Ivan Shenevsky: “Ở Nga, chúng tôi ‘viết’ một bức tranh”

Trong tiếng Nga, thay vì “vẽ” một bức tranh, nghệ sĩ vẫn thường gọi là “viết” một bức tranh, bởi đối với họ, viết là lấy đi một phần bên trong mình để gửi trao một phần giá trị. Hẳn cách nói ấy đã vận vào Ivan nên hành trình đến với nghệ thuật của anh cũng dài như hành trình rút tỉa bản thân, miệt mài tìm kiếm sự nguyên bản của chính mình.

Ivan Shenevsky sinh năm 1986 tại St Petersburg, Nga và đã đến lưu trú tại thành phố Hồ Chí Minh hơn tám năm. Càng chuyện trò, tôi nhận ra anh đã sống rất nhiều cuộc đời — thật khó để tóm lược chặng đường học thuật lẫn làm nghề của anh. Ivan kênh qua nhiều ngành học, từ học viện âm nhạc hay ngành Vật lý học ở Nga cho đến những ngày hí hoáy học vẽ ở Los Angeles, Mỹ. Lộ trình nghề nghiệp của anh cũng rất mực phong nhiêu, trải dài từ sáng tác âm nhạc cho đến thị trường chứng khoán, đạo diễn sản xuất, v.v.

Nhưng có một tuyến trục thống nhất trong hành trình của anh — anh luôn tìm mình, luôn sẵn sàng giã từ công việc khi lập lờ nhận ra cái tôi bản ngã sẽ chảy tan trong không gian nào đấy khuôn phép và ngột ngạt. Năm 2018, một thời gian ngắn sau khi anh sang Việt Nam định cư, COVID-19 ập đến. Những tháng dài cách ly xã hội đã cho Ivan một khoảng không thoáng đãng trong tâm trí – anh vẽ. Năm năm trôi qua, Ivan đã có triển lãm cá nhân đầu tiên để trưng bày đến công chúng Việt những tác phẩm trừu tượng biểu hiện của mình.

ÂM NHẠC VÀ HỘI HOẠ SONG HÀNH

Không ít người thảo bàn về tính nhạc trong các tác phẩm thị giác của anh. Những nét cọ, rảy màu phóng khoáng và hỗn loạn như đang va chạm lẫn nhau và phát tiết thành âm thanh. Anh có nghĩ hồn nhạc của mình vẫn luôn ở đó, bên trong anh?

Hẳn là thế, tôi đã sống với âm nhạc gần 27 năm. Âm nhạc là điểm chạm đầu tiên của tôi với nghệ thuật. Thừa nhận điều này quả có phần ngộ nghĩnh nhưng năm 11 tuổi, tôi đã dành dụm một số tiền để mua băng cassette đầu tiên trong đời, chính là đĩa Baby Girl với giai điệu “I’m a Baby Girl” quen thuộc. Tôi bỗng thích và theo đuổi âm nhạc từ dạo đó.

Từ bé, tôi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), nghĩa là tâm trí mình lửng lơ giữa hai thái cực — hoặc là cực kỳ tập trung, hoặc là cực kỳ xao nhãng. Chỉ có âm nhạc luôn len lỏi vào tâm trí và bắt trọn sự chú tâm của tôi. Từ đây, tôi theo học nhạc cổ điển tại một học viện ở Nga. Tôi còn khám phá thêm những thể loại khác như rock, rap metal và tham gia sáng tác chính cho một nhóm nhạc. Tôi nhớ những ngày làm nhạc và yêu mọi tác phẩm mình làm ra.

Ivan Shenevsky, “Whirlpool” (2023)

Nhiều người đặt nhạc cổ điển và nhạc Rock ở những trường cực phong cách khác nhau. Là một người đã kênh qua cả hai thể loại, anh có cảm nghĩ như thế nào?

Đừng phân cực nghệ thuật. Đối với tôi, nhạc cổ điển là một chỉnh thể tinh tế đến kỳ lạ, như một thế giới sâu xa được phác thảo bằng những giai điệu. Tôi đã dịch chuyển sang Rock và Rap vì tìm thấy ở đó những không gian phù hợp hơn để giải phóng nguồn năng lượng mạnh mẽ bên trong mình, nhưng vẫn luôn tìm về nhạc cổ điển như một nguồn cảm hứng bất tận. Hoặc chăng mỗi lần nghe Jazz, tôi luôn học được một điều gì đó mới.

Liệu đam mê âm nhạc có phải là bàn đạp đưa anh đến với nghệ thuật trừu tượng để khắc hoạ những cảm xúc phi biểu hình?

