Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển Lần Thứ nhất – Kỳ 3: Tính nghệ sĩ, sáng tạo trong thực hành “viết” giám tuyển

Thông qua Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển Lần Thứ nhất, có thể thấy rằng thực hành giám tuyển không chỉ đơn thuần là một hoạt động giáo dục, truyền tải cơ học mà còn là một hoạt động đầy tính nghệ sĩ với dấu ấn cá nhân rõ nét của các giám tuyển trong sự chơi đùa thi vị với ngôn ngữ và sự thương thảo với giới hạn.

Khác với thuật ngữ “curate” trong Tiếng Anh vốn được dùng để bàn về những hoạt động có tính tuyển lựa, tổng hợp trong đời sống thường ngày, thuật ngữ “giám tuyển” do giám tuyển Như Huy sáng tạo được sinh ra trong lòng nghệ thuật đương đại Việt Nam để đáp ứng mưu cầu chuyên biệt trong lĩnh vực nghệ thuật. Cũng vì thế, tính nghệ sĩ và sáng tạo cá nhân được biểu hiện rất đậm nét trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong việc viết, diễn dịch triển lãm và hoạt động nghệ thuật của các giám tuyển tham gia tham luận.

Về những nghệ sĩ thực hành giám tuyển song song

Trong cái nhìn sơ khởi, ta có thể thấy có rất nhiều giám tuyển tham gia tham luận cũng là các nghệ sĩ thị giác bao gồm: nghệ sĩ Nguyễn Huy An, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Thành, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai, nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế, nghệ sĩ Vũ Đức Toàn, và nghệ sĩ Xuân Hạ. Sự đảm đương cùng lúc 2 trách nhiệm nghệ sĩ và giám tuyển là một thực hành đương đại bắt nguồn từ những năm 1960 trong các trào lưu nghệ thuật của New York. Ở Việt Nam, sự xuất hiện của xu hướng tương tự phần nào thể hiện được độ mới mẻ của nền nghệ thuật nước nhà cũng như của khái niệm giám tuyển.

Nghệ sĩ Trần Hậu Yên Thế, điều phối viên của Chuyên đề 1: “Phả hệ thuật ngữ ‘curator’ tại Việt Nam qua các thời kỳ và quan niệm về công việc giám tuyển”

Đối với bản thân nghệ sĩ, danh tính và cảm quan thẩm mỹ của họ đã trở thành những công cụ để giám tuyển nên các cộng đồng thực hành và chuyên môn tại địa phương, góp phần quan trọng trong quá trình định hình cộng đồng nghệ thuật đương đại Việt Nam. Ở một môi trường nghệ thuật vốn nhỏ, thân mật, nơi mà các hoạt động, tác phẩm nghệ thuật vị xã hội như chiếu phim Vườn Lài, chuỗi dự án Queer Forever, “Để chị rửa chén cho”, cái mỏ chim bói cá,… vẫn còn nhiều sức ảnh hưởng, tiềm năng kết nối của nghệ sĩ cũng như thực hành sáng tác của họ đã phát huy và được thể hiện qua các không gian nghệ thuật tập thể nổi bật trong thời gian qua bao gồm: Mơ Đơ, A Sông, Chaosdowntown, CAB Hoian, The Run Theatre,… tất cả đều do các nghệ sĩ sáng lập/giám tuyển mà thành.

Tham luận viên Vân Đỗ và tham luận “White Noise: Một đề xuất về sự nhìn”
Chuyên đề 3: “Tính tác giả trong công tác giám tuyển” với sự tham gia của các tham luận viên Nguyễn Quốc Thành, Nguyễn Huy An, Vân Đỗ và điều phối viên Linh Lê

Khi câu từ phác nên chân dung giám tuyển

Trái ngược với niềm tin của tôi về việc viết trong thực hành giám tuyển rằng văn bản giám tuyển cũng như dịch thuật tiêu chuẩn nên truyền tải một cách tinh gọn, rõ ràng, cơ học và không có cái tôi của nghệ sĩ khi theo học chuyên ngành Nghiên cứu nghệ thuật tại một Đại học Mỹ; việc viết và dịch thuật thông qua chia sẻ của tham luận viên dường đều có phần hướng vào bên trong, sáng tạo, nghệ sĩ, lãng mạn, nhằm mục đích là khơi gợi ngữ nghĩa, cách nhìn, cách cảm nhận thay vì ấn định lối hiểu. Điều này làm tôi cảm thấy bất ngờ và hứng thú.

