Vở Sông Nuốt Người thuộc Không Gian Kịch Nói Sinh Viên lần 5. Nguồn: Đội kịch CKT.
“Không Gian Kịch Nói Sinh Viên” là tên của một dự án khởi xướng bởi CLB Kịch CKT – trực thuộc Trường Đại Học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn TP. HCM (ĐH KHXH&NV TP. HCM). Đây có thể được xem là mô hình sân khấu sinh viên không chuyên đầu tiên tại TP. HCM, được sáng lập, hoạt động và duy trì bởi các sinh viên không theo học chính quy tại các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành nghệ thuật. Thời gian đầu, đội kịch CKT, như bao câu lạc bộ sinh viên khác thường dàn dựng và biểu diễn các hoạt cảnh, trích đoạn, kịch ngắn nhằm phục vụ cho các chiến dịch thiện nguyện, chương trình giáo dục và tuyên truyền của Đoàn – Hội trường.
Các nhóm kịch sinh viên hình thành từ các chương trình tình nguyện của Đoàn – Hội. Nguồn: Đội kịch CKT.
Vở “Tấm và Hoàng Hậu” trong lần công diễn đầu tiên. Nguồn: Đội kịch CKT.
Năm 2013, vở “Tấm và Hoàng Hậu” (tác giả: Nguyễn Phát, đạo diễn: Thiên Huân) được tổ chức biểu diễn ở phòng học C103 – trường ĐH KHXH&NV với sức chứa chưa đến 100 người, 20.000 đồng/vé. CKT tự may phục trang, làm cảnh trí đơn giản, dùng bóng đèn dây tóc làm đèn sân khấu và vét tiền quỹ đội để thuê 1 máy tạo khói – thứ xa xỉ nhất trong đêm diễn. Căn phòng chật kín người xem, những cái ôm, lời khen động viên sau suất diễn đã tiếp động lực cho CKT thực hiện dự án dài hơi mang tên: Không Gian Kịch Nói Sinh Viên.
Mùa hè năm 2014, Không Gian Kịch Nói Sinh Viên ra đời. Vở “Tấm và Hoàng Hậu” trở lại trong một hình hài tươm tất hơn, được biểu diễn trên một sân khấu đúng nghĩa: Hội trường Văn Khoa – Trường ĐH KHXH&NV cơ sở Thủ Đức. Mùa 1 thành công vang dội thu hút không chỉ sinh viên trường Nhân Văn mà còn cả những khán giả từ các trường đại học khác. Cứ thế, họ đã nuôi đam mê và duy trì Không Gian Kịch Nói Sinh Viên được 11 năm, với 18 mùa diễn, gần 10 vở kịch và hàng trăm buổi sáng đèn, diễn ra đều đặn mỗi năm.
Thiên Huân “đứng lớp” workshop về kịch cho các thành viên CLB. Nguồn: Đội kịch CKT.
Có thể nói, Không Gian Kịch Nói Sinh Viên của CKT đã tạo tiền đề cho sự sinh sôi của hàng loạt CLB và đội kịch sinh viên trên địa bàn TP. HCM. Trong vòng một thập kỷ qua, chỉ riêng trường ĐH KHXH&NV TP. HCM đã có hơn 5 đội kịch thuộc quy mô khoa được thành lập. Đó chưa kể đến các CLB hay đội kịch đến từ ĐH Ngoại Thương, ĐH Văn Lang, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh tế TP. HCM, v.v.
Cứ tầm 2–3 tháng trước khi diễn, các thành viên trong đội sẽ tụ họp lại để cùng nhau tập luyện và tổ chức sản xuất. Bởi không sở hữu bất kỳ một sân khấu vật lý đúng nghĩa nào, “đại bản doanh” của các đội kịch này có thể là không gian sinh hoạt chung ở trường, phòng tập nhảy cho thuê theo giờ hoặc nhà của một thành viên nào đó. Vì điều kiện sân khấu hạn chế nên các thành viên thường kiêm nhiệm một lúc nhiều vai trò. Họ vừa là diễn viên, vừa điều khiển âm thanh, ánh sáng, hay sắp xếp cảnh trí. Mỗi suất dù chỉ kéo dài tầm 2–3 tiếng nhưng lại đòi hỏi sự nỗ lực của cả một đội ngũ trong nhiều tháng.