Một phần là thế. Nhưng phần còn lại, chính tôi cũng có một niềm đam mê sâu xa và trực tiếp với hội hoạ. Năm 14 tuổi, trong một lần ghé thăm bảo tàng Nga, tôi đã bị xúc động mạnh khi đứng trước bức Waterloo Bridge (1903) của Claude Monet. Tôi không thể rời mắt khỏi bức tranh, như thể một phần của mình đã bị hút vào sâu hoắm, một cảm xúc tôi chưa từng gặp lại. Đó chính là ấn tượng đầu tiên mà hội hoạ đã gieo vào lòng tôi. Mãi sau này khi sáng tạo, tôi vẫn khao khát khơi gợi cảm xúc này trong lòng người xem tranh.

Claude Monet, “Waterloo Bridge” (1903)

Thế nhưng phải đến khi định cư tại Việt Nam, tôi mới có nhiều thời gian để vẽ. Ban đầu, tôi thiên hướng vẽ chân dung và tả thực. Nhiều năm làm đạo diễn đã trang bị cho tôi cách nhìn “hoàn chỉnh” về Cái Đẹp. Tôi biết Cái Đẹp xảy đến trong trạng huống nào, với những quy luật nào và nên hiện diện như thế nào. Thế nhưng càng vẽ theo công thức, tôi càng đánh mất mình trong thế giới ấy. “Cái Đẹp” vốn dĩ nên được thưởng lãm bằng thị giác nay trở thành một dạng thức niêm luật ẩn ngầm trong trí não — tôi hiểu, nhưng không còn cảm xúc với nó.

Chính điều này đã thúc đẩy tôi tìm kiếm vẻ đẹp ẩn đằng sau những điều ngẫu nhiên, bất hoàn thiện. Trong đợt dịch COVID-19, tôi vẽ tranh trừu tượng như một cách chấp nhận bản thân hỗn loạn và xô xát. Khi vẽ, tôi đặt canvas lên sàn nhà và cho phép mình tự do di dịch trong một không gian mở. Mỗi cái vung tay, rảy cọ đều tự phát và nông nỗi, nhưng chúng kỳ thú như thể ta đương dạo chơi trong khu phố, ngẫu nhiên tung đồng xu để lao theo những ngã rẽ không ngờ. Không có đúng và sai, chỉ có sự nguyên bản và độc bản. Tôi chấp nhận chính mình.

Không có đúng và sai, chỉ có sự nguyên bản và độc bản.
Tôi chấp nhận chính mình.

Ivan Shenevsky, “Dancing with knives” (2023)

Và nghe nhạc vẫn là “nghi thức” của anh mỗi khi vẽ tranh chứ?

Quả là thế. Trước khi vẽ, tôi thường tự hỏi cảm xúc nào đang chế ngự mạnh mẽ trong lòng mình rồi chọn một danh sách nhạc phù hợp với cảm xúc ấy. Điều này có thể tốn đến một, hai giờ, nhưng chịu thôi, âm nhạc đẩy tôi vào trạng thái của ý thức. Tôi biết có những người tập trung làm việc và để âm nhạc trôi bên tai. Trái lại, tôi nghe nhạc ở tâm thế chủ động. Từng nốt nhạc, âm chữ sẽ đưa lối cho những thử nghiệm mới, làm vun bồi ý tưởng nguyên thủy. Đó là cách tôi hoàn tất bức tranh.

Ivan Shenevsky, “Golden Whispers” (2023)

Tôi đã nghe anh nhắc đến ADHD, bỗng cảm thấy đây có thể là một điều gì tích cực nếu ta nhìn nhận chứng bệnh này như một chỉ dấu để tâm trí anh giao hoà với âm nhạc và nghệ thuật?

Tôi không nhìn ADHD qua lăng kính tiêu cực hay tích cực — đó là một mảnh ghép của tôi, chỉ vậy thôi. Nhưng tôi vẫn thi thoảng nhắc đến nó với mong muốn các thế hệ sau có thể học được một điều gì đó. Tôi mong những phụ huynh có con được chẩn đoán ADHD sẽ mềm mỏng, kiên nhẫn hơn và tôn trọng sở thích của con cái mình, vì chỉ ở trong thế giới đó, đứa trẻ mới hoàn toàn tập trung và chìm đắm thật sự.

TIẾP NHẬN NGHỆ THUẬT CŨNG CẦN SỰ RIÊNG TƯ

Đâu là tác phẩm yêu thích nhất của anh trong triển lãm lần này?

Monument of Sorrow (Tạm dịch: Tượng đài sợ hãi). Thử nhìn từ trên xuống dưới tác phẩm, bạn sẽ thấy sự dịch chuyển rõ nét từ phong cách Graffiti Art hơi hướng đường phố cho đến thiên hướng trừu tượng tăng dần khi hạ xuôi tầm mắt, sự hoà trộn này khiến tôi hứng thú. Tôi cũng thích lớp xi-măng mình đã lót ở bên dưới lớp sơn acrylic. Tôi mê mẩn cảm giác xi-măng trĩu nặng trong lòng bàn tay — nó toả ra một nguồn năng lượng âm tính, lạnh buốt.

