“Hương sắc Mỹ thuật Việt Nam”: Vẻ đẹp Việt Nam từ hội họa Đông Dương

Trong khuôn khổ triển lãm Hương sắc Mỹ Thuật Việt Nam, IDECAF và The World Artspace hân hạnh giới thiệu với các bạn bộ sưu tập gồm 31 tác phẩm nghệ thuật, thấm đẫm tinh thần mỹ thuật Đông Dương.

Ba cô gái lễ chùa, Nguyễn Văn Trung

Trên bình diện mỹ thuật thế giới, hội họa Việt Nam tựa như một dòng chảy riêng biệt. Từ khi “cái nôi” – trường Mỹ thuật Đông Dương mới thành lập cho đến nay, sắc thái hội họa Việt vẫn là một phong cách khác biệt, chẳng thể lẫn lộn với bất kỳ nền văn minh nào dù cho chúng ta đã trải qua hơn một nghìn năm đô hộ bởi văn hóa Trung Quốc và một trăm năm Pháp thuộc.

Khi mới ra đời, trường Mỹ thuật Đông Dương đã thổi một luồng gió mới vào đời sống văn hóa Việt Nam. Đây là một công trình sáng tạo thuần tuý đến từ phương Tây nhưng vẫn dung hoà hai tư tưởng Á Âu, được thành lập bởi Victor Tardieu và Nguyễn Nam Sơn, lấy cảm hứng từ mô hình của các trường mỹ thuật đã hiện diện.

Thiếu nữ vườn xuân, Nguyễn Gia Trí

Với mục tiêu đào tạo các nghệ sĩ chứ không phải thợ thủ công, Trường Mỹ thuật Đông Dương không lặp lại đơn giản của các trường Mỹ thuật tại Paris, mà như lời của nhà nghiên cứu Đào Duy Anh trong Việt Nam văn hóa sử cương, “tôn chỉ của trường là dung hợp tự nhiên với truyền thống, khiến học sinh phải quan sát và biểu diễn tự nhiên theo những nguyên tắc mỹ học phổ thông của loài người, và phát triển những tinh thần đặc biệt của nghệ thuật Việt Nam và đông phương, khiến học sinh lãnh hội cái đẹp của nghệ thuật xưa và hiểu rằng nó vốn có quan hệ mật thiết với mình”.

Bên suối, Đặng Quý Khoa

Tọa đàm – Triển lãm Hương sắc Mỹ thuật Việt Nam

Triển lãm “Hương sắc Mỹ thuật Việt Nam”, IDECAF và The World Artspace hân hạnh giới thiệu với các bạn bộ sưu tập gồm 50 tác phẩm mà trong số ấy là 21 bức sơn mài và 05 tranh lụa. Đây là các tác phẩm của những tác giả mang đậm “phong cách Trường Mỹ thuật Đông Dương” như: Nguyễn Văn Trung với Ba cô gái lễ chùa, Bốn chị em, Tắm cho em, Tre vàng; Thành Lễ với Cổng chùa Bình Dương, Cây chuối; Nguyễn Khắc Vinh với Phong cảnh Tây Bắc 01, Phong cảnh Tây Bắc 02, Chợ cá; Đặng Mạnh Hùng với Mùa len trâu; Đỗ Mạnh Cường với Thiếu nữ và chim hòa bình; Đặng Quý Khoa với Mèo, Bên suối; Đặng Quý Khoa với Cổng chùa Kim Liên, Đi lễ chùa Hương, Côn Sơn; Lê Vinh với Cô gái dân tộc; Ưng Mộng; Phi Lộc với Phiên chợ; H. ANAM với Lăng ông bà Chiểu; Nguyễn Cao Thương với Đồi cây, Rừng cao su; Nguyễn Văn Rô với Hoa sen.

Cảnh Tây Bắc, Nguyễn Khắc Vinh

Mặc dù các tác phẩm chưa hẳn là tiêu biểu, nhưng với sự cầu tiến, ban tổ chức thực hành theo phương châm “Hãy bắt đầu bằng sự bắt đầu” (Il faut commencer par le commencement), vì nếu ngần ngại, chúng ta sẽ mãi dừng lại ở sự chuẩn bị tràn đầy nghi vấn.

Tất cả các tác phẩm đều thấm đẫm hương sắc Việt Nam. Chúng ta cùng diễn giả Ngô Kim Khôi tiến vào cuộc hành trình sắc màu, bước vào vườn hoa mỹ thuật để thưởng ngắm những đóa hoa hội họa đã vì các bạn mà tỏa hương…

Lăng ông bà Chiểu, H.ANAM

Đôi nét về diễn giả

Ngô Kim Khôi là nhà nghiên cứu nghệ thuật. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, con gái thứ ba của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn – người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Ông Ngô Kim Khôi định cư tại Pháp từ 1985 với chuyên môn về tạo mẫu thời trang. Ông từng làm việc cho các thương hiệu Christian Dior, Hermès, Givenchy, Scherrer, Balenciaga.

Ngoài ra, với tư cách chuyên gia về lịch sử hội họa Việt Nam, ông đã cộng tác với Tòa Thị chính Paris, Bảo tàng Cernuschi Paris, Viện Hàn lâm hải ngoại Pháp. Ông là tác giả cuốn “Thang Trần Phềnh” (Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2018) và là giáo sư môn Thái cực quyền.

Diễn giả, Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Ngô Kim Ngô

Triển lãm “Hương sắc Mỹ Thuật Việt Nam”:

  • Thời gian: từ ngày 14/04 đến ngày 22/02/2023
  • Địa điểm: IDÉCAF – Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp, 31 Thái Văn Lung, P. Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM