Xuyên suốt hội thảo, nói về vấn đề khán giả và xây dựng cộng đồng khán giả, ta có thể thấy những lập trường khác nhau trong thực hành giám tuyển của mỗi tham luận viên. Trước hết, nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai quan niệm rằng khán giả là vô cùng quan trọng, thế nhưng thật khó để thu hút khán giả và chính cô, dù đã dày dặn kinh nghiệm về sáng tác – giảng dạy – quản lý không gian cộng đồng cũng không biết làm thế nào. Anh Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc nghệ thuật Heritage Space lại cho rằng vấn đề khán giả nằm ngoài tầm với của thực hành giám tuyển, đặt trong bối cảnh cơ sở hạ tầng giáo dục trong nước chưa phát triển về văn hoá thị giác hay phê bình mỹ thuật.
Còn với nghệ sĩ Xuân Hạ – người sáng lập A Sông và Chaosdowntown, cô thực hành giám tuyển như một hoạt động mưu cầu cá nhân và không có nhu cầu kết nối với một cộng đồng khán giả rộng hơn cộng đồng của cô. Cuối cùng, dịch giả Dương Mạnh Hùng quan niệm việc dịch cũng như công việc giám tuyển là một sự trôi chảy thành dòng Mekong từ bờ bên này sang bờ bên kia, đi giữa khán giả và nghệ sĩ, và rằng anh không thể ưu tiên bên nào hơn bên nào – tất cả là một sự thương thảo. Anh cũng cho rằng để sáng tạo ra những từ ngữ mới bổ khuyết cho hệ từ vựng tiếng Việt trong mỹ thuật, mỹ học, ta không thể lo lắng về khán giả đại chúng bởi khi ấy, ta sẽ không “dám” sáng tạo.
Qua nhiều tranh luận và phản biện xoáy sâu vào chủ đề khán giả, giám tuyển Trần Lương đã quyết liệt lên tiếng: chúng ta phải nhớ chúng ta là người Việt khi nói về khán giả; ta có thể phác nên hằng hà sa số các chân dung khán giả rất khác nhau – những đầu tiếp nhận đôi khi đối nghịch, tương ứng với đầu ra đa hình đa dạng của các giám tuyển đa nhiệm (vừa là tác giả, vừa là sử gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà kinh doanh, nhà sưu tập,…).
Nhìn nhận khán giả như một chủ thể chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng với hội thảo lần này, ta có thể thấy như sau: Một, đúng là về mặt thực tiễn, dẫu có nhiều khán giả ta có thể hướng đến, thế nhưng với nguồn lực hạn chế hiện tại, có lẽ một chiến lược khôn ngoan hơn sẽ là ưu tiên những tệp khán giả nhất định đối với những loại hình tổ chức khác nhau ở các giai đoạn khác nhau. Thứ hai, xuyên suốt hội thảo là phản ứng có phần dữ dội của khán giả trong sự “không hiểu” về vai trò rộng đến mức trừu tượng của giám tuyển, thể hiện rằng có một nhu cầu về cầu nối giữa nghệ thuật và đại chúng rất rõ ràng, nhưng vẫn chưa được đáp ứng.
Thứ ba, trong khán phòng, không khó để nhận thấy rằng ý kiến của người trong cuộc/người trong ngành có xu hướng áp đảo các cuộc đối thoại – phản biện. Đôi khi cao hứng, người tham gia phản biện đã tạm quên sự có mặt của khán giả đại chúng và sa đà vào lịch sử hành nghề cùng những câu chuyện mà chỉ người trong ngành mới tường tận. Điều này phần nào gây khó khăn cho khán giả đại chúng trong quá trình tham gia đối thoại, phản biện. Do đó, bản thân hội thảo cần định vị rõ ràng hơn về đối tượng tiếp nhận/tham gia thảo luận, cũng như “đầu ra” của nghệ thuật, từ đó tránh bỡ ngỡ trước những đóng góp của khán giả đại chúng, đặc biệt là khi tham gia hội thảo có cả những bạn học sinh, sinh viên đang trong quá trình hình thành suy niệm về ngành. Khán giả là ai? Ở đâu? Làm sao để kết nối và mời gọi họ? Đây chính là những câu hỏi mà ban tổ chức cần phải tháo gỡ tiền hội thảo, cho phép các điều phối viên “mạnh tay” hơn trong quá trình điều phối tham luận – nếu ban tổ chức mong muốn củng cố một sự hiểu rõ nét về ngành giám tuyển cho cộng đồng người Việt rộng khắp.
Dẫu ta có thể nhìn đây là một hạn chế, người viết lại tin rằng đối với ngành giám tuyển hãy còn mới ở Việt Nam, đương cố gắng khám phá hết toàn bộ tiềm năng của mình, sự dàn trải, trừu tượng trong đầu ra của ngành có lẽ là phù hợp, thậm chí là cần thiết trong giai đoạn này. Sự đa hình đa dạng hay thậm chí là sự mơ hồ về chân dung của khán giả cũng phản ánh những mối tương quan chồng lớp, phức tạp của nền nghệ thuật Việt Nam trong hai thập kỷ qua như là: sự thương lượng giữa hệ thống tư nhân – công lập, cách khán giả/nhà sưu tầm nước ngoài vẫn đương chiếm ưu thế trong một thị trường mà người sáng tác luôn đau đáu với văn hoá địa phương, cũng như các hạn chế về giáo dục phần nào dẫn đến sự thờ ơ, hời hợt của cộng đồng trong nước trước văn hoá triển lãm, làm cho các không gian – giám tuyển phần nào lao đao trong việc xây dựng cộng đồng cho mình, hay là việc ngôn ngữ chính cho lịch sử nghệ thuật dường vẫn luôn là Tiếng Anh học thuật.
Kết lại, như đã đề rõ trong kỳ 1 với tinh thần “vượt thoát những định nghĩa về nghề”, nỗ lực định nghĩa bằng tiềm năng thay vì giới hạn, người viết mong rằng khi đối diện với câu hỏi về đầu ra – khán giả – vai trò của giám tuyển như cầu nối, người đọc sẽ tri nhận được những tiềm năng ẩn náu trong các nhu cầu chưa được đáp ứng của khán giả cũng như tin vào sự tinh gọn về sau khi chuyên ngành dần hoàn thiện, thay vì xem đây là một lỗ hổng ta cần phê phán trong quá trình truy xét về thực hành giám tuyển. Người viết tin rằng lập trường này cũng đồng vọng tinh thần của một thế hệ đang nỗ lực kiến thiết nền tảng đối thoại cho những thế hệ trẻ hơn, ví như Cuộc thi viết “Em là búp măng non, em lớn lên có ngành giám tuyển” do Á Space khởi xướng. Trong một thị trường nghệ thuật đương đại chỉ mới vừa thành hình và sôi nổi từ những năm 2000, sự dung dưỡng, cổ vũ, hợp tác, sẵn sàng nhận những câu trả lời sai, sửa sai, rồi đặt tiếp những câu hỏi “khó nhằn” là vô cùng cần thiết.
Và dù sao vẫn còn quá sớm để khung bế, giới hạn chuyên ngành cũng như cộng đồng nghệ thuật vào một dạng thù cụ thể bởi lẽ đây chỉ mới là hội thảo đầu tiên của ta.
Người viết: An Tử