Nguyễn Phan Chánh (1892–1984) là một tên tuổi tiêu biểu cho mỹ thuật Đông Dương. Ông kế thừa phương pháp tạo hình hàn lâm Tây phương và giao thoa những kỹ thuật này với họa pháp tranh lụa phương Đông, đưa chất liệu này lên đỉnh cao với những kiệt tác kinh điển như “Chơi ô ăn quan” hay “Lên đồng”.
Tác phẩm “Les Chanteuses de Campagne” (Người hát dân ca) thể hiện tinh thần giao thoa ấy một cách độc đáo, khi được Nguyễn Phan Chánh thực hiện bằng sơn dầu trên toan khổ lớn với kích thước 90,5 x 102,5 cm vào năm 1930, năm ông tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Tuy là sơn dầu, nhưng họa sỹ đã vẽ triện đỏ họa danh “Hồng Nam” (phía Nam núi Hồng Lĩnh), biên một bài thơ chữ Hán theo lối vẽ văn nhân họa trên lụa phương Đông, ở dưới vẫn ký thêm “Nguyễn Phan Chánh 1930” bằng chữ quốc ngữ. Ngay từ sớm, Nguyễn Phan Chánh đã chọn cho mình một lối đi riêng với những chủ đề người lao động và làng quê giản dị mang đậm tinh thần nông thôn Bắc Kỳ, khác hẳn so với phong cách đài các lãng mạn của các bạn cùng thời bấy giờ như bộ tứ Phổ-Thứ-Lựu-Đàm, vốn đều có xuất thân từ tầng lớp quan lại. Với tông nâu trầm đặc trưng của Nguyễn Phan Chánh, “Người hát dân ca” vẽ hai cô gái ngồi xổm đối diện với nhau, đội nón quai thao, cầm quạt, bận áo nâu quần lĩnh, đi chân đất. Bố cục kim tự tháp chặt chẽ, tạo tương quan cận-viễn theo kỹ thuật Tây phương, được xẻ ngang bằng một đường kẻ vách đất, tạo cảm giác cho người xem cũng như đang ngồi xổm bên cạnh hai ca nương một cách suồng sã mà gần gũi.
Vì tính đặc sắc của tác phẩm, thầy Victor Tardieu đã tuyển bức “Người hát dân ca” gửi đi tham dự Đấu xảo Thuộc địa 1931 tại Paris cùng những tác phẩm lụa của Nguyễn Phan Chánh như “Bữa cơm” hay “Cô hàng ốc”. Tháng 1 năm 1931, con tàu hơi nước S. S. Chantilly chở các tác phẩm của sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương rời cảng Hải Phòng đến Marseille để trưng bày trong cuộc đấu xảo. Các tác phẩm này lập tức gây được tiếng vang lớn ở Pháp, và hầu hết tranh của Nguyễn Phan Chánh đều được các nhà sưu tập chọn mua. Tháng 7 năm 1931, ban tổ chức sự kiện đã làm một đêm tiệc cho Hiệp hội Y sỹ Pháp để thưởng lãm tranh, và tác phẩm “Người hát dân ca” đã được một cặp vợ chồng bác sỹ sưu tập. Tác phẩm được giữ trong tư gia của họ từ năm 1931, rồi truyền xuống đời cháu, và đây là lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng.
Một điều đặc biệt nữa, đó là ngay khi tác phẩm vừa ra đời, trước khi được gửi đi Paris, tác phẩm “Người hát dân ca” cũng đã được triển lãm tại phòng trưng bày của Trường Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội năm 1930. Trong bức ảnh tư liệu, bức tranh được bày cùng với “Chân dung cô Phượng” của Mai Trung Thứ, được gõ búa cũng tại Sotheby’s năm 2021 với mức giá kỷ lục 3,1 triệu USD, hiện đang là tác phẩm Việt có giá gõ búa cao nhất lịch sử. Lần này, “Người hát dân ca” đang được Sotheby’s đưa ra mức giá dự kiến là 600.000–900.000 EUR.
Như vậy, việc giới thiệu tác phẩm “Người hát dân ca” có thể coi là một trong những phát hiện quan trọng nhất với mỹ thuật Đông Dương nói chung và Nguyễn Phan Chánh nói riêng. Với những giao thoa Đông-Tây về cả kỹ thuật và tư tưởng, đây có thể coi là một trong những kiệt tác hiếm có, góp phần sớm định hình Nguyễn Phan Chánh như một tên tuổi tiên phong đặt nền móng cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Và hy vọng sau gần một thế kỷ nơi đất khách, kiệt tác quan trọng này sẽ được hồi hương về với quê nhà.
Bài: Ace Lê – Giám đốc Thị trường Việt Nam, Sotheby’s