Judy Chicago kể chuyện nữ giới trong Herstory

Triển lãm Herstory của Judy Chicago khái quát sự nghiệp đầy màu sắc của người nghệ sĩ 80 tuổi, đồng thời là thông điệp phản kháng đầy mạnh mẽ của những người phụ nữ làm nghệ thuật.

Nhắc đến Judy Chicago, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Dinner Party (1974–1979), tác phẩm sắp đặt nổi tiếng được trưng bày tại Bảo tàng Brooklyn (New York, Mỹ). Dinner Party một mặt đánh dấu đỉnh cao sự nghiệp của bà, đồng thời toả bóng lên các tác phẩm khác trong sự nghiệp đồ sộ của bà.

Với Herstory, triển lãm lớn đầu tiên của bà tại New York, Chicago chứng minh cho cả thế giới thấy những gì bà đã và đang làm vượt xa Dinner Party. Trả lời phỏng vấn với Artsy vào năm 2019, bà cho biết: “Mục tiêu của tôi suốt vài chục năm qua là bước ra khỏi cái bóng của Dinner Party”. Trải dài bốn tầng của The New Museum, triển lãm đưa người xem qua những chặng đường sáng tạo của Chicago trong suốt 60 năm qua. 

Judy Chicago (trái) trong buổi ra mắt triển lãm
Nguồn: The New Museum

Suốt thời gian đó, Chicago luôn đau đáu về đời sống của phụ nữ. Dấu ấn ấy đã rõ nét ngay từ những năm tháng đầu tiên trong sự nghiệp của Chicago. Một Chicago trẻ tuổi bị thu hút bởi những hình khối tối giản, sau đó tận dụng chúng để khơi dậy những chủ đề bị xem là cấm kỵ, kém “nghệ thuật.” Đây là cách bà đáp trả mạnh mẽ trước truyền thống nam quyền trải dài lịch sử nghệ thuật.

Bên cạnh đó, bà cùng Mary Beth Edelson, Carolee Schneeman, và Rachel Rosenthal, trở thành những nghệ sĩ tiên phong trong làn sóng nghệ thuật nữ quyền đầu tiên vào những năm 1970 tại Mỹ. Mục tiêu của họ là nêu cao tiếng nói nữ quyền trong sáng tạo nghệ thuật. Không chỉ dừng lại ở sáng tác, bà còn là một giảng viên nghệ thuật đầy tâm huyết. Khi đến dạy tại Fresno State College (nay là California State University, Fresno) vào năm 1970, bà đã thành lập Chương trình Nghệ thuật Nữ quyền. Đây là lần đầu tiên có một chương trình giảng dạy nghệ thuật tập trung vào phạm trù này ở Mỹ. Từ đây, nhiều tên tuổi như Karen LeCocq, Vanalyne Green, Faith Wilding bước ra.

Judy Chicago và Miriam Schapiro, hai người sáng lập dự án Womanhouse
Nguồn: Though the Flower Archives

Những năm tháng giảng dạy của Chicago tại Fresno được đúc kết thành dự án Womanhouse (diễn ra từ 30/1 đến 28/2/1972 tại 533 Mariposa Street, Hollywood, California). Các tác phẩm trong dự án này kết hợp giữa nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, và trang trí thủ công. Những hình thức thường được gắn mác “nữ tính,” “cảm tính,” hay “dễ dàng,” bị xem nhẹ so với các hình thức sáng tạo “nam tính” hay “bài bản” hơn như hội hoạ và điêu khắc. Gần nửa thế kỷ sau khi ra mắt, Womanhouse vẫn vẹn nguyên giá trị phản kháng trước những định kiến đó, thể hiện những suy niệm của người phụ nữ về cơ thể và đời sống gia đình một cách đầy mạnh mẽ và cuốn hút.