Theo lối viết này, văn bản giám tuyển không chỉ dừng ở mức cung cấp thông tin về tác giả – tác phẩm mà còn thể hiện diễn giải, chân dung của giám tuyển với những mưu cầu, mối quan tâm, thách thức trong thực hành của họ.

Bắt đầu với Ngô Thanh, lấy cảm hứng từ Jacques Rancière, với cương vị là một “người văn viết phim”, cô luôn thương thảo giữa những lệch pha, gián đoạn của ngữ nghĩa, chuyển dịch, và rong chơi cùng ngôn ngữ. Sự lệch pha đó cho phép cô mường tượng, tái phân phối điều tri nhận được khi cảm quan đối diện với tác phẩm thành những diễn giải sáng tạo. Quá trình này của Ngô Thanh đã trở thành tinh thần cho chuỗi bài nói về việc viết trong giám tuyển khi các tham luận viên khẳng định nhiều lần rằng viết là một kênh sáng tạo dồi dào, đậm tính cá nhân kể cả trong bối cảnh giám tuyển.

Tham luận viên Ngô Thanh với tham luận “Viết và hoạt động ‘phân phối cảm quan'”

Với giám tuyển Linh Lê, khi đối diện với những tác phẩm dường không dính dáng gì đến nhau cùng những yêu cầu thực tiễn có phần kì quặc với cô tại Galerie Quynh, cô đã trích dẫn văn chương hình tượng Phòng Đoán – một cơ quan mà các phòng ban hoạt động độc lập với nhau, không biết về nhau – để tạo nghĩa cho chuỗi tác phẩm này trong quỹ thời gian hạn hẹp. Trích dẫn hồ chăng cũng là một cách để tâm sự với khán giả về sự bối rối của mình.

Tham luận viên Linh Lê với tham luận “Hành động viết có tính trích dẫn trong giám tuyển”

Với dịch giả – giám tuyển Dương Mạnh Hùng, anh nhấn mạnh việc dịch như lối tạo nghĩa cần thiết trong giám tuyển và đưa ra những hình thái khác của việc dịch, không chỉ dừng ở mức độ thông dịch từ tiếng này sang tiếng khác hay hình thức chữ viết – lời nói. Với ví dụ thứ nhất, trong tác phẩm Có con kiến trong ca nước của tôi của nghệ sĩ Xuân Hạ, anh cho rằng ngữ nghĩa đã được chuyển dịch/viết ra thành trải nghiệm không gian là một mê cung trong chung cư nhỏ, trong đó người xem có thể leo trèo, mơ màng, mò mẫm, từ đó khơi gợi những góc nhìn tự do hơn về ý niệm tác phẩm âu vẫn bám theo dụng ý của nghệ sĩ.

Bên cạnh đó, với trích dẫn từ vựng tập của triển lãm Tạp âm trắng của giám tuyển Vân Đỗ nơi ngữ nghĩa được chuyển dịch thông qua những tiểu tự sự về giám tuyển, nghệ sĩ cũng như quá trình thực hiện triển lãm; cũng như là vựng tập triển lãm Khu vườn lạc hướng… Hơi thở chiêm bao bởi nghệ sĩ Trương Công Tùng khi việc giải/tạo nghĩa đã không chỉ có một “giọng” cố định mà luôn chuyển đổi qua nhiều người viết – khi thì là văn xuôi, khi thì là dịch thơ; anh cho thấy những đường hướng khác trong việc dịch như một hoạt động cộng đồng, một suối nguồn dồi dào của diễn giải sáng tạo.

