Khi nghệ sĩ đương đại hồi sinh trường phái Ấn tượng

Trường phái Ấn tượng là trào lưu đầu tiên trong nghệ thuật thời kỳ hiện đại và ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển nghệ thuật thế kỷ XX. Như một chủ nghĩa mang tính cách mạng nhất, đến nay, trường phái này vẫn thâm nhập và tiếp biến trong dòng chảy sáng tạo của nhiều họa sĩ đương đại. 

Bắt đầu từ sự kiện hoạ phẩm Impression: Soleil Levant (Ấn tượng: Mặt trời mọc) của Claude Monet năm 1874 bị nhà phê bình nghệ thuật Louis Leroy chế giễu khi ví cảnh biển trong tác phẩm tựa như “giấy dán tường vẫn còn phôi thai”. Lời bình phẩm đầy mỉa mai này xuất hiện trong bài viết của Leroy về một cuộc triển lãm độc lập do 31 nghệ sĩ tổ chức do nhà nước tài trợ (bao gồm Monet, Paul Cézanne và Edgar Degas). Ông chẳng ngần ngại nhạo báng họ là những kẻ vẽ “ấn tượng” (impression) đầy dang dở. Không đơn thuần chỉ là tiêu đề của một bức tranh, “impression” từ lời giễu nhại của Leroy đã trở thành tên gọi cho phong trào nghệ thuật mới của thế kỷ XX: Ấn tượng. 

Tác phẩm “Ấn tượng, mặt trời mọc” (1872) của Claude Monet

Với trường phái Ấn tượng, họ chọn cách phá vỡ các quy tắc nghệ thuật đương thời, tập trung phác họa những đặc tính sống động, nhất thời của ánh sáng và màu sắc trong từng khung cảnh thường nhật. Bằng việc pha trộn các mảng màu, nét cọ rõ ràng và kỹ thuật vẽ ngoài trời (plein air), các nghệ sĩ Ấn tượng đã ghi lại thế giới một cách chân thực và sống động, dựa trên những quan sát trực tiếp của họ tại từng thời điểm cụ thể.

“Đồi Jalais-Pontoise” (1867) được vẽ bởi họa sĩ Camille Pissarro

Trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại, di sản đến từ Chủ nghĩa Ấn tượng vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ. Họ kết hợp các kỹ thuật và chủ đề được khai mở từ Monet, Degas và những họa sĩ cùng thời – cùng với thế hệ Hậu Ấn tượng sau này – để truyền tải xúc cảm chân thực nhất trong tác phẩm của họ. Cùng điểm qua tác phẩm của 5 nghệ sĩ đương đại tiếp nối di sản của trường phái Ấn tượng.

Bức tranh “Two Sisters” (On the Terrace) (1881) của Pierre-Auguste Renoir

Beatrice Meoni (1960)

Soi chiếu các tác phẩm của Beatrice Meoni, các chi tiết được phóng tác bằng những mảng màu tuỳ hứng thay vì những nét vẽ rõ ràng, dáng hình của nội thất, quần áo được khắc họa với đường nét mờ nhoè đặc trưng. Những nét vẽ đầy phóng khoáng của Meoni khiến các chi tiết trong căn phòng bị che khuất, tạo cảm giác như người xem đang nhìn vào không gian trong khoảnh khắc thoáng qua. Mặc dù không có bất kỳ sự hiện diện nào của con người, nhưng khung cảnh trong tranh của cô vẫn thấm đẫm cảm giác về sự sống. 

Meoni nắm bắt những khoảnh khắc thoáng qua của đời sống thường nhật và khắc họa chúng qua loạt tranh “Lo Studio” (2024) – nơi nữ hoạ sĩ khám phá chính không gian làm việc của mình. Các tác phẩm của Meoni luôn ngập tràn sự dung dị, như bức “Lo studio. Pranzo” (2024), bằng việc miêu tả một căn phòng chất đầy những món đồ bị bỏ đi, kề cạnh chiếc bàn vương vãi bát đĩa, khiến người xem có cảm giác Meoni phải dừng bữa giữa chừng để bắt kịp khoảnh khắc ấy. 

Daniel Enkaoua (1962)

Bằng việc kết hợp các yếu tố của trường phái Ấn tượng và Biểu hiện, Daniel Enkaoua tạo nên những bức chân dung đầy ma mị. Ánh sáng và bóng tối trong tranh của anh được thể hiện đầy kịch tính để truyền tải cảm giác ẩn ức, đồng thời những nét vẽ mạnh mẽ, đầy nội lực làm nổi bật hình ảnh của nhân vật. Chủ đề mà Enkaoua khai thác tách rời thực tế khi được đặt để trên phông nền trống rỗng, tạo cảm giác lơ lửng.

Chẳng hạn như bức “Liel allongé regardant vers le ciel” (2020–2021) miêu tả một người nằm trên mặt đất, không biểu lộ cảm xúc và nhìn chằm chằm lên bầu trời. Những nét vẽ dày dặn, lumpy của Enkaoua che khuất hình dạng, gợi lên trạng thái phân ly, nơi thế giới xung quanh trở nên mờ nhạt.

