng yêu thiên nhiên Việt Nam để cùng chung tay xây dựng cộng đồng Thực Vật Họa Việt Nam.
THƯ TỊCH
[1] Phạm Hoàng Hộ (1968), Hiển hoa Bí tử, Sài Gòn, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh Niên, Trung tâm Học liệu.
[2] Phạm Hoàng Hộ (2003), Cây cỏ Việt Nam, quyển I, II & III, Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ.
[3] Soerjani, M., Kostermans, A.J.G.H., Tjitrosoepomo, G., Regional Center for Tropical Biology (Bogor, Indonesia) & Stichting der Nederlandse Universiteiten en Hogescholen voor Internationale Samenwerking (1987), Weeds of rice in Indonesia, Balai Pustaka, Jakarta, Indonesia.