Đội kịch khoa Báo Chí – Truyền Thông mỗi mùa diễn phải thuê nhà để làm địa điểm tập luyện, thi công cảnh trí. Nguồn: Sân Khấu Kích Báo Chí Nhân Văn.
Trước hết là câu chuyện về chuyên môn và kinh nghiệm. Để làm được một vở kịch, mỗi người đều phải tự học hỏi và quan sát từ những cô chú nghệ sỹ, anh chị đi trước. Ý thức nâng mình, nâng nghề chỉ được phát triển dần theo thời gian đối với một số cá nhân thực sự có đam mê và nghiêm túc với sân khấu. Tiếp đến, tài chính cũng là một vấn đề nan giải. Kinh phí để làm kịch chủ yếu lấy từ quỹ đội do các thành viên tự nguyện đóng góp. Thỉnh thoảng nếu dựng kịch theo đơn đặt hàng của khoa hay trường sẽ nhận được một khoản phí nhỏ. Nguồn tài trợ lớn nhất của các đội kịch này vẫn đến từ các cựu sinh viên.
Xét về cấu trúc bộ máy vận hành và chất lượng nghệ thuật, CKT và Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn vẫn là hai tên tuổi nổi trội trong làng kịch sinh viên tại TP. HCM. Hình thái hoạt động của hai nhóm kịch này được giới chuyên môn, báo chí đánh giá tiệm cận với tiêu chuẩn của các sân khấu kịch chuyên nghiệp. Họ duy trì hoạt động thường niên và chỉ diễn các kịch bản gốc do chính thành viên sáng tác. Dù đã tăng giá vé so với thời mới hoạt động nhưng hai đơn vị trên vẫn phải cân đo đong đếm sao cho phù hợp với túi tiền sinh viên (đối tượng khán giả chủ yếu của họ). Vì vậy, việc làm kịch hiếm khi thu về lợi nhuận.
Các khâu từ thiết kế sân khấu đến dàn dựng ánh sáng đều do sinh viên thực hiện. Nguồn: Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn.
“Điều khó khăn nhất để duy trì CLB chưa bao giờ là chuyện tiền bạc. Chúng tôi từng phải đi vay mượn người thân, bạn bè để làm kịch. Tại các sân khấu sinh viên, sự gắn kết giữa các thành viên là rất quan trọng. Có 1 tỷ trong tay mà tập thể không đồng lòng thì xem như vô nghĩa”, Bùi Thiên Huân, đội trưởng đội kịch bộc bạch.
Là giảng viên Khoa Sân Khấu của trường Cao Đẳng Văn Hóa Nghệ Thuật TP. HCM/ Giám đốc Tổ hợp Giáo Dục & Nghệ Thuật Cái Tổ Nhỏ, Lê Thị Hòa An đã có thời gian dài theo dõi hoạt động kịch nghệ của các sinh viên ngoài ngành, chị nhận xét:
“Các yếu tố về kỹ thuật biểu diễn không đẩy mạnh nên các vở kịch này thấy rõ sự hồn nhiên, trong sáng và đặc biệt là tình yêu với sân khấu. Điều này khiến cho các vở diễn dù non nớt nhưng có sự chân thật, khiến cho khán giả chưa tiếp xúc nhiều với sân khấu cũng dễ xem, dễ cảm. Có vở khiến tôi ấn tượng bởi kịch bản chứa đựng góc nhìn và cách khai thác câu chuyện đầy bất ngờ, gai góc, chứa đựng thông điệp triết lý sâu sắc như ‘Tấm và Hoàng Hậu’. Gần đây, ‘Lá Hát Như Mưa’ cũng làm tôi thích thú vì cách xây dựng kịch bản độc đáo, cách kể phi tuyến tính rất can đảm, sau là vì mức độ dấn thân của toàn bộ đội ngũ diễn viên. Các bạn đang mở ra một chân trời rất khác lạ cho sân khấu ở TP. HCM”.