Tác phẩm Driving the World to Destruction (1988) trong triển lãm
Nguồn: The New Museum

Nằm ở tầng 3 của triển lãm, những thước phim nằm trong series Atmospheres (1968-1974) được Chicago quay tại vùng sa mạc bờ tây nước Mỹ thu hút đông đảo người xem. Với lần thể nghiệm này, bà mong muốn “nữ tính hoá” cảnh quan bằng chất liệu khói màu. Những làn khói ấy tuy rực rỡ, nhưng lại nhẹ nhàng ôm lấy những đường nét của cảnh quang xung quanh. Dù thường được xem là tác phẩm thuộc trào lưu Ánh sáng và Không gian(1), Atmospheres của Chicago khước từ những động thái “nam tính” có tính xâm lấn, phá hoại tự nhiên như trong tác phẩm của các đồng nghiệp nam. Trong trích đoạn Immolation, người mẫu ngồi cam chịu giữa bầu khói cam ôm lấy cơ thể mình. Hình ảnh ấy tạo ấn tượng về một buổi hiến tế, khiến người xem phải suy nghĩ về định kiến “hy sinh là phận sự của phụ nữ” xuất hiện xuyên suốt trong đời sống xã hội xưa nay.

Immolation (1972) nằm trong dự án Atmospheres. Người trong ảnh là Faith Wilding, học trò của Chicago ở Fresno.
Nguồn: Judy Chicago/Artists Rights Society (ARS), New York

Các tác phẩm của Judy Chicago thường to lớn, về cả chủ đề lẫn quy mô. Ngay trong Herstory, Chicago dường như mong muốn tạo ra một tác phẩm mới vượt qua tầm vóc của Dinner Party. Bà dành hẳn một tầng trong triển lãm của mình cho tác phẩm The City of Ladies. Đây là tác phẩm theo dạng “triển lãm trong triển lãm,” kết hợp tác phẩm của hơn 80 tác giả nữ khác nhau. Đây vừa là một lời cảm ơn đến những người tạo cảm hứng sáng tạo cho bà, vừa là cái bắt tay thân ái giữa các nữ nghệ sĩ cùng mục tiêu đấu tranh cho tiếng nói nữ giới trong nghệ thuật. Trên cao là tác phẩm The Female Divine (2020), gồm 21 bức trướng bằng nhung được thêu tay. Mỗi bức là một câu hỏi liên quan đến diễn ngôn nữ quyền được thể hiện qua nét bút đặc trưng của Chicago. Tác phẩm này từng được nhà mốt Dior sử dụng trong show thời trang của mình tại Paris vào năm 2021.

Một góc The City of Ladies (2023)
Nguồn: The New Museum

Tuy nhiên, Herstory cũng thể hiện những hạn chế nhất định trong tư tưởng nữ quyền thể hiện qua các sáng tác của Chicago. Dù chính bà từng khẳng định, “Nếu bạn mang Judy Chicago vào bảo tàng, nghĩa là bạn đang mang lịch sử nữ giới vào bảo tàng”(2). Các tác phẩm được giới thiệu hầu hết phản ánh đời sống của phụ nữ phương tây, cụ thể là phụ nữ da trắng. Chúng soi rọi nội tâm phức tạp của đối tượng này, nhưng dường như chưa thực sự đào sâu các yếu tố giao thoa với trải nghiệm nữ giới như tôn giáo, sắc tộc và văn hoá.

Dẫu vậy, Herstory vẫn đặc sắc khi đưa người xem qua những chặng đường nghệ thuật đầy thú vị của Judy Chicago. Hơn thế nữa, hành trình sáng tạo ấy còn phát đi thông điệp nữ quyền đầy mạnh mẽ, đặc biệt với giới nghệ thuật vốn do nam giới thống trị. Triển lãm Herstory vẫn đang mở cửa tại The New Museum (New York, Mỹ), kéo dài từ nay đến hết 4/1/2024.


(1) Ánh sáng và Không gian (Light and Space) là một trào lưu nghệ thuật đa thể loại bắt nguồn từ Nam California vào những năm 1960. Như tên gọi, đặc trưng của trào lưu này là tính tối giản và việc tận dụng các yếu tố cảnh quan như hình khối trong không gian và ánh sáng để tác động tri nhận của người xem.

(2) Nguyên văn: “If you bring Judy Chicago into the museum, you bring women’s history into the museum,” trích từ phần giới thiệu The City of Ladies, triển lãm Herstory, tầng 4, The New Museum.