Mặt khác, có một câu chuyện thú vị đã xảy đến với bức tranh. Chính xác là những vệt màu xanh lá mạ ở nửa dưới tác phẩm — chỉ phút chốc sau khi hoạ màu xanh này, tôi nhận ra nó đang lệch khỏi quỹ đạo dự tính. Nhưng thay vì trách cứ bản thân, tôi đã tìm cách sử dụng những màu sắc khác để dung hoà thiếu khuyết. Không có điều gì là hoàn hảo.

Ivan Shenevsky, “Monument of Sorrow” (2024)

Những tác phẩm của anh trải dài từ cảm xúc hãi sợ cho đến cô đơn, tất cả đã mơ hồ từ phút ban đầu. Đặt tên tác phẩm trừu tượng có khó lắm không?

Ngẫu nhiên thôi, đôi khi tôi nghĩ đến một vài từ khoá, nhưng cũng có lúc vô ngôn. Như khi vẽ Seaside, tôi không thật sự nghĩ đến một bãi biển nào. Thế mà ca khúc Seaside (The Kooks) bất ngờ vang lên đúng trong giây phút tôi hoàn tất tác phẩm. Thế là tôi chọn nó làm cái tên.

Nhưng cái tên thực chất chỉ là những ám gợi mà thôi, không nhất thiết phải là một bãi biển cụ thể. Một đôi tình nhân cùng đi dạo trên bờ biển và những âm thanh vỗ sóng vọng về trong tâm thức, đó là Seaside của tôi — một chuyện tình buồn. Người thưởng lãm cũng thế, Seaside thuộc về mảnh ký ức của riêng họ.

Tiếp nhận nghệ thuật cũng cần sự riêng tư.

Ivan Shenevsky, “Seaside” (2024)

Gần đây, hiện diện trong các tác phẩm của anh dần có thêm những gánh nặng kim tiền, vật chất. Liệu sáng tác của anh có đang dần dịch chuyển sang các chủ đề chính trị-xã hội?

Tôi không cố tình gán ép sáng tác của mình vào một quang cảnh chính trị-xã hội nào. Với tôi, nghệ thuật đích thực không đứng về phe chính trị, càng không nhất thiết phải hàm chứa những tư tưởng cao viễn. Thay vào đó, tôi vẽ những gì mình quan sát. Nhận thấy mọi người ngày càng bị ám ảnh bởi đời sống vật chất, tôi đã thực hiện tác phẩm Printing the money (Tạm dịch: In tiền) như một chủ thể kích thích phản tư.

Để thực hiện tác phẩm, tôi xử lý lớp canvas trước tiên bằng sắc đen và những tiểu tiết được đan cài. Sau đó, tôi cắt chữ “Money” trên giấy nến, sơn trắng miếng giấy và in dấu nó lên canvas. Thao tác này được lặp lại nhiều lần, ám chỉ hành động “in tiền” hàng loạt của xã hội đương thời. Thú vị ở chỗ, chữ “Money” đã thu hút sự tập trung của rất nhiều người – họ không còn thấy những tiểu tiết nhỏ tôi đã thêm thắt trên lớp canvas đen. Liệu tôi có thể xem đây là ẩn dụ cho một thực trạng đương thời?

Tác phẩm “Printing the money” (2024) (ngoài cùng, góc phải) cùng các tác phẩm khác trong triển lãm Định Mức Chú Ý tại Ô Art Bar

Cảm xúc và quan sát của chúng ta sẽ liên tục biến thiên, xoay chuyển. Vậy anh hình dung nghệ thuật của mình trong những năm tới sẽ như thế nào?

Có lẽ vẫn là trừu tượng, nhưng tôi muốn khám phá thêm nhiều chất liệu và phương tiện sáng tạo khác để tìm ra ngôn ngữ hội hoạ của mình. Tôi đang nghĩ sẽ phối hợp sơn epoxy và sơn dầu để vẽ. Không rõ mọi thứ sẽ đi đến đâu nhưng tôi không ngại sai lầm. Chỉ cần ta bắt đầu làm một điều gì đó. 

Trong tiếng Nga, thay vì “vẽ” /нарисовать/, chúng tôi thường gọi là “viết” (một bức tranh) /написать/. Với chúng tôi, “viết” nghĩa là rút tỉa một điều gì đó từ bản thân, mang chiều sâu và cảm thụ cá nhân để gửi gắm vào tác phẩm. Mọi phong cách mà tôi thử nghiệm đều mang ký ức cá nhân và là nguyên bản của chính tôi.

Ivan Shenevsky, “Transcendent Melody” (2023)

Cảm ơn anh vì một cuộc trò chuyện thú vị. Chúc anh luôn nhiều sức khoẻ và năng lượng để viết tiếp hành trình hội hoạ của mình.