Chuyên đề 4: “Viết như một chiến lược giám tuyển” với sự tham gia của các tham luận viên Ngô Thanh, Dương Mạnh Hùng, Linh Lê và điều phối viên Châu Hoàng

Chưa hết, tính sáng tạo còn được thể hiện trong sự thay hình đổi dạng của việc “viết” sử trong thực hành giám tuyển của Bill Nguyễn, Lê Thuận Uyên, và Tiến sĩ Vũ Thị Hà. Với Bill Nguyễn và Lê Thuận Uyên, việc lịch sử nghệ thuật đương đại và lịch sử Việt Nam thường chịu áp lực từ những quy tắc của các trần thuật chính thống không phải là một kiểu giới hạn, mà ngược lại, những quy tắc trên gợi nên những cách viết sử, bóc tách nghệ thuật ngoại biên, mở ra nhiều lối trình hiện đặc biệt dẫn đến những cách đọc sử, ghi sử khác. Giới hạn với họ chính là tiền đề cho sáng tạo.

Một ví dụ của cả hai là dự án Tinh thần bằng hữu tại The Factory nhằm lưu trữ, trưng bày thông tin về các nghệ sĩ và cách sự kết nối cộng đồng đã giúp thúc đẩy sáng tác của họ qua đó phác nên bức tranh lớn hơn về tiến trình phát triển của nghệ thuật thể nghiệm ở Việt Nam từ năm 1975. Tinh thần bằng hữu có hình thức là “một triển lãm mở đề” vừa là bản đồ khái quát, vừa là ghi chép lịch sử nghệ thuật nhưng vẫn chừa đủ những khoảng mở để người xem có thể tự diễn giải, cấu thành nên những trần thuật riêng biệt. Trưng bày này, qua hình thức cùng ý niệm thân thiện hơn với các giới hạn trần thuật chính thống, là một cách sáng tạo khéo léo để bổ khuyết vào những khoảng thiếu của các mạch chủ lưu lịch sử, gìn giữ di sản sáng tác trong bối cảnh hệ thống lưu trữ, cơ sở dữ liệu vẫn còn nhiều giới hạn.

Tham luận viên Bill Nguyễn với tham luận “Ở những điểm lệch, ta gặp nhau”

Còn với phần tham luận của Tiến sĩ Vũ Thị Hà về trải nghiệm tạo dựng trưng bày Sống trong bí tích – Văn hoá Công giáo đương đại ở Bảo Tàng Dân Tộc Học, sự sáng tạo, linh hoạt tiềm ẩn trong những thương thảo giữa các giám tuyển của bảo tàng trực thuộc nhà nước với quan niệm địa phương. Từ đó, đội ngũ giám tuyển cùng người dân đồng kiến tạo nên những cách trưng bày, lựa chọn mẫu vật, mạch dẫn truyện của một triển lãm theo những đường hướng không ngờ cho một trưng bày đã trở thành hiện tượng văn hoá lúc bấy giờ.

Từ trái sang phải: Lê Thuận Uyên, Vũ Thị Hà và Bill Nguyễn trong Chuyên đề 5: “Triển lãm như một địa bàn viết sử”

Kết lại, hội thảo chuyên đề giám tuyển lần thứ nhất đã tái hình dung việc viết như một hoạt động sáng tạo có tính cơi nới đường biên, nơi ý kiến cộng đồng cùng tư lự cá thể đồng hiện qua lối viết – nói thi vị, những lựa chọn, trăn trở, đam mê của bản thân giám tuyển. Như vậy, họ mở ra những tiềm năng và thẩm mỹ đặc biệt của việc viết gắn liền với văn hoá hay hệ thống địa phương trong cách tiếp cận các tư liệu giám tuyển cũng như là tác phẩm cho khán giả.

Người viết: An Tử