Tới thời điểm hiện tại, chiếc “long bào” đang làm dấy lên các cuộc tranh luận sôi nổi với nhiều luồng ý kiến trái chiều. Hiện vật này là thật hay giả? Nếu không phải giả, chiếc “long bào” này có lai lịch ra sao? Sau khi tham chiếu tư liệu hiện có, tôi đã phát hiện nhiều chi tiết đắt giá liên quan cổ vật này.
Theo nhà đấu giá Delon – Hoebanx, đây là lễ phục được ngài Bảo Đại vận trong lễ Đăng Quang (lên ngôi) năm 1926, về sau được con cháu hoàng gia lưu giữ, và cuối cùng chuyển cho một nhà sưu tập tư nhân ở Pháp.
Nếu xét về quy chế lễ phục cung đình nhà Nguyễn được nêu trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, áo giao lãnh (cổ chéo) màu vàng chánh sắc (chánh hoàng sắc) được dành cho vua khi dự Thường triều.
Trong khi đó, lễ Đăng Quang là một trong những Đại lễ lớn nhất xuyên suốt thời gian trị vì của một hoàng đế, nghiễm nhiên phải sử dụng Đại triều bào là cổ viên lãnh (cổ tròn). Quả thật, tất cả những hình ảnh nhà đấu giá đính kèm trong catalogue đều cho thấy vua Bảo Đại mặc áo bào cổ tròn, chưa kể hoa văn và kỹ thuật thêu khác hoàn toàn so với hiện vật “long bào” sắp được đấu giá. Thậm chí, các hình này đều là chân dung ông Bảo Đại khi đã hoàn thành việc tu học ở Pháp và trở về Việt Nam, chứ không phải bộ ảnh lễ Đăng quang năm 1926. Như vậy, trên lý thuyết nếu không có bằng chứng hình ảnh và ghi chép thì không thể quả quyết “bộ long bào” này từng thuộc về vua Bảo Đại, chứ đừng nói tới việc ông có mặc lễ phục này trong ngày Đăng quang hay không.
Lại phản bác về những ý kiến trái chiều nhiều ngày qua, có quan điểm cho rằng hoa văn cột thuỷ (các dải sọc màu ở gấu áo) của Việt Nam phải thẳng, còn uốn lượn là đồ Trung Quốc. Đây là một nhận định sai lầm trong quá trình phỏng dựng và phục hồi lễ phục nhà Nguyễn từ nhiều thập kỷ trước. Cột thuỷ trong lễ phục triều Nguyễn luôn luôn có sự uốn lượn, chỉ khác là không bao giờ uốn dữ dội, gãy khúc như thời Thanh sơ, và nghiễm nhiên không bao giờ thẳng đuột như thời Thanh vãn kỳ.
Một số ý kiến khác cho rằng: vì trên chiếc áo giao lãnh này thêu toàn rồng đuôi xương, chứ không có đuôi xoắn đặc trưng nhà Nguyễn, nên đây là áo Trung Quốc. Vừa đúng mà cũng vừa sai. Cái sai là vì rồng đuôi xương đã xuất hiện từ thời Tự Đức (hiện vật Ngự lịch tìm thấy trong Khiêm Lăng), và chân dung vận Đại triều phục của ngài Khải Định đề cập phía dưới đã chứng minh sự tồn tại của rồng đuôi xương trong lễ phục nước Nam.
Còn phần đúng lại khá thú vị, bởi thiết kế trên áo giao lãnh này (cũng như áo ngài Khải Định và áo long trấn ở Bảo tàng Nghệ An) là cảm tác từ thiết kế Mãng bào giữa thế kỷ 19 của nhà Thanh (khoảng thời Đạo Quang – Hàm Phong, giai đoạn 1840 – 1870). Trong BST La Quốc Bảo có một hiện vật Mãng bào Cáo mệnh phu nhân (dành cho vợ quan lại người Hán) với phong cách y hệt:
– Sử dụng tơ se với các tông chủ đạo: vàng, xanh lam, xanh lục có sắc lá mạ, cam sữa.
– Thêu lối satin và sa hạt (forbidden stitch) là chủ đạo.
– Rất hạn chế viền các hình thêu bằng chỉ kim tuyến, đối ngược với phong cách thường thấy trong lễ phục nhà Nguyễn.
Một giả thuyết ban đầu cho rằng triều đình Huế đã mua lại các cuộn vải thêu sẵn theo rập áo người Hán nhưng chưa cắt may từ Trung Quốc, hoặc hi hữu hơn là đặt hàng từ đây, rồi về nước mới gia công thành phẩm. Tuy nhiên tôi đã bác bỏ. Bởi lẽ, hiện vật có độ dài tay áo quá khổ, mà áo bào Trung Quốc thời kỳ này không bao giờ làm dài tới mức đó, về mặt kỹ thuật cắt may, ta không thể ráp nối thêm để đủ ráp thành tay áo phong cách Việt Nam. Chưa kể, “Hoàng bào vua Bảo Đại” mà Delon – Hoebanx đưa ra đấu giá, được thêu đầy cả hai mặt tay áo trong ngoài, lộng lẫy mây trời đều tăm tắp, khác hẳn với phương châm “tiết kiệm” chỉ thêu mỗi mặt ngoài của phong cách Trung Quốc. Vì vậy, giả thuyết của tôi là triều đình Huế khoảng thời Đồng Khánh (1885 – 1889, hoặc trước đó nữa) đã mua được một cuộn vải xưa chưa cắt may từ Trung Quốc. Xét lại cũng không xa so với giai đoạn lối thêu này đang thịnh hành (1840 – 1870) ở Trung Quốc. Sau đó cho thợ thêu học theo rồi thêm thắt, phủ đầy các vị trí còn thiếu, ra được phom dáng chuẩn “Đại Nam” nhưng thẩm mỹ lại rất “Đại Thanh”.
Từ các nguồn tư liệu đắt giá quốc nội lẫn hải ngoại, chúng ta có những nhận định sau:
Việc này hoàn toàn phù hợp tính chất thuở xưa: các lễ phục trong cung phần lớn đều đã được thêu/dệt sẵn và cất trữ (điển hình là Phủ Nội Vụ), đến khi cần chỉ việc đem ra cắt may theo số đo và tùy biến cho các dạng thức khác nhau: áo tấc, áo bào cổ tròn, áo bào cổ chéo. Điển hình trường hợp này là Phụng bào của Đức Từ Cung (Đoan Huy hoàng thái hậu) và Phụng bào của Nam Phương hoàng hậu, tuy khác chất liệu nhưng hoa văn gần như khớp nhau, ngay cả vị trí đính các hạt kim sa cũng giống đến mức kinh ngạc.
Như vậy, 3 chiếc áo rồng được may theo 3 thể thức khác nhau nhưng cùng một khuôn thêu, là dẫn chứng đầu tiên cho thấy đây là đồ xưa thật.
Như vậy, có thể nói chiếc “Hoàng bào” mà Delon – Hoebanx sắp đưa ra đấu giá là cổ vật thật sự, tuy nhiên không có bằng chứng thuộc về vua Bảo Đại, nhưng lại có thể thuộc về vua Khải Định hoặc Đồng Khánh, thậm chí trước đó nữa.