Hay bức “Natan en capuche violette” (2024), vẽ chân dung một cậu bé đội mũ trùm đầu, có nét tương đồng kỳ lạ với bức tranh “Camille Monet trên giường bệnh” (1879) của Monet, khắc họa cảnh người vợ đang hấp hối của ông. Monet từng nói về bức tranh của mình: “Tôi đang ở bên giường bệnh của một người phụ nữ từng và vẫn rất thân yêu với tôi … Tôi thấy mình đang nhìn chằm chằm vào khuôn mặt đầy bi kịch của cô ấy, vô thức cố gắng xác định những thứ như tỷ lệ ánh sáng”.

“Camille Monet trên giường bệnh” (1879) của Claude Monet

Cả hai bức tranh của Enkaoua và Monet đều sử dụng ánh sáng và bóng tối như một điểm nhấn quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả bản thân chủ thể. Ánh sáng và bóng tối tạo nên bầu không khí u ám, bi thương, đồng thời làm nổi bật dòng cảm xúc của các nhân vật trong tranh.

Daniel Enkaoua, “Trois légumes”, 2022

Các tác phẩm khác của Enkaoua, như Trois légumes (2022) cũng gợi lại những bức nhắc đến các họa phẩm vẽ tĩnh vật thuộc trường phái Ấn tượng. Ông sử dụng những nét vẽ ngắn, đặt các màu sắc rực rỡ cạnh nhau để làm nổi bật chủ thể chính. 

Paul Verdell (1991)

Sử dụng màu sắc thuần khiết, tươi sáng cùng nét vẽ trực quan, họa sĩ người Mỹ Paul Verdell đã đưa nghệ thuật của mình tiến gần hơn với trường phái Ấn tượng. Khuynh hướng này thể hiện rõ nét trong tác phẩm “A Road to Glory” (Con đường đến Vinh quang) (2022) – bức tranh sơn dầu khắc họa bầu trời rực rỡ với sắc đỏ, cam và vàng trên không gian đồng xanh mướt mát. Trong tác phẩm này, Verdell hòa mình vào thế giới tự nhiên, ghi lại khung cảnh theo phong cách vẽ ngoài trời (en plein air), nhưng lại thể hiện nó như thể tất cả đang hòa quyện vào nhau.

Paul Verdell, “Gruesome Waters”, 2023
Paul Verdell, “Blinding”, 2023

“A Road to Glory” thể hiện sự chuyển hướng trong các thực hành nghệ thuật của Verdell, thoát ly khỏi lối vẽ mang tính tượng hình. Các bức chân dung trước đây của ông, như “Najee và Cây chanh” (2020), sử dụng các kỹ thuật của trường phái Ấn tượng và Dã thú, bao gồm những nét vẽ nhanh, phóng khoáng và màu sắc phi tự nhiên, mang đến cho tác phẩm sự sống động và cảm giác tức thời. 

Salman Toor (1983)

Bên trong khung cảnh nội thất tĩnh lặng của Salman Toor là tiếng vọng đầy hiện đại về mối quan tâm của trường phái Ấn tượng đối với văn hóa quán cà phê. Khác với các quán cà phê Paris, người nghệ sĩ gốc Pakistan này lại tập trung khai thác quán bar và bữa tiệc đô thị mà anh trải nghiệm trong đời sống thường nhật. Các tác phẩm của Toor thường được nhận diện bởi những mảng màu xanh ngọc lục bảo nổi bật, đóng khung cảnh vật theo cách tương tự như các bức tranh quán cà phê của trường phái Ấn tượng, nơi khung cảnh dường như tràn ra ngoài những gì có thể nhìn thấy ngay lập tức trong khung hình.

Tác phẩm “The Bar on East 13th” (2019) của Salman Toor gợi nhắc đến bức “Un Bar aux Folies-Bergère” (1882) nổi tiếng của Edouard Manet. Bức tranh của Manet khắc họa một nữ phục vụ tại một quán bar ở Paris, với người khác – có thể hiểu như người xem – được phản chiếu trong gương sau của quầy bar. Toor đã tiếp nối thủ pháp phối cảnh của Manet trong tác phẩm của mình bằng cách sử dụng những hình khối uyển chuyển, phóng khoáng để nắm bắt khung cảnh sống động của đời sống thị thành. 

Bức “Un Bar aux Folies-Bergère” (1882) của Edouard Manet

Thomas Andréa Barbey (1975)

Thoạt nhìn, các tác phẩm của Thomas Andréa Barbey mang sự liên tưởng đến trường phái Hậu Ấn tượng. Bằng kỹ thuật tỉ mỉ với những chấm sơn màu nhỏ trên giấy, ông đã minh hoạ cách ánh sáng di chuyển trên cả phong cảnh rộng lẫn nội thất chi tiết. 

Soleil Couchant sur la Mer de l’Ouest (2023)

Tiêu biểu là bức Soleil Couchant sur la Mer de l’Ouest (2023) với vô số chấm màu rực rỡ, khắc họa khung cảnh mặt trời lặn bên bờ biển rực nắng vàng chìm lẫn trong núi rừng trùng trùng điệp điệp.

Entrance to the Grand Canal, Venice (1905)

Tác phẩm gợi nhớ đến bức Entrance to the Grand Canal, Venice (1905) của Paul Signac với khung cảnh đường chân trời rực sáng như được sưởi ấm bởi dải màu vàng, đỏ và cam. Song, khi sử dụng kỹ thuật chấm đốm màu, Barbey luôn biết cách kiểm soát và chắt lọc những thành tố thiết yếu để tạo cảm giác hài hòa nhất.

Bài: Phương Uyên