Nhờ sự chỉn chu trong từng vở diễn và tinh thần nghiêm túc với nghệ thuật, hiện tại ở một số đơn vị như CKT và Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn, Dramagic, tệp khán giả của họ không còn gói gọn trong giới sinh viên mà đang không ngừng mở rộng. Song song, những cơ hội “ra biển lớn” cũng đã gõ cửa. Thành công nhất phải kể đến “Tấm và Hoàng Hậu” của CKT. Năm 2016, vì quá yêu thích vở diễn này, đạo diễn Việt Linh đã ngỏ lời hợp tác với CKT để mang “Tấm và Hoàng Hậu” về biểu diễn tại Sân khấu kịch Hồng Hạc của bà. Năm 2019, vở được tái diễn ở Nhà hát TP. HCM, cả hai lần đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Kịch bản “Tấm và Hoàng Hậu” sau đó thậm chí còn được xuất bản thành sách.
Hai vở kịch sinh viên tạo được tiếng vang và được đặt hàng diễn hợp đồng bên ngoài phạm vi trường học. Nguồn: Đội kịch CKT, Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn.
Tháng 4 năm nay, Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn cũng có cơ hội tiếp cận đông đảo công chúng khi được Thành Đoàn TP. HCM ngỏ lời hợp tác, mang vở “Lá Hát Như Mưa” (tác giả: Đức Huy – Như Võ, dàn dựng: Đức Huy) công diễn tại Nhà Hát Thanh Niên trong khuôn khổ Lễ hội Thanh Niên thành phố – Youth Fest 2025. Vỏn vẹn 2 suất diễn trong cùng một ngày, với gần 800 ghế được lấp đầy, đó cũng là một niềm tự hào không hề nhỏ với một nhóm kịch sinh viên.
Dù yêu thương, gắn bó và hết lòng với đội kịch, khi được hỏi về vấn đề đưa nhóm tiến lên chuyên nghiệp, những “cánh chim đầu đàn” của đội kịch CKT và Sân Khấu Kịch Báo Chí Nhân Văn đều thổ lộ điều ấy gần như bất khả thi. Thiên Huân quan niệm mô hình Không Gian Kịch Nói Sinh Viên nên là chính nó vì mang tính chất đặc thù. Bởi thực tế, khi hoạt động dưới sự bảo trợ của trường, các đội kịch sinh viên đang được lợi ở nhiều yếu tố: từ điểm diễn cho đến nguồn lực, các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức biểu diễn. “Đi ra bên ngoài, mọi thứ đều phải quy thành tiền bạc. Tôi không muốn Không Gian Kịch Nói Sinh Viên của CKT biến thành sân khấu chuyên nghiệp, thành thật là vậy. Cái mà tôi mong muốn là đời sống của những kịch bản và những cá nhân tài năng tức tiến lên chuyên nghiệp theo cách riêng của họ, chứ không phải toàn bộ tập thể”, Thiên Huân chia sẻ quan điểm.
Các sân khấu kịch sinh viên góp phần lan tỏa tình yêu kịch nghệ đến các bạn trẻ. Nguồn: Sân Khấu Kích Báo Chí Nhân Văn.
Nhiều thành viên của các nhóm kịch sinh viên đang có những bước tiến đáng ghi nhận trên con đường theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp. Một số đã thành công bước đầu trong việc tạo dựng tên tuổi như biên kịch diễn viên Ngọc Phước, diễn viên Nam Anh, biên kịch Nguyễn Phát. Một số khác trở thành những phóng viên/cây bút sắc sảo trong làng báo văn hóa-văn nghệ v.v.
Các sân khấu kịch sinh viên có thể mang đến một nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cho làng sân khấu trong tương lai. Nguồn: Đội kịch Dramagic.
Sự tồn tại của những nhóm kịch sinh viên như một dòng chảy ngầm góp phần giúp cho mảnh đất kịch nghệ thêm phần màu mỡ. Ở đó, dù còn nhiều vụng về nhưng ngập tràn một tình yêu trong sáng, chân thành dành cho sân khấu. Đây cũng có thể được xem như nguồn cung đầy tiềm năng cho một thế hệ nghệ sỹ sân khấu tương lai được trui rèn từ những năm tháng làm kịch của những “kẻ ngoại đạo”.
Thực hiện: Như Võ